22 Feb 2017
Nhân quyền đã trở thành một trong những đối tượng chủ
yếu và quan trọng trong ngành luật quốc tế. Đây là một sự thật không thể chối
cãi.
Kể từ khi Hiến chương Liên Hiệp Quốc ra đời năm
1946, cho đến sự hình thành và hoàn thiện của hàng loạt các văn bản chi tiết bảo
vệ quyền con người, mà tâm điểm là Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và chính trị
1966 và Công ước Quốc tế về Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cùng năm; chúng ta
thấy được rằng Nhân quyền, dù còn nhiều tranh cãi, đã và đang được bảo vệ một
cách đáng trân trọng.
Những quốc gia có “tiền án” bướng bỉnh về nhân quyền
buộc trở thành thành viên của những Công ước về nhân quyền. Những quốc gia
“chày cối” rằng họ không vi phạm nhân quyền, thường biện minh là hành vi của
mình phù hợp với pháp luật quốc tế, hơn là phủ nhận sự tồn tại của một quyền
con người nào đó.
Những điều kể trên cho chúng ta một tương lai khá lạc
quan về sự phổ biến rộng rãi của Luật Nhân quyền nói riêng và nhân quyền nói
chung trong tương lai.
Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn chưa đủ để các nhà khoa học
xã hội và khoa học pháp lý hài lòng. Còn rất nhiều tranh cãi xem liệu rằng khái
niệm “Nhân quyền” này đến từ đâu?
Đây là câu hỏi cực kỳ quan trọng, bởi chúng quyết định
pháp luật quốc tế và pháp luật nội địa nên đối xử với luật nhân quyền ra sao.
Liệu pháp luật quốc tế và các nhóm đấu tranh nhân quyền có thể chấp nhận sự
khác biệt của từng quốc gia tùy hoàn cảnh kinh tế xã hội đối với các nhóm quyền
nhất định hay không?
Hay các quốc gia cựu thuộc địa, các sắc tộc thiểu số
trải qua thời kỳ bị diệt chủng bởi các nhóm chinh phạt có thể sử dụng chuẩn mực
nhân quyền hiện đại để yêu cầu hậu nhân của những quốc gia gây thiệt hại bồi
thường hay không? Một nghiên cứu kỹ càng về khái niệm Nhân quyền sẽ là tôn
chỉ cho nhiều đối thoại lịch sử sau này. Hãy cùng xem xét hai quan điểm sau
đây.
Quan
điểm thứ nhất:
Nhân
quyền là giá trị chính trị được lựa chọn bởi những xã hội cấp tiến
Các triết gia và học giả pháp luật đã dành thời gian
tranh cãi về cách tiếp cận này suốt vài thế kỷ trở lại đây. Cho đến nay, luận
điểm này vẫn được nhiều quốc gia trốn tránh nghĩa vụ nhân quyền quốc gia và quốc
tế áp dụng – thường được biết đến với hai học thuyết Chủ nghĩa “Tương đối Văn
hóa” (“Cultural Relativism”) [1] và Chủ nghĩa Kiến tạo Xã hội (“Social
Constructionism”).
Chủ nghĩa Tương đối Văn hóa cho rằng cần phải xem
xét niềm tin, giá trị và các hoạt động của một xã hội từ góc nhìn của chính nền
tảng văn hóa xã hội đó, mà không thể từ một góc nhìn của một xã hội khác. Trong
khi đó, Chủ nghĩa Kiến tạo xã hội khẳng định các niềm tin, giá trị xã hội được
chủ động và bị động tạo ra bởi con người, không phải tự nhiên sẵn có.
Dù rất thân phương Tây, Lý Quang Diệu luôn là người cổ xuý cho các “giá
trị châu Á” với những khác biệt văn hoá so với phương Tây và do đó dẫn đến khác
biệt về thể chế, trong đó có vấn đề nhân quyền. Ảnh: Business Times.
Với cách tiếp cận của hai chủ nghĩa, những giá trị nền
tảng của xã hội loài người ngày nay đơn thuần chỉ do chúng ta tự lựa chọn lấy,
và mỗi xã hội thì có một nhóm chuẩn mực khác nhau, không thể dùng tiêu chuẩn
chung đánh giá.
Thời điểm quan trọng cho quá trình đối thoại học thuật
của cách tiếp cận “chính trị” này là vào năm 1955 với bài viết gây tranh cãi
“Có quyền tự nhiên hay không?” (Are there any natural rights?”) của nhà triết học
và luật gia hàng đầu người Anh Herbert Lionel Adolphus Hart (H.L.A.Hart).
Trong bài viết này, giáo sư Hart lập luận rằng thứ gọi
là “quyền tự nhiên” (ngày nay chúng ta quen thuộc với tên gọi Quyền con người),
là phát kiến của Kỷ Khai sáng Châu Âu – một sản phẩm của kiến tạo xã hội không
hơn không kém. Quan điểm này kế thừa từ một luật gia theo chủ nghĩa thực chứng
thế kỷ 19 – tác gia John Austin – trong tác phẩm có sức ảnh hưởng sâu đậm của
ông với luật học thế giới, “Giảng giải Luật học” (“Lecture on Jurisprudence”).
Diễn giải theo Hart và Austin, thứ gọi là quyền con
người chỉ đơn thuần được sáng tạo bởi Locke, Hobbes, Rousseau và Kant… Sau đó,
chúng được các xã hội cấp tiến tiếp nhận như giá trị nền tảng của mình.
Vì vậy, nếu trong tương lai, một xã hội nào đó cho rằng
đường truyền tốc độ cao hay dịch vụ nhà ở miễn phí phải là quyền con người cơ bản;
những đặc quyền này sẽ gia nhập với quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh
phúc, quyền tư hữu… nằm trong những tuyên ngôn nhân quyền quốc nội và quốc tế.
Để phản biện, nhiều học giả cho rằng nếu chấp nhận học
thuyết này, NATO sẽ chẳng phải (hoặc không thể) nhọc công với tình hình nhân
quyền tại Lybia hay Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc không cần quan tâm tới
Syria. [2]
Điều này là hoàn toàn sai lầm khi mà gần như toàn bộ
các quốc gia trên thế giới đã là thành viên của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc – vốn
đặt mục tiêu giải quyết vấn đề quyền con người như là nhiệm vụ lịch sử của mình
(Điều 1 và Điều 55 – Hiến chương).
Thế giới hiện đại đã chấp nhận sự tồn tại của nhân
quyền và các giá trị phổ quát của nó như là một nghĩa vụ pháp lý bắt buộc. Nói
cách khác, tất cả các quốc gia hiện đại ngày nay đều là những xã hội cấp tiến
theo định nghĩa của Hart; và việc can thiệp của cộng đồng quốc tế vào các “vùng
trũng” nhân quyền không hề trái ngược với học thuyết.
Cách tiếp cận của Hart và trường phái pháp luật thực
chứng, nếu loại bỏ những định kiến tiêu cực về nó, sẽ cho chúng ta thêm nhiều lựa
chọn để giải thích những vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay.
Quan
điểm thứ hai:
Nhân
quyền – Quyền tự nhiên
Nhân quyền – nếu được xem là một quyền tự nhiên, là
một quyền mà con người sở hữu không phải vì đẳng cấp, giai tầng, giới tính, quê
quán, sắc tộc hay bất kỳ nguyên nhân nào khác có thể được liệt kê. Nhân quyền tồn
tại và được ban cho chúng ta đơn giản bởi vì chúng ta là “con người” ngay từ
khi sinh ra.
Cũng được “phát hiện” từ thời nhá nhem của Kỷ Khai
Sáng, nhưng trái ngược với số phận của học thuyết của giới thực chứng, quyền
con người với tư cách là quyền tự nhiên được áp dụng thành công và trở thành biểu
tượng lớn của tự do và bình đẳng với cuộc Cách mạng Pháp – “Bình đẳng, Tự do,
Công Lý” và Cách mạng Hoa Kỳ – “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”.
Cho đến đương đại, khi mà cuộc chiến tranh đau
thương nhất trong lịch sử loài người – Thế chiến thứ Hai – để lại vết hằn lớn về
chủ nghĩa thượng đẳng, các phong trào đấu tranh độc lập và bình đẳng dân tộc
ngày càng mạnh mẽ, vấn nạn phân biệt chủng tộc và đặc biệt là làn sóng cộng sản
lan rộng; không khó để nhận ra ảnh hưởng của chúng lên các văn bản pháp luật quốc
tế. [3]
Vì vậy, trong các Điều 13, 55 của Hiến chương Liên
Hiệp Quốc; Điều 1, 3, 4, 5 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền dân sự và chính
trị đều nhắc đến tính phổ quát và không phân biệt giữa các cá nhân, bất kể khác
biệt, trong việc được hưởng các quyền thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này
đã và đang tiếp tục tạo nên một hệ thống chính trị bền vững, ổn định tại nhiều
quốc gia. [4]
Cách tiếp cận “Quyền tự nhiên” – có thể xem là cách
tiếp cận kinh điển và có sức ảnh hưởng lớn nhất trong cách mà luật học xem xét
về nhân quyền. Nhưng điều này cũng sẽ để lại những hệ quả nhất định.
Một cuộc biểu tình đòi xem quyền được chăm sóc y tế là nhân quyền ở bang
Vermont, Mỹ năm 2011. Ảnh: Huffington Post.
Quyền con người với tư cách quyền tự nhiên đã bước một
bước tiến dài từ “Quyền sống, quyền tự do và quyền tư hữu”, nay đã cộng thêm những
“Quyền an cư, quyền thư giãn”. Trong nhiều phong trào đấu tranh khác, các nhà vận
động đang cho rằng danh xưng “ông, bà” là sự “dán nhãn giới tính” – một cách mà
đám đông xã hội áp chế và vi phạm nhân quyền con người. Một số lại đấu tranh hướng
đến chính sách “chăm sóc sức khỏe chung” (universal healthcare) – với lập luận
cho rằng quyền được tiếp cận dịch vụ y tế miễn phí là một trong những quyền
không thể thiếu của con người.
Bỏ qua các tranh cãi chính trị nhạy cảm của các
phong trào trên, chúng ta thấy được một xu hướng chung khi mà người dân đòi hỏi
những thứ phải có trong phiên bản nhân quyền của mình – quyền tự nhiên càng
phình to, khi kinh tế xã hội càng phát triển.
Xu hướng nói trên khiến thứ gọi là “quyền tự nhiên”
không khác mấy so với lập luận của Hart. Chúng phát triển, mở rộng theo thời
gian, và được chấp nhận bởi các xã hội nhất định.
Với những xem xét cơ bản như trên, hai cách tiếp cận
thường được xem là đối lập nhau lại có vẻ tương đồng. Điều này sẽ gây ra những
xáo trộn rất cơ bản trong cách mà hệ thống liên chính phủ và chính phủ hiện
hành đối mặt với nhân quyền.
Tài
liệu tham khảo:
[1] Universal human rights, cultural relativism and the Asian
values debate và Jack Donnelly, Cultural Relativism and Universal
Human Rights, 1984.
[2] Tác giả Michael Boylan, Are There Natural Human Rights?, 29/5/2011.
[3] Thomas Buergenthal, The Normative and
Institutional Evolution of International Human Rights, 705 – 708.
[4] Thomas Buergenthal, The Normative and
Institutional Evolution of International Human Rights, 704.
------------------------
Dạ Lãm / 14 Jan 2017
http://luatkhoa.org/2017/01/5-phim-tai-lieu-kinh-dien-ve-nhan-quyen-khong-the-bo-qua/
No comments:
Post a Comment