Wednesday, January 18, 2017

TỔNG THỐNG MỸ SẮP NHẬM CHỨC ĐẠT KỶ LỤC VỀ MỨC BẤT TÍN NHIỆM (RFI)




Mai Vân – RFI
Đăng ngày 18-01-2017 

Trong lúc ông Donald Trump chuẩn bị vào Nhà Trắng vào ngày 20/01/2017, một cuộc thăm dò dư luận mà tờ Washington Post công bố cho thấy chỉ có 40% người Mỹ đánh giá tốt tổng thống tân cử. Chưa bao giờ một tổng thống Mỹ bước vào Nhà Trắng trong không khí nghi kỵ như thế.

Thông tín viên RFI tại Washington, Anne-Marie Capomaccio, cho biết thêm chi tiết :

Đa số người Mỹ có cái nhìn không mấy thuận lợi đối với ông Trump. Họ không tin tưởng ông và đánh giá là tổng thống tân cử đã tổ chức không tốt tiến trình chuyển tiếp quyền hành. Theo thăm dò của Washington Post, họ không tán thành những nhận định của ông không tin Nga xen vào cuộc bầu cử bằng cách tấn công tin học như các cơ quan tình báo Mỹ đã xác nhận.

Đây là lần đầu tiên mà một tổng thống Mỹ nhậm chức trong một không khí như thế. Từ ông Jimmy Carter năm 1976, tất cả các tổng thống Mỹ lúc bước vào Nhà Trắng đều có tỷ lệ tín nhiệm hơn 60%. Thời Barack Obama được bầu lên năm 2008, tỷ lệ này còn vọt lên 80%. George W Bush, sau khi kiểm lại phiếu ở Florida, vào Nhà Trắng với điểm tín nhiệm cao hơn Trump hiện nay.

Cũng phải nói đây là lần đầu tiên mà một tổng thống thắng cử với 3 triệu phiếu ít hơn đối phương. Và nếu chiến thắng minh bạch, nếu Quốc Hội vào tay đảng Cộng Hòa, chính quyền mới vẫn phải thận trọng trên các vấn đề xã hội. Một số cải tổ dự kiến – bảo hiểm xã hội, nhập cư, kế hoạch hóa gia đình - liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân, nhất là những người đã không bầu cho vị tổng thống này.

Ông Donald Trump ngay lập tức tố cáo thăm dò gian lận, do báo chí thù nghịch với ông công bố.

----------------------------


18.01.2017

Trong lúc Tổng thống Barack Obama chuẩn bị rời Tòa Bạch Ốc, cả những người chỉ trích lẫn những người ủng hộ đều đồng ý rằng có nhiều chính sách đối ngoại thành công và thất bại trong hồ sơ của tổng thống mãn nhiệm, từ thành tích hạ sát thủ lãnh Osama bin Laden của mạng lưới khủng bố al-Qaida cho đến sự bất lực trước tình trạng xáo trộn và bạo động tại nhiều nơi trên thế giới, kể cả Trung Ðông. Đa số chuyên gia đồng ý rất khó tiên đoán Tổng thống tân cử Donald Trump sẽ ảnh hưởng thế nào đối với di sản chính sách đối ngoại của ông Obama trên trường thế giới.

Từ Tòa Bạch Ốc, thông tín viên Cindy Saine của đài VOA gởi về bài tường trình sau đây.

Tổng thống Barack Obama đứng trước nhiều câu hỏi hóc búa về việc Mỹ bất lực trong nỗ lực ngăn chặn đổ máu ở Syria, như ông đã bị hỏi trong cuộc họp báo hồi tháng 12.

"Suốt mấy năm qua, chúng ta đã nỗ lực ngăn chặn cuộc nội chiến ở Syria và giảm thiểu gian khổ mà người dân nơi đó phải gánh chịu. Đó là một trong những vấn đề gai góc nhất tôi gặp phải trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Trách nhiệm đối với sự tàn bạo đó chỉ thuộc về một phía duy nhất. Với chế độ Assad và các đồng minh Nga và Iran của họ, sự đổ máu và bạo tàn này nằm trong tay họ."

Tổng thống Obama được ghi nhận công trạng chấm dứt vai trò tác chiến của quân đội Mỹ ở Afghanistan và Iraq, như những gì ông hứa khi tranh cử.

Ông Brian Katulis, phân tích gia của Trung tâm Tiến bộ Mỹ, ca ngợi thành quả của ông Obama trong việc giải quyết tình trạng kinh khủng mà ông tiếp nhận từ chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Bush.

"Thế giới lúc đó thật là hỗn loạn. Ông Obama tiếp quản tình trạng Mỹ đang sa lầy ở Iraq và Afghanistan mà không có cách nào chấm dứt các cuộc chiến tranh ở đó, và kết thúc vai trò tham chiến của Mỹ và chấm dứt sự hiện diện lớn của quân đội Mỹ."

Các phân tích gia khác không đồng ý như vậy. Họ nói ông Obama đã để lại một thế giới mất an ninh hơn là khi ông tiếp quản nó.

Ông James Carafano, phân tích gia của tổ chức Heritage Foundation, nhận định:

"Theo tôi thì không có lo ngại nào đặt ra về việc Mỹ rút khỏi trường thế giới, Mỹ không còn quan tâm nữa, Mỹ thiếu tập trung, thiếu cam đoan và không can dự. Nhưng tôi nhận thấy những lo ngại đó được đặt ra rất nhiều ở Trung Ðông. Tôi nghe thấy rất nhiều ở châu Âu, và tôi cũng thấy ở châu Á nữa."

Tổng thống Obama và Tổng thống tân cử Trump bất đồng với nhau về một số chính sách đối ngoại, trong đó có việc Nga phá bầu cử tổng thống của Mỹ, thỏa thuận hạt nhân với Iran, cách tiếp cận với Trung Quốc và liệu có nên đóng cửa trại tù Guantanamo hay không. Ông Obama nói với các phóng viên báo chí rằng ông có một lời khuyên cho người kế nhiệm.

"Điều tôi đã khuyên tổng thống tân cử là trong tất cả các chính sách đối ngoại, ông ta nên bảo đảm rằng các chính sách đó sẽ được thực hiện bằng một cách thức chú tâm, cẩn thận và có hệ thống. Tổng thống tân cử sẽ cần đội ngũ của ông báo cáo tường tận về những gì đã diễn ra trong quá khứ và những cạm bẫy không ngờ cần phải có nhiều năm kinh nghiệm để phòng tránh."

Nhưng ông Trump hình như đi theo đường lối riêng của ông trong các cuộc tiếp xúc ban đầu với các nhà lãnh đạo thế giới, trước khi ông trở thành tổng tư lệnh vào ngày 20 tháng 1.




No comments:

Post a Comment