Wednesday, January 18, 2017

NHỮNG DIỄN BIẾN CHẤN ĐỘNG TRƯỚC LỄ ĐĂNG QUANG CỦA TỔNG THỐNG HOA KỲ THỨ 45th (Việt Báo)




18/01/201702:30:00

Hai tuần trước lễ đăng quang của vị tổng thống “khác thường” Donald Trump, nhiều chuyện nóng bỏng, ly kỳ không khác tiểu thuyết trinh thám đã liên tục xảy ra - nằm ngoài sức tưởng tượng phong phú nhất của bất kỳ ai quan tâm đến nền dân chủ đứng đầu thế giới này.

Tính từ ngày 5-1-2017 tới ngày 17-1-2017, các diễn biến chấn động dư luận đã xảy ra gần như hàng ngày, bao gồm:

1.     Ngày 5-1-2017, các lãnh đạo tình báo Mỹ đã điều trần trước Ủy Ban Tình Báo của Thượng Viện, khẳng định việc Nga đã tấn công tin tặc (hacking) vào emails của đảng Dân Chủ, rồi dùng WikiLeaks để phát tán những emails này cùng các tin giả nhằm bôi nhọ ứng viên Hilary Clinton và giúp ứng viên Donald Trump thắng cử, đồng thời tạo hoang mang, mất niềm tin và đánh vào uy tín của nền dân chủ Hoa Kỳ. Ngày 6-1, các lãnh đạo tình báo Mỹ cũng đã gặp TT đắc cử Donald Trump để báo cáo về vụ tin tặc Nga trong cuộc bầu cử 2016. Trong 2 ngày này, cả TT Obama và TT đắc cử Trump đều nhận được bản báo cáo mật dài hơn 50 trang về vụ thao túng của Nga do Vladimir Putin điều động. Ngày 6-1, một báo cáo giải mật dài 14 trang đã được công bố cho quần chúng.  

2.     Ngày 10-1-2017, CNN là cơ quan truyền thông đầu tiên tiết lộ về một tập tài liệu tình báo 35 trang về mối liên hệ giữa ông Trump và Nga, do cựu điệp viên Anh (MI6) uy tín Christopher Steele thu thập. Tập tài liệu này đã được thu gọn thành 2 trang kèm theo hồ sơ 50 trang về “Russian Hacking” nộp cho TT Obama và TT đắc cử Trump, đồng thời cũng được nộp cho 8 thượng nghị sĩ trong Ủy Ban Tình Báo Hoa Kỳ.

Tập tài liệu có 3 điểm chấn động là “a/Nga có những phim ‘ bẩn’ cùng chi tiết tài chánh có hại cho ông Trump để thao túng ông; b/Putin đã bí mật huấn luyện ông Trump trong suốt 5 năm qua để làm việc cho Nga; c/Những người trong đội ngũ tranh cử của ông Trump thường xuyên liên lạc bí mật với giới chức điện Cẩm Linh.” Do những dữ kiện trong tập tài liệu này chưa thể kiểm chứng nên các báo chí đã không loan tin dù đã biết đến trong nhiều tháng qua. CNN chỉ loan báo khi thấy nguồn tin được cơ quan tình báo Mỹ nộp cho tổng thống và các giới chức cao cấp, nhưng đã không trình bày rõ các chi tiết. Tuy nhiên cơ quan thông tin mạng BuzzFeed đã loan tải cả 35 trang tài liệu sau khi CNN tiết lộ. (chi tiết quanh sự thành hình tập tài liệu này được chia sẻ ở cuối bài) 

3.     Ông Trump đã giận dữ gọi bản tin tình báo của điệp viên Steele là “tin giả.” Tuy nhiên, những phản ứng bênh vực và thân thiện của ông Trump đối với Putin, một người mà Thượng Nghị Sĩ John McCain gọi là “côn đồ, đồ tể và đao phủ”, kẻ đã bị Hoa Kỳ đặt ra ngoài vòng pháp luật vì tội ác chiến tranh, bị Hoa Kỳ cấm vận vì  xâm lược các lân bang ... đã khiến dư luận dị nghị. Trong khi đó, ông Trump lại tiếp tục nghi ngờ cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, tấn công và chế giễu cơ quan tình báo bậc nhất thế giới này là kém cỏi, đồng thời tấn công vào Nato và các đồng minh của Mỹ tại Âu Châu đã khiến thế giới xôn xao và đánh dấu hỏi về ông.          

Đặc biệt, những giới chức thân cận của ông Trump đã có nhiều liên hệ mật thiết với Nga và Putin, kể cả Tướng Michael Flynn và ông Rex Tillerson - 2 người được đề cử làm cố vấn an ninh quốc gia và bộ trưởng ngoại giao trong nội các của ông Trump. Ông Paul Manafort, trưởng ban vận động của ông Trump, đã phải từ chức vào tháng 8 năm ngoái khi mối liên hệ gần gũi của ông với Nga bị phanh phui. Tập tài liệu của điệp viên Steele cũng tố cáo luật sư Michael Cohen đã tới Prague để gặp một giới chức Nga vào tháng 8 năm ngoái, một điều mà ông Cohen đã cực lực phủ nhận.

Điều quan trọng là Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Hoa Kỳ hôm 13-6-2017 đã ra lệnh mở cuộc điều tra về mối liên hệ giữa ông Trump với Nga kể cả những nhân sự thân cận của ông Trump, những điều cáo buộc trong tài liệu của điệp viên Steele, và vụ nhúng tay của Putin trong cuộc bầu cử 2016.   

4.     Ngày 13-1-2017, Tổng Thanh Tra thuộc Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra Giám đốc FBI James Comey về những hành xử bất thường của ông này trong vụ điều tra emails của bà Clinton, việc ông Comey đã cố tình tuyên bố mở lại cuộc điều tra bà Clinton khi đã quá cận kề ngày bầu cử - chỉ có 11 ngày trước bầu cử và 9 ngày sau đó tuyên bố là không có điều gì mới để mở lại cuộc điều tra. Việc làm này có thể gây ảnh hưởng trầm trọng cho bà Clinton. Ông Comey cũng đã không sốt sắng điều tra những tin tức tình báo của ông Steele dù đã nhận được từ tháng 6 năm ngoái.  Ông Comey cũng liên tục có những hành xử bất nhất, thiếu chuyên nghiệp và bất công khi công bố về cuộc điều tra bà Clinton nhưng lại từ chối trả lời câu hỏi của quốc hội về việc “FBI có đang điều tra về những cáo buộc trong tập tài liệu của điệp viên Steele hay không”,  viện cớ FBI có nguyên tắc là không tuyên bố về bất kỳ cuộc điều tra nào đang tiến hành.

Giám đốc FBI cũng tỏ ra ngần ngại đồng ý với đánh giá điều tra của CIA và các cơ quan an ninh/tình báo khác của Hoa Kỳ về sự nhúng tay của Nga trong cuộc bầu cử hầu giúp ông Donald Trump đắc cử. Nhưng cuối cùng cũng đã ký tên đồng thuận với kết luận của 16 cơ quan an ninh khác trong báo cáo 50 trang trình tổng thống ngày 5-1 vừa qua.

5.     Ngày 11-1-2017, ông Trump mở cuộc họp  báo đầu tiên kể từ ngày đắc cử, nhưng đã để lại nhiều tai tiếng vì đã tránh né trả lời nhiều câu hỏi quan trọng liên quan tới Nga, và cáo buộc CNN một cách sai trái là đã đưa “tin giả” khi loan tải về tập tài liệu của điệp viên Steele. Khi phóng viên của CNN bênh vực cho cơ quan của mình và lên tiếng để được đặt câu hỏi thì bị ông Trump quạt chặn không cho nói và sau đó bị tân phát ngôn nhân Sean Spicer của ông Trump dọa đuổi ra khỏi phòng.
Ông Trump đã nhiều lần lên tiếng miệt thị các cơ quan truyền thông chính thức của Hoa Kỳ, và mới đây đã có tin ông Trump sẽ di chuyển phòng họp báo ra khỏi tòa Bạch Ốc. Phải chăng tân tổng thống Hoa Kỳ đang có nỗ lực vô hiệu hóa “Đệ Tứ Quyền”, một thành phần quan trọng để kiểm soát và ngăn chặn sự thao túng quyền lực của chính phủ trong một nền dân chủ.

Trong buổi họp báo ngày 11-1, ông Trump cũng đã cho luật sư của mình trình bày về việc giao thương vụ lại cho hai người con trai trông nom trong lúc ông làm tổng thống. Điều này đã bị dư luận phê phán vì đã không giải quyết được vấn đề “xung đột quyền lợi” khi một tổng thống vừa điều hành việc nước, vừa điều hành thương vụ của mình, một tình trạng mở màn cho tham nhũng và phản quốc theo hiến pháp Hoa Kỳ khi các thương vụ của ông Trump trải rộng trên 25 quốc gia và dễ dàng trở thành những phương tiện “thương lượng” của ngoại bang khiến quyền lợi của nước nhà có thể bị hy sinh.   

6.     Ngày 14-1, Dân biểu John Lewis, một nhân vật lịch sử nổi tiếng về tranh đấu dân quyền và nhân quyền, từng song hành với Tiến sĩ Martin Luther King, đã tuyên bố công khai là ông không coi ông Trump là một tổng thống chính danh khi ông Trump đã đắc cử nhờ tin tặc Nga.  Do đó, Dân biểu Lewis sẽ không tham dự lễ nhậm chức của ông Trump.  Ngay lập tức, ông Trump đã tấn công lại ông Lewis với những cáo buộc sai sự thật bằng tweeter: “Hãy bỏ thì giờ lo cho địa hạt của ông đi - đang ở trong  tình trạng bi đát và tơi tả (chưa kể đến vấn đề tội phạm tràn lan), hơn là lo than phiền sai lầm về kết quả bầu cử. Toàn là nói, nói, nói - Không hành động hay có kết quả gì. Thật đáng buồn!”
Phản ứng của ông Trump đã gây ra một làn sóng phản đối dữ dội trên mạng xã hội cũng như giới dân cử, kể cả một số nhỏ thuộc đảng Cộng Hòa;  họ đã lên tiếng ủng hộ  ông John Lewis, và hiện đã có hơn 50 dân biểu đảng Dân Chủ  tuyên bố không tham dự lễ đăng quang của ông Trump. Riêng các thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ chưa thấy tuyên bố không tham dự.

7.     Một trận bão chống đối đã nổ ra từ ngày 14-1, và sẽ kéo dài liên tục tới ngày 21-1-2017 với hàng trăm cuộc biểu tình toàn quốc để chống lại ông Trump trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ vì bất xứng do bàn tay thao túng của Nga, và vì đã có những phát biểu, chủ trương và chính sách mang tính kỳ thị chủng tộc, kỳ thị phụ nữ, kỳ thị đồng tính, kỳ thị tôn giáo, bảo thủ và bài ngoại; các cuộc biểu tình cũng chống việc bãi bỏ Obamacare. Hiện tượng chống đối tân tổng thống rầm rộ này chưa từng xảy ra trong suốt 44 năm qua (kể từ 1973). Cuộc biểu tình lớn nhất sẽ là cuộc xuống đường Women March, dự trù sẽ có hơn 200,000 người tham dự tại Washington D.C. một ngày sau khi ông Trump nhậm chức.  

Hầu hết các nghệ sĩ nổi tiếng đều từ chối tham dự ngày lễ đăng quang của ông Trump. Vé bán chợ đen để tham dự các buổi liên hoan sau lễ nhậm chức cũng trở nên ế ẩm, theo lời than của những người đầu tư vào thị trường làm tiền kiểu khá phổ thông này tại Hoa Kỳ.

8.     Luật sư Gloria Allred vừa có một cuộc họp báo tại Los Angeles hôm nay để tuyên bố về vụ kiện của một phụ nữ nạn nhân đã bị ông Trump xâm phạm tình dục. Cô Summer Zervos là một trong hàng chục nạn nhân đã tố cáo ông Trump xâm phạm tình dục họ trong quá khứ khi cuộn băng nổi tiếng “Access Holywood” thu được âm thanh của ông Trump tự khoe về thành tích xâm phạm tình dục đối với phụ nữ - được công bố vào tháng 9 năm ngoái. Cô Zervos đã từng là một trong những ứng viên tham dự cuộc thi trong chương trình truyền hình nổi tiếng “the Apprentice” do ông Trump tuyển chọn nhân viên cho thương vụ của mình.

Vụ kiện tố cáo ông Trump đã bôi nhọ danh dự của cô Zervos khi cáo buộc cô nói dối. Cô Zervos có nhiều đoạn phim thu được những hành xử tấn công tình dục của ông Trump tại hiện trường để làm bằng cớ. Mục tiêu của vụ kiện là để phục hồi danh dự cho cô Zervos, chứ không để đòi bồi thường. Cô chỉ cần ông Trump xin lỗi và rút lại lời sỉ nhục cô. Tuy nhiên, nếu ông Trump từ chối không xin lỗi thì cô sẽ nộp đơn kiện ông về tội xâm phạm tình dục.

Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump sẽ phải đối diện với ít nhất 75 vụ kiện còn mở hồ sơ, trong số hơn 4,000 vụ kiện liên quan tới cá nhân và thương vụ của ông. Ông không thể trốn tránh dù với cương vị tổng thống và vẫn phải đi hầu tòa như mọi công dân khác.

Theo các cuộc thăm dò của CNN/ORC tiết lộ hôm nay, thì ông Trump là vị tổng thống bị chấm điểm thấp nhất trong 4 thập niên qua khi bước vào tòa Bạch Ốc. Chỉ có  40% người dân thích ông và những người mà ông đề cử vào nội các, so với 79% người thích TT Obama năm 2009 và 61% hiện nay khi ông Obama rời nhiệm sở. TT Bush (thứ 43rd ) được 61% và TT Clinton được 67%  khi nhậm chức. TT đắc cử Trump đã tweet đi lời chống đối hôm nay, cho điểm đánh giá thấp này về ông là do “gian lận.”

Bản tin tóm lược ngày thứ Ba, 18-1-2017.
-------------

Nguồn gốc và diễn tiến tập tài liệu 35 trang về mối quan hệ giữa Trump và Nga
Theo ký giả David Corn, trưởng văn phòng tòa soạn báo Mother Jones tại Washington D.C.  tiết lộ vào tháng 10 thì: Một nhà tài trợ đảng Cộng Hòa chống Trump đã thuê một cơ quan nghiên cứu truy tìm các dữ kiện xấu về tỷ phú Trump khi ông này ra tranh cử. Sau khi nhà tài trợ đảng Cộng Hòa bỏ dở kế hoạch điều tra về Trump, các nhà tài trợ đảng Dân Chủ đã nhảy vào thế chỗ. Cơ quan truy tìm tài liệu về Trump vào tháng 6-2016 đã nhờ một cựu điệp viên Anh chuyên về tình báo Nga và rất có uy tín trong thế giới tình báo, cũng đã từng cộng tác với FBI, giúp điều tra  về những hoạt động của ông  Trump tại Nga hoặc bất cứ nước nào. Khi đào sâu và dữ kiện tình báo, viên cựu tình báo Anh (MI6), sau này được tiết lộ là ông Christopher Steele, cho biết đã thấy có những mối liên hệ rất đáng quan tâm giữa ông Trump và chính phủ Putin. Ủy ban vận động tranh cử của ông Trump đã có những trao đổi tin tức chia sẻ cùng mục tiêu với Nga. 

Ngày 20-6-2016: tập tài liệu lần đầu tiên đã được viết ra vào trao cho FBI; ngày cuối cùng tập tài liệu được bổ túc là ngày 13-12-2016, một tháng sau ngày bầu cử.
Ngày 27-8-2016: Thượng Nghị Sĩ Harry Reid, chủ tịch thiểu số của đảng Dân Chủ tại Thượng viện (hiện đã về hưu từ tháng 12, 2016) đã viết thư cho Giám đốc FBI James Comey với nội dung:
“Bằng chứng về mối liên hệ trực tiếp giữa chính phủ Nga và ủy ban tranh cử tổng thống của ông Donald Trump tiếp tục gia tăng và đã khiến cho ông Michael Morrell, cựu giám đốc lâm thời CIA gọi Trump là ‘tay sai vô tình’ của Nga và điện Cẩm Linh.”
TNS Reid kêu gọi một cuộc điều tra toàn bộ và công bố cho quần chúng.

Ngày 23-9-2016: Tình báo Mỹ mở cuộc điều tra về mối liên hệ giữa chính phủ Nga và ông Carter Page, cố vấn tranh cử của ông Trump. Ông Page có nhiều thương vụ tại Nga, là một cựu đầu tư tài chánh của Merrill Lynch ở Moscow, và hiện là chủ công ty cố vấn tài trợ năng lượng toàn cầu Global Energy Capital, có trụ sở gần Trump Tower tại New York City. Công ty này chuyên buôn bán năng lượng với Nga.
Tháng 10- 2016: FBI được biết là đã xin trát của FISA để điều tra mối liên hệ giữa ông Trump và Nga qua việc ngân hàng Alfa Bank của Nga có server nối kết với server của ông Trump.

Ngày 30-10-2016: TNS Reid lại viết thư cho Giám đốc Comey của FBI, yêu cầu mở cuộc điều tra về “những tin chấn động” mà FBI đang sở hữu, với nội dung như sau: 
"Trong những liên lạc của tôi với ông và các giới chức hàng đầu của cộng đồng an ninh quốc gia, rõ ràng là ông đang sở hữu những tin tức chấn động về sự liên hệ mật thiết và phối hợp chặt chẽ giữa ông Donald Trump, những cố vấn hàng đầu của ông ta, và chính phủ Nga - một thế lực ngoại bang thù nghịch với Hoa Kỳ mà ông Trump không tiếc lời ca ngợi mỗi khi có dịp ... Tôi đã viết thư cho ông từ mấy tháng qua kêu gọi ông loan báo các tin tức này với quần chúng ... nhưng ông vẫn tiếp tục cưỡng lại lời kêu gọi chia sẻ các tin tức nguy cấp này

Ngày 31-10-2016: "một tình thế bất thường"
Ký giả Corn của cơ quan truyền thông Mother Jones đã phổ biến một bài viết mô tả kết quả của cựu điệp viên Anh như sau:
"Cựu điệp viên đã nhận xét ‘một tình thế bất thường.' Ông thường xuyên cố vấn các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ về những vấn đề liên quan tới Nga, và khoảng gần đầu tháng 7, ông đã tự ý – không được phép của công ty Mỹ đã mướn ông - gởi một bản báo cáo mà ông đã viết cho công ty đó, tới một nhân viên FBI – yêu cầu được giữ kín tên. Cựu điệp viên đã nói là những điều ông có thể kết luận từ nguồn tin thu lượm được về ông Trump ‘khá nghiêm trọng’ cần phải chia sẻ với FBI.” 

Ngày 18-11-2016: TNS John McCain được giới thiệu với một người tại buổi họp về an ninh tại Halifax, Nova Scotia. Người này đã chia sẻ với ông McCain về tài liệu tình báo này, theo tiết lộ của tờ báo The Guardian: "Ông McCain đã quyết định những chỉ dấu nghiêm trọng của nguồn tin nên đã gởi một phái viên mật tới để gặp người môi giới và tìm hiểu rõ hơn.” Cựu đại sứ Anh tại Nga, ông Andrew Wood, sau đó đã cho tờ The Independent biết ông là một trong những người đã nói chuyện với TNS McCain về vấn đề này tại hội nghị.

The Guardian tiết lộ thêm:
"Phái viên mật đã  vội vã thu xếp một chuyến bay vượt đại tây dương để gặp nguồn tình báo tại phi trường như đã giàn xếp trước. ... Cuộc gặp gỡ có những dấu vết của thời chiến tranh lạnh, khi ông được lệnh gặp một người đàn ông cầm một quyển Financial Times. Sau khi gặp nhau, cựu nhân viên phản tình báo đã chở phái viên mật tới nhà của ông ta, nơi họ bàn thảo về các tài liệu và nguồn gốc của chúng.”
 “Phái viên mật đã bay trở lại trong vòng 23 giờ để đưa cho TNS McCain tập tài liệu, nói là khó mà kiểm chứng nếu không có một cuộc điều tra đúng nghĩa.”

Ngày 9-12-2016: TNS McCain đã đưa tập tài liệu cho GĐ Comey mà không có phụ tá hiện diện, theo tờ The Guardian.

Ngày 13-12-2016: Đây là ngày cuối cùng tập tài liệu được bổ túc.

Ngày 10-1-2017: Bản tóm lược tập tài liệu dài 2 trang được nộp cho cả TT Obama lẫn TT đắc cử Donald Trump, và tin này đã được đài CNN loan tải.BuzzFeed sau đó đã tiết lộ toàn bộ bản tin tình báo.

Ngày 11-1-2017: Tiết lộ điệp viên Anh tác giả tập tài liệu tình báo về ông Trump
Điệp viên Christopher Steele, 52 tuổi, tác giả tập tài liệu điều tra 35 trang về ông Trump, là một cựu sĩ quan của cơ quan tình báo Anh MI6. Ông là một điệp viên chuyên nghiệp lâu năm, sinh hoạt dưới vỏ bọc ngoại giao nhiều năm ở Nga và Pháp, và có thời gian làm cho Bộ Ngoại Giao Anh ở London. Ông từng là nguồn tình báo thân tín của chính phủ Mỹ, từng làm việc như một chuyên gia tư vấn cho đơn vị chống tội phạm có tổ chức Á – Âu của FBI và đã hỗ trợ FBI hữu hiệu trong cuộc điều tra tham nhũng của Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA.
Sau khi rời MI6, ông đã thành lập công ty tình báo kinh doanh Orbis Business Intelligence, có trụ sở tại London, năm 2009 cùng với các đồng nghiệp tình báo. Ông là một trong hai giám đốc của công ty tư vấn tình báo có "mạng lưới toàn cầu" gồm nhiều chuyên gia và "các nhân vật nổi bật trong giới kinh doanh", theo website của hãng.

Theo tờ Telegraph, giám đốc thứ hai của công ty là Christopher Burrows. Ông Burrows viết trên mạng LinkedIn rằng ông là cựu tham tán ở Bộ ngoại giao Anh, từng có nhiệm kỳ ở Brussels và Delhi. Ông Burrows nói với The Wall Street Journal rằng ông không khẳng định hay phủ nhận việc Orbis đã soạn hồ sơ về ông Trump.

Tờ Telegraph cho hay chính việc ông có tên tuổi trong điều tra tham nhũng bóng đá quốc tế làm tăng uy tín cho hồ sơ về quan hệ của ông Trump với Nga.

Tường thuật của phóng viên BBC Paul Wood
(BBC) Ông Steele đã nói chuyện với nhiều người quen cũ trong cơ quan tình báo Nga FSB, trước đây là KGB, và trả tiền cho một số người để lấy thông tin.
Họ cho ông biết ông Trump đã bị quay phim lén với một nhóm gái điếm trong phòng suite tổng thống của khách sạn Ritz-Carlton ở Moscow.
Tôi biết điều này vì chính công ty nghiên cứu chính trị Washington thuê ông Steele viết báo cáo đã cho tôi xem hồ sơ này trong những tuần cuối của chiến dịch tranh cử.
BBC quyết định không đưa tin về hồ sơ này lúc đó, vì một lý do chính đáng là nếu không được xem băng video - nếu băng này tồn tại - chúng tôi không thể biết những lời cáo buộc này có đúng sự thật không. Chi tiết của những lời cáo buộc này thật là khủng khiếp.
Toàn bộ những cáo buộc này đã được đăng trên BuzzFeed.
Tập tài liệu cáo buộc Nga có thể chi phối Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bằng những thông tin nhạy cảm về những hành xử cá nhân, đặc biệt liên quan tới gái mại dâm, và các tin tức liên quan tới tài chánh của ông Trump. Tuy nhiên hai bên đã có sự "dàn xếp".
Tài liệu nói rằng, Nga có được các thông tin bất lợi của cả 2 ứng viên Tổng thống Mỹ, nhưng chỉ công bố những gì không có lợi cho ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.
ÔngTrump cam kết sẽ ra lệnh việc hoàn tất báo cáo về tình trạng các chính phủ nước ngoài tiến hành tin tặc nhằm vào nước Mỹ trong 90 ngày cầm quyền đầu tiên.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo đầu tiên hôm 11-1-2017, ông không trả lời câu hỏi liệu có ai có quan hệ với ông hoặc với chiến dịch tranh cử của ông đã kết nối với Nga trong thời gian diễn ra cuộc chạy đua vào tòa Bạch Ốc hay không.
Ngay sau khi trang tin tức BuzzFeed cho đăng tải hồ sơ 35 trang nói trên, phía Nga đã lên tiếng bác bỏ những thông tin được đề cập trong tài liệu này. Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin, nói đó là những tin 'tào lao' và là 'nỗ lực rõ ràng nhằm gây tổn hại quan hệ'.
Mặc dù vậy, các quan chức Mỹ nói rằng, những thông tin do Steele cung cấp không nên dễ dàng bị bác bỏ, một phần bởi vì Steele được rất nhiều người biết đến vì những thông tin đáng tin cậy về Nga trong quá khứ./.
Ông Trump đã lên án các tin tức trên. Ông viết trên Twitter: "TIN GIẢ - HOÀN TOÀN LÀ MỘT CUỘC SĂN LÙNG MANG MÀU SẮC CHÍNH TRỊ!"
Truyền thông Mỹ nói các đoạn video được làm theo kiểu "kompromat" - có những chi tiết được thu thập về một chính trị gia hay một nhân vật nổi tiếng công chúng nhằm hăm dọa sẽ gây tai tiếng khi cần.
Hiện cựu điệp viên MI6 lập hồ sơ nhạy cảm về Donald Trump đang “lẩn trốn” vì an toàn bản thân trước âm mưu ám sát của Putin dành cho các điệp viên bất lợi cho chế độ. 
Tin tức nói ông đã ra khỏi nhà trong tuần này, có thể là hôm thứ Ba 10/1 hoặc thứ Tư 11/1, và đã nhờ hàng xóm trông coi hộ mấy con mèo của ông, theo BBC.
Ông Steele được cho là đã "lo cho mạng sống của mình" từ hồi tháng Mười, sau khi ông tiết lộ về sự liên quan có thể của Nga vào chiến dịch tranh cử của Trump. 


---------------------------







No comments:

Post a Comment