Trọng Thành – RFI
Đăng
ngày 29-01-2017
.
Một người Iran gặp lại
người thân sau khi bị giữ tại phi trường Logan Airport, Boston, theo lệnh cấm
người Hồi giáo nhập cảnh của Donald Trump. (Ảnh chụp ngày 28/01/2017) .REUTERS
.
Sắc lệnh cấm công dân
bảy nước Hồi Giáo – Irak, Libya, Somali, Sudan, Syria, Yemen, và Iran - vào Mỹ
của tân tổng thống Donald Trump bị phản đối ở nhiều nơi. Iran là nước phản ứng
mạnh nhất. Hôm qua 27/01/2017, Tehera tuyên bố cấm cửa công dân Mỹ để trả đũa.
Thông
tín viên Shiavoz Ghazi tường trình từ Teheran:
«
Bộ Ngoại Giao Iran tuyên bố tôn trọng nhân dân Mỹ, nhưng để bảo vệ quyền của
các công dân nước mình, Iran quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại, sau
quyết định mang tính lăng nhục của Hoa Kỳ liên quan đến những người mang quốc tịch
Iran. Kể từ giờ, những người mang quốc tịch Mỹ sẽ không được phép đến Iran, chừng
nào quyết định của Washington chưa được dỡ bỏ.
Teheran
đánh giá quyết định của tổng thống Mỹ là bất hợp pháp, phi lý và đi ngược lại
luật pháp quốc tế.
Iran
và Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao kể từ Cách mạng Hồi Giáo năm 1979, tuy
nhiên hiện tại có khoảng một triệu người Iran định cư tại Hoa Kỳ và rất nhiều
người Iran tới Mỹ hàng năm.
Sắc
lệnh nói trên rõ ràng cho thấy tổng thống Trump không muốn tiếp tục chính sách
có phần thân thiện của chính quyền Obama với Iran. Quyết định của Donald Trump
được đưa ra đúng vào lúc Teheran đang cố gắng bình thường hóa quan hệ với bên
ngoài, sau khi thỏa thuận về hạt nhân được ký kết ».
Tổng
thống Iran Rohani không phản ứng trực tiếp về sắc lệnh cấm công dân nhiều nước
Hồi Giáo vào Mỹ trong ba tháng, nhưng ông nhấn mạnh rằng cái thời của những bức
tường ngăn cách giữa các quốc gia « đã thuộc về quá khứ ».
Indonesia
lo ngại sau sắc lệnh của Trump
Hôm
nay, trả lời Reuters, bộ trưởng Ngoại Giao Indonesia Retno Marsudi cho biết
« rất lấy làm tiếc về chính sách này ». Indonesia – quốc gia
đông đảo người theo Hồi giáo nhất thế giới – không nằm trong nhóm bảy nước nói
trên. Theo ngoại trưởng Indonesia, công dân nước này đang làm thủ tục vào Mỹ hiện
không gặp trở ngại.
Sứ
quán Indonesia tại Mỹ thì khuyến cáo các công dân nên bình tĩnh, tôn trọng luật
pháp Hoa Kỳ, nhưng cần giữ cảnh giác, và sẵn sàng liên hệ với Liên đoàn Tự Do
Dân Sự Mỹ (American Civil Liberties Union), nếu các quyền của mình bị xâm phạm.
Tại Mỹ, có hàng trăm ngàn người Indonesia cư trú.
Canada
tiếp nhận người tị nạn « không phân biệt tôn giáo »
Cũng
trong ngày hôm qua, để phản ứng lại sắc lệnh của ông Trump, thủ tướng Canada
Justin Trudeau khẳng định, trên trang tweeter cá nhân, nước ông sẽ đón nhận người
tị nạn « không phân biệt tôn giáo ». Cùng với thông điệp nói
trên là bức ảnh cho thấy thủ tướng Canada tới sân bay để đón chuyến bay đầu
tiên chở người tị nạn Syria đến Canada hồi tháng 12/2015. Kể từ đó, hơn 35.000
người Syria đã được tiếp nhận tại Canada.
Thủ
tướng Anh tránh bình luận về quyết định của Trump
Trong
chuyến công du tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua, sau khi được tân tổng thống Mỹ tiếp tại
Nhà Trắng, thủ tướng Anh Theresa May từ chối lên án sắc lệnh của ông Trump đình
chỉ tiếp nhận người tị nạn. Trả lời báo giới tại Ankara, bà Theresa May cho rằng
: « Chính quyền Mỹ chịu trách nhiệm về chính sách của Mỹ đối với người
tị nạn. Chính quyền Anh chịu trách nhiệm về chính sách của Anh ».
Cũng
trong cuộc họp báo nói trên, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildrim đã lên án chính
sách của Donal Trump, với nhận định : « Chúng ta sẽ không thể giải quyết
được vấn đề người tị nạn bằng những bức tường ».
*
*
Thanh Hà – RFI
Đăng
ngày 29-01-2017
.
Biểu tình tại sân bay
JFK, New York, phản đối sắc lệnh của Donald Trump cấm người Hồi giáo nhập cảnh,
ngày 28/01/2017REUTERS
.
Một ngày sau khi tổng
thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm công dân từ 7 nước Hồi giáo nhập cảnh Hoa Kỳ,
thẩm phán Liên bang tại Brooklyn, New York, Ann Donnelly, tối ngày 28/01/2017
ra phán quyết tạm ngưng lệnh trục xuất người nước ngoài có visa hợp lệ vào Mỹ.
Quyết
định của tổng thống Donald Trump đóng cửa biên giới với công dân tại 7 nước
Hồi giáo gồm Syria, Iran, Irak, Libya, Somalia, Soudan và Yemen, đã làm dấy lên
một làn sóng phản đối mạnh mẽ trên toàn quốc, gây trở ngại cho nhiều nhân viên
ngoại giao, các chuyên gia trong công việc hợp tác với Hoa Kỳ.
Hôm
qua, nhiều cuộc biểu tình diễn ra ngay tại các phi trường lớn, như sân bay quốc
tế O’Hare, Chicago, Dulles ở thủ đô Washington, Lax tại Los Angeles. Riêng tại
phi trường JFK New York, hơn hai ngàn người tập hợp đòi hải quan và nhân viên
di trú trả tự do cho hàng chục hành khách bị câu lưu khi vừa ra khỏi máy bay.
Thông
tín viên đài RFI Marie Bourreau có mặt chỗ cho biết thêm :
« Hãy
để cho họ vào Mỹ. Những lời hò hét cầu khẩn vang lên khắp nơi trong khuôn viên
phi trường. Từ bãi đậu xe, nơi người biểu tình chiếm đóng ba tầng, cho đến khu
vực đón hành khách từ các chuyến bay. Cổng vào số 4 của phi trường quốc tế JFK ở
New York đông nghẹt người, và bị phong tỏa. David, một y tá nói tiếng Pháp cùng
với người yêu tham gia đoàn biểu tình để góp tiếng nói với thế giới rằng nước Mỹ
vẫn mở vòng tay đón người tị nạn, người Mỹ sẽ không về hùa với Donald Trump.
Nhiều
biểu ngữ bày tỏ phẫn nộ và cả lo âu của người biểu tình. Người ta so sánh quyết
định cấm cửa người Hồi giáo của tổng thống Donald Trump với chính sách bài Do
Thái của Đức Quốc Xã xưa kia. Bà Nancy, một người Do Thái thế hệ 3 cho rằng cấm
người theo đạo Hồi đặt chân vào Mỹ cũng tương tự như việc Đức Quốc Xã bắt người
Do Thái gắn ngôi sao vàng trên ngực áo. Nancy đề cao cảnh giác. Theo bà,
Donald Trump nói là làm, đó không phải chuyện đùa, hay những lời nói suông, cho
nên công luận càng phải thận trọng.
Đến
tối khuya, đoàn người biểu tình đã rất hài lòng trước thất bại đầu tiên của
Donald Trump về phương diện pháp lý. Một thẩm phán Liên bang đã quyết định tạm
đình chỉ việc thi hành sắc lệnh của tổng thống. Dù vậy hàng chục hành khách bị
hải quan giữ lại vẫn chưa được ra khỏi sân bay ».
*
Thanh Hà – RFI
Đăng
ngày 29-01-2017
Người nhập cư, cái
gai mới trong quan hệ giữa tân chủ nhân Nhà Trắng và các đại gia khu thung lũng
công nghệ Silicon Valley. Từ Apple đến Facebook, Google đồng thanh lên án sắc lệnh
giới hạn chính sách đón nhận người nhập cư vào Mỹ của tổng thống Trump.
Trong
thông điệp lưu hành trong nội bộ ngày 28/01/2017, chủ tịch tổng giám đốc tập
đoàn tin học Apple Tim Cook nhấn mạnh
: « Sẽ không có nhãn hiệu Quả Táo nếu không có người nhập cư ».
Thân phụ ông chủ tập đoàn Apple là người Syria sang Hoa Kỳ lập nghiệp.
Sáng
lập viên mạng xã hội Facebook, Mark
Zuckerberg, gương mặt nổi bật khác trong thế giới « high tech »
ở Mỹ nhắc lại Hoa Kỳ là một đất nước được xây dựng từ bàn tay của những người
nhập cư. Bản thân Zuckerberg có nguồn gốc nước ngoài, bên gia đình vợ - bố mẹ
Priscilla Chan là thuyền nhân người Việt gốc Hoa tị nạn tại Mỹ. Zuckerberg bày
tỏ lo ngại trước cảnh « hàng triệu người không có giấy tờ hợp lệ nhưng
họ không phải là những mối đe dọa đối với an ninh Hoa Kỳ lại phải lo sợ bị trục
xuất ».
Chủ
tịch tổng giám đốc Google Sundar Pichai
đã gửi thư cho nhân viên lên án sắc lệnh của tổng thống Trump, vì căn cứ vào
văn bản vừa được chủ nhân Nhà Trắng ký hôm 27/01/2017, có tới hơn 180 nhân viên
Google bị liên lụy. Sáng lập viên Google Sergey Brin đã tham gia biểu tình tại
San Francisco chống đối chính sách nhập cư của tân chính quyền Washington.
Lãnh
đạo tập đoàn Alphabet là người gốc Ấn Độ tỏ ra lo ngại không kém. Riêng
Microsoft báo trước, quyết định của tổng thống Trump giới hạn khả năng hợp tác
của tập đoàn tin học này với các nhà khoa học, với các nhà đầu tư nước ngoài,
hoạt động và mức độ phát triển của Microsoft có nguy cơ bị ảnh hưởng. Chủ tịch
tổng giám đốc Microsoft Satya Nadella
gốc Ấn Độ viết trên mạng xã hội : « Với tư cách là người nhập cư và chủ
tịch tổng giám đốc, tôi khẳng định về những đóng góp tích cực của người ngoại
quốc đối với công ty, đất nước và thế giới của chúng ta ».
Trong
suốt ngày 28/01/2017 những tên tuổi lẫy lừng nhất của thung lũng công nghệ cao
từ Elon Musk, ông chủ của SpaceX đến
sáng lập viên Airbnb Brian Chesky,
hay cha đẻ mạng xã hội Twitter Jack
Dorsey … đã liên tục khẳng định lập trường bênh vực người nhập cư Hồi giáo
và chống lại đường lối của Donald Trump.
No comments:
Post a Comment