Saturday, January 28, 2017

KÊ KÊ KÊ DẬU (Phạm Xuân Hy)




Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017


Nhân có người bạn già vong niên đến chơi thăm tôi, ngày trời tháng bụt, lại lún phún mưa rầm, ngồi trong nhà rỉ rả nói truyện phiếm dông dài, gió trăng mây nước, lan man  những truyện cà kê dê ngỗng. Con hổ giấy. Con hổ thật. Con chồn con cáo. Con chuột con gà. Lại biết tôi có một dúm chữ nho, anh bèn lấy bút viết ra mấy chữ dưới đây:
  
KÊ   KÊ   KÊ  DẬU

Bảo tôi cắt nghĩa và cho biết những sự tích liên quan đến gà. Bị hỏi đột ngột, bất ngờ, nhất thời tôi tỏ ra lúng túng, đỏ mặt, không biết trả lời bạn tôi ra sao. Vả, biển học mênh mông, chữ nghĩa chập chùng, cái vốn chữ nho của tôi cũng chỉ có giới hạn, nên không dám nói sằng nói bậy. Tôi đành khất nợ với bạn. Xin cho tôi đựợc phép mở sách ra đọc, và trả lời bạn sau.

Tranh gà của họa sĩ Phùng Anh Kiệt

Vì thế, hôm nay mới có bài viết này.

1.Nghĩa của bốn chữ kê , kê , kê , dậu.

Ba chữ     này âm Hán Việt đều đọc là "kê", đều là những chữ đồng âm và đồng nghĩa, và đều chỉ một loại gia cầm, con trống có khả năng báo hiệu giờ giấc, mỏ ngắn, phần trên hơi cong, trên đầu có mào, cánh ngắn, không thể bay cao được. Tiếng Việt dịch nghĩa là "Con Gà".

Sách "Thuyết Văn Giải Tự" giải thích "     - tri thời súc dã ". Gà là gia súc có khả năng biết giờ giấc, và báo sáng, nên ngày xưa  người ta nuôi gà để báo thức dậy sớm đi làm. Nhưng ngày nay, đã có đồng hồ, nên gà được nuôi phần lớn để ăn thịt.

Tuy nhiên, ba chữ này có sự khác biệt nhau về cách tạo tự của chúng.

a/Chữ . (đọc là KÊ) :
Theo giáp cốt văn và kim văn, đây là một chữ thuộc loại tượng hình tự. Tự hình của chữ này rất giống hình một con gà trống, trên có mào, chữ được cấu tạo bởi hai thành phần. Thành phần bên trái  gọi là thanh bàng là chữ  (đọc hề), sử dụng làm thanh phù. Thành phần bên phải hình bàng là chữ  (đọc chuy) sử dụng làm ý phù. Chuy, theo sách "Thuyết Văn Giải Tự" của Hứa Thận đời Đông Hán, giải thích là từ dùng để gọi chung loài chim lông đuôi ngắn (     - Đoản vĩ cầm tổng danh)

b-Chữ . (đọc là KÊ) :
Chữ  (đọc kê) do diễn biến của chữ  (đọc kê) này thành chữ  hình thanh tự. Hai chữ này chỉ khác nhau ở phần  ý phù bên phải, là chữ điểu  thay chữ chuy  mà thôi. Còn thanh phù vẫn giữ nguyên chữ hề , âm và nghĩa giống nhau. Chữ điểu , "Thuyết Văn Giải Tự" giải thích là loại chim lông đuôi dài (長尾禽總名 - Trường vĩ cầm tổng danh)

c-Ch  . (đọc là KÊ) :
Có người loại suy cho rằng chữ kê  này mới xuất hiện trên đại lục, khi nước Cộng Hòa Nhân Trung Hoa được thành lập.

Thật ra, đây là chữ thuộc loại giản thể của chữ  kê  trên, thanh phù bên trái  (đọc hề) được giản hóa  bằng chữ  (đọc hựu), còn ý phù bên phải  (đọc điểu), được giản hóa thành  (đọc điểu), âm và nghĩa như hai chữ kê trên, không thay đổi.

Chữ kê  này, người ta đã thấy xuất hiện trong sách "Kim Bình Mai Kỳ Thư" và sách "Mục Liên Ký Đạn Từ " đời nhà Thanh.

Đến năm 1932 và năm 1935, bộ giáo dục công bố bảng"Giản Thể Tự Biểu", chữ kê giản thể cũng đã được ghi trong bảng giản thể biểu đó, tuy nhiên chỉ giản hóa phần thanh phù thôi, phần ý phù vẫn giữ nguyên.

Vì là giản thể, nên chữ kê  này không thể phân tích theo như phương pháp lục thư được.

d-Chữ (đọc là DẬU) :
Người ta thường nói: "Tôi tuổi Dậu", để nói rằng năm sinh của người đó thuộc năm gà, vì thế, đôi khi đưa đến sự lầm lẫn cho rằng dậu , có nghĩa là gà. Thật ra, chữ dậu là chữ thuộc loại độc thể tự. Tự hình, là hình vẽ  một cái bình đựng đầy rượu, nên nghĩa gốc của dậu  ngày xưa  là rượu, nên chữ tửu   mới đầu viết là dậu . Về sau, theo cách giả tá, dậu mới biểu thị danh xưng của chi thứ mười trong mười hai địa chi: tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, DẬU, tuất hợi. Nhưng tại sao lại dùng con  gà làm tượng trưng của chi dậu, con chuột là tượng trưng của chi tý, con chó là tượng trưng của chi tuất v. v...?

Câu hỏi này cho đến nay, các nhà nghiên cứu văn hóa Trung Hoa, hầu như vẫn chưa tìm ra câu trả lời rõ rệt, thỏa đáng. Hoặc chỉ đưa ra những ức đoán mà không chứng minh được, và ngay cả các học giả Trung Hoa cũng không tìm được xuất xứ của mười hai địa chi trên. Tuy thế, dầu không biết xuất xứ, nhưng  ảnh hưởng của  mười hai địa chi này, như một thực tế, ăn sâu vào những suy tư, sinh hoạt của người Trung Hoa, không thể chối cãi được. Người Trung Hoa  từ hàng nghìn năm trước đã dùng mười hai địa chi phối hợp với mười thiên can để ghi nhớ ngày, tháng, năm. Ghi nhớ các sự kiện lịch sử, những ngày sinh, tháng đẻ, đến ngày tết ngày giỗ, ngày cưới vợ gả chồng, cất nhà mở tiệm, đi chơi xuất hành, nhất nhất cái gì cũng được ghi nhớ bằng thiên can, địa chi cả. Có khi còn đến các thầy bói, các thầy địa lý, các tử vi gia, để nhờ reo  quẻ, bấm độn cho biết sự tốt xấu về tình duyên, gia đạo, buôn may bán đắt. Các thầy bói, các thầy tử vi, các chiêm tinh gia, hàng ngày vẫn phải lẩm bẩm nhắc tên từng thuộc tướng tý, sửu, dần, mão, thìn, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi... để thỏa mãn những câu hỏi của khách hàng.

Đây thật là một điều kỳ lạ khó hiểu trong một văn minh  rực rỡ lâu đời như nền văn minh Trung Quốc.

Nhưng thôi, tôi xin gác vấn đề này sang một bên, để dịp khác.
Và xin trở lại với đề tài về gà.

2.Những từ ngữ chữ Hán dùng để chỉ gà.
Như trên đã trình bầy, chữ dậu không có nghĩa là con gà. nhưng trong những thư tịch và văn  thơ cổ điển Trung Hoa, người ta thường gặp những từ ngữ sau đây để chỉ con gà:

a-Song cầm  :
Theo sách "Nghệ Văn Loại Tụ" thì: "Thứ sử Duyện Châu đời Tấn, tên là Tống Xử Tông, người Bái Quốc, từng mua được một con gà, có tiếng gáy rất dài, nên Xử Tông rất lấy làm yêu quý, nuôi dưỡng rất cẩn thận, thường để lồng gà ở bên cửa sổ. Gà bèn dùng tiếng người đàm luận với Xử Tông, rất là biện bác, suốt ngày không ngừng. Nhờ thế mà tài hùng biện của Xử Tông tiến rất xa. Sau này, hậu thế dùng từ ngữ "Song cầm" để chỉ gà.

b-Kim cầm  :
Theo thuyết ngũ hành, gà thuộc hành kim, vì thế gọi gà là kim cầm.

c-Tốn vũ  :
Trong Kinh Dịch, quẻ tốn  chỉ con gà. Gà thuộc loại vũ trùng, vì thế gọi gà là tốn vũ. Như Ban Cố, tác giả Hán Thư, từng dùng hai chữ tốn vũ để chỉ gà "巽羽化于宣宮兮-Tốn vũ hóa vu Tuyên Cung hề"

d-Thời dạ  :
Gà có khả năng coi đêm tối, vì thế gọi gà là "thời dạ". Thời, có nghĩa là chưởng quản, trông coi. Trong sách "Trang Tử -Tề Vật Luận" có câu "Kiến noãn nhi cầu thời dạ 見卵而求時夜" Có nghĩa là "Thấy trứng thì muốn có  gà".

e-Chúc dạ  :
Gà có khả năng coi đêm, và quan sát trời sáng, nên gọi gà là chúc dạ. Chúc  có nghĩa là quan sát, xem xét cho rõ.

3.Những từ ngữ có liên quan đến chữ kê.
Liên quan đến chữ kê, hán tự có rất nhiều từ ngữ, thành ngữ, và điển cố. Như trên đã trình bầy, chữ kê vốn là loại chữ tượng hình. Đó là hình vẽ của một con gà trống, nhưng các tự điển  chữ Hán, hay Hán Việt từ điển, chỉ giải thích chữ kê có nghĩa là gà.

Muốn nỏi rõ gà trống thì phải gọi là "công kê   ", gà mái là "mẫu kê 母雞". Nhưng cũng có những từ ngữ có chữ kê, lại chỉ một vật khác, hay ám chỉ một nghề nghiệp khác như. Như chữ "dã kê  ", ngoài cái nghĩa chỉ loại chim trĩ ở ngoài đồng ruộng, ngày xưa còn dùng hai chữ này để ám chỉ những cô gái mại dâm, đứng ở ngoài đường, lôi kéo khách về nhà. Tôi không rõ thành ngữ "mèo mả gà đồng" của ta, trong đó hai chữ "gà đồng" có phải do ý từ chữ "dã kê"  này mà ra chăng? Hay do chữ "điền kê 田雞"  mà ra?

Dưới đây xin cử ra một vài  thành ngữ khác.

a-Kê công xa 雞公車.
Kê công xa là tên gọi loại xe một bánh, do vợ Gia Cát Lượng là Hoàng Nguyệt Anh nghĩ chế tạo ra. Nguyên vào thời Tam Quốc, Lưu Bị sau khi mượn được đất Kinh Châu, nhưng lương thực không đủ dùng, mới sai Gia Cát Lượng tìm cách khai khẩn trồng trọt. Kinh Châu lại là vùng đất có nhiều hồ, vì thế muốn khai khẩn thì phải đào đất làm đê để ngăn nạn lụt. Gia Cát Lượng thấy sĩ tốt lao lụy người cuốc người vác, vất vả, công việc chậm chạp mà lại cực nhọc vất vả, muốn dùng chiến xa để chuyên trở thì không được, mà mùa nước lũ sắp tới. Về nhà Gia Cát Lượng thở vắn thở dài, chưa nghĩ ra biện pháp. Người vợ là Hoàng Nguyệt Anh thấy vậy mới hỏi nguyên cớ, Gia Cát Lượng đem sự việc kể lại cho vợ nghe. Người vợ chỉ cười. Gia Cát Lượng biết vợ đã tìm ra biện pháp, bèn khom người vái vợ mấy vái xin chỉ giúp. Người vợ mới nói: "Tối nay thiếp sẽ thiết kế làm một chiếc xe nhỏ, khi gà kêu đến lần thứ ba sẽ giao hàng cho tướng công".

Gia Cát Lượng đứng chờ ở ngoài cửa, khi gà gáy đến lần thứ hai, ông sốt ruột, đẩy cửa bước vào phòng của vợ, thì thấy người vợ đã hoàn thành xong một chiếc xe nhỏ, có một bánh, khi đẩy xe lên, thì xe phát ra tiếng kêu cót ket như cục tác, lại hoàn thành trước cả dự định một tiếng gà, nên mới đặt tên là " kê công xa".

Kê công xa

Nhờ loại xe mới sáng chế nầy, mà công việc vận chuyển đất để đắp đê được nhanh chóng và bớt vất vả hơn, giúp cho việc khẩn hoang của Lưu Bị được mở rộng và phát triển thêm, có đủ lương thực để chống lại với phe Ngụy và Ngô.

b-Kê gian   .
Chỉ việc con trai hành dâm với con trai. Ngày xưa đó là một tội danh bị phạt xử tử, và bị coi là một tội hèn hạ, xỉ nhục, mất đạo đức. Tức như bây giờ thường gọi là bệnh đồng tỉnh luyến ái. Bê đê. Trên thực tế bệnh kê gian, bệnh háo nam sắc này xuất hiện đã từ lâu đời. Nước Tầu, từ khi Tần thống nhất cho đến nhà Mãn Thanh bị lật đổ, kéo dài 2133 năm, gồm 564 vị hoàng đế, không thiếu những ông vua anh hùng, tài trí thao lược, nhưng lại mắc bệnh "kê gian", hiếu nam sắc. Tần Thủy Hoàng có gã Triệu Cao xinh đẹp mà gian ác. Triều nhà Hán, Hán Cao Tổ Lưu Bang có chàng Tịch Nhũ thanh tú linh lợi. Văn Đế Lưu Hằng có chàng Đặng Thông xuất thân bần hàn, sống bằng nghề lái đò, nhưng nhờ khuôn mặt đẹp như trăng, nước da trắng như ngọc ngà mà được vua yêu. Võ Đế Lưu Triệt có nam sủng là Hàn Yên và Lý Diên Niên. Vua Ai Đế đời Hậu Hán có Đổng Hiển. Ai Đế say mê Đổng Hiền, thường cho Hiền cùng ăn cùng ngủ. Có lần vua cho Hiền ngủ trên tay áo của mình, vua muốn đứng dậy, nhưng thấy Hiền còn chưa tỉnh, không nỡ đánh Hiền thức dậy, bèn dùng dao cắt đứt tay áo của mình, để cho Hiền ngủ yên. Thành ngữ "Đoạn tụ 斷袖 -Cắt tay áo" thường được sử dụng trong thơ văn cổ điển để chỉ bệnh háo nam sắc của các bậc đế vương. Háo nam sắc đối với các ông vua, không phải là một thứ tình cảm bẩm sinh, chẳng qua chỉ là một món ăn chơi "nghiệp dư", khi đã là "thiên tử-con trời", muốn gì được nấy. Bằng cớ là các vị thiên tử này vẫn có vị vì nữ sắc mà bị mất thiên hạ.

 c-Kê đầu nhục   .
Nếu hiểu theo nghĩa là "miếng thịt đầu gà" thì không đúng. "Kê đầu nhục" có nghĩa là đầu vú của phụ nữ. Nhân vì Đường Minh Hoàng là một ông vua bay bướm đa tài lẫn đa tình. Một hôm vua thấy Dương Qúy Phi tắm xong, đứng soi gương, để lộ một đầu vú ra khỏi áo, vua bèn lấy tay vân vê sờ lẩn, rồi bảo với Dương Quý Phí rằng: "Nhuyễn ôn tân bác kê đầu nhục -      . Mềm mại êm ấm như thịt đầu gà mới bóc". Nhưng đầu gà thì chỉ toàn xương thôi, làm sao mà mềm mại êm ấm được. Chẳng qua là một cách nói văn hoa, ẩn dụ cho đẹp, thay vì nói toạc móng heo, một càch sỗ sàng là cái đầu vú.

Bồ Tùng Linh trong Liêu Trai Chí Dị, truyện Liên Tỏa, cũng dùng từ ngữ này một cách khéo léo. Ông viết: "戲以             - Hí dĩ thủ thám hung, tắc kê đầu chi nhục, y nhiên xử tử. - Đùa lấy tay lần sâu vào bụng nàng, thấy đầu vú, y nhiên còn là trinh nữ. "
Cổ nhân dùng chữ quả thật nhiêu khê, rắc rối.

d-Kê đầu cẩu huyết    
Đầu gà máu chó.

Dương Tu

Cổ xưa, người Trung Hoa cho rằng gà và chó là những con vật có nguồn gốc thần bí, khác những gia súc khác. Gà là do Ngọc Hành Tinh tan ra mà thành. Chó là do Đẩu Tinh mà sinh ra, nên người Trung Hoa xử dụng một số bộ phận nào đó của gà để làm pháp bảo phù chú, như đầu gà máu chó. Họ tin rằng dùng máu gà, máu chó có thể tịch tà, diệt trừ được những điều bất tường, xui sẻo.

Theo sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, việc sử dụng máu chó, máu gà  bôi vào cửa để giải trừ những thế lực "tà ma", hoặc phá những "yêu thuật" gian ác  của kẻ thù. Đó là một hiện tượng đã có từ đời Tần Thủy Hoàng.

Tập tục chém đầu gà treo ở trước cửa vào đêm giao thừa để trợ trường sinh và giúp ích cho việc trồng trọt, cấy cầy của nhà nông cũng là một hiện tượng phổ biến ở Trung Hoa trước cuộc Cách Mạng Tân Hợi.

Ngoài ra, người Tầu còn dùng xương  gà, gan gà, mỏ gà, trứng gà để bói toán, dự đoán cát hung, may rủi.

Để chấm dứt bài này, tôi xin thuật lại sự tích "Kê cân 雞筋 - gân gà " dưới đây :

Kê cân   hay kê lặc  .
Gân gà hay xương gà?

Hồi còn trẻ, tôi ham đọc "Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa", tôi cố để dành tiền mua được một bản dịch truyện này, do nhà in Phúc Chi ấn hành, nhưng lại không ghi tên người dịch. Nguyên danh là Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa, La Quán Trung đã dựa vào Tam Quốc Chí của Trần Thọ, đời Tấn mà soạn ra, được các nhà phê bình văn học Trung Hoa coi là đệ nhất tài tử thư. La Quán Trung đã vẽ lại cho người đọc thấy cuộc đấu tranh quân sự giữa các sứ quân cát cứ, và tình hình chính trị phức tạp kéo dài hơn nửa thế kỷ trong thời kỳ Hán mạt - Tam Quốc. Toàn truyện có nhiều chi tiết có thật rút từ chính sử ra, và có khoảng 1191 nhân vật, rất khó mà nhớ hết. Nhiều thành ngữ của Trung Quốc cũng được rút ra từ bộ truyện này, như "Quá Ngũ Quan Trảm Lục Tướng -      ", "Vọng Mai Chỉ Khát -    ", "Thất Bộ Thành Thi -    ", "Tam Cố Thảo Lư  -     ",  "Dương Tu Kê Lặc    "…

Dương Tu vốn là mưu sĩ của Tào Tháo, con của Dương Bưu, người Hoằng Nông Hoa Âm, nổi tiếng là một người tài tư mẫn tiệp, học rộng biết nhiều, nhưng thường ỷ tài, nhiều lần mạo phạm vào những điều cấm kỵ của Tào Tháo, lại thêm đứng về phe Tào Thực trong cuộc tranh dành ngôi báu với Tào Phi, càng khiến Tháo ghét thêm.

Năm Kiến An nhị thập tứ niên, tức năm 219 Công Nguyên, Tào Tháo với Lưu Bị tranh nhau đất Hán Trung. Tào Tháo đánh nhiều trận không thắng, lại mất viên mãnh tướng Hạ Hầu Uyên, nên Tháo có ý muốn rút quân, nhưng trù trừ chưa quyết định. Giữa lúc đó, bộ hạ của Tháo là Hạ Hầu Đôn vào trong trướng xin hiệu lệnh ban đêm. Tháo nhìn thấy trong bát thang đang ăn của mình  còn có cái "gân gà" chưa ăn, bèn thuận miệng nói: "Gân gà! Gân Gà ".

Đôn ra ngoài truyền lệnh cho các quan quân bảo là "Gân gà".

Hành Quân Chủ Bạ Dương Tu nghe thấy hai chữ "Gân gà", bèn bảo cho quân sĩ  của mình sửa soạn hành trang để đi về. Có người đến báo cho Hạ Hầu Đôn biết. Đôn giật mình kinh sợ, cho mời Tu vào trong trướng của mình, và hỏi:
- Tại sao ông lại thâu thập hành trang vậy?

Tu đáp:
- Theo như hiệu lệnh đêm nay là biết Ngụy Vương sớm muộn gì cũng rút quân về. "Gân gà " ăn vào thì không có thịt, mà bỏ đi thì còn mùi vị. Nay ta tiến thì không thể thắng, còn lùi thì sợ địch quân chê cười. Trong hoàn cảnh vô ích như thế, chi bằng rút về. Tương lai, Ngụy Vương thế nào cũng ban sư đấy, vì thế tôi thâu thập hành trang trước, tránh khỏi bị hỗn loạn lúc lâm hành.

Ngụy Vương tức Tào Tháo, các cận thần của Tháo đều tôn xưng Tháo là Ngụy Vương.

Đôn nghe nói thế, bảo:
- Ông thật là người biết hết gan ruột của Ngụy Vương đấy!

Rồi cũng cho lính thâu thập hành trang.

Thế là các tướng trong doanh trại của quân Ngụy, chẳng ai là không chuẩn bị để rút về.

Đêm đó, Tào Tháo thấy trong lòng bồn chồn rối loạn, ngủ không  yên, bèn sách cương phủ đi một vòng quanh trại. Chỉ thấy quân sĩ trong trại của Hạ Hầu Đôn ai nấy đều chuẩn bị hành trang. Tháo đâm hoảng, vội vã trở về trong trướng, gọi Hạ Hầu Đôn lên hỏi.

Đôn thưa:
- Chủ Bạ Dương Đức Tổ biết trước được ý muốn trở về của Đại Vương!

Đức Tổ là tên chữ của Tu. Tháo cho gọi Tu lên hỏi. Tu lấy ý của hai chữ "Gân gà" ra giải thích. Tháo giận quá, nói:
-Nhà ngươi dám tạo ngôn, làm loạn quân tâm à!

Rổi hét đao phủ thủ lôi Tu ra chém đầu treo ở ngoài cửa hiên môn.

Sự tích trên đây, tôi đã dịch từ nguyên bản chữ Hán sách Tam Quốc Diễn Nghĩa, hồi thứ bẩy mươi, sách do Minh Lương Thư Cục ở Hương Cảng phát hành. Đến  đây tôi xin mở một dấu ngoặc:
Vốn trong nguyên truyện bằng chữ Hán, không hề có chữ "kê cân  " mà chỉ có chữ "kê lặc  ". Câu trong nguyên truyện viết là: 
                                 口曰  .惇傳令眾官都稱  .

(Dịch âm: Thích bào quan tiến kê thang Tháo kiến oản trung hữu sồ lặc nhân nhi hữu cảm ư hoài Chính trầm ngâm gian Hạ Hầu Đôn nhập trướng bẩm thỉnh dạ gian khẩu hiệu. Tháo tùy khẩu viết "Kê lặc! Kê lặc!".Đôn truyền lệnh chúng quan đô xưng "Kê lặc". ).

Trong nguyên bản rõ ràng là chữ  kê lặc   chứ không phải chữ kê cân  . Chữ lặc  có nghĩa là xương, còn cân  mới có nghĩa là gân, hai chữ chỉ hơi giống nhau. Nhìn vội dễ có thể đọc nhầm. Nhưng sở dĩ tôi vẫn dịch là "gân gà", không câu nệ phải dịch đúng nghĩa là "xương gà", một phần vì thương tiếc hai chữ "gân gà", mà tôi cho là tuyệt cú mèo và thích hợp với văn cảnh và ý của cốt truyện, mà người dịch giả vô danh  đã cố tình sử dụng một cách khéo léo, thần tình. Hai nữa, cũng để hoài cảm bộ sách cổ, tôi đã cố để dành tiền mua được, rồi giữ gìn, bảo quản, đóng bìa mạ gáy, sau 1975  gặp nạn phần thư, chung một kiếp bạc mệnh, không còn nữa.

Ôi! Cái tình "Trung thư hữu nữ nhan như ngọc       " là thế đấy! Cố nhân hề cố nhân!

Năm thân sắp qua, năm dậu sắp lại, con khỉ đi con gà đến, gọi là có dúm chữ nho, trả  món nợ cuối năm, và để tạ cái tình của người bạn vong niên, anh đến thăm em một chiều mưa, chẳng có gì đãi đằng, ngoài tách trà "đinh" đắng chát.

CHÚ THÍCH

Tào Tháo
 

Tào Tháo tức Ngụy Võ Đế, sinh năm 155 CN, là một chính trị gia, quân sự gia, thi nhân đời Tam Quốc, người đất Tiêu, tự là Mạnh Đức, tiểu danh A Man, vốn  họ Hạ Hầu, cha là Tung làm con nuôi con nuôi hoạn quan Tào Đằng, nhân thế mới mang họ Tào. Cuối thời Đông Hán, Tháo trấn áp giặc Khăn Vàng, để khuyếch trương lực lương quân sự của mình.

- Năm 192 CN, Tháo chiếm cứ Duyện Châu, rồi phân hóa và dụ hàng được một bộ phận quân đội của giặc Khăn Vàng ở Thanh Châu, rồi lập thành "Thanh Châu Binh".

- Năm 196 CN, Tháo đón vua Hiến Đế về Hứa Đô (nay là thuộc phía đông Hứa Xướng tỉnh Hà Nam), rồi lấy danh nghĩa của Hiến Đế để ra lệnh cho chư hầu. Trước sau, Tháo tước trừ thế lực cát cứ của Lã Bố, đại phá lực lượng thế tộc quân phiệt cua Viên Thiệu tại trận Quan Độ, dần dần thống nhất được miền bắc Trung Quốc.

- Năm 208 CN, Tháo lên làm Thừa Tướng, xuất quân đánh miền Nam, bị liên quân Tôn Quyền, Lưu Bị đánh bại ở trận Xích Bích.

- Năm 216 CN, Tào Tháo được phong Ngụy Vương. Khi mất, con là Tào Phi, cướp ngôi nhà Hán và xưng đế, truy tôn Tháo là Võ Đế.

Trong thời gian cai trị ở phía bắc Trung Quốc, Tào Tháo cho lập đồn điền, hưng tu thủy lợi, giải quyết đựơc vấn đề thiếu thốn lương thực. Ông lại biết dùng người có tài, đả phá cái quan niệm coi trọng thế tộc môn đệ, chiêu mộ những nhân vật trung và hạ tầng địa chủ, ức chế bọn cường hào, gia cường trung ương tập quyền, khiến cho bắc phương  xã hội, kinh tế khôi phục và phát triển.

Là một nhà quân sự có tài, Tào Tháo từng viết "Tôn Tử Lược Giải", "Binh Thư Tiếp Yếu". Ông còn giỏi về thi ca, có nhiều bài thơ được người đời yêu thích truyền tụng rất rộng như "Tang Thương Hải", "Đoản Ca Hành", được xưng tụng là "Kiến An Phong Cốt", hiện nay còn "Ngụy Võ Đế Tập".

Nhưng về mặt đạo lý cũ, Tháo bị coi là kẻ gian hùng, bất trung bất nghĩa, có nhiều thủ đoạn.
Tháo mất năm 220 CN.

Tôn Quyền
 

Ngô Quyền là người kiến lập ra nước Ngô thời Tam Quốc, tự là Trọng Mưu, người Phú Xuân  Ngô Quận (nay Phú Dương tỉnh Triết Giang). Cuối đời Đông Hán, Tôn Quyền kế nghiệp người anh là Tôn Sách, chiếm cứ sáu quận Giang Đông.

 - Năm 208 CN, Tôn Quyền hợp binh với Lưu Bị đại phá Tào Tháo ở trận Xich Bích.

- Năm 222 CN, trong cuộc chiến Ngô Thục, tại trận Di Lăng, Quyền dùng hỏa công đại phá hơn bốn chục doanh trại của Lưu Bị, tận diệt thuyền bè, khí giới và quân tư, khiến cho Lưu Bị phải chạy về Bạch Đế Thành(nay là Phụng Tiết tỉnh Tứ Xuyên), năm sau thì mất.

- Năm 229 CN, Quyền xưng đế ở Võ Xương, lấy quốc hiệu là Ngô. Sau rời đô đến Kiến Nghiệp (nay là Nam Kinh tỉnh Giang Tô).

Trong thời gian ở ngôi, Quyền từng  phái hàng hải liên hệ với Di Châu (nay là Đài Loan). Thái Thú Sĩ Nhiếp ở Giao Chỉ cũng từng đem ngọc trai, sừng tê, ngà voi, cùng trái cây quý giá cống cho Quyền, được Quyền khen ngợi và phong cho chức Long Biên Hầu.

Để thúc đẩy phát triển, Quyền thiết lập nông quan, thực hành đồn điền, nhưng vì hình pháp tàn khốc, và phú thuế nặng nề, nên thường xấy ra các cuộc nổi dậy chống đối của dân chúng.

Năm 252 CN, Tôn Quyền mất, ở ngôi ba mươi mốt năm. Con là Tôn Lượng kế vị, truy tôn là Đại Đế, người đời thường gọi là Ngô Đại Đế.

Lưu Bị
 劉備
Lưu Bị tức Chiêu Liệt Đế, sinh năm 161 CN, là người kiến lập ra nhà Thục Hán đời Tam Quốc, tự là Huyền Đức, người Trác Huyện Trác Quận (nay thuộc Hà Bắc, là họ một chi xa với hoàng tộc. Thuở nhỏ, Bị nhà nghèo, theo mẹ sống bằng nghề bán giầy và dệt chiếu. Cuối thời Đông Hán, Lưu Bị khởi binh, tham dự  trấn áp giặc Khăn Vàng. Trong cuộc hỗn chiến của các quân phiệt thời đó, Bị từng đến nương nhờ Công Tôn Toản, Đào Khiêm, Tào Tháo, Viên Thiệu, và Lưu Biểu.

Sau Lưu Bị nghe kế của Gia Cát Lượng chủ trương "liên Tôn cự Tào" đánh bại Tào Tháo ỏ trận Xích Bích năm 208 CN, rồi chiếm lãnh Kinh Châu, lực lượng dần dần trở nên lớn mạnh. Sau đó, Bị đánh chiếm Ích Châu, Hán Trung.

Năm 221 CN, Lưu Bị xưng đế, đóng đô ở Thành Đô, đặt quốc hiệu là Hán, sử quen gọi là Thục Hán.
Trong cuộc chiến tranh Ngô, Thục, Lưu Bị đại bại ở trận Di Lăng, năm 223 CN  bị bệnh mất.

Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa
    

Kết nghĩa vườn đào

Trường biên lịch sử tiểu thuyết. Nguyên toàn danh xưng là Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa, hoặc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa.

Tam Quốc Chí là loại lịch sử  tiểu thuyết mở đầu trong văn học Trung Quốc, do La Quán Trung soạn vào thời Minh Mạt Thanh Sơ. La Quán Trung đã căn cứ vào sách Tam Quốc Chí của Trần Thọ đời Tây Tấn và do Bùi Tòng Chi chú, cùng sách Tam Quốc Chí Bình Thoại đời Nguyên mà viết thành.

Bản Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa lưu hành hiện nay là do Mao Tôn Cương đã tu đính và sửa chữa. Cố sự bắt đầu từ truyện Lưu Bị, Quan Vũ, và Trương Phi kết nghĩa vườn đào, đến Vương Tuấn bình Ngô, trải qua gần một nửa thế kỷ.

Tác giả đã  vẽ lại cho người đọc thấy rõ những cuộc đấu tranh quân sự  giữa các sứ quân và tình hình chính trị phức tạp của thời kỳ Hán Mạt và Tam Quốc, đồng thời thành công  nặn ra được hàng loạt những nhân vật mang những hình tượng  điển hình, rõ rệt như Tào Tháo, Gia Cát Lượng, Quan Vũ, Trương Phi v. v...

Tác phẩm có nhiều chương tiết rất sống động, bóng bẩy. Như “Lưu, Quan, Trương, tam anh chiến Lã Bố”, “Tam cố thảo lư”,  “Xích Bích chiến”.

Toàn truyện có rất nhiều chi tiết khúc chiết, kết cấu hoằng đại, nhưng bố cục rõ ràng, mạch lạc, được vinh dự coi là “Đệ nhất tài tử thư”.

Truyện có  cả thẩy 1191 nhân vật có danh có tính, chia ra:
-  436 võ tướng
- 456 văn quan
- 128 nhân vật là tôn thất, hoạn quan, cung phi.
- 67 người thuộc các sắc tộc ngoài biên, như Tiên Ty, Khương.
- 109 nhân vật thuộc các tam giáo cửu lưu.

 Chủ đề của Tam Quốc Diễn Nghĩa lấy tư tưởng chính thống “tôn Lưu biếm Tào”, và coi cuộc nổi dậy Hoàng Cân là làm loạn, làm giặc, lấy trung hiếu tiết nghĩa làm tiêu chuẩn, và coi thuyết "Thiên hạ qui nhất", "hợp cửu tất phân, phân cửu tất hợp" là xu thế tất nhiên của qui luật phát triển lịch sử.

Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, được quảng đại quần chúng hâm mộ ưa thích. Ở Việt Nam, có ít nhất sáu bản dịch khác nhau.

La Quán Trung
  
Là một tiểu thuyết gia thời cuối đời Nguyên, đầu đời Minh, tác giả "Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa", tên là Bổn, tự là Quán Trung, hiệu là Hồ Hảo Tán Nhân, người Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây. Cuộc đời bình sinh của ông chưa có tài liệu nào nhắc đến. Tương truyền, ông từng là học trò của Thi Nại Am, ít giao thiệp với người đời, chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng nho gia, mang trong lòng hoài bão phò vua giúp nước, để tạo nên sự tạo nên sự nghiệp. Cả cuộc đời ông, để hết lòng vào việc sáng tác văn học. Ông soạn hơn mười bộ tiểu thuyết, hiện còn lại:
- Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa tức Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa.
- Tam Toại Bình Yêu truyện.
- Tùy Đường Chí truyện.
- Tàn Đường Ngũ Đại Sử Diễn Nghĩa.
- Phấn Trang Lầu.

Trừ hai bộ truyện đầu còn bảo lưu  được nguyên diện mạo của nguyên tác, các bộ sau bị  hậu nhân san cải, sửa chữa nhiều lần, không còn giữ được nguyên dạng lúc đầu nữa.

Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa là bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử vĩ đại nhất của Trung Quốc, hưởng một vinh dự lớn trong văn học sử, và ảnh hưởng thâm sâu đối với hậu thế.

Liêu Trai Chí Dị 
聊齋志異
Tên một cuốn tiểu thuyết gồm các truyện ngắn viết bằng văn ngôn, tác giả là Bồ Tùng Linh, đời Thanh trước tác, cộng 431 truyện. Tác giả đã dựa vào những truyền thuyết dân gian, dã sử, dật văn, lấy đời sống sinh hoạt người dân hạ tầng và trung tầng làm chủ thể, rồi dùng trí tưởng tượng độc đặc hiếm hoi của chính mình mà dựng nên những câu truyện hồ ly, ma quỷ, hoa yêu, với  mục đích để:
- Phơi bầy ra ánh sáng những hủ bại hắc ám ở chốn quan trường, và sự cai trị tàn bạo độc ác của nhà cầm quyền Thanh Triều.

- Chọc cười, phóng thích những phong tục hủ bại, giả đạo đức, đày tác hại của lễ giáo phong kiến, cũng như những tệ đoan của chế độ khoa cử.
- Tán tụng tình yêu chân chính và đề cao tự do luyến ái, tự do kết hôn cuả thanh niên trai gái.

Liêu Trai Chí Dị phản ánh rõ ràng diện mạo xã hội Trung Quốc ở thế kỷ thứ 17, và thông qua những câu truyện ma quỷ, hồ ly, tác giả  muốn thổ lộ nỗi niềm "cô phẫn" của mình đối với xã hội đương thời.

Những câu truyện được tác giả thuật lại bằng lối văn ngôn điêu luyện sâu sắc, lãng mạn, những lời đối thoại được diễn tả sống động, truyền thần, với những tình tiết ý vị, hư hư thực thực, thắt cởi, lên xuống, dẫn đưa người đọc mê say, đi từ ngạc nhiên này, đến ngạc nhiên khác, khiến cho tác phẩm tiếp nối được truyền thống truyền kỳ và trở thành ngọn đỉnh phong của lối văn truyền kỳ chí quái cổ xưa của văn học Trung Quốc.

Tác phẩm sau khi ra đời được hơn hai trăm năm, được quảng đại độc giả hỷ hoan ái mộ, cùng lưu truyền các nước trên thế giới như Anh, Phap, Đức, Ý, Mỹ, Nhật, Nga, Việt Nam v. v. đều có những bản dịch.

Riêng ở Việt Nam ước chừng có hơn mười bản dịch khác nhau. Có bản nhiều truyện, có bản ít truyện, tùy người dịch.

Liêu Trai là tên phòng đọc sách của Bồ Tùng Linh, nên ông lấy đó làm tên sách, và vì thế Bồ Tùng Linh còn có hiệu là Liêu Trai Tiên Sinh, và Liễu Tuyền Cư Sĩ. Đa số những truyện cuả ông là viết về quỷ ma, quái dị, nên gọi là Chí Dị.

Bồ Tùng Linh
  

Bồ Tùng Linh là văn học gia đầu đời Thanh, tác giả truyện "Liêu Trai Chí Dị", tự là Lưu Tiên, một tự khác là Kiếm Thần, hiệu là Liễu Tuyền Cư Sĩ, người đời thường gọi ông là Liêu Trai Tiên Sinh, người Truy Xuyên. Có thuyết cho rằng ông là người Mông Cổ, hay Hồi tộc, xuất thân từ một gia đình phú hào đã bị suy vi, và thuộc phần tử trí thức. Ông có tài cao từ hồi còn trẻ, dốc chí thi cử, năm mười chín tuổi thi đậu tú tài, sau đi thi nhiều lần không đậu, mãi đến năm bẩy mươi mốt tuổi mới đậu cống sinh, bốn năm sau thì qua đời.

Một đời Bồ Tùng Linh lấy nghề dậy học mưu sinh, lao đao sầu cùng. Nhân vì khoa cử bất đắc ý, lại thấy quan trường tham tàng uổng pháp, mà nhân dân thì thống khổ nghèo khổ, ông bèn mượn những hình ảnh của hồ ly, ma quỷ, yêu quái, viết truyện "Liêu Trai Chí Dị", để trút bớt niềm cô phẫn, bất bình ở trong lòng.

Sau hai mươi năm, thì "Liêu Trai Chí Dị "được hoàn thành. Truyện được viết bằng một bút pháp lãng mạn, phơi bầy những tội ác hắc ám của nhà cầm quyền, công kích những tệ đoan hủ bại của khoa cử, cùng chủ trương tự do luyến ái, phản ánh những sinh hoạt xã hội của thời kỳ đó. Liêu Trai Chí Dị  là tuyệt đỉnh của loại văn ngôn đoản biên tiểu thuyết của Trung Hoa, có ảnh hưởng sâu rộng với hậu thế. Nhiều người đã mô phỏng Liêu Trai Chí Dị để viết nên những tác phẩm  riêng của mình, như "Dạ Vũ Thu Đăng Lục" của Tuyên Đỉnh, "Tòng Ẩn Mạn Lục" của Vương Thao, "Dạ Đàm Tùy Lục" của Hòa Bang Ngạch. "Huỳnh Song Dị Thảo" của Trường Bạch Hạo Ca Tử (Chúng tôi đã dịch một số truyện trong những tác phẩm này.)

Ở Việt Nam có sách Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ gồm hai mươi hai truyện, cũng viết theo thể văn ngôn đoản biên tiểu thuyết, mà theo Trần văn Giáp thì chịu ảnh hưởng của Nguyễn Nho, ra đời  từ thời Lê, trước cả "Liêu Trai Chí Dị". 




No comments:

Post a Comment