Thursday, January 19, 2017

DI SẢN CHÍNH TRỊ CỦA TỔNG THỐNG OBAMA (RFI)




Tú AnhHà Ngọc Cư  -  RFI
Phát Thứ Năm, ngày 19 tháng 1 năm 2017

Ngày 20/01/2017, sau hai nhiệm kỳ 8 năm, Barack Obama rời Nhà Trắng. Ông không bị một tai tiếng xấu hổ hay một sai trái nghiêm trọng nào. Nhưng di sản chính trị của vị tổng thống Mỹ thứ 44 khá phức tạp : thành công về kinh tế, bảo hiểm sức khỏe, nhưng xã hội Mỹ vẫn rạn nứt ; dứt khoát hoà giải với Cuba nhưng lại do dự để cho Nga sáp nhập Crimée và Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông.

Vào năm 2008, nước Mỹ bầu một vị tổng thống da đen đầu tiên đã là một sự kiện lịch sử. Barack Obama thừa kế một di sản được giới quan sát mô tả là « tai hại » do người tiền nhiệm để lại : gồng gánh hai cuộc chiến Irak và Afghanistan, kinh tế khủng hoảng, đầu cơ tài chính, thất nghiệp trên 10%.

Tám năm của Obama là 8 năm tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp giảm 50% (4,7%). Đây là một thành công lớn vì « từ vực sâu trở lại trạng thái bình thường ».

Thế nhưng, công luận cánh tả tại Mỹ vẫn bất bình cho rằng ông không thừa cơ hội giải quyết khủng hoảng tài chính 2009 để « dứt điểm » bàn tay thô bạo của Wall Street. Ông không thực hiện được lời hứa về luật di trú hợp thức hóa cho hơn 11 triệu di dân, về luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ, nhiều thảm sát xảy ra ngay trong trường học.

Nước Mỹ của Obama đã bớt lệ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, ký kết vào hiệp ước quốc tế bảo vệ môi trường khí hậu, trừng phạt đầu não khủng bố 11/09/2001, hoà giải với Cuba và Iran. Nhưng vì do dự hay thiếu chiến đấu tính, tổng thống Obam không chận được cuộc chiến tại Syria. Hệ quả là ở châu Âu, Nga khai thác tâm lý chủ hòa lấn chiếm quần đảo Crimée và tại châu Á, Bắc Kinh làm mưa làm gió ở Biển Đông.

Đó là nhận định của báo chí Pháp. Phải chăng bên cạnh ưu điểm sáng suốt của một vị tổng thống trí thức và có văn hóa, Obama lại hiền lành quá khiến cho đối thủ, và kể cả đồng minh xem thường như trường hợp tổng thống Philippines ông Duterte ?

Bảo vệ thành quả chính trị đối ngoại, tổng thống Obama bác bỏ lập luận chỉ trích ông đã để nước Nga của Putin củng cố thế lực trên bàn cờ quốc tế : Làm cho kinh tế quốc gia suy sụp, gửi quân sang Syria để hỗ trợ cho một đồng minh duy nhất (Bachar al Assad và hệ phái Shia) là dấu ấn của một nhà lãnh đạo biết tự trọng hay sao ?

Di sản không hoàn hảo của Obama

Đắc cử với khẩu hiệu « Yes, we can », hết nhiệm kỳ với « Yes, we did », vị tổng thống lý tưởng, trí thức, sáng suốt nhưng đôi khi do dự không đúng chỗ hoặc vì lực bất tòng tâm, nên để lại di sản không toàn hảo.

Nhà báo Hà Ngọc Cư, hệ thống báo Ngày Nay, từ Houston- Texas, Hoa Kỳ phân tích trong phần phỏng vấn sau đây.

NGHE  :  Nhà báo Hà Ngọc Cư- Houston19/01/2017

Nhà báo Hà Ngọc Cư : « Mười hay hai mươi năm sau, khi nhìn lại di sản chính trị của Obama, những người dân chủ của Mỹ sẽ tự hào là nước Mỹ dám bầu một tổng thống da đen. Trong bài diễn văn từ giã, ông Obama đã nói, và nói đúng là nước Mỹ vẫn là một quốc gia hùng mạnh. Hùng mạnh về kinh tế, hùng mạnh về quân sự và được kính nể. New York Times phỏng vấn 50 sử gia. Tất cả đều công nhận rằng những gì mà ông Obama chưa thực hiện được một phần là do 'lực bất tòng tâm' nhưng cũng lỗi một phần nào ở người lãnh đạo nếu nghiêng về tri thức, tâm linh thì không thể hành động mạnh bạo được. Do vậy (ông) làm nhiều người không bằng lòng ».

------------------------------

Đăng ngày 19-01-2017 

Trong cuộc họp báo cuối cùng, ngày 18/01/2017, tại Nhà Trắng, trước sự hiện diện đông đảo của các phóng viên, Barack Obama làm ra vẻ như không can thiệp vào công việc của tân chính quyền Mỹ, nhưng đã đưa ra những lời khuyên nhủ đối với người kế nhiệm Donald Trump.

Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường trình :

« Lời khuyên đầu tiên của Barack Obama đối với Donald Trump : không nên có những cố vấn chỉ nghĩ như mình, hãy cọ sát các quan điểm và nhất là nên tôn trọng tự do báo chí, điều mà tổng thống đắc cử Donald Trump hơi khó chấp nhận. Ông Obama nói : báo chí tự do đóng vai trò cốt yếu trong sự vận hành của Hoa Kỳ. Điều này không thể diễn ra nếu như các công dân không được thông tin tốt. Nền dân chủ của nước Mỹ cần đến các nhà báo.

Vẫn theo nguyên thủ Mỹ, khi làm tổng thống, những sự việc trong cuộc sống sẽ đưa người ta trở lại với thực tế. 

Làm ra vẻ không có ý định, nhưng trong suốt cuộc họp báo, Obama đã đưa ra nhiều lời khuyên đối với Donald Trump. Về nước Nga, Obama nói : đúng là nước Mỹ cần có quan hệ tốt với Matxcơva, nhưng Nga đã xâm lăng Ukraina và chính vì điều này mà phải tiến hành các biện pháp trừng phạt.

Trong hồ sơ Cận Đông, Obama nhắc nhở là cần phải chú ý, mọi quyết định của Hoa Kỳ đều có những tác động to lớn, hãy thận trọng về việc chuyển sứ quán Mỹ về Jérusalem, có thể người ta chưa đánh giá được hết các hậu quả của quyết định này.

Cuối cùng, tổng thống mãn nhiệm khẳng định là cho dù không ra tranh cử nữa, nhưng điều này không cấm cản ông, với tư cách công dân, công khai lên tiếng về những chủ đề mà ông tha thiết quan tâm, như các quyền tự do cơ bản của công dân, quyền bầu cử, vấn đề kỳ thị và quyền của người nhập cư.

Đồ đạc đã được đóng gói, sáng ngày 19/01/2017, gia đình Obama rời Nhà Trắng ».






No comments:

Post a Comment