Thanh Phương - RFI
Phát Thứ Hai, ngày 26 tháng 12 năm 2016
.
Người dân Hà Nội biểu
tình kêu gọi bảo vệ biển sau vụ cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung Việt
Nam.REUTERS/Kham
.
Formosa
gây ô nhiễm khiến cá biển chết hàng loạt, thay đổi ban lãnh đạo sau những đấu
đá quyết liệt ở Đại hội Đảng, Việt Nam tăng cường tiềm lực quân sự ở Biển Đông,
Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí Việt Nam, nợ công tăng cao đến mức báo động.
Đó là một số trong những sự kiện đáng chú ý của thời sự Việt Nam năm 2016.
Cá biển chết hàng loạt
Có thể nói sự kiện được bàn tán nhiều nhất và gây chấn
động nhiều nhất trong năm 2016 là vụ cá biển chết hàng loạt tại các tỉnh miền
Trung vào tháng Tư do các chất độc hại do nhà máy của công ty Formosa Hà Tĩnh
thải ra biển. Thảm họa môi trường chưa từng có ở Việt Nam đã gây thiệt hại nặng
nề cho ngư dân các vùng này, và thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế trong nhiều
tháng.
Theo thẩm định của chính phủ trong một báo cáo với
Quốc Hội vào tháng Bảy, khối lượng cá bị chết tại các vùng bờ biển miền Trung
vào tháng Tư vừa qua lên đến 115 tấn, gây tác hại đến việc kiếm sống của hơn
200 ngàn người, trong đó có 41 ngàn ngư dân.
Vào tháng 06/2016, công ty Formosa đã thừa nhận
trách nhiệm gây ô nhiễm biển khiến cá chết hàng loạt và đã hứa sẽ bỏ ra tổng cộng
500 triệu đôla để làm sạch nước biển và bồi thường cho những ngư dân bị thiệt hại.
Nhưng cho tới nay, nhiều người dân địa phương vẫn chưa nhận được tiền đền bù,
nên vẫn tiếp tục biểu tình phản đối Formosa, đòi bồi thường và đòi đóng cửa
công ty này. Trong tháng Chín, hàng trăm ngư dân cũng đã tới tòa án Hà Tĩnh nộp
đơn kiện Forrmosa, nhưng các hồ sơ kiện của người dân đã bị tòa bác với lý do «
không có đủ cơ sở đánh giá mức độ thiệt hại ».
Thảm họa cá biển chết hàng loạt đã gây phẫn nộ dư luận
Việt Nam và đã khơi dậy một phong trào mạnh mẽ đòi chính quyền phải chú tâm hơn
đến việc bảo vệ môi trường khi cấp phép cho các dự án đầu tư ngoại quốc.
Đối với các chuyên gia quốc tế về môi trường như ông
Nguyễn Đức Hiệp tại Sydney trong khi trả lời RFI ngày 04/07/2016, vụ Formosa là
một bài học đắt giá cho Việt Nam về việc kiểm soát tác động của các dự án đầu
tư ngoại quốc tại Việt Nam đối với môi trường biển.
Nhưng họa vô đơn chí, không chỉ gặp nạn cá biển chết
hàng loạt, các tỉnh miền Trung năm nay còn gặp những trận lũ lịch sử. Thêm vào
đó, các hồ thủy điện còn đồng loạt xả lũ, khiến nhiều địa phương chìm trong biển
nước. Theo số liệu thống kê chính thức thì các trận mưa lũ đã khiến hơn 230 chết
và mất tích. Biết bao người dân đời sống vốn đã khó khăn nay càng thêm khốn đốn
vì các trận mưa lũ, xã lũ.
Thay đổi lãnh đạo
Chính trường Việt Nam năm 2016 đã có nhiều thay đổi,
với việc tại Đại Hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 họp vào đầu tháng Giêng,
Ban Chấp Hành Trung Ương khóa mới đã bầu lại ông Nguyễn Phú Trọng vào chức tổng
bí thư Đảng, chấm dứt một tuần họp kín đầy kịch tính với cuộc đấu đá quyết liệt
giữa phe của ông Trọng với phe của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Việc ông Trọng
giành phần thắng đã kéo theo việc thay đổi ban lãnh đạo chính quyền Việt Nam, với
ba nhân vật đã được chọn trước lên thay thế ban lãnh đạo cũ: bộ trưởng Công An
Trần Đại Quang lên làm chủ tịch nước, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên làm thủ
tướng và phó chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân lên làm chủ tịch Quốc Hội.
Ba nhân vật nói trên đã được Quốc Hội mãn nhiệm bầu
ngay vào chức vụ mới ngay cả trước khi diễn ra bầu cử Quốc Hội khoá mới vào
tháng 05/2016, một sự kiện bất thường, tuy không phải là lần đầu tiên. Và Quốc
Hội khóa mới dĩ nhiên là đã bổ nhiệm lại ba người vào vị trí cũ.
Nội bộ chính quyền Việt Nam 2016 cũng đã gặp không
ít xáo trộn với vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu chủ
tịch hội đồng quản trị Tổng Công ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam PVC bị cáo buộc là
có « hành vi cố ý làm trái » gây thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng cho
công ty. Nhưng chính quyền chưa kịp bắt thì ông Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước
ngoài, có tin đồn là đã trốn sang châu Âu, và cho tới nay vẫn biệt tăm, cho dù
Việt Nam đã yêu cầu Interpol phát lệnh truy nã quốc tế đối với nhân vật này và
tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã liên tục hô hào « phải bắt cho bằng được
».
Vụ Trịnh Xuân Thanh cho thấy là đấu đá nội bộ vẫn tiếp
diễn ở Việt Nam, nhất là vì ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng bộ Công Thương, cấp
trên trực tiếp trước đây của ông Trịnh Xuân Thanh, cũng đã bị kỷ luật, bị «
cách chức » cho dù không còn là bộ trưởng nữa. Đánh vào ông Trịnh Xuân
Thanh và ông Vũ Huy Hoàng cũng chính là đụng đến phe của Nguyễn Tấn Dũng.
Biển Đông : Việt Nam
tăng cường tiềm lực quân sự
Về tình hình Biển Đông, đáng chú ý là trong năm nay
là việc Hà Nội đã tăng cường tiềm lực quân sự và bồi đắp các đảo do Việt Nam kiểm
soát để có thể đối phó với Trung Quốc. Ảnh vệ tinh Mỹ chụp ngày 30/11/2016 cho
thấy Việt Nam có dấu hiệu bắt đầu công trình nạo vét tại Đá Lát (Ladd Reef), một
đá thuộc quần đảo Trường Sa, bên trên có sẵn một ngọn hải đăng và một đồn lính
nhỏ.
Trước đó, các hình ảnh vệ tinh do Trung Tâm Nghiên Cứu
Quốc Tế Và Chiến Lược (CSIS) cũng cho thấy là Hà Nội đã mở rộng phi đạo và xây
hai nhà chứa máy bay lớn trên một đảo của Trường Sa để có thể tiếp nhận những
phi cơ mới của không quân Việt Nam, như máy bay giám sát biển PZL M28B và máy
bay vận tải CASA C-295. Để mở rộng phi đạo, Việt Nam đã bồi đắp đảo cho lớn
hơn, tương tự như việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo, tức bồi đắp các đá
thành những đảo thật sự.
Hãng tin Reuters tháng 08/2016 tiết lộ rằng Việt Nam
cũng đã bắt đầu triển khai các dàn tên lửa địa đối không ở quần đảo Trường Sa,
nhưng Hà Nội chưa xác nhận thông tin này.
Với nguy cơ chiến tranh tái diễn với Trung Quốc do vấn
đề Biển Đông, Việt Nam không có con đường nào khác hơn là phải tiếp tục hiện đại
hóa quân sự, mua thêm vũ khí và thiết bị quân sự từ nhiều nguồn khác nhau, đặc
biệt là từ Hoa Kỳ.
Mỹ bỏ cấm vận vũ khí
Trong năm 2016, quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục được tăng
cường, kể cả về mặt quốc phòng, đặc biệt với việc tổng thống Obama khi viếng
thăm Việt Nam vào tháng 05 đã loan báo bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí cho
Việt Nam. Bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương là điều mà Hà Nội vẫn
thúc giục Washington làm trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng
trên vấn đề chủ quyền Biển Đông. Tuy nhiên, ông Obama cũng đã nói rõ là việc
bán vũ khí cho Việt Nam vẫn còn phải đáp ứng những yêu cầu của Mỹ, trong đó có
yêu cầu về nhân quyền.
Theo báo điện tử của chính phủ Việt Nam, tổng thống
tân cử của Mỹ Donald Trump, khi điện đàm với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày
14/12, đã « khẳng định mong muốn hợp tác với Việt Nam để cùng thúc đẩy
quan hệ ». Hai nhà lãnh đạo cũng đã « trao đổi phương hướng và
biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ thời
gian tới. »
Việt Nam đã hy vọng là thông qua hiệp định Tự Do Mậu
Dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương sẽ củng cố hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ, giảm
bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Thế nhưng, tổng thống tân cử Donald Trump đã dập
tắt hy vọng đó khi tuyên bố rằng ngay trong ngày đầu tiên vào Nhà Trắng, ông sẽ
rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP, một hiệp định mà theo ông chỉ bất lợi cho nước Mỹ.
Tuy vậy, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trả lời
RFI ngày 21/11/2016, Việt Nam còn nhiều kênh khác để tiếp tục hội nhập kinh tế
thế giới.
Báo động nợ công
Nhưng trên con đường phát triển kinh tế, có một nguy
cơ rất lớn đang rình rập Việt Nam, đó là món nợ công tiếp tục tăng cao và nay
đã lên đến mức đáng báo động.
Theo các số liệu do chính phủ đưa ra thì tốc độ tăng
nợ công của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 là 18,4% một năm, gấp 3 lần tăng trưởng
kinh tế. Nợ công của Việt Nam năm 2016 được dự báo sẽ tăng lên mức 64%, tức là
tiến ngày càng gần đến mức trần cho phép (65% GDP). Trả lời phỏng vấn RFI Việt
ngữ ngày 28/11/2016, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn ở Sài Gòn cho rằng
nguyên nhân chính khiến nợ công Việt Nam tăng nhanh là do hiệu quả của đầu tư
công quá thấp.
Hệ quả của tình trạng nợ công tăng cao là thâm hụt
ngân sách triền miên. Việt Nam đang có nguy cơ là bị cuốn sâu vào vòng xoáy vay
để trả nợ, vay để bù đắp thâm hụt ngân sách. Đây là những thách thức đối với nền
kinh tế Việt Nam trong những năm tới.
No comments:
Post a Comment