Wednesday, December 28, 2016

KINH TẾ VIỆT NAM & VIỄN ẢNH 2017 (Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA)




Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2016-12-28

Năm 2016 mở ra với một triển vọng lớn cho Việt Nam khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP thành hình. Nhưng đến cuối năm thì tình hình có nhiều khó khăn bất ngờ và viễn ảnh của năm 2017 sẽ là nhiều thách đố sinh tử.

Từ ô nhiễm môi trường ...

Nguyên Lam: Thưa ông, trong loạt bài tổng kết cuối năm, kỳ này, xin đề nghị ông phân tích cho những khó khăn đang chờ đợi Việt Nam trong năm 2017 sau khi nhắc lại khung cảnh của năm 2016 đang kết thúc. Theo như ông nhận xét thì đâu là những khó khăn và đâu là các giải pháp cho Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin được nhắc lại bối cảnh chung, rồi mình sẽ tập trung vào những thách đố kinh tế cho Việt Nam.
Từ khi tiến hành đổi mới và mở cửa để hội nhập vào thế giới bên ngoài, kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi qua 30 năm, với tốc độ tăng trưởng cao hơn. Đây là hiện tượng chung, đã từng thấy lại các nước từ bỏ hệ thống kinh tế tập trung quản lý mà áp dụng quy luật thị trường để tăng trưởng và phát triển.
Nhưng tăng trưởng phải dẫn đến phát triển chứ không tất nhiên là phát triển, nếu không thì nền kinh tế quốc gia chỉ có thể nâng cao lợi tức quốc dân trong một giới hạn nào đó rồi mắc kẹt trong cái bẫy của lợi tức trung bình. Nhiều quốc gia đi trước, kể cả Trung Quốc và nhất là Trung Quốc, có thể đang nằm trong cái bẫy đó. Từ mấy năm trước, giới chuyên gia tư vấn đã cảnh báo về rủi ro này cho Việt Nam.
Ngược lại, khi Trung Quốc đang bước lên một trình độ sản xuất khác, với giá nhân công cao hơn, nhiều cơ hội cũng mở ra cho Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài thay cho thị trường Trung Quốc. Tiết mục chuyên đề của chúng ta đã đề cập tới triển vọng này từ năm 2013 trở về sau.

Nguyên Lam: Khi nhìn lại tiến độ của 30 năm đổi mới, ông phân biệt tăng trưởng và phát triển, thưa ông khác biệt chính là gì và hoàn cảnh của Việt Nam có những gì là đáng chú ý?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tăng trưởng chỉ là gia tăng mức sản xuất khi đếm theo lượng, và nếu thiếu phẩm chất thì không bền vững; còn phát triển là sự thăng tiến đồng bộ của nền kinh tế với kết quả tỏa rộng cho cả xã hội. Từ một xã hội chủ yếu là nông nghiệp, Việt Nam có đổi mới mà không phát triển đồng bộ và nông nghiệp vẫn chiếm một tỷ trọng quá cao nếu so với các nước đi trước trong cùng một thời kỳ tôi gọi là khởi phát hay cất cảnh. Nguy kịch nhất là nông nghiệp Việt Nam không được cải cách mà ngày nay nông dân, tức là 60% dân số toàn quốc, còn là nạn nhân đầu tiên của hiện tượng công nghiệp hóa nửa vời với môi trường sinh sống bị ô nhiễm nặng.
Nếu năm 2016 mở ra với triển vọng hội nhập vào hệ thống Xuyên Thái Bình Dương TPP kể từ Tháng Năm thì đúng lúc đó, vào Tháng Tư Việt Nam lại bị khủng hoảng môi sinh tại các tỉnh miền Trung và vùng châu thổ Cửu Long bị hạn hán tới mức nguy ngập nhất. Chính là nạn ô nhiễm mới khiến giới đầu tư quốc tế nhìn lại thị trường Việt Nam: thay vì thấy ra triển vọng phần nào điền thế thị trường Trung Quốc đang gặp vấn đề thì người ta lại rút vốn tìm qua xứ khác. Đấy là tình trạng bên trong, còn bên ngoài thì Việt Nam cũng bị nhiều hậu quả bất lợi từ môi trường kinh tế toàn cầu.

... đến tác động của môi trường quốc tế

Phó Chủ tịch Credit Suisse của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ông Lito Camacho đang nói chuyện với Giám đốc VietJetAir, Lưu Đức Khánh (phải), Giám đốc điều hành GE, Wouter Van Wersch (thứ hai từ trái), và Phóng viên truyền hình Bloomberg, Haslinda Amin tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN tổ chức ở Hà Nội ngày 08 tháng 12 năm 2016. AFP photo

Nguyên Lam: Môi trường kinh tế toàn cầu có những gì là bất lợi cho Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói chung, năm nay đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu lại chậm hơn mọi dự đoán do sự sa sút của các nền kinh tế công nghiệp hóa lẫn các nước đang phát triển sống nhờ xuất khẩu nguyên nhiên vật liệu. Số tổng cầu của thế giới có sút giảm và tình trạng bất trắc chung có tác động vào kinh tế của Việt Nam. Với dân số cao và sức tiêu thụ nội địa tương đối mạnh, thật ra Việt Nam vẫn còn lệ thuộc vào xuất khẩu nên vẫn bị hậu quả bất lợi.
Thứ hai, và chúng ta sẽ còn trở lại hiện tượng này, vì khó khăn kinh tế chung, ta thấy xuất hiện một trào lưu mới là chủ nghĩa quốc gia trong các nước công nghiệp hóa từ Âu Châu đến Hoa Kỳ, tới các nước đang lên mà điển hình đáng ngại nhất chính là Trung Quốc. Về kinh tế thì chủ nghĩa này dẫn đến việc triệt để bảo vệ quyền lợi, dù chưa đi tới chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch thì cũng gây trở ngại cho các nền kinh tế đang phát triển.
Sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ chỉ là một trong nhiều biểu hiện đã từng thấy tại Âu Châu, với hậu quả là các nước đòi xét lại các cam kết thương mại đã có hoặc gay gắt đàm phán khiến các sáng kiến tự do thương mại và đầu tư chưa thành hình thì đã chết yểu. Việc Hiệp ước TPP bị Hoa Kỳ gạt qua một bên sau bảy năm thương thuyết công phu là một thí dụ nổi bật nhất.

Nguyên Lam: Ông vừa trình bày một sự kiện đáng chú ý là sự tái xuất hiện của chủ nghĩa quốc gia trong quan hệ quốc tế với hậu quả là sự chối bỏ hay hoài nghi những thỏa thuận kinh tế giữa các nước với nhau mà Hiệp ước TPP là một thí dụ nổi bật. Như vậy, nhìn từ Việt Nam thì người ta nên rút tỉa bài học gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thuần về kinh tế, khi cải cách cơ chế sản xuất cho thông thóang và thúc đẩy sự hợp tác tự do về đầu tư hay thương mại để phát huy khả năng cạnh tranh thì cũng chẳng khác gì xây dựng hạ tầng cơ sở trong nội địa vì tự thân điều ấy có lợi cho mình. Khuôn khổ cam kết của Hiệp ước TPP đề ra yêu cầu cải cách và dù là có Hoa Kỳ tham dự hay không, Việt Nam vẫn phải căn cứ trên nền tảng ấy mà tự nâng cao tiêu chuẩn của mình về môi sinh, lao động, luật lệ v.v….
Thứ hai, khi các nước đều đề cao chủ nghĩa quốc gia theo tinh thần ưu tiên bảo vệ quyền lợi của quốc dân thì Việt Nam lại chẳng coi quyền lợi của quốc dân là trọng. Điển hình là cách xử lý vụ khủng hoảng môi sinh tại miền Trung, khi quốc dân bị thiên tai lẫn nhân họa và phản đối thì còn bị nhà nước đàn áp. Ở bên Trung Quốc đang phát huy chủ nghĩa dân tộc Đại Hán với phương tiện kinh tế lẫn quân sự, mà lãnh đạo Hà Nội lại xóa bỏ chủ nghĩa quốc gia thì chẳng khác gì là tự giải giới và đầu hàng. Tôi tự hỏi là Việt Nam đang rơi vào mâu thuẫn sinh tử ấy mà lãnh đạo lại bất cần thì làm sao bảo vệ chủ quyền và quyền lợi dân tộc.

Nguyên Lam: Ông vừa nhắc đến việc Việt Nam vẫn nên xúc tiến việc cải cách luật lệ cho phù hợp với những cam kết trong khuôn khổ Hiệp ước TPP, mặc dù không có Hoa Kỳ tham dự. Đề nghị ông phân tích lại điều này cho thính giả của chúng ta vì Hoa Kỳ đã đòi hỏi những cam kết ấy rồi bỏ cuộc thì tại sao mình lại phải thi hành?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nâng cao tiêu chuẩn kinh doanh qua cải cách thể chế thì cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng của mình vì điều ấy có lợi cho mình chứ không vì Hoa Kỳ hay xứ nào đó đòi hỏi. Ban đầu Hiệp ước TPP xuất phát từ sáng kiến của bốn nước New Zealand, Singapore, Chile và Brunei vào năm 2005, rồi Hoa Kỳ cùng các nước khác mới tham gia để mở rộng và nâng cao tiêu chuẩn hợp tác gần như toàn diện giữa 12 quốc gia. Ngày nay, nếu Hoa Kỳ đổi ý bỏ cuộc thì vẫn còn 11 nước kia, kể cả và nhất là Nhật Bản. Họ đều nhất quyết đi tới với nhau và sẽ lần lượt phê chuẩn Hiệp ước này trước kỳ hạn là đầu năm 2018 sau khi bỏ điều 30 khoản 5 về sự tham dự của Hoa Kỳ.
Do đó, vì quyền lợi an ninh lẫn kinh tế, Việt Nam vẫn nên phê chuẩn Hiệp ước và tiến hành việc cải cách thể chế bên trong. Nếu không được lợi nhiều vì thiếu thị trường Mỹ thì vẫn là có lợi, và nhất là có một bệ phóng khác để thoát vòng lệ thuộc vào Trung Quốc. Theo quy định của TPP thì nguyên vật liệu cho các ngành dệt may hay da giầy phải xuất phát từ các thành viên chứ không thể là sản phẩm của Trung Quốc thì mới có thể bán ra với thuế suất là 0%, đấy là cơ hội thoát Tầu có ý nghĩa lịch sử. Sau này, nhiều nước khác như Hàn Quốc hay Đài Loan và Mexico cũng có thể tham gia TPP và Hoa Kỳ vẫn có khi trở lại sau nhiều năm suy ngẫm.
Thứ hai, với Hoa Kỳ thì Việt Nam đã có sẵn hiệp định song phương với quy chế xưa kia gọi là “tối huệ quốc” chứ không chỉ vì thiếu TPP mà đoạn tuyệt thị trường Mỹ. Việc Việt Nam tự cải cách cho khuôn khổ TPP 11 nước càng tạo thêm lợi thế đàm phán với Hoa Kỳ và các doanh nghiệp Mỹ. Thứ ba, Việt Nam cải cách vì quyền lợi của mình, để có khả năng cạnh tranh với Malaysia hay Philippines và không bị Thái Lan qua mặt như hiện nay chứ không tiến hành việc đó vì Hoa Kỳ. Thứ tư và nói chung thì Việt Nam cùng các nước đang phát triển trong khu vực vẫn nên hội nhập kinh tế, thương mại và đầu tư với nhau chứ không chỉ vì Hoa Kỳ và điều ấy càng là cần thiết khi thiên hạ ở nơi khác lại đi vào chu kỳ hoài nghi tự do thương mại.

Viễn ảnh kinh tế Việt Nam

Nguyên Lam: Trở lại viễn ảnh 2017 của kinh tế Việt Nam, ông đánh giá thế nào về những triển vọng và thử thách?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Việt Nam mắc bệnh sùng bái đà tăng trưởng nên có thể hài lòng với dự báo tăng trưởng trên 6% một năm, rồi cho là vẫn cao so với nhiều nền kinh tế khác. Sự thật thì Việt Nam cũng làm như Trung Quốc là bơm tín dụng để gia tăng sản xuất mà đang chất lên một núi nợ quá lớn, trong khi quân bình công chi thu về ngân sách vẫn chưa cải tiến, bội chi ngân sách không giảm mà tăng và đã chiếm 6% của Tổng sản lượng. Khi Mỹ kim lên giá như chúng ta có dịp trình bày vào tháng trước, Việt Nam sẽ gặp nhiều biến động ngoại hối và đà thất thoát tư bản vì tiền chảy về Mỹ sẽ còn gây thêm nhiều khó khăn khác trong năm tới.
Nhìn xa hơn vậy thì kinh tế Việt Nam có hai nan đề phải sớm giải quyết trong năm nay. Thứ nhất là cơ chế sản xuất bấp bênh, với việc cải thiện năng suất quá chậm lụt. Các doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ nguồn vốn cao nhất mà có hiệu năng thấp nhất, trong khi doanh nghiệp tư nhân loại nhỏ và vừa lại co cụm và chưa thể phát triển. Việt Nam cần một kế hoạch cải cách môi trường kinh doanh và việc tham gia TPP là một động lực khuyến khích cần thiết cho yêu cầu cải cách đó.
Thứ hai, và nhìn xuống cái gốc, thì nông nghiệp Việt Nam đã góp phần quan trọng trong mấy chục năm đổi mới nhờ cải thiện năng suất và giải quyết được yêu cầu về an toàn thực phẩm và xóa đói giảm nghèo. Nhưng ngày nay khu vực đó lại lâm thế kẹt là bị cạnh tranh ở bên trong để có phương tiện sản xuất như lao động, đất đai và cả nước ngọt cho yêu cầu tiêu tưới hay nuôi trồng thủy sản, bao trùm lên trên là nạn hủy hoại môi sinh làm giới đầu tư phải bỏ chạy.
Khi đa số tới 60% người dân lại sinh sống trong khu vực chết kẹt này thì Chính quyền không thể làm ngơ được. Tổng kết lại thì trong tương lai trung hạn là dăm ba năm, Việt Nam phải đối phó với khá nhiều rủi ro kinh tế từ bên trong ra tới bên ngoài nên phải tự cải cách ngay năm tới, và đây là ước nguyện năm mới của mọi người dân.

Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn cuối năm và xin kính chúc ông cùng quý khán thính giả một năm 2017 an lành và thành công.





No comments:

Post a Comment