LS Nguyễn Văn Thân
28/12/2016
Ngày 9/12 vừa qua, Quốc Hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu quyết
định truất phế Tổng thống Phác Cận Huệ (Park Geng-hye) trên tỷ lệ 2/3 với
234/300 phiếu thuận và 56 phiếu chống. Có nghĩa là không chỉ có phe đối lập mà
một số đông đảng viên của Đảng Tân Quốc Gia (Saenuri) của Tổng thống Phác cũng
đã bỏ phiếu hạ bệ bà. Hậu quả là bà Phác bị tước mọi quyền hành và Thủ tướng
Hoàng Giáo An (Hwang Kyo-ahn) trở thành Tổng thống Xử lý Thường vụ trong thời hạn
180 ngày trong lúc chờ đợi Tòa Bảo Hiến xét duyệt quyết định truất phế có hợp
hiến hay không. Theo Hiến Pháp thì phải có ít nhất 2/3 tức là 6/9 thành viên của
Tòa chuẩn y quyết định của Quốc Hội và nếu kết quả là thế thì sẽ dẫn đến một cuộc
bầu cử Tổng thống mới.
Nguyên nhân bà Phác bị truất phế có liên quan đến
tham nhũng nhưng không phải cá nhân bà Tổng thống tham nhũng mà là một người bạn
thân của bà bị cáo buộc lạm quyền và trục lợi. Ngoài ra, bà Phác cũng bị tố là
tiết lộ thông tin bảo mật quốc gia cho một người bạn không nắm giữ bất cứ chức
vụ gì trong chính quyền.
Phác Cận Huệ là trưởng nữ của Phác Chính Hy - Tổng
thống đời thứ ba của Hàn Quốc. Ông Hy là một tướng lãnh quân đội cầm đầu cuộc đảo
chánh vào năm 1961 và trở thành Tổng thống vào năm 1963 cho tới khi ông bị hạ
sát vào năm 1979. Trong suốt 16 năm cầm quyền, ông được mô tả là một nhà độc
tài cai trị với một bàn tay sắt sẵn sàng bắt giam, tra tấn và thủ tiêu những
người bất đồng chính kiến và đối lập. Nhưng ông cũng được đánh giá là người đã
đặt nền móng đưa Hàn Quốc từ một quốc gia yếu kém, nghèo nàn sau chiến tranh và
thời kỳ đô hộ Nhật vươn lên thành một quốc gia công nghiệp, tân tiến hiện nay.
Vào năm 1974, ông Hy bị ám sát hụt nhưng sát thủ bắn
chết vợ ông là bà Lạc Anh Tu. Phác Cận Huệ lúc đó là một cô gái 22 tuổi đang du
học tại Pháp lập tức quay trở về nước thay thế vai trò Đệ Nhất Phu Nhân của mẹ
để giúp đỡ cha trong việc điều hành quốc gia. Có một đạo sĩ tên là Thôi Thái Mẫn
(Choi Tae-Min) viết thư làm quen với bà Phác. Ông đạo sĩ này đã từng kết hôn tới
6 lần. Lúc đầu ông theo đạo Phật nhưng sau đó sáng lập ra Giáo Hội Đời Sống
Vĩnh Cửu (Church Of Eternal Life). Ông Thôi nói rằng ông có khả năng tiếp xúc với
mẹ của bà Phác trong giấc mơ và có thể làm trung gian chuyển những thông điệp
hai chiều giữa bà Phác và người mẹ quá cố. Sau đó, bà Phác coi ông như là một
người cha đỡ đầu. Lợi dụng quan hệ thân mật với bà Phác mà ông Thôi kiếm được rất
nhiều tiền. Chính sách kinh tế của Phác Chính Hy dựa trên ân huệ ban phát cho
các công ty do một vài đại gia tộc làm chủ. Dĩ nhiên là các đại gia không muốn
làm phật lòng người đỡ đầu tinh thần con gái của Tổng thống nên sẵn sàng đóng
góp hậu hĩ.
Tới 1979, tức 5 năm sau khi mẹ bà Phác bị bắn chết
thì đến lược Phác Chính Hy bị hạ sát bởi Kim Tái Khuê (Kim Jae-gyu) Giám đốc
Tình báo do chính ông bổ nhiệm. Cho tới nay vẫn chưa biết rõ động cơ nào dẫn đến
cuộc ám sát này. Kim Tái Khuê và đồng bọn bị xử tử vào treo cổ vào tháng 5 năm
1980. Bà Phác hầu như trở thành lệ thuộc vào đạo sĩ Thôi. Cho tới nay bà vẫn
chưa lập gia đình và không có con cái gì. Bà nói rằng người yêu của bà là ''Triệu
Tử Long'' vì khi đọc Tam Quốc Chí thời còn đi học bà đã ''phải lòng'' nhân vật
đơn thương độc mã tả xung hữu đột giữa vạn quân để cứu ấu chúa là con của Lưu Bị.
Có tin đồn là bà có con với đạo sĩ Thôi nhưng bà đã phủ nhận tin đồn này. Đạo
sĩ Thôi qua đời vào năm 1994. Con gái của ông là Thôi Thuận Thực (Choi
Soon-Sil) trở thành người thân duy nhất của bà Phác.
Sau một thời gian ẩn dật, bà Phác tham gia chính trường
và đắc cử vào Quốc hội từ năm 1998 tới 2012. Bà cũng được bầu làm chủ tịch Đảng
Đại Quốc (Grand National Party) từ 2004 tới 2006. Trong thời gian bà làm chủ tịch,
Đảng Đại Quốc liên tục thắng hơn 40 cuộc bầu cử toàn quốc, địa phương và bổ
sung. Vì vậy mà bà cũng được tặng cho danh hiệu là ''Nữ Hoàng Tranh Cử''.
Đại Quốc là một đảng có khuynh hướng bảo thủ. Đảng
này đổi tên thành Tân Quốc Gia (Saenuri) vào năm 2011 sau một lượt thất bại.
Trong cuộc bầu cử vào năm 2012, Đảng Tân Quốc Gia thắng 152/300 ghế tại Quốc hội.
Phác Cận Huệ đại diện cho Đảng Tân Quốc Gia ra tranh cử và làm nên lịch sử trở
thành nữ Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên vào ngày 19/12/2012 với 51,6% số phiếu.
Phác Cận Huệ chính thức nhậm chức Tổng thống vào
ngày 25/2/2013 trong lúc tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên ngày càng trở
nên tồi tệ. Bắc Hàn vừa mới thử nghiệm vũ khí nguyên tử lần thứ ba trước đó khoảng
2 tuần. Bà Phác đã cứng rắn theo đuổi hệ thống lá chắn phi đạn tầm cao THAAD với
Hoa Kỳ bất chấp những lời đe dọa trả đũa từ Nga và Trung Quốc. Ngoài ra, Hàn Quốc
cũng trang bị hệ thống lá chắn Patriot của Mỹ để đối phó với hỏa tiễn tầm ngắn
và trung từ Bắc Hàn.
Về mặt kinh tế, sau giai đoạn phát triển tăng vọt
trung bình khoảng 10% mỗi năm trong thập niên 80, tỷ lệ tăng trưởng đã hạ giảm
xuống trung bình khoảng 2,7% trong 5 năm vừa qua. Cấu trúc kinh tế vẫn thiếu
cân bằng và lệ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu và các công ty đại gia
chẳng hạn như Samsung và Hyundai. Samsung đóng góp 30% vào GDP nên Hàn Quốc còn
có tên gọi là Cộng hòa Samsung. Trong thời gian gần đây, các công ty lớn như
Samsung và Hyundai đã bắt đầu di chuyển cơ sở sản xuất sang các quốc gia có giá
lao động rẻ ví dụ như Việt Nam. Như các quốc gia phát triển khác, Hàn Quốc phải
đối diện với những thách thức như tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giảm sút, thất nghiệp
gia tăng, dân số lão hóa, cách biệt giàu nghèo ngày càng xa và một thị trường bất
động sản bong bóng có thể nổ bất cứ lúc nào.
Vào tháng 9, truyền thông loan tin là công tố viên
đang tiến hành điều tra bà Thôi Thuận Thực lạm dụng quan hệ bạn bè với Tổng thống
Phác để áp lực các công ty đại gia tặng tiền vào các quỹ từ thiện mà bà Thôi lập
ra rồi lấy xài thoải mái. Khi bà Thôi ly dị lần thứ hai vào năm 2014, bà kê
khai tài sản trị giá khoảng 45 triệu Mỹ kim. Trong lúc Tổng thống Phác né tránh
cuộc điều tra thì truyền thông nắm được tài liệu trong máy vi tính cũ của bà
Thôi có chứa thư từ trao đổi qua lại giữa hai người cho thấy diễn văn của Tổng
thống Phác được gửi cho bà Thôi để sửa lại cùng với ý kiến của bà Thôi liên
quan tới việc bổ nhiệm quan chức nhà nuớc và ngay cả cách ăn mặc của Tổng thống
Phác.
Phẫn nộ với những thông tin này, hàng triệu người
Hàn Quốc xuống đường biểu tình qua nhiều tuần lễ liên tiếp. Bà Phác khóc và xin
lỗi trước công chúng 3 lần và giải thích rằng vì bà sống cô độc không có gia
đình hoặc con cái nên đã nhờ bà Thôi phụ giúp cho nhiều việc riêng tư. Nhưng bà
không ngờ người bà tin cậy nhất lại lạm dụng quan hệ của họ để trục lợi. Tuy
nhiên, người dân không chấp nhận lời biện bạch này biểu hiện qua tỷ lệ ủng hộ
cho bà xuống tới mức thê thảm là chỉ có 4%. Do đó, người ta không ngạc nhiên
chính cả Đảng Tân Quốc Gia cũng bỏ rơi bà.
Thật ra, Phác Cận Huệ không phải là Tổng thống Hàn
Quốc đầu tiên dính phải sự bê bối. Lý Thừa Văn (Syngman Rhee) là người Cơ Đốc
giáo tham gia tranh đấu giành độc lập từ Nhật Bản và trở thành Tổng thống đầu
tiên với sự hậu thuẫn của Mỹ. Ông Lý biến thành người độc đoán và sử dụng thủ
đoạn gian lận để thắng cử. Vào năm 1965, sinh viên Hàn Quốc nổi dậy biểu tình
khắp cả nước và ông phải bỏ chạy và sống lưu vong tại Hawaii. Toàn Đẩu Hoán
(Chun Doo-hwan) là Tổng thống thứ năm. Sau khi mãn nhiệm kỳ, ông Toàn sống một
vài năm trong một ngôi chùa hẻo lánh để sám hối tội lỗi trong thời ông nắm quyền
cai trị. Nhưng ông vẫn bị truy tố về tội nổi loạn, mưu sát và ăn cắp 400 tỷ won
(370 triệu Mỹ kim) từ ngân quỹ và bị tuyên án tử hình. Sau đó, Tòa Thượng Thẩm
giảm xuống tù chung thân và phạt ông 220 tỷ won.
Tương tự như vậy, Tổng thống kế nhiệm Lô Thái Ngu
(Rok Tae-woo) cũng bị truy tố cùng lúc với ông Toàn và lãnh án 22 năm tù. Cả
hai ông Toàn và Lô được Tổng thống kế tiếp là Kim Vịnh Tam ân xá vào năm 1997.
Tổng thống thứ chín Lỗ Vũ Huyễn tự tử một năm sau
khi hết nhiệm kỳ với những cáo buộc là thành viên trong gia đình nhận hối lộ 6
triệu Mỹ kim. Tương tự như vậy, Tổng thống thứ mười Lý Minh Bác sau khi mãn nhiệm
kỳ phải đối mặt với tình trạng là người anh trai nhận hối lộ và bị tuyên án 14
tháng tù. Hình như các đời Tổng thống Hàn Quốc đều có chung một bi kịch là
không phải chính bản thân họ mà thân nhân hoặc bạn bè của họ đều lạm dụng quan
hệ để trục lợi và kiếm tiền bất chánh.
Thật ra người Hàn Quốc có một nền văn hóa và ý thức
trách nhiệm rất cao. Bằng không thì họ không thể nào thay đổi vận mệnh quốc gia
trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. GDP mỗi đầu người từ năm 1963 khoảng
100 Mỹ kim tăng lên 2.000 Mỹ kim trong thập niên 80; 10.000 Mỹ kim trong thập
niên 90 rồi 20.000 Mỹ kim trong thập niên 2000 và hiện nay khoảng 28.000 Mỹ kim
so với Việt Nam là 2.000 Mỹ kim (tức cao hơn Việt Nam tới 14 lần). Người Hàn Quốc
không chỉ cần cù mà còn có tinh thần trách nhiệm và kỷ luật rất cao. Họ không
chấp nhận tham nhũng dưới bất cứ hình thức nào. Trong một chuyến công tác tại Bắc
Ninh vào tháng 11 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng ''tệ nạn
tham nhũng, cán bộ hư hỏng có hết nhưng nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao
giờ được thế này không''. Phải nói là chỉ có lãnh tụ ở Việt Nam mới có lối
phát biểu ngu xuẩn như vậy chớ những câu nói đó không bao giờ có thể thoát
ra khỏi miệng của một đảng trưởng tại Hàn Quốc. Có lẽ là do tinh thần và ý thức
của người Việt không cao bằng người Hàn Quốc. Bằng không thì Việt Nam không có
một lãnh tụ tồi tệ như Nguyễn Phú Trọng cũng như không đến nỗi tụt hậu và thua
xa khi so với Hàn Quốc.
N.V.T.
Tác giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment