Monday, November 21, 2016

PHILIPPINES ĐỀ NGHỊ LẬP KHU BẢO TÔN BIỂN TẠI SCARBOROUGH VỚI TRUNG QUỐC (RFI | BBC)




Đăng ngày 21-11-2016
.
Bãi cạn Scarborough.  Wikipedia
.
Theo báo chí Philippines, bên lề thượng đỉnh khối APEC tại Peru vừa kết thúc, tổng thống Philippines đề xuất ngừng khai thác hải sản tại khu đầm bên trong bãi cạn Scarbourough. Chủ tịch Trung Quốc hưởng ứng đề nghị này, biến khu vực tranh chấp thành một « biểu tượng hợp tác ».

Báo Philstar của Philippines hôm nay, 21/11/2016, cho hay : trả lời báo giới, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, trong cuộc hội kiến song phương với chủ tịch Trung Quốc, ông đã đề nghị cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt khu đầm bên trong bãi san hô, được biết đến như một khu vực rất giàu hải sản, để biến địa điểm này của Scarborough (người Philippines gọi là "Panatag") thành khu bảo tồn biển, trong khi các hoạt động đánh bắt xung quanh vẫn được duy trì.

Vẫn theo báo Phistar, người phụ trách truyền thông của tổng thống Philippines, ông Martin Andanar, khẳng định chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chấp nhận đề nghị này của đồng nhiệm Duterte. Ông Andanar cũng cho biết thêm sẽ chỉ đạo chính phủ thực hiện thỏa thuận này.

Vùng bãi cạn Scarborough vốn là ngư trường truyền thống của dân Philippines, tuy nhiên kể từ năm 2012, ngư dân nước này bị hải quân Trung Quốc ngăn không cho vào khu vực này. Bắc Kinh muốn khẳng định chủ quyền tại bãi cạn. Tuy nhiên, sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực ngày 12/07/2016, trong vụ Manila kiện về Biển Đông, bác bỏ đa số các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông, Trung Quốc đã chấp nhận để ngư dân Philippines vào Scarbourough. Theo AP, tuần duyên Philippines cũng đã trở lại kiểm soát khu vực xung quanh bãi cạn.


Phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, cũng khẳng định mức độ nghiêm trọng của việc môi trường biển bị phá hủy do các hoạt động mở rộng và xây cất của Trung Quốc tại nhiều thực thể địa lý tại Biển Đông, đặc biệt tại đá Vành Khăn (Mischief Reef), mà Việt Nam và Philippines đòi hỏi chủ quyền (đá Vành Khăn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines), đã gây tổn hại nghiêm trọng cho các hệ sinh thái, đe dọa nhiều loài động vật quí hiếm, như rùa biển, san hô và trai khổng lồ. Riêng tại bãi cạn Scarborough, phán quyết của Tòa án cũng khẳng định Trung Quốc đã để các tàu đánh cá khai thác bừa bãi, vi phạm các quy định của Công Ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Cũng liên quan đến quan hệ Philippines - Trung Quốc, trong một phát biểu được báo Philippines dẫn lại hôm nay, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Philippines, ông Hermogenes Esperon Jr, cho biết Manila và Bắc Kinh có thể phối hợp tiến hành các « tuần tra phi quân sự » tại khu vực bãi cạn, thể theo thỏa thuận song phương cuối tháng 10/2016.

---------------------------------

BBC
21-11-2016

Tổng thống Philippinnes Rodrigo Duterte tuyên bố vùng cạn trên bãi Scarborough do Trung Quốc kiểm soát sẽ trở thành một khu bảo tồn biển nơi các ngư dân Philippines và Trung Quốc bị cấm đánh bắt cá.

Trung Quốc chiếm bãi Scarborough năm 2012 sau các cuộc đối đầu căng thẳng với Philippines. Kế hoạch của ông Duterte khá nhạy cảm vì kế hoạch này hàm ý Philippines sẽ có sự kiểm soát lãnh thổ ở vùng biển này. Các tàu tuần tra của Trung Quốc đã canh giữ bãi này từ năm 2012, và chính phủ cả hai phía đều nghi ngờ phía kia có kế hoạch xây dựng trên bãi để củng cố chủ quyền ở khu vực này.
Nếu kế hoạch của ông Duerte được thực hiện, ngư dân bất kỳ quốc tịch nào chỉ được phép đánh cá ở khu vực nước sâu ngoài bãi Scarborough, mà không được vào vùng cạn hình tam giác được khoanh bởi những mỏm đá tự nhiên. Đường vào bãi này do các nhân viên tuần tra hàng hải Trung Quốc canh gác.

Ông Duterte thông báo kế hoạch của mình về khu bảo tồn này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp ngoài lề ở Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines - Hermogenes Esperon Jr. cho biết.
Theo tuyên bố từ ông Esperon và các quan chức nội các Philipines khác có mặt tại cuộc họp, ông Tập không nói ông có đồng ý với kế hoạch của ông Duterte trên bãi Scarborough hay không.

"Quan điểm của chúng tôi là không cho phép các hoạt động đánh bắt cá trong khu tam giác biển này," ông Esperon nói về vùng cạn trong bãi Scarborough. "Tổng thống Philippines đã quyết định tuyên bố đây là khu bảo tồn thiên nhiên. Đó là hành động đơn phương của chính phủ."

Trung Quốc cũng cấm đánh bắt cá trong vùng cạn ở bãi này, ông Esperon nói thêm.
"Nếu họ không muốn cho phép đánh cá ở khu vực đó, chúng tôi cũng không muốn cho phép đánh cá trong khu vực đó". Ông Esperon nói thêm về quy định đánh bắt cá giống nhau nhưng riêng rẽ của hai chính phủ ở vùng biển đang bị tranh chấp này.

Cũng theo ông Esperon, chính phủ Philippines đang xem xét việc tuyên bố các vùng biển Đông Nam Á đang bị tranh chấp khác là các khu bảo tồn biển được chính phủ bảo vệ.

"Quan hệ tổng thể" với Trung Quốc

Sau khi chiếm bãi Scarborough, nằm 228 km phía Tây Bắc Philippines, lực lượng phòng vệ biển Trung Quốc đã xua đuổi ngư dân Philippines. Có lần họ còn dùng vòi rồng hay quân đội có vũ trang để đuổi các ngư dân bằng thuyền cao tốc.

Người tiền nhiệm của ông Duterte, ông Benigno Aquino III, đáp lại bằng cách đưa vụ tranh chấp về bãi này và các cuộc tranh chấp lãnh thổ khác với Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế. Hồi tháng 7, tòa án quốc tế tuyên bố bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc với bãi này cũng như hầu hết toàn bộ vùng biển Đông Nam Á. Tòa nói Trung Quốc đã vi phạm quyền của người dân Philippines qua việc cấm họ đánh cá.
Tuy vậy, Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của tòa. Ông Duterte, người lên chức tổng thống hồi tháng Sáu, đã đi ngược lại đường lối cứng rắn với Trung Quốc của vị tổng thống trước và quay sang làm thân với Trung Quốc.
Sau khi ông Duerte bàn về tranh chấp ở bãi Scarborough với Chủ tịch Tập trong một chuyến đi thăm Bắc Kinh chính thức, ngư dân Philippines được phép quay trở lại đánh cá ở bãi này. Các tàu tuần tra biển của Philippines cũng được quay lại tuần tra trong khu vực biển này.

Trong bối cảnh các tranh chấp về biển vẫn diễn ra, Trung Quốc và Philippines đã ký 20 hiệp định kinh tế thương mại. Theo ông Esperon, cách thức làm việc với Trung Quốc của ông Duterte đã đưa lại lợi ích tức thời cho Philippines. Cụ thể, Trung Quốc đã đưa một số quan chức đến gặp ngư dân Philippines, những người bị ảnh hưởng bởi vụ tranh chấp ở Scarborough, để tìm cách giúp đỡ họ.

"Nên nhớ rằng quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc là tổng thể, chứ không phải chỉ có bãi Scarborough", ông nói thêm.





No comments:

Post a Comment