Đăng
ngày 24-11-2016
.
Ông Donald Trump tại sảnh
của tòa báo New York Times sau cuộc trả lời phỏng vấn ngày
22/11/2016.REUTERS/Lucas Jackson
.
Hôm 22/11, chủ nhân
tương lai của Nhà trắng Donald Trump thông báo trên Twitter hủy cuộc phỏng vấn
với báo New York Times, nhưng rồi sau đó lại nhanh chóng chấp nhận tiếp chuyện
với phóng viên của nhật báo lớn của Mỹ như dự kiến. Trong chiến dịch tranh cử,
Donald Trump vẫn luôn coi báo chí là kẻ thù, thường xuyên có những lời lên án
cay nghiệt nhằm vào các nhà báo. Sau khi đã thắng cử, cách ứng xử của ông Trump
với báo chí cũng không có gì thay đổi, vẫn liên tục sử dụng mạng xã hội như là
một công cụ truyền thông riêng.
Giọng
điệu và cách thức thông tin của trên mạng xã hội sẽ trở thành vấn đề khi ông
Trump ở trên cương vị tổng thống. RFI phỏng vấn ông Jean-Eric Branaa, phó giáo
sư Đại học Paris 2 Pantheon- Assas, xung quanh mối quan hệ với báo chí và vấn đề
thông tin của vị tổng thống tân cử .
RFI : Xin chào ông Jean Eric Branaa, phó giáo sư Đại
học Paris 2 , ông là tác giả nhiều cuốn sách về chính trị Mỹ trong đó có cả về
Donald Trump, việc trả lời phỏng vấn New York Times chỉ là một trong vố số thí
dụ cho thấy mối quan hệ giữa Donald trump và báo chí, nhưng cuối cùng Trump
cũng đã tiếp chuyện các nhà báo, nhưng cái nhìn của ông với báo chí vẫn không đổi
?
Jean-Eric
Branaa :
Tôi thậm chí có thể nói là Donald Trump không hiểu mình là tổng thống nước Mỹ.
Bộ quần áo tổng thống này có vẻ như quá rộng đối với ông ta và ông tiếp tục làm
những gì đúng như vẫn thường làm không cần để ý gì đến nghi thức, không quan
tâm đâu là những hồ sơ lớn có trên bàn của mình mà giờ đây ông phải xử lý. Sẽ rất
phức tạp nếu ông ta vẫn cứ hành động như vậy.
RFI : Nhưng cũng cần phải nhắc lại, bởi vì quan hệ
giữa Nhà trắng và các nhà báo ở Mỹ được quy tắc hóa một cách chặt chẽ. Vấn đề
minh bạch là rất quan trọng ?
Jean-Eric
Branaa:
Ở đây phải nói thêm là tổng thống tân cử Trump chưa hề có một cuộc họp báo nào
từ tháng 7 vừa qua. Ông ta gói mình trong tháp ngà, vì lúc nào cũng nghĩ kẻ thù
mới của mình là truyền thông.
RFI : Ông quyết định sử dụng mạng xã hội làm kênh
giao tiếp chính. Tại sao ? Phải chăng đó là cách để kiểm soát tốt hơn việc
thông tin của mình ?
Jean-Eric
Branaa:
Thực sự là tôi thấy người ta đang băn khoăn là liệu tới đây các bộ phận phục vụ
Nhà trắng có còn để ông Trump sử dụng twitter như cách ông đang làm hiện nay.
Người ta có thể tưởng tượng ra trường hợp sau mỗi lần gặp với các nguyên thủ quốc
gia trên thế giới ông tai lại tung lên twitter bày tỏ tâm trạng, cảm nhận của
mình về các cuộc gặp. Như vậy sẽ trở nên rất phức tạp trong tương lai.
RFI : Có phải vì ông ta không còn tin vào kênh
thông tin truyền thống là báo chí ?
Jean-Eric
Branaa: Một
lần nữa tôi lại tin rằng ông ta vẫn không hiểu hết chức vụ của mình ra sao và
cái tầm của mình hiện nay là như thế nào. Người ta có cảm giác ông ta vẫn đang
vận động tranh cử, ông ta vẫn phản ứng theo cách không suy xét, không kiểm
soát. Ông ta hành động theo ý thích không suy tính gì.
RFI: Theo ông có hy vọng gì ông ta thay đổi khi
nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng. Chắc chắn khi đó ông ta sẽ phải giải thích
thuyết phục dư luận nhiều hơn về các cải cách sẽ tiến hành ?
Jean-Eric
Branaa:
Theo tôi, không biết đó có phải là tính cách không thể thay đổi được hay không,
nhưng trái lại tôi nghĩ thế giới sẽ quan tâm rất kỹ đến cách thức hành động của
ông ta và thực sự thì người ra cảm thấy lo ngại. Bởi vì những hồ sơ trên bàn
làm việc của ông Trump là rất quan trọng. Bây giờ là lúc ông ta phải có những
câu trả lời sáng rõ hơn một chút và hợp lý hơn.
RFI : Tổng thống Barack Obama cũng dùng twitter để
bày tỏ về các vấn đề chính sách đó cũng là cách mới trong thông tin đấy chứ ?
Jean-Eric
Branaa :
Cái mới ở đây phải là giọng điệu, cách làm. Như chuyện về cuộc phỏng vấn với
New York Times, ban đầu thông báo hủy và ông ta cho biết thêm là vì quy định đã
thay đổi, như thế là không lịch sự. Ta thấy, cách ăn nói của ông ta nữa kiểu trẻ
con, nửa kiểu ngây thơ gây ngờ vực, ngay cả trên twitter cũng vậy.
RFI
: Cách ông ta ứng xử với New York Times một tờ
báo có thế lực ở Mỹ có phải ông ta muốn tạo một cuộc chơi mới với báo chí ? Đây
có phải là chiến thuật mới của Trump đối với truyền thông ?
Jean-Eric
Branaa :
Tôi nghĩ ở đây vấn đề quan trọng đó là quyền được thông tin của người dân. Hiện
tại thì sự minh bạch về cái quyền đó không được tôn trọng. Đó mới là điều sẽ dẫn
đến những vấn đề thực sự ở hoa Kỳ. Với tôi, điều mà Donald Trump đang làm sẽ có
hậu quả.
Sẽ
có ngày truyền thông chỉ trích ông ta khi xảy ra chuyện gì đó không ổn.
Ông ta lại vẫn làm như khi còn trong chiến dịch tranh cử là chỉ mặt báo chí đều
chống lại ông ta. Mục đích để chỉ cho thấy là các nhà báo họ không thích tôi và
tôi không thích họ vì thế đừng có tin gì họ nói và hãy chỉ tin vào phát ngôn
chính thức của tôi.
RFI : Qua mạng xã hội, ông Trump cũng đã giao tiếp
được với những người không được thông tin đầy đủ qua kênh báo chí truyền thống.
Có phải vì thế mà ông đã thành công khơi dậy được sự phẫn nộ của những người
không theo dõi thông tin trên báo chí truyền thống ?
Jean-Eric
Branaa: Đây
là một vấn đề phức tạp, bởi vì ở đây chúng ta đi vào một lĩnh vực khác, tức là
tin đồn và thông tin sai lệch, những thứ này hiện tràn ngập trên các mạng xã hội.
Chẳng hạn như facebook vẫn bị tố cáo là nơi tuyên truyền hoặc để cho phổ biến
nhưng tin thất thiệt, ta cần phải suy nghĩ đến vấn đề này để tránh được những
hiện tượng như vậy.
No comments:
Post a Comment