Friday, November 25, 2016

CHƯƠNG TRÌNH KINH TẾ DONALD TRUMP (RFA)





Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2016-11-23

Vẫn còn quá sớm để có thể biết đường lối kinh tế của vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Khi tranh cử, ông Donald Trump đã phác họa một số chủ trương mang tính chất đại cương về kinh tế để thuyết phục cử tri, nhưng khi nhậm chức, ông có thể làm được những gì?

Cử Tri Đoàn

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, Tổng thống Tân cử của Hoa Kỳ là ông Donald Trump còn hai tháng để chuẩn bị nội các cùng ban tham mưu trước khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 Tháng Giêng năm tới. Xuyên qua các cuộc tiếp xúc từ một tuần qua để ông tìm người cộng sự, dư luận có thể dự đoán về chiều hướng lãnh đạo của vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Nhưng có chi tiết khiến nhiều người ở bên ngoài ngạc nhiên là ứng cử viên đảng Dân Chủ là bà Hillary Clinton được đa số phiếu của cử tri mà vẫn thất cử vì không có đủ 270 phiếu của Cử tri đoàn. Thưa ông, tại sao như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đây là chuyện khá tinh vi, phức tạp mà tôi chỉ xin tóm lược. Từ thời lập quốc, cử tri Hoa Kỳ không trực tiếp bầu ra Tổng thống mà bầu ra những người sẽ đề cử lãnh đạo Hành Pháp. Họ là cử tri đại diện trong một tập thể gọi là Cử Tri Đoàn, Electoral College. Lý do là Hoa Kỳ không được thành lập như một nền Dân chủ mà là nền Cộng hòa, là hệ thống chính trị cho phép người dân để cử đại biểu để lo việc chung của tập thể cho mình. Bậc Quốc phụ không lập nền Dân chủ, là thể chế dựa trên quyền làm chủ của công dân, vì thời ấy họ gạt ra ba thành phần công dân không có quyền đề cử giới đại diện sẽ cai trị mình, là dân nô lệ, phụ nữ, và ở nhiều tiểu bang, những người không có tài sản. Nghịch lý vào thời kiến quốc có thể giải thích như sau. Giới đại biểu được cử tri bầu lên không nhất thiết nghe công luận mà phải tự ý quyết định về sự lợi hại của từng việc và được công luận phê phán bằng lá phiếu vào kỳ bầu cử sau, cứ sáu năm một lần nếu đại biểu là Nghị sĩ trong Thượng viện, và hai năm một lần nếu là Dân biểu Hạ viện. Ta nên chú ý tới đặc tính gián tiếp đó: lòng người hay ý dân được thể hiện nhưng qua lớp trung gian, tựa như một cái lọc.

Thứ hai, nền cộng hòa Hoa Kỳ có thể chế liên bang là một tập hợp của nhiều tiểu bang. Sau thời lập quốc có 13 tiểu bang, nước Mỹ ngày nay có 50 tiểu bang và một khu hành chính tự trị là Thủ đô Washington D.C. Mỗi tiểu bang của nền Cộng hòa Liên bang này đều có chính quyền với Thống đốc lãnh đạo Hành pháp. Cơ chế riêng của tiểu bang chịu sống chung và nhường một số quyền quyết định cho cơ chế chung là chính quyền liên bang nhưng vẫn giữ nhiều thẩm quyền riêng. Khi sống chung, các tiểu bang đều đồng ý là không tiểu bang nào bị gạt ra ngoài hoặc bị tiểu bang khác lấn lướt quyền lợi. Dù có đông dân hay ít tài nguyên, mọi tiểu bang lớn nhỏ giàu nghèo phải có quyền bình đẳng pháp lý. Vì vậy, Hoa Kỳ có hai cơ chế đại biểu song hành. Một là Hạ viện với số Dân biểu phản ảnh dân số của từng tiểu bang và bày tỏ ý dân một cách trực tiếp nhất qua nhiệm kỳ hai năm. Hai là Thượng viện. Mỗi tiểu bang lớn nhỏ gì cũng có hai Nghị sĩ, sáu năm một lần thì bầu lại để vừa ngăn ngừa nhiệt tình sôi nổi của Hạ viện vừa kiểm soát hay phê chuẩn nhiều quyết định của Tổng thống.

Vì vậy, Hoa Kỳ mới có thể thức bầu cử Tổng thống phức tạp mà tinh vi nhất: Cử Tri Đoàn là lớp trung gian quy tụ 100 Nghị sĩ, 435 Dân biểu và ba đại biểu của Thủ đô, tổng cộng là 538 “Đại cử tri”. Muốn đắc cử Tổng thống thì phải có hơn nửa (269) số phiếu Đại cử tri là 270 phiếu. Mục đích yêu cầu là 1) không tiểu bang nào có dưới ba phiếu, 2) mọi tiểu bang đều có tiếng nói trong tiến trình tuyển cử, 3) muốn đắc cử, các ứng cử viên phải quan tâm đến quyền lợi của từng tiểu bang; 4) chứ không thể hốt phiếu của vài ba tiểu bang đông dân nhất ở vùng duyên hải là thành Tổng thống của toàn quốc.

Nguyên Lam: Quả thật là một thể thức phức tạp nhưng thích hợp với khung cảnh có quá nhiều dị biệt của nước Mỹ. Chúng ta bước qua phần chính của chương trình kỳ này. Thưa ông, sau khi đắc cử, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ khám phá được những gì về hiện tình của quốc gia?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:Chúng ta cần nhắc lại hai chuyện. Thứ nhất, Tổng thống Hoa Kỳ không có toàn quyền như lãnh đạo của nhiều nước dân chủ khác vì Hiến pháp  Mỹ muốn giới hạn quyền lực của Hành pháp bằng các cơ chế Lập pháp và Tư pháp, chưa nói đến Ngân hàng Trung ương và cả thị trường rộng lớn trên toàn cầu. Thứ hai, khi tranh cử thì mục tiêu chính chỉ là làm sao đắc cử, khi đắc cử thì mới thấy rõ hiện tình quốc gia và có nhiệm kỳ nhất định để cải thiện.

Hiện tình của nước Mỹ ngay trước mắt là Hoa Kỳ đang có tổng số nợ công và tư lên tới 67 nghìn tỷ đô la, tức là gần 400% Tổng sản lượng GDP, trong khi đó lại có 95 triệu dân nằm ngoài lực lượng lao động, tức là bị dư dôi không tận dụng được khả năng. Số thất nghiệp thật lên 1ới 15 triệu cao gấp đôi con số chính thức vì nhiều người nản chí khỏi kiếm việc làm nên không ghi danh là thất nghiệp. Về xã hội, nước Mỹ có 43 triệu dân thuộc diện cùng khốn, có 43 triệu người   cần phiếu thực phẩm, 57 triệu được hưởng bảo trợ y tế Medicare và 73 triệu được trợ cấp y tế  là Medicaid, và 31 triệu vẫn chưa có bảo hiểm y tế trong khi có hai triệu người ở trong tù. Tình hình u ám đó ở dưới mới khiến cử tri nổi giận không bỏ phiếu cho các chính khách chuyên nghiệp mà tín nhiệm một “tay ngang” chưa hề có kinh nghiệm chính trị là ông Trump, trong khi giới thượng lưu ở trên cứ nói chuyện viển vông xa vời.

Tổng thống Trump có thể làm những gì?

Nguyên Lam: Ông tóm lược một bức tranh kinh tế xã hội khá bất ngờ về nước Mỹ. Bây giờ, sau khi chọn lựa và được Thượng viện phê chuẩn để thành lập Nội các, Tổng thống Trump có thể làm những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ông Trump có một lợi thế là đảng Cộng Hòa của ông vẫn giữ đa số tại Lưỡng viện Quốc hội nên có thể ủng hộ các chương trình cải cách ôn hòa và thiết thực, nhưng Quốc hội chẳng dễ chấp nhận những đề nghị quá khích của ông vì làm các Dân biểu có thể thất cử hai năm nữa, vào năm 2018. Chính vì vậy, Tổng thống Tân cử mới đắn đo tuyển chọn những người có thể đối thoại và hợp tác với Quốc hội về các chương trình kinh tế.

Tôi thiển nghĩ mục đích yêu cầu của các chương trình này là cho phép tăng chi để đầu tư vào khu vực xây dựng hạ tầng thật ra đã lạc hậu của nước Mỹ, nhưng việc tiến hành sẽ phải mất nhiều năm mới có kết quả về sản xuất. Thứ hai là đề nghị giảm thuế, nhưng không nhiều và mạnh như ông Trump đề nghị vì càng gây bội chi ngân sách và tăng nợ mà sẽ nhắm vào giới tiểu doanh thương để lập ra doanh nghiệp mới. Khu vực này mới tạo ra việc làm và cần giải tỏa chế độ kiểm soát quá khắt khe thiết lập từ năm 2009. Nói chung thì Chính quyền mới cần tìm bước đột phá để nâng đà tăng trưởng èo uột là chỉ 2% một năm từ 16 năm qua và lại bị bảy năm hồi phục quá yếu ớt kể từ 2009. Ngoài ra, nếu cải thiện được chế độ bảo dưỡng y tế là ObamaCare của Tổng thống Obama, kinh tế Hoa Kỳ cũng sẽ được lợi là điều Tổng thống Tân cử vừa mới khám phá sau khi tranh cử.

Nguyên Lam: Trong cuộc tranh cử vừa qua, cả hai chính đảng lớn của Hoa Kỳ đều kết án tự do mậu dịch và toàn cầu hóa nên có những chủ trương nhuốm màu “bảo hộ mậu dịch”. Ông Trump còn đề nghị tăng thuế nhập nội để giảm nhập khẩu và thúc đẩy xuất khẩu. Thưa ông, liệu đề nghị ấy có thành không và có gây ra một trận chiến mậu dịch không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ trận chiến mậu dịch đã xảy ra trong thực tế như chúng ta có trình bày kỳ trước khi các nước đều bơm tiền và hạ lãi suất làm tiền rẻ và hàng rẻ để dễ xuất khẩu, cho nên ta cần nhìn qua hướng khác. Ban tham mưu kinh tế của ông Trump có loại kinh tế gia đề cao biện pháp tăng trưởng nhưng cũng có nhiều tay lý luận vẫn đề cao tự do mậu dịch nên chưa chắc là Chính quyền Trump sẽ hoàn toàn ngả theo chế độ bảo hộ mậu dịch như các nước lo sợ trong Thượng đỉnh vừa qua của Diễn đàn Kinh tế Á châu Thái bình dương.

Thứ nữa, Hoa Kỳ ít lệ thuộc vào xuất khẩu nên chẳng thể dùng xuất khẩu làm lực đẩy cho đà tăng trưởng kinh tế vì lực đẩy này cũng có giới hạn. Tuy nhiên, vì chủ trương quốc gia dân tộc của ông Trump, chính quyền mới sẽ đòi hỏi các đối tác, thứ nhất là Trung Quốc, phải nhượng bộ và sẽ khắt khe canh chừng các biện pháp lũng đoạn hối đoái để bán hàng rẻ vào Mỹ. Song song, Hoa Kỳ cũng khai triển nhiều bước đột phá để nâng cao năng suất nội địa và giảm dần sự lệ thuộc vào nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu. Nói chung, chính sách kinh tế mới có thể nâng tỷ giá đô la, làm tăng lãi suất và mặc nhiên gây tai họa cho các thị trường đang phát triển vì tư bản sẽ chảy ngược về Mỹ để kiếm phân lời cao hơn. Chúng ta có thể thấy chuyện đó ngay trong năm tới nếu kinh tế toàn cầu không bị thêm một tai họa nữa là nạn Tổng suy trầm!

Nguyên Lam: Thưa ông, sau khi Hoa Kỳ bị suy trầm kinh tế từ cuối năm 2007 tới giữa năm 2009 thì thế giới đã bị Tổng suy trầm vào các năm 2008-2009. Bây giờ, ông lại nói đến một tai họa nữa là nạn Tổng suy trầm. Liệu điều ấy có thể xảy ra không, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta không thể biết trước mọi chuyện và suy trầm là khi đà tăng trưởng giảm sút trong hai quý liền, tức là người ta chỉ biết sáu tháng sau khi xảy ra! Nhưng nếu suy từ lịch sử Hoa Kỳ trong trăm năm qua thì người ta thấy rằng nạn suy trầm thường xảy ra sau khi một Tổng thống kết thúc hai nhiệm kỳ lãnh đạo, thí dụ gần nhất là năm 2000 sau hai nhiệm kỳ Bill Clinton và năm 2008 sau hai nhiệm kỳ George W. Bush. Lần này, ông Obama sẽ kết thúc hai nhiệm kỳ Tổng thống v ào đầu năm tới. Vì vậy, chúng ta không loại bỏ kịch bản đáng sợ là năm tới kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm. Khi đó, nguồn thu về thuế khóa sẽ giảm, bội chi ngân sách lại tăng làm Hoa Kỳ mắc nợ nhiều hơn nữa. Nếu giải quyết nổi bài toán đó, ông Trump mới thật sự là Tổng thống có tài, là điều ta chỉ thấy trong năm tới mà thôi.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.




No comments:

Post a Comment