Sunday, October 30, 2016

PHỎNG VẤN TÁC GIẢ CỦA "TÌNH YÊU, NGỤC TÙ & VƯỢT BIỂN" (Hoài Hương - VOA)




28.10.2016
.

Đối với những thuyền nhân tị nạn cộng sản sau năm 1975, một trong những nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất của hành trình tìm tự do là ký ức về những vụ cướp biển. Những tên hải tặc hoành hành trên Biển Đông như chốn không người đã gây biết bao tang tóc và đau thương, và để lại những hậu quả tâm lý nơi một số người cho mãi cho tới ngày hôm nay. Những trải nghiệm hãi hùng đó được ghi lại trong một cuốn hồi ký do Tủ sách Tiếng Quê Hương phát hành mới đây tại Hoa Kỳ. Hồi ký “Tình Yêu, Ngục Tù, và Vượt Biển” của Vũ Thanh Thuỷ và Dương Phục, hai cựu phóng viên chiến trường của Việt Nam Cộng Hoà, đã được tổ chức tại tư gia ông bà Charles Cường và Kim Yến ở bang Virginia vào chiều Chủ Nhật 23/10. Sau đây là cuộc trao đổi giữa Hoài Hương và tác giả cuốn “Tình yêu, Ngục tù và Vượt Biển” tại buổi ra mắt sách.


VOA: Kính chào anh Dương Phục và chị Vũ Thanh Thuỷ. Thưa, “Tình yêu, Ngục tù & Vượt biển”… Xin được hỏi, anh hay chị đã chọn đặt tình yêu lên trên ngục tù và vượt biển?
Nhà báo Dương Phục: Cuộc đời chúng tôi đi làm phóng viên chiến trường vào sinh ra tử rồi bị đi tù rồi vượt biển, nhưng mà chúng tôi nghĩ rằng là trên tất cả mọi sự, tình yêu phải được cao lên trên hết. Tình yêu đây không phải là tình yêu vợ chồng, lứa đôi mà là tình yêu, tình người… Trước hết chúng tôi muốn nói tình yêu của Thượng đế đã che chở chúng tôi suốt qua những đoạn đường đó, nhờ thế chúng tôi mới có thể sống sót cho tới ngày nay để mới có thể viết lại. Vì thế tình yêu bao giờ cũng là bên trên và cao hơn tất cả đối với chúng tôi.

VOA: Cuốn hồi ký này cũng có thể được coi như một sử liệu nói lên một giai đoạn rất đau thương của dân tộc, được biết cuốn hồi ký này có ấn bản tiếng Anh, thì xin anh chị cho biết muốn gửi đến 2 thành phần độc giả (tiếng Việt và tiếng Anh) là gì?
Nhà báo Dương Phục: Vâng, chúng tôi đương cố gắng hoàn tất bản tiếng Anh bởi vì thực sự mục đích ban đầu là muốn viết cho giới trẻ mà giới trẻ ở đây thì Anh ngữ chắc chị cũng đồng ý là các cháu nó thông thạo hơn là Việt ngữ, vì thế chúng tôi muốn kể lại tất cả những chuyện gian khổ của chúng tôi, không phải để các cháu bị dằn vặt về những cái đau khổ ấy, mà để hiểu được cái giá trị của sự tự do mà các cháu được hưởng ngay bây giờ.
Nhà báo Thanh Thuỷ: Vâng, và đồng thời cũng để các cháu không quên nguồn cội. Tại vì qua câu chuyện đó các cháu mới thấy rằng cái cuộc đời của mỗi con người, nhất là người Việt Nam mình, những người đã may mắn thoát được ra hải ngoại thì không thể nào quên cái nguồn gốc của mình. Sở dĩ chúng ta có được ngày nay là bởi vì những người đi trước và những người ở các quốc gia tự do đã đón tiếp chúng ta, thành ra mình cũng có cái bổn phận nào đó với những người còn lại. Ngoài ra đối với chúng tôi là những người làm truyền thông, thì chúng tôi mong ước rằng cái ấn bản tiếng Anh đó sẽ trở thành một thứ tài liệu cho truyền thông Mỹ bởi vì truyền thông Mỹ có lẽ vì sự thiếu hiểu biết về văn hoá và con người và đất nước cũng như cuộc chiến Việt Nam mà đã có những cái quan niệm không có công bằng đối với lại người Việt Nam chúng ta và đất nước Việt Nam của chúng ta. Thành ra hy vọng qua cuốn sách này, hy vọng sẽ thuyết phục được những người bạn đồng nghiệp mình, nếu không thay đổi cái nhìn đối với Việt Nam thì ít nhất họ cũng biết thêm được một số điều. Việt Nam mình vẫn nói “vô tri thì bất mộ”- nếu không biết thì không thể nào mà thương, mà quý mà trọng được. Thành ra hy vọng qua cuốn sách này, chúng tôi gửi một thông điệp đến giới trẻ, đến giới truyền thông Hoa Kỳ để họ có một cái nhìn đứng đắn hơn, công bằng hơn đối với Việt Nam Cộng Hoà.

VOA: Dạ thưa sóng dữ, chiến tranh, bão táp vv.. nhưng có thể nói là không có gì kinh hoàng cho bằng gặp cướp biển Thái Lan. Anh chị đã trải qua cái kinh nghiệm kinh hoàng đó, nó có làm anh chị thay đổi nhân sinh quan của mình không? Nó ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống riêng tư cũng như trong sự nghiệp truyền thông của anh/chị?
Nhà báo Dương Phục: Vượt biển cũng như nạn hải tặc phải nói là một thảm trạng. Đó là cái giá kể ra là khá đắt trên con đường tìm đến tự do mà cũng là một cái dịp để thế giới cũng như là thế hệ con cháu biết là bố mẹ, anh chị em, nhất là bà của chúng nó đã phải trải qua những khốn khổ nào để các cháu có mặt ngày hôm nay ở đây.
Nhà báo Thanh Thuỷ: Vâng đối với riêng cá nhân của chúng tôi là người phụ nữ, trong 21 ngày đêm ở trên đảo Kra, thường xuyên phải chạy trốn cuộc săn người, đúng là một cuộc săn người như săn thú… phải trốn dưới hang động, trốn trên những cây cao, trốn trong các bụi rậm đầy rắn rết… Trải qua những điều đó càng làm cho chúng tôi xác tín về cái bổn phận của những người sống sót. Cá nhân chúng tôi là những người làm truyền thông cảm thấy mình có nhiệm vụ phải nói thay cho những người đã không có tiếng nói để cho thế giới biết về những điều đau khổ, những sự phi nhân bản, những sự tàn ác của bọn cướp biển, cũng như dân tộc Việt Nam mình đã chịu đoạ đày như thế nào. Riêng tôi cũng thấy một điều, nếu mà mình đã sống sót những điều đó rồi thì mình không còn gì để mà sợ nữa, bởi vì cướp biển với hải tặc nó còn kinh hoàng hơn sự chết, thành ra thoát ra được khỏi cái đó rồi bây giờ mỗi lần gặp những khó khăn trở ngại hay cảm thấy nản lòng trước một điều gì, chúng tôi lại nhìn lên tấm hình đảo Kra treo ở trong văn phòng để mà thấy rằng không có một cái điều gì đáng sợ bằng cái điều đó cả, và cái điều đó nó trở thành một sức mạnh, một động lực giúp mình dễ dàng vượt qua được những cái khó khăn thử thách của đời sống.

VOA: Xin cám ơn câu trả lời của anh chị, đảo Kra là một “thiên đường của cướp biển”, nhưng lại là một “địa ngục trần gian” của các nạn nhân của chúng. Mỗi khi nghe nhắc tới đảo Kra thì cái hình ảnh nào nó hiện ra trong tâm trí anh, chị?
Nhà báo Dương Phục: … Câu hỏi của chị làm cho tôi… phải nhớ lại những điều mình muốn quên đi. Ở đó có những nơi mà cá nhân chúng tôi đã đưa Thuỷ đi trốn trên những hốc cao, những ngọn hải đăng, những nơi mà không thể nào tưởng tượng được con người có thể chấp nhận mưa gió bão bùng trên đỉnh núi chỉ để tránh sự truy lùng của hải tặc. Ở trên đảo có những điều tôi nhớ thì dĩ nhiên là buồn phiền đau khổ, uất ức lắm thế nhưng mà như đã nói với chị, cái giá phải trả cho tự do chúng tôi phải chấp nhận, đành phải chấp nhận.
Nhà báo Thanh Thuỷ: Riêng cá nhân chúng tôi là người phụ nữ, thì chúng tôi qua cái kinh nghiệm này, muốn làm sao để mà giúp tất cả những nạn nhân của hải tặc có cái can đảm nhìn vào một cái điều bi thảm trong cuộc đời, mà cái đó là một bi thảm chung của cả đất nước, của dân tộc, không có một điều gì mà phải cảm thấy bị nhục nhã. Những người làm ác là những người đáng phải nhục nhã. Người Việt Nam mình rất là anh hùng trong những cái bi thương đó mà vẫn sống sót, không hiểu cái nền văn hoá ngày xưa cho những điều đó là những điều nhục nhã và chính những điều đó đã làm cho những người bạn đồng thuyền của chúng tôi, bây giờ qua ba mươi mấy năm rồi vẫn cảm thấy đau buồn tủi hổ. Tôi không dám nói cái này là Mỹ hoá nhưng mà quả tình nếu theo quan niệm của người Tây phương, thì đó là những người đáng thương, đáng trọng đáng quý, và đáng được an ủi che đỡ, không phải một cái điều gì để phải nhục nhã cả. Đó là điều mà tôi mong ước được nói lên. Chỉ có cách nhìn lại quá khứ, đối diện với cơn ác mộng thì mới có thể thắng được cái kinh nghiệm kinh hoàng đó, tại vì tôi thực sự muốn gửi một lời nhắn đến tất cả những nạn nhân hải tặc: “đừng sợ hãi quá khứ, mình không làm một cái điều gì để mình phải buồn phải sợ hãi cả. Hãy dùng đó là một cái sức mạnh để giúp cho những người, nhất là những phụ nữ và những người gặp những hoàn cảnh khốn khó khác để mà dùng tất cả những cái đau thương đó thành cái sức mạnh cho chính mình.”

VOA: Câu hỏi cuối Hoài Hương xin được hỏi, là những phóng viên chiến trường rồi vượt biên với nhau này, gặp hải tặc này… mà tới bây giờ vẫn còn làm việc được với nhau, thai nghén và viết một cuốn sách như vậy, thì xin được hỏi anh chị bí quyết nào để anh chị duy trì tình yêu đằm thắm như vậy cho mãi tới bây giờ qua những cái kinh nghiệm hãi hùng như vậy?
Nhà báo Thanh Thuỷ: Không biết anh Phục thì sao riêng đối với Thanh Thuỷ, ngoài tình yêu ra chúng tôi còn có tình bạn. Tình bạn là tình yêu không có cánh, thành ra nó còn mãi và đó chính là điều gắn kết chúng tôi.
Nhà báo Dương Phục: Cám ơn câu hỏi của HH. Chúng tôi yêu thương nhau trong chiến tranh, qua ngục tù qua vượt biển và cho tới bây giờ vẫn gắn bó với nhau bởi vì chúng tôi không những là vợ chồng mà còn là đồng nghiệp, là bạn với nhau trong công việc, vừa có tình vừa có nghĩa với nhau và có lẽ khiến chúng tôi gắn bó với nhau cho tới giờ này. Cám ơn chị.

VOA: HH xin chúc mừng anh chị về tác phẩm mới nhất “Tình yêu, Ngục tù & Vượt Biển”, và xin thay mặt cho Đài VOA và thính giả, độc giả của đài, xin cám ơn anh chị đã bỏ thì giờ cho cuộc phỏng vấn này.





No comments:

Post a Comment