Sunday, September 25, 2016

THANH hay THĂNG (FB Huy Đức)





Cho đến trước khi bị C46 triệu ra Hà Nội, Vũ Đức Thuận vẫn nương náu trong biệt thự Trần Quốc Thảo. Rất lạ là báo chí chỉ đặt câu hỏi, ai đã “làm công tác cán bộ” cho Trịnh Xuân Thanh mà không nói gì về “quy trình” Đinh La Thăng dàn xếp cho đồng phạm của Thanh, Vũ Đức Thuận. Vì sao Thuận, một kẻ mà dấu hiệu phạm tội đã rõ từ năm 2013, vẫn được Đinh La Thăng đưa về làm Chánh văn phòng Bộ Giao thông, rồi kéo vào Sài Gòn làm trợ lý.

Đàn Em
Xây lắp là ngành mà Đinh La Thăng nắm gần như ngay lập tức sau khi về làm Chủ tịch tập đoàn Dầu khí (PVN), 10-2006, và biến nó trở thành một thứ công ty xây dựng như thời Sông Đà.

Thoạt đầu, người được Đinh La Thăng đưa về làm Tổng giám đốc công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) là “Diệu Đen” – đồng hương Nam Định, từng làm ở Sông Đà – thay thế “Hưng Địa Chủ”, một người được đào tạo và có kinh nghiệm trong ngành.

Nhưng, ở thời điểm ấy PVN đang có trong tay một lượng vốn khổng lồ. Một người giỏi điếu đóm không thể triển khai bài toán lớn để “giải ngân” từng ấy tiền bạc. Năm 2007, Đinh La Thăng đưa Trịnh Xuân Thanh từ Sông Hồng về thay thế “Diệu Đen” làm Chủ tịch kiêm TGĐ PVC. Năm 2008, khi Thuận gặp khó khăn ở Sudico (Sông Đà), Thăng lại đưa về làm phó rồi năm sau lên TGĐ.

Dự Án
Ngay sau khi Trịnh Xuân Thanh (2007) và Vũ Đức Thuận (2008) kiểm soát được PVC, Đinh La Thăng bắt đầu sử dụng hàng chục nghìn tỷ của PVN ồ ạt đầu tư cho các dự án: từ nhiệt điện, sợi polyester, ethanol… đến sân golf, khách sạn, văn phòng, trụ sở… Rất nhiều công trình được quyết định đầu tư vội vã, bất chấp pháp luật.

Có những công trình lớn, ngoài “chuyên môn” như Ethanol Phú Thọ (1.700 tỷ, đội giá lên 2.400 tỷ), như Sợi Đình Vũ (đội giá từ 324,8 triệu lên 363,5 triệu USD) nhưng đã được Đinh La Thăng cho phê duyệt dự án mà không thẩm định tính khả thi, không lấy ý kiến cơ quan quản lý có thẩm quyền (Bộ Công Nghiệp lúc đó).

Hành vi cố ý của Đinh La Thăng khi quyết định đầu tư những công trình này không chỉ làm thất thoát lớn trong quá trình xây dựng mà cả hai vừa xây xong đã phải đắp chiếu vì nếu sản xuất sẽ làm lỗ cho PVN mỗi năm hàng nghìn tỷ (năm 2014, Sợi Đình Vũ lỗ 1.085 tỷ).

Trảm Tướng
Đinh La Thăng đi đến đâu cũng làm “nức lòng nhân dân” bằng các vụ “trảm tướng”. Ít ai biết được đằng sau những quyết định ầm ĩ đó là gì.

Trước khi chuẩn bị ồ ạt xây cất, Đinh La Thăng đã chuẩn bị “cơ sở pháp lý” cho Thanh – Thuận bằng Nghị quyết 133 của Đảng ủy Tập đoàn, “Phát huy nội lực, ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành”.

Hầu hết những dự án của PVN, Đinh La Thăng đều buộc các chủ đầu tư (các đơn vị thành viên của PVN) phải “ưu tiên sử dụng dịch vụ” của nhà thầu PVC. Mặc dù Thuận và Thanh thường đưa ra mức dự toán cao hơn rất nhiều so với giá trị thực tế, Thăng vẫn gây áp lực để các chủ đầu tư (công ty con của PVN) chấp nhận và thường phải ứng trước vốn lên đến hơn 80% giá trị hợp đồng cho Thanh – Thuận.

Nhiều chủ đầu tư đã bị “trảm” vì không chịu vâng theo những điều kiện phi lý này.

Chi phí để Thanh – Thuận xây phần thô của tòa nhà PVFC lên tới 350 tỷ trong khi trước đó, khách sạn Petrosetco Sông Trà (Nhờ bên ngoài nắm cổ phần lớn hơn PVN nên không để Thăng ép giao thầu cho PVC) có cùng diện tích, cùng điều kiện xây dựng, đã hoàn thành nội thất, chỉ hết 69 tỷ.

Tòa nhà PVGas, đường Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè, theo đánh giá của giới chuyên môn và theo thị trường, cả tiền xây dựng và đất, chỉ khoảng 350 tỷ đồng. PVGas đã phải quyết toán cho Thanh – Thuận lên tới 900 tỷ. Trong thời gian xây dựng tòa nhà này (2008-2010) hai tổng giám đốc của PVGas (Trần Văn Vĩnh và Nguyễn Việt Anh) đã bị Đinh La Thăng cách chức.

Có thể chỉ ra hàng loạt ví dụ tương tự khác ở những công trình như khách sạn Lam Kinh, khách sạn dầu khí Thái Bình, Trung tâm thương mại Cà Mau…

Ngoài Trần Văn Vĩnh, Nguyễn Việt Anh còn nhiều “tướng” khác bị “trảm” với lý do tương tự, trong đó có các ông: Trịnh Thanh Bình, TGĐ Đạm Phú Mỹ; Đinh Văn Ngọc, TGĐ Bình Sơn và Lương Khoa Trường, TGĐ DMC…

PVC được nói là lỗ 3.300 tỷ, đúng ra là lỗ 4.100 tỷ vì đã sử dụng hết 800 tỷ trong quỹ dự phòng. Nhưng con số thất thoát còn phải tính đến cả ở những công trình bị kê giá (như vài ví dụ vừa nêu) mà cơ quan điều tra hoàn toàn có thể làm rõ bằng cách trưng cầu giám định.

“Thiên Tài”
Tuy trong khoảng từ 2008-2010, PVC hạch toán là “hiệu quả” nhưng những khoản lỗ nhìn thấy vào giữa 2012 chỉ là phần “bục ra” và là hậu quả của cung cách Thanh – Thuận ngay từ khi họ nắm PVC. Trong xây dựng, nếu các nhà thầu được ứng tới 80-90% vốn như PVC (chưa kể giá trị đầu tư được kê cao lên) mà làm lỗ được thì phải nói là… thiên tài. Nhưng Thuận – Thanh vẫn làm được.

Nhân danh “phát huy nội lực”, Đinh La Thăng đã chỉ định và giao cho PVC thầu các dự án của Tập đoàn. Nhưng Thanh – Thuận chỉ là những anh “cò”. Vừa nhận thầu của Tập Đoàn là PVC liền giao toàn bộ quyền tổng thầu với các hình thức khác nhau cho các công ty con hoặc các công ty không hề là con cái gì của PVC cả.

Nhân danh “nâng cao năng lực thiết bị thi công”, PVC đã bỏ ra 424,84 tỷ đồng để mua sắm máy móc. Thiết bị mua về, thay vì được PVC khai thác sử dụng, thì toàn bộ lại được chuyển cho các công ty con dưới dạng bù trừ công nợ, góp vốn… Các công ty con nhận những thiết bị này về cũng hoặc không sử dụng, hoặc chỉ sử dụng cho một công trình rồi bỏ đó.

Không chỉ áp dụng chính sách chỉ định thầu cho các công ty con, Thanh – Thuận đã cho rất nhiều nhà thầu phụ không dính dáng gì tới PVC hưởng “nội lực” của ngành dầu khí.

Đầu năm 2012, trong số 8.620 tỷ đồng ký với các nhà thầu phụ, có tới 3.572 tỷ (41,43%) được PVC “giao thầu” cho các công ty ngoài ngành. Nhiều nhà thầu phụ được ứng vốn cao hơn vốn mà PVC được ứng từ chủ đầu tư với số tiền lên đến 753 tỷ. Các nhà thầu còn được “ứng ngoài hợp đồng” lên tới 775 tỷ.

Dòng Tiền
Không phải công ty con nào cũng “sổ sách” như PVC-ME để ta có thể giải thích vì sao Thuận – Thanh lại hào phóng với các công ty con, nhà thầu phụ như thế. Và, nhờ nó, chúng ta biết được “dòng tiền”.

PVC-ME là một công ty có số lỗ vào năm 2012 lên đến 576 tỷ đồng và đang “cân đối âm” 714 tỷ. Ngoài những cách quen thuộc như khai khống hồ sơ rút tiền, PVC-ME có một sáng kiến rất hay đó là cho các đối tác hoặc chỉ huy trưởng công trường ký tạm ứng rồi… không nhận tiền. Có người “để lại” 2, 3 tỷ, có đối tác “để lại” 4 tỷ. Tổng số tiền “để lại” cho quỹ đen chung này lên tới 80,768 tỷ.

Trong “sổ đen”, có những khoản chi nho nhỏ, kiểu như “Học tập tấm gương HCM” 5 triệu; “Đi sở KHĐT” 5 triệu rồi “Gửi anh Hải lái xe” 211 triệu; “Mua bộ đồ đánh golf cho sếp” 350 triệu… Có rất nhiều khoản chi mỗi lần từ 1 đến gần 4 tỷ không rõ làm gì. Chỉ trong năm 2011, lái xe riêng của TGĐ đã thanh toán các khoản tiếp khách hết 1,126 tỷ đồng và tiền tiếp khách của PVC-ME hết 9,89 tỷ.

Trong “sổ” có ghi những bữa nhậu 4-5 trăm triệu, chúng rất dễ làm ta liên tưởng đến “Bộ trưởng Ballentine “. Và, không rõ tính toán ra sao mà trong ngày 15-8-2011 có tới 4 lần rút tiền “sinh nhật bố sếp Thanh”(418 triệu + 50 triệu + 80 triệu).

Những khoản chi tiền tỷ chi chít trong sổ đen mà theo ngày tháng thì nằm trong khoảng trước và sau Đại hội XI. Cấp tập hơn là những khoản chi vào giai đoạn từ sau Đại hội cho đến khi hình thành Chính phủ mới, kéo dài tới tháng 9-2011, thời điểm Đinh La Thăng chuẩn bị rời PVN qua Bộ Giao thông.

Đây cũng chính là giai đoạn Thanh – Thuận sử dụng tới 1.081 tỷ vốn xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình II ứng cho các nhà thầu không liên quan tới công trình này “sử dụng vào những mục đích khác”(đến nay vẫn còn 700 tỷ chưa thu hồi được).

Trịnh Văn Thảo, TGĐ PVC-ME đã bỏ trốn từ 2012. Thanh đang bị truy nã. Nhưng không chỉ có Thuận, rất nhiều nhân vật thông thạo đường đi của những “dòng tiền” dầu khí như: Duy, Sợi Đình Vũ; Hoàng, PVC-IC; Trung PVC-SG… vẫn còn đi lại trước mặt cơ quan điều tra.

Khi làm Chủ tịch PVN, Đinh La Thăng không chỉ tiếp nhận một giai đoạn vẫn rất thịnh vượng của ngành (giá dầu lúc ông ta rời PVN vẫn trên 100 USD/thùng) mà còn tiếp quản từ tay người tiền nhiệm khoảng 5 tỷ USD vốn liếng.

Thanh – Thuận, cho dù tội trạng tày đình cũng chỉ là kẻ thừa hành. PVC chưa phải là mất mát đau nhất ở PVN dưới thời Đinh La Thăng; di sản của ông ta sau 5 năm ở đây chỉ có thể nói là “tan hoang”.

Nếu các cơ quan pháp luật muốn làm tới nơi thì quy mô của vụ án không chỉ “xảy ra ở PVC” mà là ở PVN, vấn đề không phải là Thuận hay Thanh mà là Thăng.

--------------

LIÊN QUAN :

Thứ Sáu, 09/16/2016 - 06:51 — Kami
.
Nam Nguyên, phóng viên RFA,  2016-09-09
.
Người Buôn Gió  -  Thứ Ba, ngày 20 tháng 9 năm 2016





No comments:

Post a Comment