Văn
Lang/Người Việt
July 31, 2016
.
Tập đoàn Kinh Đô đã bán phần lớn cổ phiếu cho nước
ngoài. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
SÀI
GÒN (NV) – Cái thời mà người ta nói “Cái cột đèn có
chân mà đi được nó cũng đi,” tuy đã xa, nhưng bây giờ Việt Nam đang bắt đầu một
cuộc tháo chạy khác.
Đầu tiên phải kể tới sự triệt thoái vốn của các công
ty “đại gia” tư nhân, cũng như nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân của người Hoa
vùng Chợ Lớn. Dưới chính thể cộng sản, họ bị “chà” đi, “xát”lại không biết bao
nhiêu lần. Cho tới khi, tập đoàn bánh kẹo Kinh Đô, vốn xuất thân từ một lò bánh
của gia đình, vươn lên thống lĩnh hoàn toàn thị trường Việt Nam. Nó trở thành
niềm tự hào của người Hoa, trong giai đoạn làm ăn sau thời “mở cửa.”
Nhưng trong năm 2015, tập đoàn Kinh Đô đã bán tới
80% cổ phần cho tập đoàn Mondele’z International có trụ sở chính nằm tại Hoa Kỳ.
Và cũng theo lời của một doanh nhân người Hoa, trong tương lai, cuộc triệt
thoái vốn có thể lên tới… 97%.
Vị doanh nhân người Hoa này, lắc đầu ngao ngán, cho
biết: “Khi Kinh Đô đã bán cho nước ngoài, thì khó có doanh nghiệp Việt Nam nào
còn có thể trụ lại được.”
Hàng loạt công ty tư nhân Việt Nam “phất” lên sau mở
cửa. Nay hoặc đã phá sản, hoặc đang đứng trên bờ vực của sự phá sản,với số nợ
chồng chất trong ngân hàng. Một số ít còn lại,lặng lẽ âm thầm bán công ty (hoặc
đa số cổ phần) cho các công ty nước ngoài.
Người Thái Lan, tuy không ồn ào, nhưng đã mua hầu hết
các siêu thị ở Sài Gòn. Và cũng đã lên tiếng sẵn sàng mua lại tập đoàn bia Sài
Gòn, niềm tự hào còn sót lại của người Việt.
Trong bối cảnh đó, nhà nước Việt Nam ra quyết định
triệt thoái vốn khỏi các tập đoàn mà lâu nay nhà nước là “ông chủ,” tức nắm từ
51% cổ phiếu trở lên.
Trong số danh sách triệt thoái vốn của nhà nước, có
cả những tập đoàn lâu nay vốn là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân sách.
Hai cái tên “cộm cán” trong đợt rút vốn này phải kể
tới tập đoàn sữa Vinamilk và tập đoàn Viễn Thông FPT (FPT Telecom).
Câu hỏi đặt ra là, tại sao lúc này nhà nước lại rút
vốn? Mà lại khuyến khích bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài để thu ngoại tệ.
Như Vinamilk được khuyến cáo là sẵn sàng để nước ngoài sở hữu 100% cổ phiếu.
Phải chăng nhà nước cộng sản đang cần tiền để trả nợ
công (vay của nước ngoài) đã tới thời kỳ phải đáo hạn? Hay là do sức ép đã cam
kết khi gia nhập WTO và hiệp định TPP sắp tới?
Nhưng câu trả lời nghiêng về phía cả doanh nghiệp
nhà nước lẫn tư nhân ở Việt Nam, đều thấy họ không có khả năng cạnh tranh khi
thị trường mở ra thực sự. Nên “khôn hồn” là bán trước, trong khi còn được giá
hơn là để phá sản, mất trắng. Tư nhân vẫn tiếp tục điều hành công ty cho ông chủ
nước ngoài. Nhà nước thì chỉ việc thâu thuế công ty mới, không quan tâm sợ nó
phá sản như khi nhà nước vẫn quản lý.
Nhưng cuộc triệt thoái vốn của phe nhà nước gặp cản
trở, vì Bộ Tài Chánh, cũng như Tổng Công Ty Đầu Tư và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước
(SCIC – State Capital and Investment Corporation) nơi được giao việc quản lý
các tập đoàn trên, nay lại được giao việc thoái vốn. Nhất định không chịu nhả
miếng “mồi ngon” ra.
Một lo ngại khác, là lợi ích phe nhóm, sẽ định giá cổ
phiếu thấp hơn thị trường nhiều lần. Sau đó mua bán, giao dịch “nội bộ” lòng
vòng với nhau, bán tài sản quốc gia, thực chất là chia tài sản – mồ hôi, nước mắt,
xương máu của nhân dân, cho những nhóm tư bản thân hữu, bọn tư bản đỏ.
Một cuộc tháo chạy khác,là các công ty khởi nghiệp của
giới trẻ có học thức ở Việt Nam trong lãnh vực IT và kinh doanh Internet đều chạy
qua Singapore. Vì ở đó họ được hưởng chính sách ưu đãi. Còn về thủ tục thì họ
chỉ mất có một ngày, trong khi ở Việt Nam phải mất từ 6 tháng tới 1 năm .Chưa kể
các khoản “bôi trơn.”
Khi
các doanh nhân tháo chạy
Diễn biến mới nhất, một cựu CEO của tập đoàn FPT, đã
đem gia đình vợ con đi định cư ở Hoa Kỳ theo diện EB-5.
Theo như bà Kim Hạnh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ
cho biết là hiện có một làn sóng người ra đi theo diện EB-5.
Bà Kim Hạnh đồng thời là người trong nhóm sáng lập tờ
Sài Gòn Tiếp Thị, từng giữ chức Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại thành phố
và hiện nay, điều hành tổ chức tư nhân mang tên “Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh
Doanh và Hỗ Trợ Doanh Nghiệp” quy tụ nhiều CEO đã thành danh ở Sài Gòn và miền
Nam nói chung và cũng là người thường xuyên tiếp xúc với giới doanh nhân.
EB-5 là chương trình đầu tư để nhận thẻ xanh ở Hoa Kỳ.
Trụ sở của tập đoàn sữa Vinamilk tại Phú Mỹ Hưng, quận 7, Sài Gòn. (Hình:
Văn Lang/Người Việt)
Có hai mức đầu tư để có thẻ xanh. Mức 500 ngàn Mỹ
kim là đầu tư được chỉ định và mức 1 triệu Mỹ kim (không chỉ định). Tối thiểu
phải tạo ra việc làm cho 10 người bản địa, được cấp thẻ xanh trong 2 năm, và
sau hai năm “tái thẩm” công việc đầu tư hiệu quả tạo công việc lâu dài cho người
bản địa sẽ được cấp thẻ xanh… lâu dài.
Tiền đầu tư theo diện EB-5 chỉ cần chứng minh là hợp
pháp. Nhưng không phân biệt là tiền đầu tư của cá nhân hay nhà nước. Vì vậy,
khá nhiều quan chức Việt Nam và Trung cộng tận dụng tiền đầu tư của công ty nhà
nước để tháo chạy sang Hoa Kỳ.
Một doanh nhân trẻ trong làn sóng ra đi diện EB-5,viết
trên Facebook cho biết là một du học sinh, trở về nước kinh doanh và thành đạt.
Dù thừa nhận là được hưởng “ơn mưa móc” từ chế độ. Nhưng anh ta vẫn quyết dắt
gia đình, vợ con ra đi, chỉ vì không muốn con cái của mình suốt đời phải sống
trong sự dối trá!
Trong một diễn tiến khác,mới đây quốc hội cộng sản
Việt Nam đã bãi miễn tư cách của một nữ đại biểu đương nhiệm. Vì bà này đã dùng
tiền đầu tư vào đảo quốc Malta để kiếm quốc tịch Malta. Một cách để lo… tương
lai cho mình và con cái sau này.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, thì trong năm 2014 chỉ
có 6,418 trường hợp đi định cư ở nước ngoài theo diện đầu tư. Thì trong năm
2015,con số đi định cư bằng tiền đầu tư đã tăng vọt lên tới 17,662 trường hợp.
Cũng theo một thống kê, thì trong vòng 5 năm
(2008-2013), số tiền từ Việt Nam “đội nón” ra đi là 33 tỷ Mỹ kim. Trong đó có
tiền đầu tư để được định cư ở nước ngoài và tiền cho du học sinh một đi không
trở lại.
Một doanh nhân trẻ trong làn sóng ra đi, cho rằng
nhà nước Việt Nam đang “chảy máu” không chỉ rất nhiều tiền. Mà quan trọng hơn cả
là nguồn nhân tài đầy nhiệt huyết kinh doanh cũng đang lần lượt ra đi.
Điều đó giống như sân khấu về khuya, mà còn chỉ toàn
đào kép già nua bệnh hoạn. Khán giả ngáp dài, trong khi nhà đèn lại “rung
chuông” cảnh báo sắp tới giờ… cúp điện.
No comments:
Post a Comment