Tuesday, August 2, 2016

NHẬT BẢN CẢNH CÁO TRUNG QUỐC VỀ CÁC HÀNH VI HUNG HĂNG TRÊN BIỂN (Trọng Nghĩa - RFI)





Đăng ngày 02-08-2016

Bắc Kinh có nguy cơ bị cuốn vào một cuộc xung đột với các láng giềng do lập trường hung hăng trong các tranh chấp trên biển. Trong bản báo cáo thường niên về quốc phòng công bố hôm nay, 02/08/2016, Nhật Bản không ngần ngại công kích các hành vi bị cho là thái quá của Trung Quốc cả ở Biển Đông lẫn Biển Hoa Đông, có nguy cơ dẫn đến chiến tranh ngoài ý muốn.

Về Biển Đông, báo cáo quốc phòng của Nhật Bản ghi nhận là Trung Quốc « tiếp tục hành động một cách quyết đoán » và trong các hành động của Trung Quốc « có những hành vi nguy hiểm, có thể dẫn đến những hậu quả ngoài ý muốn ».

Trong thời gian qua, Trung Quốc áp đặt các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp tại Biển Đông, cho bồi đắp bãi cạn hay rạn san hô trong tay họ thành đảo nhân tạo có thể làm hạ tầng cơ sở cho hoạt động quân sự, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng, làm quốc tế càng lúc càng lo ngại.

Mới đây, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong đường chín đoạn trên Biển Đông, cho rằng đòi hỏi này không cơ sở pháp lý.

Phán quyết của Tòa Trọng Tài đã tăng sức ép trên Bắc Kinh, và Sách Trắng Quốc Phòng của Nhật Bản vào hôm nay lo ngại rằng Trung Quốc « chuẩn bị có hành vi áp đặt yêu sách đơn phương mà không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào », trong đó có việc « biến những thay đổi hiện trạng bằng biện pháp cưỡng chế thành sự đã rồi ».

Tokyo một lần nữa đã kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa án quốc tế mà Bắc Kinh cho là bất hợp pháp.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tháng Hai vừa qua đã cho rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm tăng nguy cơ « tính toán sai lầm hoặc xung đột ». Washington thường xuyên gửi tàu chiến vào Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải.

Và trong một điểm nóng mới nổi lên tại Biển Đông, tình hình quanh quần đảo Natuna của Indonesia giáp Biển Đông cũng căng thẳng lên, với việc tàu Trung Quốc và Indonesia chạm trán nhau. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng nội các của ông đã dùng tàu chiến đến thăm Natuna hồi tháng Sáu để bắn đi thông điệp rằng Jakarta kiên quyết bảo vệ quần đảo ngoài khơi xa của mình.


Về Biển Hoa Đông, nơi Tokyo có tranh chấp với Bắc Kinh trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản cũng bày tỏ mối quan ngại về hoạt động gia tăng của Trung Quốc. Báo cáo viết : «Gần đây, Trung Quốc đã gia tăng hoạt động gần quần đảo Senkaku, như cho máy bay quân sự bay gần các đảo ».

Trong vòng một năm, cho đến tháng 3/2016, máy bay Nhật đã phái 571 lần bay lên nghênh chiến máy bay Trung Quốc bay sát không phận Nhật, một con số cao hơn năm trước đó đến 107 lần.

Tháng 6 vừa qua, Tokyo cũng tố cáo Bắc Kinh cho tàu do thám xâm nhập hải phận Nhật Bản vào lúc nước này tập trận cùng với Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Và mới tháng trước, hai nước lại đấu khẩu với nhau về việc Bắc Kinh tố cáo chiến đấu cơ Nhật hướng radar nhắm bắn vào máy bay Trung Quốc.

Đúng như chờ đợi, Trung Quốc đã cực lực bác bỏ các cáo buộc của Nhật Bản nêu lên trong Sách Trắng về quốc phòng vừa công bố.

Theo AFP, hãng tin chính thức Trung Quốc Tân Hoa Xã đã lớn tiếng tố cáo Tokyo là đã có «những nhận xét vô trách nhiệm » về quốc phòng Trung Quốc và những hoạt động trên biển được Bắc Kinh gọi là « bình thường và hợp pháp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông ».





No comments:

Post a Comment