Friday, August 26, 2016

CIA TIẾP TỤC GIẢI MẬT HỒ SƠ CHIẾN TRANH VIỆT NAM (Hà Tường Cát/Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt
August 26, 2016
.
Pilatus PC-8 Porter, một loại máy bay nhỏ do CIA sử dụng thời chiến tranh tại Việt Nam dưới danh hiệu công ty hàng không dân sự Air America. (Hình: Wikipedia)

WESTMINSTER – Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc hơn 40 năm nhưng có lẽ còn nhiều điều người ta chưa biết hết. Hoạt động của tình báo Mỹ là cái mà người ta chỉ biết đến dần dần qua thời gian.

Thi hành đạo luật liên bang về tự do thông tin, Freedom of Infomation Act (FOIA) năm 1966, ngày 24 tháng 8, 2016, CIA giải mật 28,000 trang tài liệu liên quan đến chiến tranh Việt Nam nửa thế kỷ trước.

Lloyd Gardner, học giả nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam, tập trung nghiên cứu 2,500 tài liệu này cũng như tài liệu đã được giải mật từ trước, sắp xếp thành một bộ sưu tập mang tên The Vietnam Collection, được đưa lên trang mạng của CIA.

Ðây là những báo cáo hàng ngày liên quan đến chiến tranh Việt Nam chuyển về cho tổng thống Mỹ. Những báo cáo này gồm cả loại “chín”, nghĩa là đã được các chuyên viên phân tích tình báo đánh giá, và loại “thô” hay là báo cáo trực tiếp từ các nhân viên đặc vụ.
Chiến tranh Việt Nam là đề tài đã được nói đến qua rất nhiều sách báo và những buổi thảo luận. Những hồ sơ mới được giải mật có lẽ chỉ soi sáng được thêm cho một số chi tiết, hơn là đem lại phát hiện gì khác lạ. Tuy nhiên không thể khẳng định như thế khi chưa duyệt xét tường tận những tài liệu này và đó là công việc trong tương lai của những nhà nghiên cứu lịch sử.

Ðiều lý thú đáng kể khi xem lại các tài liệu của CIA là những chuyện mà ít người biết đến và đồng thời những phán đoán có khi rất chính xác mà cũng có khi rất sai lạc, một phần do nhận định chủ quan của chuyên viên phân tích và phần khác do giá trị của tin tức tình báo.

Theo một báo cáo về tình hình cuộc chiến tranh năm 1967, thì “Trong vòng 1 năm rưỡi vừa qua, triển vọng thắng bằng quân sự của Cộng Sản ở miền Nam Việt Nam không còn nữa.” Nhưng CIA cũng nhận định: “Không có bằng chứng Cộng Sản sẽ giảm nỗ lực chiến tranh.”
Bản báo cáo viết: “Ý chí là vấn đề quan trọng. Quyết tâm của Hà Nội dường như được củng cố bởi hy vọng là Mỹ sẽ mất tinh thần nếu chiến tranh kéo dài và bởi sự tin tưởng Nam Việt Nam không thể tạo dựng một cơ chế chính trị được dân chúng ủng hộ.”

CIA cũng cho biết lực lượng quân sự Cộng Sản trong năm 1966 đã gia tăng từ khoảng 83,000 lên 106,000, hầu hết nhờ thêm số bộ đội xâm nhập từ Bắc Việt. Nhưng CIA cảnh báo rằng chiến thuật “lùng và diệt” của quân đội Mỹ sẽ không thành công vì Cộng Sản tìm cách tránh đụng độ lớn.

Có một giai đoạn mà người ta có thể muốn biết CIA thâu được những tin tình báo gì, đó là trước cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968. Tài liệu mới giải mật không cung cấp được nhiều thông tin về việc này, và chỉ cho biết tình thế sau đó.

Nên hiểu rằng CIA không chỉ chú trọng về quân sự mà còn trách nhiệm về nhiều lãnh vực khác trong sự can thiệp của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam. Vì vậy bản báo cáo đề ngày 26 tháng 2 năm 1968 minh định: “Không khai thác tất cả mọi bình diện về tình trạng Việt Nam và diễn biến có thể có trong dài hạn.” CIA nhận định rằng tổn thất của Cộng Sản trong giai đoạn công kích Tết Mậu Thân là rất nặng “nhưng sẽ chấp nhận để cố gắng duy trì sức tấn công trong nhiều tháng tới.”

Tiếp đó, đánh giá ý đồ của Cộng Sản, bản báo cáo ngày 3 tháng 4 năm 1968 cho rằng Bắc Việt không thay đổi mục tiêu chiến tranh nhưng theo một chiến thuật khác, giới lãnh đạo miền Bắc từ bỏ lập trường ngoan cố là đòi hỏi Mỹ phải ngưng oanh tạc thì mới có tiếp xúc thương thuyết. Theo CIA, Hà Nội chấp thuận đi vào đàm phán và chiến thuật của họ lúc đó là “vừa đánh vừa đàm.”

Ðến một giai đoạn khác, năm 1974, sau khi ký kết Hiệp Ðịnh Paris mà thực chất chỉ là một phương kế hoãn binh của Cộng Sản Bắc Việt nhằm chờ đợi quân Mỹ rút hết khỏi Việt Nam, một bản báo của CIA vào tháng 4 năm 1974 cho rằng cả hai bên Cộng Sản Bắc Việt và Việt Nam Cộng Hòa đều đã củng cố khả năng quân sự nhưng chưa bên nào có thể tạo nên chiến thắng quyết định trong vòng hai năm tới. Nhận định này không đúng với thực tế sau đó.

Tuy vậy, như sự đánh giá nước đôi thường thấy của các cơ quan tình báo, CIA viết: “Tình hình tuy nhiên có thể biến chuyển mau lẹ nếu Bắc Việt dùng đến lực lượng dự trữ chiến lược và xâm nhập đủ quân số để mở trận tổng tấn công trên toàn lãnh thổ miền Nam. Trong tình thế đó, Bắc Việt sẽ chiếm lại Quảng Trị, có thể lấy được Huế; Kontum và Pleiku sẽ thất thủ. Ở Quân Khu 3, Việt Nam Cộng Hòa bị đe dọa ở Bắc và Tây Bắc Sài Gòn.”

Ðến cuối tháng 3 năm 1975, báo cáo của CIA nói rằng “tình thế hoàn toàn đen tối ở Quân Khu 1. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bỏ gần hết lãnh thổ cho Cộng Sản và các đại đơn vị quân đội rút lui hết về khu vực quanh Ðà Nẵng… Quân Bắc Việt đã tập trung hai sư đoàn ở phía Tây Ðà Nẵng và chuẩn bị tấn công. Sư Ðoàn 320B, một trong 5 sư đoàn dự trữ chiến lược của Bắc Việt cũng đang trên đường tiến về Nam.”

Ðây là một trong số những báo cáo quan trọng cuối cùng của CIA trong chiến tranh Việt Nam với lời ghi chú: Tối Mật, có thể giữ hay đốt để tiêu hủy phù hợp với quy định về an ninh. Những tài liệu khác trong số được giải mật là báo cáo “thô” của các nhân viên đặc vụ, phi công Air America – công ty hàng không của CIA – cùng báo cáo về hoạt động ở Lào và Cambodia trong suốt thời gian chiến tranh, từ chiến tranh Pháp-Việt đầu thập niên 1950.

Thật ra còn có rất nhiều hoạt động bí mật khác của CIA liên quan đến chiến tranh Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là những nỗ lực bắt liên lạc với các phi công tù binh Mỹ bị giữ ở Bắc Việt. Người ta biết rằng tháng 11 năm 1970 đã có một vụ tấn công giải cứu táo bạo của biệt kích Mỹ vào trại Sơn Tây, không thành công, vì tù binh đã bị di chuyển đi nơi khác trước đó.

Một chiến dịch nữa được chuẩn bị để cứu tù binh ở nhà tù Hỏa Lò Hà Nội vào tháng 5, 1972. Theo dự án, ba máy bay do thám chiến lược SR-71 Blackbird có vận tốc tới Mach 3+ sẽ bay qua không phận Hà Nội tạo nên tiếng nổ khi vượt tường âm thanh, và đó là ám hiệu cho các tù binh Mỹ ở Hỏa Lò biết kế hoạch vượt ngục của họ đã được chấp thuận. Dự án này với sự phối hợp của Hải Quân và Không Quân Hoa Kỳ, cuối cùng không tiến hành được và hồ sơ cho đến nay chưa được giải mật.

Không thiếu những tài liệu phong phú để cho nhiều học giả và tác giả đã viết về cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng hồ sơ giải mật của CIA, với giá trị là nguồn sử liệu đáng tin cậy, chắc chắn sẽ có vai trò đóng góp cho sự nghiên cứu và trình bày khách quan hơn về lịch sử.

----------------------------







No comments:

Post a Comment