Trọng Nghĩa – RFI
Đăng ngày 25-08-2016
Ngay
sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết phủ nhận đòi hỏi chủ
quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông, nhiều chuyên gia đã đi sâu vào
phân tích ý nghĩa văn kiện quan trọng này. Trong bài phân tích dài đăng trên
nguyệt san The Diplomat số tháng 08/2016, Giáo sư Carl Thayer – Học Viện Quốc
Phòng Úc – đã nêu bật năm kết luận chủ yếu của Tòa Trọng Tài Quốc Tế và tác động
có thể có đối với tranh chấp Biển Đông.
Mở đầu bài phân tích, giáo sư Thayer đã nhấn mạnh đến
vụ Trung Quốc lấn chiếm bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của
Philippines ở Biển Đông từ tháng Tư 2012, làm dấy lên một tình hình căng thẳng
tột cùng với việc Trung Quốc tung lực lượng Hải Cảnh hùng hậu vào giành quyền
kiểm soát vùng này trong thực tế.
Hai mục tiêu của Manila khi kiện Bắc Kinh.
Trước việc ngư dân của mình bị tước quyền đến đánh
cá tại vùng bãi cạn Scaborough, chính quyền Philippines lúc đó của tổng thống
Benigno Aquino III, không còn cách nào khác là khởi động thủ tục trọng tài quốc
tế theo cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc
về Luật Biển (UNCLOS), mà cả Philippines lẫn Trung Quốc đều là thành
viên.
Mục tiêu của chính quyền Manila không chỉ là nhờ luật
pháp quốc tế giải tỏa sự mơ hồ đã dẫn đến sự cố bãi cạn Scarborough năm 2012,
mà còn muốn làm rõ tính chất hợp pháp hay không của các yêu sách chủ quyền của
Trung Quốc ở biển Đông một cách rộng rãi hơn.
Thủ tục trọng tài - mà Trung Quốc từ chối tham gia -
đã kéo dài ba năm rưỡi, và trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục
các hành động quyết đoán trong khu vực, trong đó có việc bồi đắp các đảo nhân tạo
tại quần đảo Trường Sa và tiếp tục quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa mà họ đang chiếm
đóng.
Thế rồi, đến ngày 12/07/2016, Tòa Trọng Tài xét xử
đơn Philippines kiện Trung Quốc, đã công bố bản phán quyết được toàn thể năm
thành viên nhất trí, sau ba năm cân nhắc. Phán quyết này đã chấp nhận hầu như
toàn bộ 15 yêu cầu mà Philippines đề đạt, và theo giáo sư Thayer, đã thể hiện một
bước tiến lớn trong việc giải thích, làm rõ, và áp dụng UNCLOS.
Phán
quyết có giá trị toàn cầu vì UNCLOS là Hiến Pháp của đại dương
Theo Phụ Lục VII (Điều 11) của Công Ước Liên Hiệp Quốc
về Luật Biển, « Phán quyết sẽ mang tính chất chung cuộc và bất khả khiếu
nại... Mọi bên tranh chấp đều phải tuân thủ phán quyết. »
Đối với giáo sư Thayer, những kết luận của Tòa Trọng
Tài có tác động rộng lớn trên toàn khu vực và toàn cầu vì UNCLOS thường được gọi
là Hiến pháp của các đại dương trên thế giới.
Phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài La Haye, theo
giáo sư Thayer, có thể được phân chia thành năm phạm trù chính.
Đường
lưỡi bò vô giá trị về phương diện pháp lý
1) Trước hết, tòa án phán quyết rằng Công Ước UNCLOS
quy định một cách toàn diện về các quyền trên các vùng biển. Nói cách khác, yêu
sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử, quyền chủ quyền khác, và quyền tài
phán ở Biển Đông nằm trong đường chín đoạn của Trung Quốc là « trái với
Công Ước và không có hiệu lực pháp lý » vì chúng vượt quá mức quy định
của UNCLOS.
Hơn nữa, tòa án thấy rằng UNCLOS « thay thế
bất kỳ quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán nào khác, vượt quá những
giới hạn quy định » trong UNCLOS.
Trường
Sa không có « đảo »
2) Thứ hai, tòa án phán quyết rằng không một thực thể
địa lý nào tại Biển Đông, kể cả thực thể Itu Aba (Ba Bình/Thái Bình) của Đài
Loan, là đảo theo định nghĩa của Điều 121 trong UNCLOS, và do đó không được hưởng
vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý hoặc một thềm lục địa mở rộng.
Tòa Trọng tài đã nghiên cứu một cách tỉ mỉ tình trạng
của các thực thể mà Philippines nêu lên và thấy rằng Đá Châu Viên (Cuarteron
Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Ga Ven ở phía Bắc (Gaven Reef North),
Bãi Gạc Ma (Johnson Reef), Đá Ken-nan (McKennan Reef), và Bãi Scarborough đều
là đá và chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý chú không được quyền có vùng đặc quyền
kinh tế 200 hải lý.
Tòa án cũng cho thấy Đá Ga Ven (Nam), Đá Huy Gơ
(Hughes Reef), Bãi Vành Khăn (Mischief Reef), Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal),
và Đá Xu Bi (Subi Reef) đều là bãi cạn nửa chìm, nửa nổi. Trong tư cách đó, các
bãi này không được hưởng bất kỳ vùng hải phận nào, và cũng không thể bị chiếm
đoạt. Nói cách khác, Trung Quốc không thể khẳng định rằng các thực thể đó là
lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ.
Một hệ quả lớn từ kết luận của tòa án về quy chế các
thực thể địa lý là cả Bãi Vành Khăn lẫn Bãi Cỏ Mây đều nằm bên trong vùng đặc
quyền kinh tế của Philippines và không chồng lấn với các vùng biển chung quanh
các bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng. Vì vậy, tòa án ghi nhận rằng các cấu trúc
và cơ sở mà Trung Quốc xây dựng trên Bãi Vành Khăn không được Philippines cho
phép. Hơn nữa, tòa án đã thấy rằng Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) giàu hydrocarbon
cũng là một bãi chìm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tòa án cũng thấy rằng mình không có thẩm quyền quyết
định về khiếu nại của Philippines liên quan đến việc Trung Quốc lấn lướt (theo
nghĩa quân sự) tại Bãi Cỏ Mây, nơi Philippines cho chiếc tầu BRP Sierra Madre mắc
cạn vào năm 1999 để nêu bật đòi hỏi chủ quyền của mình. Tòa án cho rằng các hoạt
động của Trung Quốc, chẳng hạn như làm gián đoạn nguồn tiếp tế của Philippines
cho số lính đồn trú trên Bãi Cỏ Mây, là « các hoạt động quân sự »,
do đó nằm ngoài tầm xem xét của tòa.
Trung
Quốc không thực hiện nghĩa vụ quốc tế
3) Thứ ba, Tòa Trọng Tài thấy rằng Trung Quốc đã vi
phạm các nghĩa vụ của mình trong tư cách là một bên đã ký kết UNCLOS và là một
quốc gia tiêu biểu đã ký kết Công Ước năm 1972 về Các Quy Định Quốc Tế Phòng Ngừa
Đâm Va Trên Biển của Tổ Chức Hàng Hải Quốc Tế. Cụ thể, theo Tòa Án, hoạt động của
các tàu thực thi pháp luật hàng hải của Trung Quốc « tạo ra nguy cơ va
chạm nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho tàu và thủy thủ Philippines. »
Tòa Trọng Tài thấy rằng Trung Quốc và tàu thực thi
luật pháp trên biển của họ đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong
vùng đặc quyền kinh tế của Manila khi cản trở các hoạt động thăm dò dầu khí
thương mại, áp đặt một cách bất hợp pháp một lệnh cấm đánh bắt cá, không ngăn cản
tàuTrung Quốc đánh đánh bắt cá trái phép, nhưng lại cấm ngư dân Philippines
tham gia vào các hoạt động đánh cá truyền thống của họ.
Trung
Quốc tàn phá môi trường Biển Đông
4) Thứ tư, Tòa Trọng Tài thấy rằng Trung Quốc không
thực hiện nghĩa vụ của mình là bảo vệ và giữ gìn môi trường biển tại Biển
Đông. « Trung Quốc đã biết rõ, bao che, bảo vệ và không ngăn chặn » tàu
mang cờ Trung Quốc đánh bắt trên quy mô đáng kể các loài thủy sản có nguy cơ bị
tiệt chủng, và nạo vét các loài sò khổng lồ theo một cách thức vốn «
phá hoại nghiêm trọng hệ sinh thái của rạn san hô».
Tòa án kết luận rằng việc Trung Quốc bồi đắp đảo
nhân tạo đã « gây ra thiệt hại nghiêm trọng, không thể khắc phục được đối
với hệ sinh thái các rạn san hô » và « Trung Quốc đã không hợp
tác hoặc phối hợp với các quốc gia khác xung quanh Biển Đông liên quan đến việc
bảo vệ và bảo tồn môi trường biển ». Ngoài ra, « Trung Quốc đã
không công bố một bản đánh giá về những tác động tiềm tàng của các hoạt động
này đối với môi trường biển », do các hoạt động đó gây ra.
Trung
Quốc làm tranh chấp nghiêm trọng thêm
5) Thứ năm, Tòa Án Trọng Tài thấy rằng việc Trung Quốc
bồi đắp các hòn đảo nhân tạo sau khi Philippines nộp đơn khiếu nại vào tháng
Giêng năm 2013 đã làm trầm trọng và phức tạp thêm các tranh chấp pháp lý về quyền
lợi hàng hải, cũng như vấn đề bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Tòa Trọng Tài
đặc biệt ghi nhận rằng việc Trung Quốc xây dựng một hòn đảo nhân tạo lớn trên
Bãi Vành Khăn rất có hại vì nó đã « phá hủy vĩnh viễn ... các bằng chứng
về điều kiện tự nhiên của bãi này ».
No comments:
Post a Comment