Ricardo Hausmann, Project Syndicate
Trương
Thái Tiểu Long biên dịch | Lê Hồng Hiệp biên
tập, NCQT
Posted on Aug 24, 2016
Mỗi khi chúng ta nghe tin một người bạn phải gánh chịu
một thảm họa nào đó, ta thường cảm thấy đồng cảm và chênh vênh. Chúng ta tự hỏi
rằng điều đó có thể xảy ra với mình hay không: Liệu thảm họa đó có phải là hệ
quả của những đặc điểm bất thường mà chúng ta may mắn không gặp phải? Hay chúng
ta cũng dễ bị tổn thương như thế? Nếu vậy thì chúng ta có thể làm gì để tránh
khỏi một vận mệnh tương tự?
Logic này cũng áp dụng được với các quốc gia. Vào những
ngày cuối tuần 16-17/07, người Venezuela được phép sang biên giới Colombia tối
đa 12 tiếng. Sự kiện này khiến người ta nhớ về sự sụp đổ của Bức tường Berlin.
Hơn 135.000 người đã tận dụng cơ hội này để sang Colombia mua nhu yếu phẩm. Họ
phải đi hàng trăm cây số và chỉ đổi được tiền theo tỉ giá chỉ bằng 1% tỉ giá
chính thức để mua thực phẩm và thuốc men. Tuy vậy, họ vẫn cảm thấy xứng đáng
trong bối cảnh nạn đói, thiếu hụt và tuyệt vọng tại quê nhà.
Truyền thông quốc tế đã và đang đưa tin về sự sụp đổ
của nền kinh tế, hệ thống y tế, an ninh cá nhân, cũng như hiến pháp và nhân quyền
của Venezuela. Tất cả những điều này diễn ra tại quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn
nhất thế giới chỉ hai năm sau khi đợt tăng giá dầu dài nhất trong lịch sử kết
thúc. Tại sao? Tình trạng này có thể diễn ra ở nơi khác không?
Những đặc điểm của bất kì tình huống nào cũng luôn đặc
thù, và vì thế không thể áp dụng rập khuôn. Nhưng điều này mang đến cho chúng
ta một cảm giác an tâm sai lầm. Nếu xem xét một cách thấu đáo, Venezuela có thể
mang lại những bài học kinh nghiệm quý giá đối với các nước khác.
Cuộc khủng hoảng
tại Venezuela không phải do xui rủi. Trái lại, chính vận may mới là sợi dây thừng
siết cổ một quốc gia. Khủng hoảng là hệ quả không thể tránh khỏi từ các chính
sách của chính phủ.
Trong trường hợp của Venezuela, những chính sách đó
bao gồm sung công ép buộc, kiểm soát giá cả và tỉ giá, vay mượn quá mức thời đất
nước còn ổn định, các quy định chống doanh nghiệp, đóng cửa biên giới và còn
nhiều nữa. Hãy cùng xem xét một nghịch lý như sau: Tổng thống Nicolas Maduro đã
nhiều lần từ chối cho phép in tiền có mệnh giá lớn. Giá trị tờ tiền có mệnh giá
lớn nhất hiện nay còn thấp hơn 0,1 đô la (hơn 2 nghìn đồng VN). Điều này đã gây
thiệt hại cho hệ thống thanh toán và chức năng của các ngân hàng cũng như hệ thống
ATM – nguyên nhân gây ra hàng loạt phiền toái của người dân.
Vì vậy câu hỏi quan trọng là: tại sao một chính phủ
lại đưa ra những chính sách gây hại và tại sao xã hội lại chấp nhận nó? Tình trạng
hỗn loạn tại Venezuela có vẻ khó tin. Nhưng thật ra, nó lại là một sản phẩm của
niềm tin.
Các chính sách là điên rồ hay hợp lý đều phụ thuộc
vào thế giới quan hay hệ thống niềm tin, dựa vào đó mà chúng ta diễn giải về bản
chất của thế giới quanh ta. Điều mà một thế giới quan này xem là điên rồ có thể
lại là bình thường dưới góc độ của một thế giới quan khác.
Ví dụ, từ tháng Hai năm 1692 đến tháng Năm năm 1693,
những người dân bình thường có lý trí tại Massachusetts buộc tội những người phụ
nữ sử dụng yêu thuật và treo cổ họ. Nếu bạn không tin vào yêu thuật, điều này
có vẻ khó hiểu. Nhưng nếu bạn tin rằng Quỷ dữ là có thật và Quỷ dữ sẽ khống chế
linh hồn người phụ nữ thì việc treo cổ, hỏa thiêu hay ném đá họ có vẻ là một
chính sách công hợp lý.
Quan điểm của chủ nghĩa Chavez tại Venezuela đổ lỗi
lạm phát và suy thoái là do những thủ đoạn kinh doanh gian lận, nên cần phải có
nhiều quy định hơn, sung công ép buộc nhiều hơn và bỏ tù nhiều nhà quản lý hơn
để khống chế. Tiêu diệt những cá nhân và tổ chức này từng được xem là một bước
đi đúng đắn. Bằng cách loại bỏ những phù thủy này thì sẽ cứu chữa được đất nước.
Thế giới quan của xã hội để hiểu bản chất của thế giới
mà họ đang sống không thể chỉ dựa trên những sự thật khoa học, bởi vì khoa học
tối đa chỉ có thể thiết lập nên sự thật của niềm tin cá nhân; khoa học không thể
phát minh một hệ thống niềm tin bao quát hay gắn những giá trị đạo đức cho kết
quả.
Chính trị về bản chất liên quan đến sự đại diện và
tiến hóa của các hệ thống niềm tin thay thế. Giáo sư Rafael Di Tella đã chỉ ra
rằng yếu tố quyết định cơ bản trong lựa chọn chính sách công chính là niềm tin
của quần chúng. Ở những nước mà người nghèo được xem là không may mắn, họ sẽ muốn
tái phân phối tài sản; tại những nước mà người nghèo chỉ bị xem là vì lười biếng,
thì họ sẽ không muốn vậy. Ở những nơi người ta tin rằng doanh nghiệp tham
nhũng, họ sẽ cần nhiều quy định hơn; nhưng nếu có nhiều quy định, thì chỉ có những
doanh nghiệp tham nhũng mới thành công. Vì vậy niềm tin có thể tự duy trì mãi
mãi.
Hãy xem xét trường hợp của Donald Trump, ứng cử viên
tranh cử Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa. Theo ông ta và những người ủng hộ, nước
Mỹ đang bị những lãnh đạo yếu đuối dẫn dắt, họ là những người bị các cường quốc
lọc lõi lợi dụng bên dưới vỏ bọc đồng minh. Thương mại tự do là phát minh của
người Mexico để tranh giành công ăn việc làm tại Mỹ. Còn sự nóng lên toàn cầu
là một trò lừa bịp do Trung Quốc dàn dựng để phá hoại nền công nghiệp của Mỹ.
Theo luận điệu đó, nước Mỹ nên ngưng đóng vai trò đầu
tàu trong việc tạo ra một trật tự toàn cầu dựa trên những giá trị và quy tắc
chung, mà thay vào đó dùng quyền lực của mình để ép buộc các nước khác phải quy
thuận. Theo quan điểm hiện tại, từng được Giáo sư Joseph Nye của Đại học
Harvard khẳng định, điều này sẽ kéo theo sự phá hủy đơn phương nguồn lực quan
trọng nhất trong quyền lực “thông minh” của nước Mỹ. Nhưng theo thế giới quan của
Trump, đây lại là một bước tiến.
Có lẽ việc nước Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu
(EU) cũng có vẻ đúng như vậy. Có phải người di cư và các quy định của EU thật sự
cản trở sự phát triển của đất nước, vì vậy Brexit sẽ mở một con đường mới để đi
đến sự thịnh vượng lớn hơn? Hay sự tuột dốc của nền kinh tế từ sau cuộc bỏ phiếu
là một dấu hiệu cho thấy giá trị của sự hội nhập và tự do đi lại của người dân
Châu Âu đối với sự sống còn của nước Anh?
Nguy cơ mà Venezuela cho thấy – cũng như chẳng bao lâu
sau nước Anh sẽ cho ta thấy – hệ thống niềm tin bất thường phá hoại sự thịnh vượng
quốc gia. Trong khi niềm tin chavista(của Hugo Chavez) vốn đã phá hủy
Venezuela cuối cùng sẽ sụp đổ dưới sức nặng của thất bại thảm họa, bài học cho
những nước khác là việc tiếp nhận một hệ thống niềm tin bất thường có thể gây
phí tổn lớn tới mức nào. Nếu xét về sự chuyển đổi toàn diện thế giới quan niềm
tin, Venezuela cho thấy rằng những thử nghiệm như thế có thể phải trả giá đắt.
________
Ricardo Hausmann là cựu Bộ trưởng Kế hoạch của
Venezuela, cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ và là Giáo sư
ngành Thực hành Phát triển Kinh tế tại Đại học Harvard, nơi ông giữ chức Giám đốc
Trung tâm Phát triển Quốc tế. Ông cũng là Chủ tịch của Siêu Hội đồng Chương
trình Nghị sự Toàn cầu về Phát triển Toàn diện của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
No comments:
Post a Comment