Thursday, July 21, 2016

[VỤ PHÁ RỪNG PƠ-MU Ở QUẢNG NAM] ĐẾN CHỊU THUA NHỮNG LÝ SỰ CÙN (Nguyễn Thông)






Posted by adminbasam on 21/07/2016

Giá như vào lúc khác, vụ việc mà tôi nhắc dưới đây chắc sẽ gây sự chú ý, thu hút đặc biệt bởi nó rất nghiêm trọng. Nó vừa được cơ quan chức năng và nhân dân phát hiện, báo chí phản ánh, nhưng có lẽ cả xã hội đang chú mục quan tâm đến những chuyện còn nghiêm trọng, còn nóng hơn, như chuyện xả thải của Formosa, chuyện đại biểu quốc hội gian lận, nên nó hơi bị chìm.

Chuyện rằng lực lượng điều tra liên ngành (công an, kiểm lâm) vừa khám phá vụ phá rừng, tàng trữ gỗ quý pơ mu với số lượng lớn ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Có thể nói ngay, số gỗ cực nhiều này là gỗ bất hợp pháp bởi không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc. Theo những thông tin ban đầu trên báo điện tử Một Thế Giới, “qua kiểm tra có đến 30 cây pơ mu đường kính từ 1 đến 2m bị triệt hạ và cưa ra thành phẩm với 280 phách, khối lượng 28m3. Số gỗ này thuộc khoảnh 10 và tập kết về khoảnh 5 tiểu khu 351 gần cột mốc biên giới 717, giáp ranh giữa huyện Nam Giang và huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào)”. Còn báo Đất Việt cho biết thêm, chiều 19.7 (khi tôi đang viết bài này), công an lại thông báo “phát hiện thêm 66 phách gỗ pơ mu có khối lượng hơn 2,7m3”. Cứ đà thêm như vậy, chưa thể hình dung khối lượng gỗ pơ mu bị chặt hạ phi pháp sẽ khủng đến mức nào.

Có rất nhiều điều đáng nói xung quanh chuyện tòi ra gỗ quý đang còn nhiều gay cấn. Trước hết, vụ việc được phát hiện chỉ sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh kiên quyết đóng cửa rừng không lâu. Chúng ta đều rõ, ngay sau khi nhậm chức, chỉ thị quan trọng đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là đóng cửa rừng tự nhiên (ngày 20.6.2016). Điều đó cho thấy chính phủ đã nhận thức tình hình phá rừng, hủy hoại rừng đang cực kỳ nghiêm trọng, cần chặn ngay, không thể chậm trễ.

Chỉ thị của thủ tướng là một dạng pháp lệnh, phải được mọi người, không loại trừ bất cứ ai, triệt để chấp hành. Và gương mẫu, đi đầu phải là những cơ quan chức năng (kiểm lâm, hải quan, biên phòng, công an, nông nghiệp – phát triển nông thôn…) có liên quan đến rừng chứ không phải lực lượng… lâm tặc. Lâm tặc mà liều lĩnh bất tuân thượng lệnh, đã có pháp luật để trừng trị. Cuối cùng thì lâm tặc đâu chưa thấy, lại chỉ thấy dính dáng đến những lực lượng đang cầm thanh gươm pháp luật.

Gỗ pơ mu là loại gỗ quý, thậm chí cực quý, thuộc nhóm 1 (quý hiếm, giá trị kinh tế cao), là loài thực vật nguy cấp tại nước ta, đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Hồi tôi còn nhỏ, hay nghe nói đến những loại gỗ “tứ thiết” (4 loại gỗ cứng như sắt, tức là rất quý: đinh, lim, sến, táu), cứ tưởng chỉ có chừng đó là thứ quý, sau mới biết không phải. Đành rằng vào những di tích đình chùa, cung điện, thấy các cây cột lim lớn cả hơn vòng tay ôm, cao dăm bảy mét, trải qua vài trăm năm mà cứ trơ trơ, không hề mối mọt mục nát, chả suy suyển gì, hiểu rằng tứ thiết quả không hổ danh. Sau biết thêm, pơ mu, lát, sưa, gụ, hoàng đàn… cũng chả kém cạnh gì.

Do “công cuộc phá rừng” đã diễn ra triền miên nhiều năm nên gỗ quý cạn dần, có loại chỉ còn trong trang sách, trong trí nhớ người lớn tuổi. Pơ mu cũng chịu chung số phận. Điều may mắn là ở một số nơi, do tĩnh trí lại, người ta kịp ngưng cuộc trốc sơn lâm quy mô đó nên còn đôi ba cánh rừng. Rừng pơ mu rộng hơn 400 ha có tuổi đời gỗ trên trăm năm ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam là sự sót lại may mắn, hy hữu ấy. Những tưởng các cơ quan việc được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng sẽ buộc con kiến cũng không xâm nhập được, sẽ giữ cho những lão thụ mộc trăm tuổi đó tồn tại với thời gian, bảo vệ tài sản quý của đất nước, ai ngờ…

Việc phát hiện hàng chục mét khối gỗ pơ mu thành phẩm ngay tại bản địa của nó, ngay trên đất rừng Nam Giang 2 tuần nay khiến dư luận sững sờ. Nếu là vụ phá rừng thì nó diễn ra khi nào, bao lâu, do ai…, đến nay vẫn chưa rõ. Tất nhiên cơ quan chức năng sẽ phải sớm làm rõ vụ việc. Điều đáng nói nhất, và cũng là nguy hiểm nhất, là nó xảy ra ngay trước mắt, sát nách, bên trong một số lực lượng được coi là lưỡi kiếm pháp luật bảo vệ rừng.

Cứ như báo chí phản ánh, và đã được những người có trách nhiệm thừa nhận, xác nhận thì gỗ pơ mu bị khai thác phi pháp có nơi tập kết chỉ cách Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang (Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam) chừng 500m, còn địa điểm phá rừng nằm cách đó chừng 5-7km đường rừng. Vậy mà bộ đội biên phòng… không hề biết, cho đến khi lực lượng chức năng khám phá mới tá hỏa, giật mình. Vị thủ trưởng biên phòng tỉnh còn khẳng định “lính tôi không liên quan”, nếu có dính dáng thì tôi sẽ trị cho bằng chết. Xin hỏi, cứ cho rằng bộ đội biên phòng nhiệm vụ chính là bảo vệ biên giới quốc gia, thế thì cứ để cho người ta phá rừng ngay trước mắt mà bỏ lơ sao. Ở cự ly đó, không thể không biết, vả lại âm thanh phá rừng chứ đâu phải nhạc êm dịu mà khó nghe, khó phát hiện.

Lại còn buồn cười hơn nữa, rất nhiều gỗ phi pháp được tập kết ngay trong khuôn viên Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang. Ai cũng biết nhiệm vụ của lực lượng hải quan là gì rồi, nên khi gỗ quý phi pháp bị phát hiện, họ ú ớ, không lý giải được. Cuối cùng thì có vị đại diện đứng ra giải thích loanh quanh rằng đó là gỗ của… anh em bên Lào cho-tặng, tập kết dần ở đó.

Theo trả lời của ông Lê Trung Tính – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang với báo Tuổi Trẻ, số gỗ được tập kết ở trụ sở đơn vị này có từ nhiều nguồn khác nhau: “Chẳng hạn như từ năm 2011-2012, một số doanh nghiệp nhập khẩu gỗ bên Lào người ta cho một ít, anh em gom lại để sửa sang nhà cửa thôi. Nguồn thứ hai là của anh em công an, hải quan Lào có gỗ bên kia họ chở qua đây cho ít, chúng tôi dồn lại nhiều năm để anh em đóng bàn ghế” . Ông Tính còn giải thích rất lý sự cùn: “Khi đoàn kiểm tra đến làm việc hỏi nguồn gốc gỗ ở đâu thì chúng tôi cũng nói thật là nguồn gốc gỗ lâu rồi, cũng có anh em mua, mà hồi đó mua thì chủ yếu là giấy tờ không có, một số có giấy tờ nhưng lâu rồi, anh em đang tìm lại. Chứ gỗ này không liên quan gì đến vụ phá rừng pơ mu mới đây. Gỗ này toàn bộ có nguồn gốc từ Lào. Mình để công khai, công an, kiểm lâm đi qua đi lại đều thấy hết mà, có chi đâu”.

Có lẽ chúng ta bàn luận về vụ việc “phá rừng mà không phát hiện ra lâm tặc” như thế là quá đủ rồi. Chưa đủ chứng cứ thì chưa ai chịu nhận cả, muôn vàn lý do lý trấu để bảo vệ cho cái thanh danh của mình. Ngay cả trường hợp những lực lượng này (biên phòng, hải quan) không trực tiếp liên quan đến vụ phá rừng gỗ quý pơ mu đi, thì họ cũng không thể vô can, đứng ngoài lề, hoặc chỉ nghiêm khắc rút kinh nghiệm. Nếu ai cũng như họ, rừng chả mấy chốc sẽ trụi sạch, cả gỗ thường chứ đừng nói chi gỗ quý. Lệnh của Thủ tướng mà họ bỏ ngoài tai là điều không thể chấp nhận được.

Tất cả chỉ còn chờ cơ quan chức năng quyết liệt, công tâm làm rõ. Ngày xưa, cụ Nguyễn Trãi viết “Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, việc đầu tiên phải là trừ những hành vi bạo ngược, trong đó có chuyện phá rừng.
_____

Mời xem thêm: 




No comments:

Post a Comment