Thế Dũng
Tháng
Bảy 4, 2016
(Tùy
bút nhân đọc Đại Vệ Chí Dị của Người Buôn Gió)
Hình bìa sách “Đại Vệ
Chí Dị”
„… Không lẽ Biển bây giờ thành Thủy Mộ
Sóng tang thương thủy táng mấy đời người ?
Không lẽ Nước bây giờ hết Biển ?
Không lẽ Người mất Nước ? – Việt nhân ơi !“
(
Không lẽ Nước bây giờ hết Biển ? –Thế Dũng-30.4.2016)
1. Xuất hiện lần đầu bởi VIPEN ở Đức.
Người
Buôn Gió là
bút danh của một Bloger có tên thật là Bùi Thanh Hiếu. Anh sinh 6
tháng 2 năm 1972 tại ngõ Phất Lộc, Hà Nội. Mặc dù năm 2012
Văn Bút CHLB Đức đã mời anh tới Đức nhưng anh không thể ra khỏi nước Việt. Từ
tháng 4 đến tháng 10 năm 2013, qua một kênh ngoại giao văn hóa do người Đức khởi
động, anh đã tới Đức tham dự chương trình học bổng nghệ thuật của thành phố Weimar.
Từ
tháng 11 năm 2013 đến nay, anh sống cùng vợ và con trai tại Berlin với tư cách
là khách mời của Trung tâm Văn Bút CHLB Đức.Trước khi tới Đức Người Buôn Gió đã
là một Bloger nổi tiếng cả ở trong và ở ngoài nước. Lúc tới Weimar khi được phỏng
vấn anh đã chia xẻ: “Hôm nay ở đây, tôi không phải chú ý xóa những gì
mình viết trên máy tính, không phải lo ngày mai mình có thể bị bắt hay bị triệu
tập vì chuyện viết blog. Đó là điểm khác biệt rất lớn. Những người viết blog
trong nước ngày đêm mong ước có được điều khác biệt ấy để viết lên các tác phẩm
đủ độ chín chắn. Tôi mong rằng những người viết báo tự do như tôi sẽ có môi trường
tốt về báo chí về tự do để thỏa sức sáng tác”. (Người Buôn Gió) (https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di_Bu%C3%B4n_Gi%C3%B3
Khi
Người Buôn Gió dời Weimar về sống ở Berlin (11.2013) như là khách mời của
Văn bút CHLB Đức, Văn Bút Đức giới thiệu Gió với tôi và tôi với Gió. Họ hy vọng
một hội viên văn bút Đức gốc Việt có thể giúp đỡ Người Buôn Gió đôi chút gì đó.
Đương
nhiên, chúng tôi ới nhau ngay. Chưa biết anh có giúp gì được em
không nhưng trước hết anh vô cùng cảm ơn em đã hiện diện như là một người Việt
cầm bút vì dù sao sự hiện diện của em đã khiến anh đỡ cô đơn. Tôi đã
nói với Gió như vậy khi hai anh em gặp nhau trong cuộc biểu tình chống Trung Cộng
xâm phạm lãnh hải Việt Nam tại Berlin ngày 09.5.2014. Đã hơn một lần Gió nói với
tôi về việc sẽ in sách. Thế rồi, tới đầu tháng Năm 2016, Đại Vệ Chí Dị đã
xuất hiện lần đầu bởi VIPEN ở Đức.
2. Đại Vệ Chí Dị là
một tiểu thuyết lịch sử hiện đại.
Để
tránh sự hạch hỏi của an ninh, vừa viết Gió phải vừa nghĩ cách cho các nguyên mẫu
nhân vật của mình tàng thân trong một danh tính khác ( như Vệ Hoạt Vương, Vệ Cường
Vương, Vệ Kính Vương, Chúa Bạo,..v…v..). Gió còn phải vắt óc tìm ra những địa
danh mới lạ để câu chuyện thực diễn ra có vẻ tiểu thuyết hư ảo (như hồ Lục
Thủy, sông Huyết; tuy vậy vẫn phải lộ ra những dấu hiệu cụ thể như ngày… thứ…tháng
…năm… sao cho bạn đọc hiểu được những chuyện quái lạ ở nước Đại vệ kia cũng
chính là những chuyện quái lạ của nước Việt bây giờ. Đương nhiên, sức bút
của một tay Bloger ăn ngủ ngày đêm với thế sự nước Việt trong thời
@ đã tạo ra cấu trúc chương hồi, trường giang cho cuốn sách.
Một
thời mê mải với Tam Quốc, Đông Chu, lại quá ham đọc sách Trung Hoa Cổ cận đại
cho nên Gió đã rất có duyên khi nhái giọng cổ văn. Chọn bút
pháp giả cổ Gió đã có một đấu pháp: nhất cử lưỡng tiện; vừa tàng ngôn ẩn ngữ
cho an thân, vừa gia tăng không khí hư ảo ẩn dụ cho nhiều tình huống của
các chuyện quái lạ nhằm vừa thỏa mãn nhu cầu nhận thức và nhu cầu giải
trí của độc giả. Đặc biệt, khởi viết trong bối cảnh tự do ngôn luận bị bóp nghẹt
bởi chế độ độc tài thì bút pháp của Gió là một phép tàng ngôn ẩn ngữ
tài tình. Bởi, Gió bắt đầu viết Đại Vệ Chí Dị từ ngày 4 tháng 11 năm 2008 tại
Việt Nam, mãi đến tháng 4 năm 2013 chàng mới rời Ngõ Phất Lộc để tới
Weimar.Ít ai để ý rằng, mãi đến ngày 12.11.2013, Gió mới viết phần vào sách
mang tựa đề „ Sự tích Đại Vệ Chí Dị“ với lời chú giải trong ngoặc đơn. Khi giao
bản thảo cho VIPEN, Gió chưa xác định thể loại sách này là tiểu thuyết và vẫn để
nguyên lời chú giải: (Truyện cổ tích dành cho trẻ em từ 8 đến 12 tuổi ).Tôi
đề nghị lược bỏ toàn bộ lời chú giải trong ngoặc đơn với lý do dù tác giả có cất
giọng sự tích: „ Ngày xửa ngày ngày xưa có cậu bé nghèo tên là Vệ…“ thì Đại Vệ
Chí Dị vẫn không phải là truyện cổ tích dành cho trẻ em mà nó đích thực là cuốn
tiểu thuyết lịch sử hiện đại dành cho người lớn. Tuy vậy, trong quá trình trao
đổi biên tập, đã hơn một lần đề nghị VIPEN đừng gọi sách của mình là tiểu thuyết
nhưng tôi kiên quyết không nghe. Sau khi Gió nhất trí xác nhận nội dung đã biên
tập và tán thành mỹ thuật Bìa của họa sĩ Thai Gottsmann, VIPEN mới đưa
sách vào nhà in.Thế mà, khi nhận xong sách để tự phát hành, Gió vẫn kêu ầm
với tôi qua điện thoại:” Anh ơi, tại anh không chịu bỏ chữ ” Tiểu thuyết”
ở trang bìa đi để em phải giải thích loằng ngoằng. Có vài ông cứ bảo đây không
phải tiểu thyết”. Tôi bảo, anh cam đoan với em đây là một tiểu thuyết. Ai bảo Đại
Vệ Chí Dị không phải tiểu thuyết thì cứ viết bài phê bình, Vipen sẵn sàng tranh
luận.
Ít
ngày sau, trong „ Mấy suy nghĩ về Đại Vệ Chí Dị“, nhà phê bình Đỗ Trường cũng
băn khoăn:” Có một điều quả thật chưa rõ ràng, đến lúc này ngồi viết, tôi vẫn
không nghĩ Đại Vệ Chí Dị là cuốn thuyết, như đã được in, đánh giá trong
cuốn sách. Bởi tác giả không sáng tạo ( tiểu thuyết hóa) những tình tiết sự việc.
Hy vọng sau khi đọc bài viết này, Đỗ Trường sẽ đổi ý.
Như
mọi nhà xuất bản khác, VIPEN luôn luôn cần phải định danh thể loại cuốn sách mình
ấn hành ngay ở trang bìa. Đặc biệt, khi mà chính tác giả còn đang “mông
lung” trong việc đặt tên thể loại cho Đại Vệ Chí Dị nên tôi phải trực tiếp
đọc thật kỹ bản thảo.
Căn
cứ vào dữ liệu từ các nền văn học lớn, từ các tiểu thuyết Anh, Mỹ, Pháp Nga và
tiểu thuyết Châu Âu trong thế kỷ XX, công trình khảo cứu
về “ Tiểu thuyết hiện đại” của Dorothy Brewster & John Augus Burele*
đã phân loại Những loại tiểu thuyết chính yếu ngày nay trong
năm chương như sau:
Chương
7. Tiểu thuyết gia đình.
Chương
8. Tiểu thuyết nông dân
Chương
9. Tiểu thuyết lịch sử.
Chương
10. Tiểu thuyết quan sát thế giới
Chương
11. Những loại tiểu thuyết khác ( gồm truyện không tưởng, Tiểu thuyết chiến
tranh, Tiểu thuyết về sự liên quan giữa các chủng tộc, Tiểu thuyết quốc tế, Tiểu
thuyết về những cuộc xung đột hiện tại)
Chương
12. Truyện ngắn.
*Tiểu
thuyết hiện đại ( Modern World Fiction –NXB Littlefield Adams &
Co-Paterson, New Jersey, 1960))- Dorothy Brewster & John Burell – ( Dịch giả
Dương Thanh Bình – NXB Lao động-Hà Nội 2003)
Dựa
vào sự phân định của Dorothy Brewster & John Augus Burele, từ lăng kính
nghiên cứu văn học, tôi xác định Đại Vệ Chí Dị của Người Buôn Gió thuộc về ba
phạm trù: Tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết quan sát thế giới và tiểu
thuyết về những cuộc xung đột hiện tại. Với nhu cầu tự thân, tự nguyện hiến
mình cho một trò chơi chữ nghĩa nhiều hiểm nguy, Người Buôn Gió đã tự chọn loại
tiểu thuyết trường giang, chương hồi. Và chính trong sự lựa chọn chương hồi,
trường giang này, Gió đã viết như là một cách để quan sát, để học hỏi. Kết quả
là sau khi khám phá ra rất nhiều cuộc xung ở nước Việt, Gió đã viết
được một tiểu thuyết lịch sử hiện đại kỳ lạ và độc đáo.
3.
Công cụ quan sát khám phá chính trường nước Việt
Với
khao khát quan sát, phân tích và khám phá bản chất của những diễn biến trong
chính trường nước Việt đương đại, Người Buôn Gió đã sáng tạo ra một cuốn
tiểu thuyết lịch sử hiện đại không giống ai, không đụng hàng với bất cứ văn sĩ
đương thời nào.
Đại
Vệ Chí Dị, kể những chuyện quái lạ của triều đình nhà Sản ở nước Đại Vệ. Thời
gian diễn biến trong sách chủ yếu từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2016. Hồi thứ nhất
bắt đầu vào ngày 4 tháng 11 năm 2008, triều Sản năm thứ 63. Hồi thứ 122, kết
thúc cuốn sách bắt đầu vào ngày 28.1.2016. Tiểu thuyết chương hồi của Người
Buôn Gió phảng phất hơi hướng tiểu thuyết nhật ký. Không phải nhật ký của một
cá thể, từng hổi của Đại Vệ Chí Dị là nhật ký đời sống, nhật ký các sự kiện gắn
bó tới vận mệnh nước Đại Vệ.
Chủ
yếu viết về các biến cố nơi cung Vua, phủ Chúa từ thời Vệ Hoạt Vương, Vệ Cương
Vương, Vệ Kinh Vương nhưng tác giả luôn nhắc nhớ đến Tiên Đế của nước
Đại Vệ. Tri thức chính khách của tác giả còn thổi vào Đại Vệ Chí Dịnhững hơi thở
chính trị quốc tế. Gió đã thể hiện mối quan hệ tương xung tương khắc
giữa nhà sản Đại Vệ với nhà Sản láng giềng phương bắc Đại Tề trong mối bang
giao với siêu cường Cờ Hoa ở phương xa cùng các nước Bạch, nước Lỗ, nước Nga La
Tư…
Ngay
từ hồi thứ Nhất đến hồi thứ Tư, bút pháp Gió đã tung tẩy một
cách uyên áo và linh hoạt.Khi thì Gió cất lời như một sử quan giả giọng Tam Quốc,
Đông Chu.Lúc khác tiếng Gió lại có hơi hướng Thuỷ Hử hoặc phảng phất chất Liêu
Trai, huyền ảo trong điệu kể bi hài. Thậm chí Giósẵn sàng phân thân thành Lái
Buôn, Lái Gió xông thẳng vào tích chuyện mà phát ngôn. Để dẫn chuyện, Gió không
ngần ngại cho Sơn Tinh, Thủy Tinh, hoặc thầy trò Khổng Tử tái thế để đối thoại
trong những hoạt cảnh giả tưởng. Gió không nề hà trộn lẫn đồng đại với lịch
đại nhằm phơi bày sự thật của tâm thức đương thời.Bạn đọc không bao giờ quên, Đại
Vệ là luôn danh xưng ẩn dụ thiêng liêng cho nước Việt của Người Buôn Gió.Dù có
lúc Gió đặt tên Hồ Hoàn Kiếm là Hồ Hoàn Đao và Gọi Hồ Gươm là Hồ Lục Thủy.
Vì
yêu dân Việt nên Gió ăn ngủ thao thức với mọi biến cố thăng trầm của nước
Việt mà viết;nhưng Đại Vệ Chí Dị không phải sử ký vì Gió không viết
với văn pháp sử gia. Gió viết với bút pháp nhiều trí tưởng tượng và óc tổ chức
của tiểu thuyết gia, đôi khi như kẻ lên đồng. Chẳng hạn, ở hồi thứ năm, Gió đã
trộn xưa vào nay, pha ảo vào thực, sử dụng nhân vật hư cấu ( cháu tám đời
của Hàn Phi Tử, tên Chính) một cách tài tình để chỉ ra rằng nước Vệ làm gì có
Luật pháp để mà Bao Công có thể thành người hữu dụng ? !!!
Đọc
Gió, nhiều khi như thấy một sử gia vô danh đang chép việc. Có lúc lại
thấy hắn có giọng điệu tiếu ngạo của một văn sĩ ngụ ngôn. Chẳng hạn Hồi thứ 55,
(thứ Sáu, ngày 6 tháng 7 năm 2012), trang 237, dài chưa đầy một trang in nhưng
cũng đủ để Gió đưa ra một tiên cảm về tuổi thọ của nhà Sản. Hoặc như Hồi thứ 78
Gió nói về Con hươu nước Vệ để giễu nhạo thuật nói phét để tạm thời an
dân của đám chính khách nhà Sản.Hay ở Hồi thứ 45, bằng một hoạt cảnh đường phố
Gió kể chuyện nhà ảo thuật biến Có thành Không của nước Cờ Hoa cũng chưa giỏi bằng
nhà Sản ở nước Vệ có tài làm ảo thuật biến Không thành Có. ( Đại Vệ Chí Dị – Hồi
thứ 45 –Nhà ảo thuật biến có thành không và câu chuyện nước Vệ-Thứ ba ngày 27
tháng 09 năm 2011). Vì những đoản khúc cười trong khi nước mắt chưa kịp
khô như thế mà rất nhiều độc giả thích đọc Gió.
Gió
muốn kể những chuyện lạ ở Đại Vệ cho dân Việt nghe là chính. Nhất là những người
dân oan. Vì cũng đã từng là dân oan nên dường như Gió mong muốn các dân oan có
cơ hội quan sát, tỏ tường và cảm thấu được bản chất cốt lõi mọi diễn
biến của thế sự nước Việt. Vì thế Đại Vệ Chí Dị dành rất nhiều trang suy ngẫm
luận bàn và phân tích về thân phận các dân oan. Từ Hồi thứ 29 đến hồi thứ
99, dường như hồi nào cũng có chuyện dân oan. Hồi thứ 100, Gió lấy luôn Dân oan
làm tựa đề. Dân oan trong sách của Gió là võ tướng cao niên như Võ tiên sinh, là
trí thức như Cù tiên sinh, như Phạm Chí sĩ, như Đoàn Cử nhân, như văn sĩ Quê
Choa, như Phạm Cô nương, như Lê thầy cãi..v..v..
Chăm chú vào sự thuật kể bởi ngôn từ giả cổ của Gió, thoạt tiên độc giả tưởng như đang ngóng chuyện xa xưa. Nhưng ai đã tỏ tường các biến cố thời sự, đã nhận biết nhân vật và am hiểu sự kiện thì hóa ra toàn là người của thời nay chuyện buổi bây giờ. Như một tay phù thủy chữ sành điệu, Gió đã làm xiếc bằng cổ văn đẩy đưa đời sống đương đại vào ảo giác xa xưa. Với khói sương cổ ngữ, Gió chỉ cần “lạ hóa ” danh tính đi một chút, hư ảo sự kiện lên một tý cho vui. Nhờ thế, đôi khi độc giả khoan khoái thú vị vì nhận ra được những người những việc đã biết rồi trong một xiêm áo ngữ ngôn khác lạ. Có lẽ vì thường xuyên bị rình rập bắt bớ nên Gió luôn phải dụng ngôn để ngụy trang nhân vật lẫn sự kiện và địa danh để tránh bị hạch hỏi ?Chả biết đó là niềm vui của kẻ sáng tạo hay là nỗi cay đắng của Gió khi phải viết sao cho không sa lưới an ninh nhà Sản.
Để
khám phá, vạch trần nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của Đại Vệ, không những phải
nhanh nhậy kịp thời phát giác ra những chuyện lạ mà Gió còn phải dụng
công diễn đạt. Phải dụng công thay đổi cách diễn đạt ở mỗi chương hồi
sao cho những quan sát và phân tích có sức lật tẩy.Trong từng bức tranh toàn cảnh
hoặc trong từng tình huống được đặc tả với trò diễn riêng, dù đôi lúc sự
diễn đạt bị trùng lặp nhưng bút Gió luôn tỏ ra linh hoạt với kỹ thuật tốc
ký độc đáo.
Có
lúc các chuyện lạ của nước Đại Vệ được Gió tái hiện sinh động
trong những tình huống kịch trường. Ví dụ ở hồi thứ 51( Đại Vệ Chí Dị –
trang 217), để vạch trần sự lươn lẹo ác độc của những kẻ ngụy biện là nước Vệ
không có ai là kẻ bất đồng chính kiến, với đầu óc của một đạo diễn sân khấu,
Gió đã tạo ra ba nhân vật Văn thư bộ Lại, Khách, Nho Sinh. Sau một hồi đối thoại
của đoạn kịch ngắn, vị khách lăn ra bất tỉnh khi được Nho Sinh giải thích cặn kẽ
cái thủ thuật đàn áp tàn bạo những người bất đồng chính kiến ở Đại Vệ. Hoặc Gió
đã dựng ra ở hồi thứ 26, ( 18,tháng 3 năm 2011) , trang 121 một trường đoạn kịch
ngắn gồm các nhân vật: Chúa Bạo, Quan Tuyên Huấn, Quan Thương mại, Quan Bộ
Hình, lính bên tả, lính bên hữu. Kết thúc đoạn kịch, tên bên tả bảo: „ thì vua
quan nước Vệ này cả đời quan nghiệp chỉ làm hai điều là Cấm và Bán mà thôi. Cấm
người ta mọi thứ, còn mình thì bán đủ thứ để vơ vét“ và tên bên hữu nói :„ Chữ
Cấm thì ban cho dân, nhưng chữ „Bán“ phải riêng cho mình, kẻo thi nhau bán thì
mình bán không kịp ! Cả hai tên cười ngặt nghẽo, lát sau tên bên tả thì thầm:
giờ mà ghép cả hai lại thành Cấm Bán nhỉ ? Tên bên hữu nói: Ông dở mồm, cấm bán
thì triều đình ta sao mà tồn tại được. Chỉ bằng một hoạt cảnh sân khấu dân dã,
cô đọng chưa đầy 4 trang sách, trong hồi thứ 26, Gió đã vạch trần bản chất ăn
cướp của triều đình nước Vệ một cách sắc bén.
Dù
là một tác phẩm chương hồi giả cổ, Đại Vệ Chí Dị đích thực là một tiểu thuyết
hiện đại, được Gió viết ra để quan sát và khám phá thế sự. Bút pháp giả cổ của
Gió tưởng nôm na mà đa điệu, biến hóa huyền hoặc và thâm hậu theo từng biến
cố đương thời; vừa bông lơn điêu luyện vừa khúc triết u trầm, Gió vừa khoan sâu
vừa soi tỏ từng chốn thâm cung đê mạt bạo tàn của chính trường Đại Vệ khiến cho
chính sử Việt Nam đương đại được dân Việt cảm nhận thấu đáo, thấm thía đến đau
đớn, nhất là dân oan. Dân oan thì đau đớn dến thịnh nộ. Hắn quả thật là một văn
tài độc đáo.
4.
Tri thức chính khách của người cầm bút.
Không
phải tiểu thuyết phiêu lưu, không tưởng. Không phải tiểu thuyết chiến tranh, Đại
Vệ Chí Dị là tiểu thuyết lịch sử hiện đại. Gió viết về những chuyện quái lạ, thực
chất là những xung đột những mâu thuẫn của nước Việt đương đại. Gió đã mô tả
chính trường Đại Vệ trong các mối bang giao chiến lược với Đại Tề với Cờ Hoa
theo cách nhìn rất riêng của mình về mối quan hệ Việt Mỹ, Việt –Trung. Để giúp
dân quan sát, nhận thức và khám ra các sự quái lạ trong đời sống văn hóa, chính
trị và luật pháp của nước Đại Vệ trong những mối bang giao quốc tế người cầm
bút không thể không ăn ngủ với đời sống chính trị.
Khi
thì tác giả phân thân nhập vai Lái Gió để tham gia thuật kể ; lúc thì cất giọng
tường trình của kẻ vừa lạnh lùng quan sát vừa chiêm nghiệm luận bàn. Cứ xem
cách thức Gió sáng tạo và tổ chức cho các nhân vật ở từng hồi, tùy theo
ngày tháng của từng sự kiện tranh luận theo kiểu nghị trường hoặc đối thoại
dân dã với nhau để bật ra bản chất tàn bạo của nhà Sản độc giả sẽ thấy Gió vừa
có óc tổ chức của một đạo diễn lại vừa có tri thức chính khách. Làm được vậy,
trước hết Gió phải tự mình cay đắng quan sát, sau đó tự mình đau đớn ngẫm nghĩ
để mà cắt nghĩa. Muốn thế Gió đã phải âm thầm tự học, tự hỏi, tự nếm mùi đời
nhà Sản rất nhiều.
Mặc
dù chưa kịp nghĩ sách của Gió là tiểu thuyết, khi đọc Đại Vệ Chí Dị nhà phê
bình Đỗ Trường đã nhận thấy „bộ mặt thật của chế độ thối nát đương thời“, thấy
thân phận đất nước và con người nước Việt. Anh đã nhận định:“ Tuy bút
pháp giả cổ, nhưng biến hóa khôn lường, Bùi Thanh Hiếu đã hình tượng hóa một
cách điêu luyện cuộc tranh giành quyền lực giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bằng những cuộc đọ sức sống mái trên chiến trường. Có
thể nói đây là những trang viết sinh động. Nó không chỉ bóc trần được dã tâm, sự
tàn bạo của chế độ Cộng sản; mà còn mang đến cho người đọc những phút giấy hồi
hộp và sảng khoái nhất…Với những diễn viên Trăm Xanh Nguyễn Bá Thanh, Báu Mã Phạm
Quý Ngọ và tù binh là anh em nhà Dương Chí Dũng thì sân khấu hề chèo của giới
chóp bu Hà Nội đã được mở ra“. Nhận định của Đỗ Trường cũng chính là sự tán
thưởng kỹ thuật sân khấu kịch trường, óc đạo diễn và sức bóc trần sự thật của
bút Gió: „ Đọc Đại Vệ Chí Dị, ta có thể thấy, dưới sự thống trị của Đảng
đất nước đang đi đến tuyệt lộ. Xã hội đã bị lưu manh hóa đến thượng tầng, với
những băng đảng hợp pháp đang hút kiệt tài nguyên và sức người. Môi trường
thiên nhiên bị tàn phá một cách tàn nhẫn man rợ.“ ( Đỗ Trường -
Vài
suy nghĩ về Đại Vệ Chí Dị của Bùi Thanh Hiếu “).
Gió
vui nhộn mà tài tình ở chỗ Đại Vệ Chí Dị chỉ kể về Vệ Kính Vương, về Chúa
Bạo, về Trăm Xanh, Báu Mã, Dương Bạo mà vẫn khiến độc giả Đỗ Trường nhận
ra Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Bá Thanh, Phạm Quý Ngọ, Dương Chí
Dũng. Sự tài tình vui nhộn ấy bắt nguồn từ cái nhìn sắc bén của Gió vào
chính trường nước Việt. Đã có một thời Vua Lê Chúa Trịnh, người Việt chưa thể
nào quên cái thế „cờ giằng“: Lê Tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong. Nước Việt thời
của Gió có Đảng của Tổng bí thư và Chính phủ của Thủ tướng. Chính trường
Đại Vệ có Vương Phủ của Vệ Kính Vương ( tức Nguyễn Phú Trọng ?) và Phủ
Chúa của Chúa Bạo ( Nguyễn Tấn Dũng ? ).Nhiều năm gần đây, các quan công sai của
nhà Sản thường nghĩ: „Đảng tồn mình tại, Đảng bại mình vong“. Xem ra nước Việt
đã có quá nhiều dân đen bị chết oan ởnhững đồn công an lộng quyền, có quá nhiều
tội ác phát sinh từ khẩu hiệu “Còn Đảng còn mình“.
Có
thể nói nhiều biến cố lịch sử của nước Việt đương đại đã được Gió
diễn đạt lại theo cách riêng bằng cách nhìn kế thừa với giọng
điệu vừa vui nhộn hóm hỉnh vừa thâm u lịch lãm.
Ở
hồi thứ 67 ( trang 277), Gió phân tích sự xuất hiện của Đảng Ích ( băng đảng của
đồng chí X?) và nguyên nhân sự tận trung cầu lợi của cả Đảng Ích lẫn nhà
Sản đối với Tề vương Tạp Cặn rồi ngậm ngùi lý giải: Bởi thế, Tề
cho quân sang chiếm đảo Vệ. Nhà Sản không nói gì, đảng Ích cũng chẳng làm gì.
Như một chính khách lão luyện Gió kết thúc hồi 67 bằng một phát giác cay
đắng: „Đó là một cổ hai tròng thì có thể bị lật, chứ một cổ mà ba bốn tròng thì
dân có sức bằng trời cũng không lật được.“
Hoặc
ở hồi thứ 108, Gió kể :“ Chúa ra triều nhếch mép cười bảo: Mọi thứ Chúa
có đều là nhà Sản ban cho , khi nào nhà Sản thống nhất lột mũ áo thì Chúa vui
lòng trả. Nói thế là có ý, Chúa mà mệnh hệ nào thì nhà Sản cũng tiêu vong. Đận ấy
Vương lau nước mắt khóc ròng ba ngày ba đêm, thiên hạ ai cũng mủi lòng.“
Không chỉ kể về chuyện Vệ Kính Vương tấn công nhà Chúa Bạo mấy bận mà vẫn thất
bại, Gió còn xưng mỗ thuật lại chuyện đàm đạo với một cao nhân người Vệ
vong quốc ở miền Nam nước Phổ ( nước Đức ), chuyện bút đàm với một vị Đại
học sĩ bên nước Cờ Hoa ( Hoa Kỳ). Bức phúc thư của vị học sĩ , bạn của Gió ở nước
Cờ Hoa đã biểu lộ cái cái tri thức chính khách của người cầm bút: „ Cách
chọn hưng của Vệ Kính Vương là dựa vào Tề, nhìn thì tưởng hưng thật, nhưng
chính ra lại là mạt. Nước Tề, nuôi nước Vệ như nuôi con gấu lấy mật, có ăn, có
ngủ đấy, nhưng cứ đến kỳ hút mật, mòn mỏi như thế gấu cũng đến ngày chết trong
chuồng sắt. Đó chính là chọn cái hưng đi đến cái mạt. Con gấu dám từ bỏ những
thức ăn người ta cấp, tự đi vào rừng kiếm sống, có thể chết nhưng có thể sống
khỏe mạnh. Đấy là chọn cái mạt để tìm cái hưng. Con gấu nước Vệ bị tư tưởng Mạc
( Mác-Lê) mà Vệ Kinh Vương cùng tay sai nhồi vào, đã biến nó thành con chó nhà
của bọn Tề. Con chó thì không chê chủ nó bao giờ. Cứ nhìn xem quan lại nhà Sản
tuyên truyền Tề là cha, là anh lớn, không thể bỏ láng giềng, không thể bỏ tình
nghĩa bấy lâu…chính là cách người ta bảo:“ Chó không chê chủ nghèo “ là vậy.
Đem cách dạy chó mà dạy quan lại, dân chúng làm lễ nghĩa bang giao với ngoại
bang thù địch, nước Vệ không mất vào tay bọn Vệ Kính Vương lúc này thì lúc nào
mới mất mà phải thắc mắc“. ( Đại Vệ Chí Dị- Hồi thứ 108 – Ngày 27 tháng 5
năm 2015, trang 483).
Là
người kể chuyện chính trong suốt 122 hồi, Gió tài ở chỗ là đã biết cách thuật kể,
miêu tả những chuyện lạ ở Đại Vệ từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Phân thân
thành nhiều nhân vật, từ nhiều nhân xưng khác nhau Gió đã kể, đã tái hiện, đã
phân tích và luận bàn về bản chất những chuyện lạ của nước Đại Vệ. Gió đã
vạch ra chân tướng các vị vua Đại Vệ như Vệ Hoạt Vương, Vệ Cường Vương, Vệ Kính
Vương, các vị vua láng giềng như Tề Vương, Tạp cặn Vương, về vị vua phương
xa như Ô Mã vương, về hành tung công tội của nhiều nhân vật trụ cột của nước Đại
Vệ.
Không
chỉ tàng ẩn trong sức nhìn và óc tổ chức văn bản, tri thức chính khách của Gió
thể hiện ngay trong cách chọn bút pháp giả cổ để phong kiến hóa
toàn bộ chính sự nước Việt.
5. Nỗi đau của nhà
văn
Giấc
mơ của Gió trong Hồi thứ 114 của tiểu thuyết Đại Vệ Chí Dị khiến tôi sởn gai ốc.
Tôi thấy Gió tự xưng: „ Mỗ là kẻ vô học, từ nhỏ quen thói lưu manh, chớp
được cơ hội bèn khăn gói tót khỏi nước Vệ chạy tít sang trời Âu. Thỉnh thoảng
nhớ quê cũ biên vài chuyện cho vơi nỗi nhớ nhà. Người trong thiên hạ gọi là Lái
Gió, ý chỉ kẻ chuyên bịa chuyện hươu vượn mua vui. Ngày nọ có nhân sĩ nước Vệ
qua nơi Mỗ ở, họ ghé thăm rồi hỏi, nước Vệ sẽ thế nào ?…Thấy Gió tránh né, Nhân
sĩ điềm nhiên nói:Kẻ sĩ đã từng gặp nhiều, hỏi qua gần hết. Giờ tiện đây mốn hỏi
kẻ lưu manh như ngươi. Nước Vệ sẽ như thế nào ?
Mỗ
đáp: Ngài hỏi nước Vệ sẽ thế nào, không hỏi nhà Sản ra sao. Phải chăng ý ngài
muốn nói sau khi nhà Sản mất, nước Vệ sẽ thế nào ? Nhân sĩ gật đầu cười nhẹ. Mỗ
tiếp:
Tôi
thân phận hèn mọi, nghĩ không quá xa bãi nước tiểu của mình. Sợ lời nói nông cạn
làm nản lòng kẻ sĩ, xin cho được nói chuyện khác.
Nhưng
rồi do vị Nhân sĩ kiên quyết phỏng vấn, Gió đã bắt nhời và lời của Gió làm tôi
chết điếng tâm tư: Mỗ chắp tay không dám nhìn nhân sĩ, cúi đầu đáp:
+
Dân nước Vệ vô đạo, nhà Sản triệt tiêu đạo đức là có ý tiêu thổ nhân cách con
người. Con người không có nhân cách thì không có lòng tự trọng, không có lòng tự
trọng thì không biết phẫn uất. Đã không biết phẫn uất thì không thể nào làm
cách mạng. Nhà Sản đã huấn luyện tiêu thổ đạo đức con người. Đội quân tiêu thổ
đạo đức con người của nhà Sản tinh nhuệ hùng hậu, tiền bạc dồi dào từ ban tư tưởng,
tuyên giáo, ban tôn giáo tổng cục chính trị, bộ văn hóa, thông tin, giáo dục,
tuyên truyền viên, dư luận viên…ngày đêm ra sức triệt tiêu ý chí của con người.
Không những thành công khiến họ mất ý chí phản kháng mà còn khiến họ thành những
kẻ vô đạo, thủ lợi riêng tư, chỉ mong cầu lợi cho bản thân.
+
Xưa nay những kẻ đại ác trong thiên hạ chỉ nghĩ đến tiêu thổ vật chất, còn tiêu
thổ tính cách nhân phẩm con người thì chỉ có nhà Sản mới dám làm mà thôi. Chưa
có cách nào phá được kế sách ấy thì đừng nói đến chuyện nhà Sản sụp đổ, huống
chi là nói chuyện nước vệ sau này ra sao.
Nhân
sĩ đứng lên, không muốn nghe nữa, ngài đi thẳng. Mỗ đứng nhìn theo, khi ngài
khuất xa sau hàng cây. Ngẩng nhìn trời phía Nam thấy sao các tướng, quan lại
nhà Sản vẫn sáng rõ, chỉ có đám dân đen là mờ mịt như muốn rụng.
Tỉnh
dậy mới biết là mình mơ, bỗng tự trách mình mang bụng tiểu nhân mà bàn chuyện
nước nhà.“
(
Đại Vệ Chí Dị-Hồi thứ 114-trang 515).
Cũng
may vì đó chỉ là cơn mơ. Tuy vậy vẫn đau vì tôi đã quen với lối tàng ngôn ẩn ngữ
của Gió trong Đại Vệ Chí Dị . Đôi khi hắn bảo là mơ nhưng lại là thực. Lắm
lúc hắn nói như thật về một nước Đại Vệ thái bình thịnh trị nhưng hóa ra
chỉ là một Giấc Mộng Nam Kha ( Hồi thứ 63- Thứ Sáu ngày 7 tháng 12 năm
2012-Đại vệ Chí Dị) .
Nhưng
dù sao thì hồng phúc nước Vệ vẫn còn lớn bởi vẫn còn có những nhân sĩ vẫn
biết đi hỏi một kẻ luôn tự xưng tự xỉ mình là lưu manh vô học về tương lai của
Đại Vệ. Và hồng phúc của Đại Vệ phải chăng vẫn còn có cơ phục hưng bởi nước Vệ
vẫn còn vô số dân đen như Lái Gió ngày đêm đau đớn lo âu bởi nước Vệ sẽ
ra sao nếu nhà Sản không sụp đổ ?
Lái
Gió luôn tự xưng tự xỉ “là kẻ vô học quen thói lưu manh“, thậm chí đôi khi hắn
bất ngờ văng tục trong nhiều trang viết mộng mơ làm cho tiểu
thuyết váng vất chút bụi đời. Với những suy tư đầy tinh thần phát
giác đau đớn cho vận nước mong manh, Đại Vệ Chí Dị không chỉ vạch ra nước Việt
đã và đang như thế nào mà còn khắc khoải ngậm ngùi: đừng bàn chuyện nước
Việt sẽ ra sao khi mà nhà Sản chưa sụp đổ.
6.
Cần có „Từ điển Đại Vệ Chí Dị“.
Đại
Vệ Chí Dị kết thúc tại Hồi thứ 122, Thứ Năm, ngày 28 tháng 1 năm 2016, vào lúc
quyền lực tuyệt đối của Đảng Cộng Sản Việt Nam thuộc vềTổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng. Gió hoan hỷ kết thúc Đại Vệ Chí Dị bằng giọng giễu cợt: „ Vệ
Kính Vương sau khi nhận tung hô, đưa ra danh sách Chính Sản do Vương thống
lĩnh, dưới trướng có 18 vị, tương đương với thập bát la hán. Ý vương muốn nói
mình như Phật Tổ có thập bát vị la hán đứng hầu“.
Khát
khao khám phá chân tướng và vận mệnh của nước Việt cho nên dường như tiểu thuyết
Đại Vệ Chí Dị vẫn chưa xong. Xem ra, độc giả vẫn đang thú vị khảo cứu danh tính
của 18 vị Chính Sản Đại Vệ ( tương ứng với tên thật 18 vị Ủy viên Bộ
Chính Trị của Đảng Cộng Sản Việt đương thời) mà Gió đã khéo léo tàng danh nhưng
vẫn cố tình để lộ năm sinh và quê quán. Sách tạm khép lại, trong khi thế
sự nước Việt vẫn tiếp tục những trận đấu mới.
Giờ
đây, giới phê bình đã có thể gọi Đại Vệ Chí Dị là một tiểu thuyết lịch sử
nhưng vì nội dung Gió viết toàn chuyện đương thời mới cứng của nước Việt
nên độc giả vẫn tưởng như đang đọc tiểu thuyết hiện đại. Có thể Gió chưa hình
dung ra rằng: hai ba mươi năm sau nữa, khi các biến cố của chính trường
nước Việt từ năm 2008 đến ngày 28 tháng 1 năm 2016 đã thành chuyện xưa thì giá
trị lịch sử của tiểu thuyết Đại Vệ Chí Dị lại rất có giá.
Lúc
ấy vô số dân oan, các cựu chính khách và các sử gia Cuội sẽ âm thầm
cảm ơn Người Buôn Gió vì lúc đương thời, nhà Sản chỉ giỏi bưng bít, che đậy
biến không thành có, biến có thành không. Có thể Gió chưa thể tưởng tượng rằng:
hai ba mươi năm sau,các nhà nghiên cứu phê bình phải làm một cuốn „Từ điển Đại
Vệ Chí Dị“ để phục vụ lớp độc giả hậu sinh. Ví dụ:Vệ Hoạt Vương với màn bái lạy
nhà Sản Đại Tề ở Thành Đô là ai ? Vệ Cường Vương là ai ? Vệ Kính Vương là
ai? Chúa tên Bạo là ai ? Ai là Sáng Quyết ai là Trăm Xanh, ai là Báu Mã ?
Ai là Văn Thụ, ai là Sanh Hường, ai là Tôn Dưa? Ai là Quảng Phệ, quân Kinh Kỳ Mới
là ai ..v..v… Bây giờ, những độc giả quan tâm thời sự chính trị quốc tế, lo âu
cho vận mệnh nước Việt, những độc giả ăn không ngon ngủ không yên vì biển
đảo Việt bị Trung Cộng hăm dọa cướp giật, chủ quyền Việt bị Trung Cộng hiếp đáp
vẫn có thể chua chát mỉm cười tự giải mã được những tàng ngôn ẩn ngữ
trong Đại Vệ Chí Dị với nỗi cảm thông; nếu không làm thế, Gió không thể
thoát sang Đức quốc mà an thân viết sách trình làng.
Nhưng
hai ba mươi năm sau, để giải thích về trận Truyền thông hay trận Nhị Ngũ
Bát, đặc biệt là để cắt nghĩa Bối Mộc trận trong trận Ngũ hành, chắc chắn „Từ
điển Đại Vệ Chí Dị“ sẽ phải chú giải về các danh tính Sáng Quyết, Thế Cỏ, Hồ
Sáng Lộc và Quảng Phệ.
Ngay
bây giờ, rất nhiều bạn Tây biết tiếng Việt thích đọc sách Gió nhưng họ sẽ chỉ
hiểu láng máng.Cần có một cuốn Từ điển Đại Vệ Chí Dị để dẫn giải chú thích thì
họ mới thấu đáo hết được chữ nghĩa của Gió. Cũng chẳng phải chỉ riêng các bạn
Tây, chưa nói lớp độc giả trẻ, ngay độc giả trong và ngoài nước Việt bây
giờ cũng rất cần một cuốn Từ Điển Đại Vệ Chí Dị để họ dễ dàng đọc ra chân tướng
và viễn cảnh của nước Việt mà Gió đã khắc khoải khám phá.Thiết nghĩ, ngay từ
bây giờ Gió nên túc tắc biên soạn Từ điển Đại Vệ Chí Dị Mi-ni. Nên
chăng, trước mắt, cứ in „ Từ điển Đại Vệ Chí Dị Mi-ni „ vào phần phụ
lục của Đại Vệ Chí Dị trong lần tái bản sắp tới.
7.
Đố ai viết giống được như Gió.
Không
biết bao giờ tập tiếp theo của Đại Vệ Chí Dị sẽ được Gió viết tiếp. Với
lòng „Yêu quê hương Việt Nam, thích uống trà mạn“, dù đang sống
ở nước Đức xa xôi Gió vẫn có thể hoàn tất những tiểu thuyết để đời. Mới ở
tuổi 45, sức viết của Gió đang chín, chữ nghĩa của anh đang tới bến, tới bờ.
Ngót
ba năm trước, có ông em văn nghệ hỏi tôi. Anh đọc nhiều biết rộng, theo
anh liệu có phải tự Gió viết ra hay là ai đó đã viết rồi để nó ký tên.
Tôi vặn lại, sao em lại có nghi vấn kỳ khôi thế.
Ông
em bảo, Gió chưa học hết cấp Ba. Có thời sống như lưu manh giang hồ, nào đâm
thuê chém mướn, lại từng cờ bạc, từng nghiện ngập, tù tội. Em không thể tin được
là nó lại có thể tự mình viết được những trang viết ấy.
Tôi
cười dịu dàng, em nhầm to. Một thằng lưu manh hoàn toàn có thể trở thành nhà
văn khi nó tự ngộ ra thiên lý. Cái làm nên tư chất nhà văn là sức nhìn sắc bén
như dao kéo, như kính chiếu yêu của đôi mắt chứ không phải sự tụ tập của một đống
chữ.Thiếu gì người học hết thạc sĩ này đến tiến sĩ kia mà vẫn không
viết ra văn. Chưa kể, nhiều người có hàng bồ chữ trong bụng, có vài ba bằng
cấp trong tay mà vẫn là kẻ mù nghĩa vì chỉ sống suông lý thuyết. Đã là kẻ mù
nghĩa thì dù hàng đống chữ trong đầu càng viết càng lú chứ làm sao khám phá được
sự thật. Em đã đọc Papilon Người tù khổ sai rồi đúng không ? tác giả này đi tù
quá lâu, có học hành mấy đâu mà tiểu thuyết của ông ấy vẫn nổi tiếng. Còn Gió ?
Trời
phú cho hắn năng khiếu văn chương. Từ thủa học trò hắn hay phải
hàng ngày lẽo đẽo canh chừng để mà hô hoán „ Công an đến đớ..ới mẹ ơi !“. Chả
là, một thời cha Gió bị ốm dài, nên mẹ Gió phải rong ruổi bán nước trên hè phố
mưu sinh. Thương mẹ nên nhiều khi Gió tự bỏ học để đỡ mẹ những lúc nguy nan nên
bị cô giáo dạy văn giận lầm. Có nhiều thâm niên sống đớn đau, cơ khổ bạt
mạng với vỉa hè Hà Nội cho nên Gió sẽ viết ra văn của hắn.
Trước
hết, Gió là kẻ dám sống hết thân phận mình trong những cảnh ngộ lăn lóc giang hồ
bi đát nhất. Sau đó, Gió là kẻ dám viết ra hết những gì hắn đã sống qua và đã
thấu hiểu. Tất cả những gì Gió viết ra mà tôi đã đọc được chắc chắn
là giọng điệu, là gan ruột của chính Gió. Đố ai viết giống được như
Gió. Ông em gật gù, vâng anh nói thì em tin.
8.
Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Ngày
14 tháng 4 năm 2013, Người Buôn Gió rời ngõ Phất Lộc để tới Weimar. Ca sĩ Lộc
Vàng đã hát tặng Gió bài „Nỗi lòng người đi“ ngay tại quán Cà Phê Lộc Vàng, nơi
mà nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đã hẹn tôi tới uống rượu vào một
đêm hè hồ Tây cuối tháng 7 năm 2013. (https://www.youtube.com/watch?v=PT7W9W88lc0).Tết
Bính Thân vừa qua, ở Berlin, tình cờ nghe ca sĩ dân oan Lộc Vàng hát tặng Người
Buôn Gió. Cứ nghĩ ca sĩ Lộc Vàng cũng đang hát tặng mình, tôi cũng
chạnh lòng ứa lệ.
Nhiều
chuyện trong Đại Vệ Chí Dị xảy ra ngay tại Hà Nội, sát sạt Hồ Gươm nhưng Gió phải
viết nại ra là Hồ Lục Thủy. Bỗng dưng tôi nhận ra tất thảy những gì Gió
đã viết ra được chính là sự phát tiết tinh hoa của một kẻ đã từng ngậm đắng
nuốt cay.
Vì
đã từng ngậm đắng nuốt cay thì ắt phải viết bằng xong Từ Phất Lộc
đến Weimar. Vì đã từng ngậm đắng nuốt cay thì phải viết„Nói trong im
lặng“. Vì đã „ Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi“ thì phải viết Đại Vệ Chí Dị
với một giọng giả cổ kỳ lạ.
Vì
đã ngậm đắng nuốt cay quá nhiều những chuyện độc ác quái lạ ở nước Việt
nên Gió bất chợt ném dao, vứt súng xuống sông Hồng để trở thành người cầm bút độc
cô cầu thiện.
(http://www.nguoiviet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=189048&zoneid=1#.VElLWF1xmUn).( Người
Buôn Gió-từ giang hồ đến cải cách xã hội- 30-5-2014-Phỏng vấn của PV Hà Giang
–Nhật báo Người Việt).
Ngậm
đắng nuốt cay nhiều rồi. Lẽ nào giờ đây, ở nơi xa xứ, thỉnh thoảng Gió vẫn
nghị luận trong mơ: “ Xưa nay những kẻ đại ác trong thiên hạ chỉ
nghĩ đến tiêu thổ vật chất, còn tiêu thổ tính cách nhân phẩm con người thì chỉ
có nhà Sản mới dám làm mà thôi. Chưa có cách nào phá được kế sách ấy thì đừng
nói đến chuyện nhà Sản sụp đổ, huống chi là nói chuyện nước vệ sau này ra sao.”
(Đại Vệ Chí Dị-Hồi thứ 114-trang 515).
Gắn
bó với những chuyện quái lạ của nhà Sản như một định mệnh, tiểu thuyết Đại Vệ
Chí Dị được sáng tác bởi chính đứa con giang hồ của nước Việt. Thật là hồng
phúc khi dân Việt vẫn trập trùng can đảm đứng lên cùng quan tài để
bàn chuyện nước Việt rồi sẽ ra sao ?
Trong
những tuần trăng cuối cùng của sự giải mã, giải độc cộng sản, cá đã chết vô số.
Người cũng đã chết vô số. Biển đã phát tang tố tụng bá quyền . Phi cơ chiến đấu
SU-30MK2 mới chỉ luyện bay trong không phận Việt đã rơi rụng khiến một đại tá
phi công hy sinh, một thiếu tá phi công sống sót. Chưa hết đau đớn bàng hoàng
thì hung tin lại tới, phi cơ cứu hộ CA SA – 212 đã lạc đường cứu nạn vì bị nhiễu
sóng nên dính đạn vô danh khiến cho cả phi hành đoàn gồm 9 phi công và sĩ quan
kỹ thuật hạng A của không quân nước Việt tiếp tục bỏ mạng.
Thử
hỏi nước Việt còn phải đội tang bao nhiêu quan tài oan uất nữa để luyện công mới
đủ sức đứng lên?
Tôi
tin, Đại Vệ Chí Dị chưa đến hồi kết dù tập một đã ra đời.
Lẽ
nào giờ đây, ở nơi xa xứ, với Nỗi lòng người đi” Gió vẫn lầm lỳ ngồi viết tiếp
?
Ngậm
đắng nuốt cay nhiều rồi. Hình như đôi khi Gió vẫn thì thào cất giọng nước non:
Hà
Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
Ai
đứng mong ai ven bờ ?
Màu
nước trông như ngày xưa ?
Thăng
Long ơi !
Năm
tháng vẫn trôi giữa dòng đời
Ngậm
đắng nuốt cay nhiều rồi
Mà
Hồ Gươm vẫn chưa phai mầu.
Thế Dũng
Berlin –Đức quốc 24 tháng 4 năm 2016
Taipei – Taiwan 28 tháng 06 năm 2016
No comments:
Post a Comment