Monday, July 4, 2016

GIỚI THIỆU HỒI KÝ "NGƯỜI ĐỘI SỐ PHẬN" CỦA TS NGUYỄN THANH GIANG (Bà Đầm Xòe)





Tháng Bảy 4, 2016

Cuốn hồi ký “Người Đội Số Phận” dày 700 trang của Nguyễn Thanh Giang do Nhà Xuất bản “Người Việt” ở Mỹ ấn hành đang được đăng bán trên mạng “Amazon” và trên trang “nguoivietshop.com”  với giá 25USD.

Ở Việt Nam, độc giả muốn có sách xin liên hệ với tác giả qua Email: giangnguyen1936@gmail.com hoặc mobi: 0984 724 165.

 NGƯỜI YÊU SÁCH

----------------

ĐÁNH GIÁ TÁC PHẨM

* Nhà báo Khúc Nga – Nguyên Tổng Biên tập báo “Tuổi Trẻ Thủ Đô”

… Từng trang viết cuốn hút người đọc bởi nó đầy ắp kiến thức xã hội, kiến thức lịch sử, địa lý, các phong tục tập quán vùng, miền hết sức phong phú, sinh động. Qua “Tuổi thơ lang bạt” của tác giả, ta thấy một dòng chảy lịch sử của dân tộc, hòa bình và chiến tranh cảnh dân “chạy loạn”, nạn đói năm 1945 len lỏi vào từng nhà … Hình ảnh quê hương, đất nước hiện lên rõ mồn một trải dài hành trình từ trước năm 1945, rất nhiều chất sử thi và nhân văn, đầy ắp tình đời…

Có nhiều đoạn rất cảm động như đoạn tác giả (năm học đệ tam, cấp 2 bây giờ) mạo hiểm một mình cuốc bộ 50 km đi tìm mẹ đẻ ở Cầu Quan, Nông Cống. Trên đường đi đầy gian truân, khổ ải, đói khát, cậu bé Thanh Giang đã gặp 2 người đàn bà và một em bé. Đó là ba người trong một gia đình, ba mẹ con phải dắt nhau đi ăn mày vì ông bố bị quy Quốc Dân Đảng nên uất ức, thắt cổ tự vẫn. Họ phải lẩn trốn cái bi kịch ấy.

Đọc tự truyện, thấy cậu bé Thanh Giang từ nhỏ đã quá chìm nổi, lênh đênh, vất vả. Nhưng chính sự chìm nổi với những thử thách nghiệt ngã, những buồn vui thế thái nhân tình đã trui rèn nên một Nguyễn Thanh Giang bản lĩnh và nghị lực, cứng rắn và nhân ái, buông xả để yêu thương. Tác giả viết: “Sự cực khổ khiến con người có sức mạnh ghê gớm” để nói về mình.

Còn tôi thì nghĩ đến câu nói của nhà văn Xô Viết Ôstơrôpski trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”: “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, thép trở nên cứng rắn hơn bao giờ hết …”
Và tôi muốn giành câu nói đó cho tác giả Nguyễn Thanh Giang .


* Nhà nghiên cứu văn học Phạm Ngọc Luật – Nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thông tin – Văn hóa

Tự truyện của anh xứng đáng đứng hàng A1 trong thể loại tự truyện, hồi ký ở đất nước này. Xứng đáng về kiến thức, thông tuệ kim cổ đông tây hàm chứa trong đó. Xứng đáng vì lừng lững ở đó một trái tim, một tấm lòng tất cả, tất cả vì nhân dân, đất nước, vì tổ quốc giang sơn, vì tự do, dân chủ. Xứng đáng vì những phân tích, lập luận có tình có lý đầy thuyết phục. Xứng đáng vì một kiểu cách văn chương tự truyện, viết “đẹp”, dễ đọc; vận dụng những danh ngôn, điển tích đúng nơi đúng chỗ. Xứng đáng vì thấy hiển hiện ở đây một con người phong phú, vừa trí tuệ, bản lĩnh, tự tin vừa nhậy cảm trước những bất hạnh và cái đẹp của đời thường. Xứng đáng vì toát lên một nhân cách tử tế, một sự chăm chỉ (suy tư rồi viết) đến phi thường vv… Rồi đây có lên đất Yên Kỳ về cõi vĩnh hằng thì anh cứ vui và vững tin rằng, trí tuệ và tấm lòng mình sẽ được nhân dân đất nước này ghi nhớ mãi.


Ben Kerkvliet – giáo sư Đại học Quốc gia Úc, nhà nghiên cứu về xã hội và chính trị Việt Nam  

Mặc dù đọc tiếng Việt rất chậm, nhưng tôi đã không thể không dành thì giờ ưu tiên cho cuốn sách này. Trong khi đọc bản thảo tự truyện của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, tôi hiểu được sâu hơn lịch sử của một gia đình nói riêng và lịch sử miền bắc Việt Nam nói chung trong các giai đoạn từ những năm cuối thời thực dân Pháp đến hiện nay. Sách này kể nhiều chi tiết thú vị về cuộc sống, giáo dục, kinh tế, chính trị và quan hệ giữa các loại người trong và ngòai gia đình. Sách cũng giải thích và phân tích quá trình tác giả chuyển từ người nhiệt thành ủng hộ chính phủ của đảng Cộng sản Việt Nam sang người bất đồng chính kiến với chế độ.
Đây là một cuốn sách có giá trị và rất bổ ích.


    * Lê Minh Phúc – Nguyên Phó Cục trưởng Cục Vật lý – Địa chất

Mỗi lần mở computer đọc lại Tự truyện của Thanh Giang mình như bị sức hút của các con chữ đầy ma lực giữ lại. Đọc gần 400 trang A4 đâu có dễ thế mà tôi lúc nào đọc cũng đều bị cuốn hút. Sự hấp dẫn của nó là ở chỗ nó chứa nhiều chi tiết rất thật và rất sinh động. Lúc đầu mình hơi ái ngại về chương liên quan đến Chủ tịch Nước Trần Đức Lương nhưng đọc kỹ mới thấy được chất Thanh Giang rõ hơn. ý chí, nghị lực. Nếu bỏ đi sẽ là một thiếu sót. Vấn đề còn lại là in ở đâu? Bao giờ được trình làng thì chắc chắn sẽ thuộc loại best-seller đấy.


* Nguyễn thị Mê Linh –  Tiến sỹ Sinh vật học

Anh Giang quý mến!
Thật cảm phục anh quá! Sức viết của anh ở tuổi này mà như vậy thì khó ai bì kịp. Vấn đề không phải chỉ là viết, mà viết ra cái gì hay ho thú vị và có ich cho đời như anh thì mấy nhà văn chính cống, được gắn mác này nọ có vẻ cũng thua!

Cảm ơn anh rất nhiều về những gì anh đã viết mà mình được đọc. Càng vinh dự, tự hào rằng trong giá sách của mình đã từng được lưu giữ những tác phẩm có chữ ký đề tặng của anh. Bao giờ Hồi ký của anh được xuất bản? Chắc chắn nó sẽ được đặt trang trọng trên nhiều giá sách. Các con, các cháu mình cũng sẽ đọc …

******

Nguyễn Thanh Giang  -  Tháng Chín 30, 2015
Cách đây mươi năm đã có một số người giục tôi viết hồi ký, nhưng tôi lần lữa mãi vì e rằng tôi chỉ có thể viết chính luận và làm thơ chứ viết văn thì không hấp dẫn được người đọc. Sau khi dành ra nửa năm chuyên đọc các loại hồi ký, tự truyện, tôi thử đặt bút viết tự truyện.

Tôi chỉ đặt chỉ tiêu phấn đấu đạt khoảng 200 trang. Không ngờ, khi lật lại ký ức, những trang viết cứ ào ạt tuôn chảy. Kết quả là sau 11 tháng, từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 8 năm 2015, tập tự truyện mang tên “Người đội số phận” đã căn bản hoàn thành với dung lượng lên tới gần 1000 trang in. Không tự tin lắm nên viết xong từng phần tôi đã gửi cho một số người đọc để thăm dò ý kiến và chúng tôi dự định ngày 29 tháng 9 này tổ chức tọa đàm về cuốn sách. Tôi nghĩ rằng tọa đàm là để tiếp thu ý kiến giúp mình chỉnh sửa để người đọc dễ dàng chấp nhận, nhưng đại tá Thê Kỷ bảo chủ yếu là để thân bằng cố hữu có dịp chào mừng thêm một công trình để đời của Nguyễn Thanh Giang sau những “Đêm dày lấp lánh”, “Suy tư và Ước vọng”, “Sứ mệnh Công dân” …

Trong không khí hồ hởi, thấy vừa qua Hội Nhà báo Độc lập công khai triệu tập Hội nghị mà không bị công an ngăn chặn, chúng tôi cũng nhắn tin mời nhau tương đối công khai chứ không bí mật lắm. Vì nhà tôi thường bị bao vây ngăn chặn, chúng tôi chọn địa điểm hội họp ở nhà đại tá Thế Kỷ cho an toàn hơn. Vợ đại tá Thế Kỷ cũng là một trung tá công an về hưu.

Sáng hôm qua, đại tá Thế Kỷ bức bối nhắn tin báo vừa có một trung tá công an dẫn theo bí thư chi bộ và tổ trưởng dân phố đến yêu cầu hủy bỏ cuộc Hội thảo Hồi ký Nguyễn Thanh Giang, lý do: vì không được làm loãng không khí đang sôi nổi chuẩn bị Đại hội Đảng! Tôi buồn quá định rồi sẽ thông báo cho mọi người sáng mai đừng đến nữa. May sao, chỉ ít tiếng đồng hồ sau, đại tá Thế Kỷ gọi điện kể rằng, sau khi viên trung tá công an đi khỏi, đồng chí Bí thư chi bộ lại bàn bạc thống nhất với đại tá Thế Kỷ cứ tổ chức cuộc họp theo dự định. Chính đồng chí bí thư chi bộ ấy đã được đọc mấy chương trong cuốn Tự truyện và hoàn toàn ủng hộ tác giả.

Dẫu vậy, vợ tôi vẫn không an tâm nên phải gọi taxi và tháp tùng tôi để dự phòng đối phó tình huống xấu xẩy ra khi bị ngăn chặn và chơi xấu. May sao, cuộc tọa đàm vẫn diễn ra bình an. Ở đây tôi nhận được nhiều ý kiến khích lệ và các cách thức làm sao để “Người Đội Số Phận” sớm đến được với độc giả.

---------------------------

Người Việt Books
July 1, 2016
.
Người Đội Số Phận, tác giả Nguyễn Thanh Giang, Người Việt Books xuất bản
.
Tôi không có một nếp nhà, một góc phố, một xóm nhỏ gắn với cả tuổi thơ để mà hòai niệm. Riêng đoạn học trình để có được tấm bằng Tiểu học Tốt nghiệp (Certificat d’études primaires elementaires Indochinoises) tôi đã phải học qua năm trường và đi một vòng từ Thanh Hóa ra Hà Nội, rồi lại từ Hà Nội trở về Thanh Hóa.
Năm 1942, lên sáu tuổi tôi đã được đến trường. Trường Alexandre de Rhodes là một trường dòng ở sau Nhà Thờ thị xã Thanh Hóa. Tôi học ở đây chưa hết Lớp Bốn (Cours Preparatoire) thì Ba tôi về đưa tôi ra Hà Nội. Ở Hà Nội, tôi học qua hai trường: Trường Trí Tri, Trường Bùi Huy Bích mới hết được Lớp Nhì Đệ Nhất (Cours Moyen Un) thì Toàn quốc Kháng chiến, tôi phải tản cư về Thanh Hóa.
Trước năm 1944, tôi ở với ông bà nội ở phố Nhà Thờ. Đấy là một ngôi nhà Tây to đẹp có hạng ở thị xã Thanh Hóa lúc bấy giờ. Sau hơn bẩy mươi năm, năm kia, tôi mới có dịp trở lại thăm. Ngôi nhà đã bị phá hủy trong Tiêu thổ Kháng chiến. Trên thửa đất ấy bây giờ là nhà của nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển.
·         Tác Giả: Nguyễn Thanh Giang
·         Bìa Mềm
·         Số Trang: 682
·         Kích Thước: Cao 9″ x Rộng 6″ x Dầy 1.7″
·         Trọng Lượng: 2.5 lbs





No comments:

Post a Comment