Tuesday, July 19, 2016

LÊ VĂN KHOA, NGƯỜI MANG ÂM NHẠC VIỆT RA THẾ GIỚI (Quốc Dũng/Người Việt)





Quốc Dũng/Người Việt 
July 17, 2016
.
Nhạc sĩ Lê Văn Khoa bên những người bạn, học trò trong ngày mừng sinh nhật lần thứ 83. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

SANTA ANA, California (NV) – Lâu lắm rồi tôi mới được dự một tiệc sinh nhật ấm cúng, tình cảm, ngập tràn trong những âm thanh êm dịu, du dương của tiếng đàn guitar, cùng lời ca, tiếng hát, và cả những lời tâm tình tự đáy con tim mà không hề hoa mỹ. Ở nơi đó, một người mà mọi người trìu mến gọi bằng thầy, bằng anh Lê Văn Khoa, dù ông đã 83 tuổi, nhưng ẩn trong cái dáng hiền hòa, đôi mắt sáng và nụ cười tươi vui, thân thiện là cả một tâm hồn rộng lớn, vẫn ngày ngày âm thầm tư duy, làm việc không biết mệt mỏi cho các hoạt động về âm nhạc, văn học và nghệ thuật.

Có đến đây, tôi mới hiểu vì sao nhạc sĩ Lê Văn Khoa được mọi người trân quý như vậy. Không tự dưng mà chị Lưu Thùy Vân, giảng viên của Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang ở San Diego, bỏ thì giờ chạy lên tới Orange County để mang chiếc bánh sinh nhật đến nhà hàng Majesty, Santa Ana, từ sáng sớm Chủ Nhật, 17 Tháng Bảy, rồi cặm cụi trang trí cho xong, rồi quày quả trở về mà không kịp ở lại dự sinh nhật ông.

Chị nói: “Mình phải về để kịp dạy cho các cháu. Được gặp nhạc sĩ Lê Văn Khoa, được ông nhận món quà này là mình vui rồi. Tuổi thơ của mình lớn lên từ chương trình ‘Thế Giới Của Trẻ Em’ trước năm 1975 của ông ở Việt Nam, không ngờ sang Mỹ cũng có dịp được gặp ông. Ông có một khối kiến thức uyên bác, đầy óc sáng tạo, đã cống hiến những khám phá cho đời, cho người về âm nhạc học và mỹ thuật từ Việt Nam sang đến Hoa Kỳ. Mình không biết diễn tả được điều mình quý mến ông như thế nào nữa, tất cả là trân trọng một người mà mình luôn gọi bằng thầy, vì ông có nhân cách cao đẹp.”

1. Không phải tự nhiên mà ông lại được học trò làm sinh nhật cho mình, nếu ông không phải là một người đa tài, đa năng, đa hiệu, và cả đa tình nữa! Cho dù có nhiều “đa” như vậy, nhưng ông lại rất khiêm tốn. Trò chuyện với tôi, ông nói: “Tôi không thích gọi là thầy, giáo sư này nọ. Nói thật, nhiều khi nghe gọi vậy tôi còn thấy ngượng. Tại sao không gọi nhau bằng anh em như anh em một nhà đi, tôi thấy thoải mái hơn.”

Chia sẻ điều này, nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng nói: “Mặc dù tuổi tác cách xa nhiều, nhưng anh nói âm nhạc thì không phân biệt tuổi tác, đã bước vào âm nhạc đều là anh em với nhau, học hỏi nhau và thương yêu nhau. Bên cạnh anh, tôi học hỏi ở anh rất nhiều. Học hỏi nhất là tâm tình và tinh thần âm nhạc của anh. Anh là người đã bỏ hết trái tim của mình vào âm nhạc, mà không bao giờ nghĩ đến vụ lợi. Anh lại là người luôn cởi mở, biết lắng nghe, hòa nhã trong cách ứng xử, nên ai ai cũng ái mộ.”

Họa sĩ Lưu Anh Tuấn, thành viên ban tổ chức, cho biết: “Chúng tôi là một nhóm anh em như MC Vanessa Hồng Vân, ca sĩ Nguyễn Cao Nam Trân, nhiếp ảnh gia Thiên Sơn, guitarist Nguyễn Phương Thảo, họa sĩ Lưu Anh Tuấn, thi sĩ Phạm Lưu Đạt, qua những năm sinh hoạt cùng thầy với lòng yêu mến, thương mến, kính mến thầy, chúng tôi hội ngộ với nhau để tổ chức buổi sinh nhật cho thầy. Anh em nghệ sĩ chúng tôi chỉ biết đóng góp tiếng hát, tiếng đàn của mình làm món quà tinh thần tặng thầy.”

Và tại buổi sinh nhật ấm tình anh em, thầy trò này, trông ông rất rạng rỡ. Phải chăng do âm nhạc đã níu tuổi già của ông lại? Bởi vì ai cũng biết, với Lê Văn Khoa, có lẽ âm nhạc là nguồn sống, và nhiếp ảnh cũng là một trong những cứu cánh để ông có thể thăng hoa trong việc sáng tác của mình.

Nhìn lại cuộc đời nghệ thuật của mình, ông không nói nhiều. Nhưng tự nhiều người đều biết đến ông qua những nhạc khúc trình tấu trên khắp thế giới, và đồng thời lại dành rất nhiều thời gian cho trẻ em, với những chương trình thiếu nhi từ năm 1968 đến 1975 tại Việt Nam. Tại buổi sinh nhật này, nhiều ca sĩ như Ngọc Hà, Vũ Anh, Như An, Vương Lan, Hồng Tước, Lê Hồng Quang, Nguyễn Cao Nam Trân, Teresa Mai… đã giúp ông trở về với những sáng tác của mình.

Ngồi nghe nhạc phẩm “Trăng Thu” của mình, ánh mắt ông sáng rỡ, nhưng buồn xa xăm. Bởi vì ông nhớ đến quê nhà của mình. Đây là một trong những sáng tác vào năm 1981 của ông sau nhiều năm định cư tại Hoa Kỳ. Lúc đó, tại San Diego, khi nhìn thấy ánh trăng thu thật đẹp tại một nơi rất bình an, với một cuộc sống an lành nhưng ông không quên nhớ đến quê nhà của mình, và ông đã nhân cách hóa ánh trăng đó để cùng chiếu rọi lại mảnh đất quê hương Việt Nam.

Cận ảnh nhạc sĩ Lê Văn Khoa đang chỉ huy dàn nhạc giao hưởng năm 2013. (Hình: Lê Văn Khoa cung cấp)

2. Trong tiệc sinh nhật, nhà văn Phạm Xuân Đài tâm sự: “Tôi với anh Lê Văn Khoa không biết nhau từ trước 1975. Tôi biết tiếng về anh thì rất nhiều, nhưng quen biết thì chưa. Mãi tới năm 1995, chúng tôi mới có dịp làm việc chung với nhau về văn học nghệ thuật cùng với Quỳnh Giao, Lê Đình Điểu, Vũ Ánh, Hoàng Trọng Thụy… Đúng năm 1995, cũng là năm anh làm xong bản ‘Symphony Vietnam 1975’ và lúc bấy giờ chỉ có Quỳnh Giao viết được một bài phân tích về buổi trình diễn đó của anh.”

Nhà văn trích bài viết của tác giả Quỳnh Giao như một khẳng định về tài nghệ của nhạc sĩ Lê Văn Khoa: “Hồi tưởng lại sự cảm nhận của mình khi nghe hòa nhạc chúng tôi thấy rằng, quả Lê Văn Khoa đã chọn cho ông con đường khó. Ông đã lấy biến cố lớn lao của đất nước làm cảm hứng sáng tác sau 20 năm tưởng như đã lắng đọng. Nhưng dù 20 năm đã qua, biến cố ấy vẫn còn bừng bừng trong tâm tư của chúng ta. Lê Văn Khoa lại chọn một thể loại trừu tượng và cầu toàn nhất là nhạc không lời để diễn tả những cảm xúc và suy tư của mình về một biến cố chỉ riêng người Việt Nam mới thấm thía tới tâm can. Nhưng khác một số nghệ sĩ sáng tác Việt Nam, ông không đi thẳng vào thế giới âm nhạc không lời hiện vẫn là vùng ngự trị của nhạc cổ điển Tây phương, tức là viết một tác phẩm mang nhiều âm sắc Tây phương. Ông ngoái nhìn lại và cố bắt một nhịp cầu dẫn thính giả Việt Nam đi từ những giai điệu đã quen tai văng vẳng có lời ru, tiếng hò tới những vùng âm thanh mới lạ hơn. Ông cố hòa hợp giai điệu ngũ cung của nhạc truyền thống Việt Nam với cái đại đồng của âm nhạc không biên giới. Lê Văn Khoa cũng cố tình viết từng cảnh thu nhỏ và sắc nét được minh họa bằng dân ca quen thuộc để người nghe dễ tiếp nhận một tác phẩm diễn tả những biến cố đau thương của đất nước bằng ngôn ngữ toàn cầu là nhạc…”

Và nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã nhìn nhận mình là “chơi nhạc khác hơn người khác.” Ông nói: “Nói theo lối định nghĩa của Việt Nam, nhạc Việt là những ca khúc Việt Nam có lời ca đi theo nốt nhạc. Còn nhạc của tôi thì vượt khỏi cái đó, không cần lời ca nữa, mà có thể chơi với một dàn nhạc giao hưởng lớn cả trăm người. Mục đích của tôi là đưa nhạc Việt đi ra với thế giới, chứ không phải mình chơi với nhau không. Mình chơi với nhau thì quý đó, nhưng làm sao cho thế giới phải biết về mình nữa.”

Năm 1973, ông từng có nhiều buổi nói chuyện với Giáo Sư Nguyễn Hữu Ba, một chuyên gia về cổ nhạc Việt Nam. “Tôi gặp ông để hỏi làm sao đưa nhạc Việt ra ngoài, nhất là nhạc dân tộc của mình. Tuy nhiên, buổi nói chuyện đó chúng tôi không thuận nhau. Bởi vì quan điểm của ông, nhạc cổ truyền của mình phải chơi bằng nhạc cụ dân tộc. Tôi thì ngược lại, muốn người ta chơi nhạc của mình thì mình phải làm sao viết cho họ chơi được bằng nhạc cụ của họ,” ông kể.

“Tôi quan niệm âm nhạc là một thứ ngôn ngữ, và tôi thấy rằng chung quanh mình có nhiều người nói ngôn ngữ khác nhau. Mình muốn nói chuyện với nhóm người nào thì phải dùng ngôn ngữ đó mới nói được. Âm nhạc cũng vậy, muốn người khác hiểu nhạc của mình thì phải dùng âm nhạc của chính họ. Do đó, tôi muốn đưa nhạc Việt mình ra thế giới, nhất là với nhạc giao hưởng. Muốn vậy thì mình phải có những tác phẩm nhạc giao hưởng thì người ta mới chịu nhìn tới mình. Chứ ca khúc mình thì người ta đâu có hiểu lời. Nhạc mình chỉ viết mỗi cái giai điệu thôi, nếu đưa dàn nhạc giao hưởng 120 người ngồi đó thì không ai chơi được. Và ‘Symphony Vietnam 1975’ hay ‘Đại Tấu Khúc Việt Nam 1975’ ra đời từ đó,” ông cho hay.

Vậy là không chỉ mày mò sáng tác, ông còn lồng những điệu dân ca của Việt Nam vào trong nhạc của mình. “Họ chơi được và rất là thú. Nhờ vậy nên giờ có nhiều ban nhạc ở Đông Âu, Châu Âu, Úc, Mỹ chơi nhạc Việt Nam. Ví dụ tác phẩm ‘Symphony Vietnam 1975’ tôi viết lịch sử Việt Nam bằng âm nhạc. Người không biết tiếng Việt khi nghe vẫn hiểu được tâm trạng của mình, là những diễn biến xảy ra trong lịch sử Việt Nam,” ông kể.

“Tác phẩm đó được trình diễn ở nhiều nơi. Thí dụ dàn nhạc giao hưởng hoàng gia ở Melbourne, Úc, họ trình diễn vào năm 2005 và tôi được đài phát thanh Úc khen. Họ bảo rằng lần đầu tiên dàn nhạc 150 năm của họ mới chơi nhạc của một người sáng tác ở Việt Nam. Họ hiểu ‘Symphony Vietnam 1975’ là một  câu chuyện có thật, về một con người có thật, và những diễn biến có thật. Rồi viện bảo tàng của Úc có lưu giữ của tôi một bản Symphony này. Họ xin phép lưu giữ để làm tài liệu cho những người muốn khảo cứu,” ông kể tiếp.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (giữa) trao giải thưởng văn học nghệ thuật năm 1970 cho ông Lê Văn Khoa. (Hình: Lê Văn Khoa cung cấp)

3. Ông kể, từ hồi nhỏ ông đã thích nhạc rồi nhưng không có điều kiện học, mọi thứ đều tự học bằng lối học mò, không có thầy, không có bài gì hết. Năm 13-14 tuổi, một lần ông lượm được quyển sách nhạc lý của trường Pháp vứt ra, càng đọc ông càng mê và căn cứ vào đó để học. Trong sách có dạy đàn piano, không có tiền mua đàn, ông tự vẽ phím trên mặt bàn rồi lấy tay đàn theo, và tưởng tượng âm thanh văng vẳng bên tai.

Vài năm sau ông mới có dịp đặt tay lên cây đàn thật. Đó là lần ông vào nhà thờ và “thấy cây đàn cám dỗ quá nên tôi mới đến đàn thử. Khi bấm vô phím ra tiếng thật, làm tôi giật mình, bởi vì ở nhà mình bấm trên bàn gỗ đâu ra tiếng. Tôi mê mẩn ngồi đó đàn cho đến khi có một bàn tay đặt lên vai mình. Giật mình tôi đứng dậy nhưng bị nhấn ngồi xuống,” ông kể.
“Nhanh chóng, người nhấn tôi ngồi xuống qua ngồi bên cây đàn đối diện và ra hiệu cho tôi song tấu cùng cả nửa tiếng đồng hồ. Người song tấu cùng tôi là một người Mỹ, bà là vợ một ông mục sư trong giáo hội, còn tôi là một giáo dân. Sau đó bà hỏi tôi học đàn ở đâu, khi biết tôi tôi tự học nhạc bà rất ngạc nhiên và dặn tôi cứ đến để bà dạy đàn không lấy tiền,” ông kể thêm.

Đến năm 1953, khi 20 tuổi, ông đoạt giải sáng tác nhạc. Cũng trong giai đoạn này ông bắt đầu để ý đến nhiếp ảnh, bởi vì “Tôi ưa thích nghệ thuật, ưa thích tìm tòi, khai phá. Trong vấn đề khai phá, ngoài ảnh theo lối chân phương của mình chụp sao ra vậy, tôi lại biến hóa nó đi, thành ra có nhiều sắc thái lạ lắm,” ông tâm sự.

Chơi về nhiếp ảnh ông chiếm nhiều giải thưởng, ngoài huy chương vàng, bạc, đồng thì hai giải thưởng lớn hơn hết ông đạt được là giải thưởng danh dự, từ năm 1963 đến 1968. Từ năm 1968 ông lập Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam, hội quy tụ những tay nhiếp ảnh trẻ ở cả miền Nam, và mỗi lần đi dự thi quốc tế đều chiếm giải thưởng rất nhiều. Báo chí lúc bấy giờ gọi hội ảnh của ông là “Hội Ảnh Tài Phiệt Huy Chương Quốc Tế.”

Năm 1970 ông dự thi giải văn học nghệ thuật của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cả âm nhạc lẫn nhiếp ảnh và đều đoạt giải. Ông nói: “Lúc đó ông Thiệu ngạc nhiên lắm, và đến nay tôi mới được người ta gửi cho tấm hình ngày xưa lúc ông Thiệu trao giải rồi bắt tay tôi. Tấm hình này chưa có báo chí nào ở hải ngoại dùng, và ngay cả trong sách của tôi cũng chưa có để in.”

Albert, hình chụp năm 2002, trong bộ “Do You See What I See” của Lê Văn Khoa. (Hình: Lê Văn Khoa cung cấp)

4. Cùng với âm nhạc và nhiếp ảnh, mọi người còn biết đến ông với chương trình truyền hình có tên “Thế Giới Của Trẻ Em” trên đài truyền hình Việt Nam 9 vào Tháng Mười, 1967. Chương trình đó ông dạy trẻ em ngoài lễ độ, văn hóa, còn khám phá nhiều cái khác về khoa học, âm nhạc, vệ sinh y tế… Ông khuyến khích các em nhỏ phát triển năng khiếu nghệ thuật bằng cách thi vẽ, thi nắn tượng, kể chuyện phim, đố nát óc… Ông đã để các em tham gia trong chương trình thật tự nhiên, để từ đó trẻ em xem chương trình ở nhà cũng cảm thấy mình là người trong cuộc, cũng có những vấp váp, sơ hở y như các bạn trên màn ảnh nhỏ.

Ông bảo rằng: “Tôi muốn thấy và nghe tiếng cười thơ ngây trên những gương mặt hồn nhiên của các em. Bởi vì, bom đạn đã làm nụ cười của các em không tươi lên được, thì đến với chương trình, các em phải thật sự vui. Thêm vào đó, tôi muốn chia sẻ với các em những gì mình hiểu biết trong hoàn cảnh khó khăn và bất an của xã hội lúc bấy giờ. Và hơn hết, tôi muốn lấp khoảng trống trong các em, vì lúc đó có gia đình, con mất cha, vợ mất chồng vì cuộc chiến.”

Có lẽ, những điều đó cũng để khỏa lấp tâm hồn ông. Bởi vì, ông vốn là đứa con mồ côi mẹ từ năm 11 tuổi, nên ông hiểu được sự thiếu vắng người thân sẽ ảnh hưởng đến trẻ thơ như thế nào.

Cùng thời gian làm chương trình trên truyền hình, công việc chính của ông là trưởng ban biên tập cho nhà xuất bản Thời Triệu, một nhà xuất bản tôn giáo chỉ in sách về giáo dục và tôn giáo, không in tiểu thuyết này kia.

Biến cố 1975 xảy ra, như bao người khác, ông tìm đường đến Mỹ. Người bảo trợ cho ông là một tiến sĩ về thực phẩm cho các trại nuôi thú vật ở Maryland. “Thỉnh thoảng cuối tuần họ tổ chức tiệc ăn uống và mời tôi tham gia. Khi tôi nói chuyện với họ thì họ ngạc nhiên quá. Bởi vì đề cập đến vấn đề gì tôi cũng nói được. Ông tiến sĩ mới nói, anh đâu phải ở chỗ này. Rồi ông tự động viết thư gửi đi các nơi. Nhờ đó trường đại học Salisbury University ở Maryland phỏng vấn và mời tôi dạy nhiếp ảnh,” ông cho biết.

Ông là nhiếp ảnh gia người Việt duy nhất trong cuộc tuyển chọn để triển lãm ảnh do bảo tàng viện nghệ thuật Baltimore ở Maryland thực hiện, lấy tên là “Five From the Eastern Shore.” Cả bốn người kia đều là họa sĩ Mỹ. Hiện bảo tàng viện này còn lưu giữ sáu tác phẩm nhiếp ảnh của ông, và trường đại học Amherst College ở Massachusetts cũng lưu giữ một số ảnh của ông.

Một thời gian sau, ông làm việc cho một cơ quan giúp người Việt Nam mới đến Mỹ ở San Francisco. Tuy nhiên, ông bỏ nơi này vì trong dự án mới để xin tiền, họ nói về người Việt đến Mỹ là do “không biết gì hết và nghèo đói nên cần được hướng dẫn để xin trợ cấp.” Ông lý luận rằng: “Tại sao không nói người Việt Nam có khả năng lớn nhưng cần được giúp đỡ lúc đầu để họ có thể tự túc và đóng góp vào xã hội?” Nhưng nơi ông làm việc nói rằng nếu nói vậy thì không xin tiền được.

Không đồng quan điểm, ông từ nhiệm và đi San Diego để làm thợ in. Sau đó ông hoạt động theo sở trường của mình là âm nhạc và nhiếp ảnh cho đến ngày nay.

Và rồi, như tâm sự của nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã, người đã có 50 năm kề cận ông Lê Văn Khoa: “Tôi là người đi theo anh Khoa quá lâu, thành ra hiểu được những nỗi vui, cũng như rất buồn của anh Khoa. Đối với bề ngoài, anh Khoa nổi tiếng, được mọi người thương, mọi người tôn trọng. Nhưng bên trong, anh là người rất khổ, chứ không phải sung sướng như mọi người tưởng.”

“Anh đã quên tiền bạc để lo cho văn hóa, anh là một chiến sĩ không cầm súng nhưng lúc nào cũng bỏ hết tâm huyết để lo cho đất nước. Thành ra vợ anh cũng không lấy làm vui, mà rất buồn. Tôi có nói với vợ anh, có rất nhiều người thành công, giàu có… và họ đếm được rất nhiều. Nhưng người như anh Khoa thì không đếm được mấy người như anh, nên chị cũng nên hãnh diện và đừng buồn,” ông kể.

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa chia sẻ: “Tôi sống được đến hôm nay là đặc ân hết sức quan trọng của ơn trên. Tôi có bổn phận phải làm sao để làm được cái gì đó, bởi vì khi Trời, Phật cho mình sống được như vậy có nghĩa là có một sứ mạng cho mình. Mình phải tìm hiểu sứ mạng đó là gì và mình có bổn phận phải làm. Tôi nghĩ, một trong những sứ mạng quan trọng đó là làm việc nghệ thuật. Thành ra tôi cố làm sao để phát triển được và giúp đỡ những anh em khác cũng có thể phát triển ở trong lĩnh vực đó. Vì xã hội mình mênh mông lắm, mỗi người một khía cạnh, ráp lại thì thành hình. Còn mình tưởng mình là trùm hết thì không làm được gì hết.”

“Hiện tại tôi còn nhiều sáng tác dang dở, tôi không biết làm sao. Tôi hy vọng rằng mình có thể kết thúc được một phần nào đó những gì còn dang dở trước khi nhắm mắt. Đối với cá nhân tôi, cái khó nhất là tài chính. Nếu không có tài chính thì không làm được gì cả. Tôi sống với tiền lão thì đâu có bao nhiêu, có nhiều cái làm được cũng không làm được. Như tôi mong muốn làm một triển lãm trong thời gian tới…” ông tâm sự.

Có mặt tại buổi sinh nhật, Thị Trưởng Westminster Tạ Đức Trí nói: “Phát triển về nghệ thuật và nhiếp ảnh, cũng là phát triển văn hóa. Dân tộc chúng ta muốn hùng mạnh thì văn hóa phải được phát triển, phải được quảng bá. Giáo Sư Lê Văn Khoa là người đã và đang quảng bá văn hóa nghệ thuật qua hình thức âm nhạc và nhiếp ảnh. Theo thiển nghĩ của tôi, nghệ thuật là cảm xúc của con tim, và nghệ thuật phải hòa vào chân ngã của vũ trụ. Giáo sư là một người cả cuộc đời đã cống hiến cho nghệ thuật. Chính sự cống hiến của ông đã giúp cho văn hóa Việt Nam đã và đang phát triển khắp nơi trên thế giới.”

—–
Liên lạc tác giả: truong.dung@nguoi-viet.com



No comments:

Post a Comment