Thursday, July 7, 2016

HẬU FORMOSA : ĐỂ TẠO ÁP LỰC MẠNH ĐỐI VỚI CHÍNH QUYỀN THÌ CẦN PHẢI LÀM GÌ ? (Kami)





Thu, 07/07/2016 - 11:30 — Kami

Sau khi Chính phủ Việt nam đã công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa môi trường 4 tỉnh Bắc Trung bộ và đại diện tập đoàn Formosa đã thừa nhận và cam kết bồi thường các thiệt hại với mức 500 triệu USD - khoảng 11.000 tỷ VNĐ. Nếu biết rằng mức thống kê thiệt hại ban đầu của riêng một tỉnh Quảng bình đã vào khoảng 4.000 tỷ đồng, thì sẽ thấy mức bồi thường của Formosa quá thấp so với thiệt hại thực tế. Theo tính toán của các nhà khoa học thì, tổng số mức bồi thường của Formosa Hà tĩnh để khắc phục toàn diện các hậu quả tàn phá môi trường biển và thiệt hại về kinh tế có thể lên tới 1.000 tỷ USD.

Bao che và dung túng

Truyền thông quốc tế và Đài loan từ lâu đã vạch rõ thủ đoạn của tập đoàn Formosa áp dụng trong việc đầu tư các nhà máy thép ở các quốc gia khác là, để hạ giá thành sản xuất thì họ dùng biện pháp lách luật ở các quốc gia có đầu tư, trong việc áp dụng công nghệ xử lý chất thải rẻ tiền, nhưng không đảm bảo chất lượng. Việc Formosa Hà tĩnh chỉ đầu tư 450 triệu USD cho hệ thống xử lý chất thải ở nhà máy thép Vũng Áng, thay vì đáng lẽ phải đầu tư từ 2 -3 tỷ USD cho một hệ thống xử lý đảm bảo chất lượng đã cho thấy điều đó. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Văn Lâm, thủ phủ của Formosa ở Đài loan số người bị chết do ung thư là rất cao. Đây là nguyên nhân khiến Formosa đã bị dân chúng Đài loan đã tẩy chay và đuổi ra khỏi đảo quốc này. Tuy vậy các nhà lãnh đạo Việt nam đã bất chấp hậu quả, thậm chí Bộ Khoa học và công nghệ đã thừa nhận không được thẩm định việc thiết kế xây dựng nhà máy Formosa ở Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Trước các diễn biến trong việc tiến hành xử lý các sai phạm của Formosa Hà tĩnh, có nhiều dấu hiệu cho thấy nhà nước Việt nam đang lưỡng lự, bởi có quá nhiều các yếu tố cho thấy có việc quan chức các cấp đã nhận tiền để giúp đỡ, hay nhân nhượng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Formosa Hà tĩnh vi phạm pháp luật và dẫn đến thảm họa môi trường lần này. Đó là các sự ưu ái quá mức bình thường và bất chấp quy định, đã cho thấy quyền lợi của số đông quan chức đã gắn chặt với quyền lợi của Formosa Hà tĩnh. Điều đó cho thấy lãnh đạo nhà nước đang đứng chung chiến tuyến với kẻ thủ phạm và có thể sẵn sàng đi ngược với quyền lợi của toàn thể nhân dân trong vụ việc này. Rõ nhất là việc Chính phủ Việt Nam đã vội vã chấp nhận lời xin lỗi và đồng ý nhận số tiền 500 triệu USD từ thủ phạm trong khi chưa điều tra, thống kê đầy đủ các thiệt hại, rõ ràng đây là một sự vội vàng rất đáng ngờ. Không chỉ thế, họ còn cho rằng đang cân nhắc việc đưa vụ án ra khởi tố hay không, thậm chí còn kêu gọi nhân dân có thái độ khoan hồng đối với Formosa. Đây là điều không thể chấp nhận được. 

Chỉ cần thấy, việc nhà máy thép của Formosa Hà tĩnh chỉ mới chạy để sản xuất thử lần đầu mà đã gây ra một thảm họa nghiêm trọng như thế, vậy thì khi toàn bộ tổ hợp công nghiệp Formosa chính thức đi vào hoạt động thì nó sẽ gây ra hậu quả ghê gớm đến mức độ nào? Vì thế vệc buộc Formosa Hà tĩnh phải ngừng hoạt động và tiến tới phải đóng cửa là biện pháp duy nhất, nếu không muốn ảnh hưởng đến sự tồn vong của giống nòi. Trong việc này, áp lực mạnh mẽ nhất của dân chúng đối với nhà nước sẽ là giải pháp duy nhất.

Những điều về biểu tình nên biết

Biểu tình là hành động của người dân để bày tỏ chính kiến của mình, về các chính sách hoặc các vấn đề mà họ quan tâm. Thông qua việc tổ chức biểu tình của một số đông người, sẽ tạo áp lực cần thiết nào đó, để buộc chính quyền hoặc một tổ chức phải giải quyết các yêu sách. Đây là quyền hợp pháp của công dân và được hiến định trong hiến pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Do vậy, một hay nhiều cá nhân, hoặc nhiều nhóm cá nhân cùng quan tâm chung một vấn đề, đều có thể tiến hành tổ chức biểu tình bất kỳ lúc nào, ở đâu để đòi hỏi. 

Sự thắng lợi của các cuộc biểu tình phụ thuộc rất nhiều vào: sự tổ chức có bài bản; số lượng người tham gia; sự lựa chọn địa điểm biểu tình khi nào, ở đâu; dưới hình thức nào (tuần hành, tọa kháng...); và quan trọng nhất là điều kiện tài chính. Để có thể đảm bảo phục vụ cho người tham gia biểu tình, như: phục vụ ăn uống miễn phí; các điểm WC công cộng, nơi tắm rửa; lán trại ngủ qua đêm; thậm chí còn trả tiền cho người tham gia biểu tình. Đây là điều nên hiểu là điều bình thường, trong khuôn khổ luật pháp không cấm chẳng có gì là xấu xa như nhiều người nghĩ.

Ở các  quốc gia dân chủ thì việc tổ chức các cuộc biểu tình là một vũ khí chính trị của các đảng đối lập, nhằm gây áp lực lên chính phủ với mục đích tạo sức ép nặng nhất nhằm buộc chính phủ phải thay đổi chính sách. Nếu áp lực của các cuộc biểu tình quá lớn, thì có khả năng buộc một chính phủ phải chấp nhận từ chức, hoặc tuyên bố giải tán Quốc hội để tổ chức lại tổng tuyển cử. Còn ở các quốc gia độc tài, phi dân chủ thì biểu tình thường được các tổ chức sử dụng làm hình thức đấu tranh bất bạo động. Thông qua việc tận dụng sự bức xúc của một số lượng lớn người dân về một vấn đề xã hội nào đó, đến một thời điểm chín mùi thì các tổ chức hay cá nhân có uy tín sẽ khởi động các cuộc biểu tình để tạo ra các áp lực càng lớn càng tốt để buộc chính quyền nhanh chóng giải quyết các yêu sách. Thậm chí có khả năng lật đổ chính quyền.

Chính vì thế, ở một số quốc gia khôn ngoan trên thế giới, nhà nước đã quy định việc biểu tình phải tiến hành ở các địa điểm cho phép, như ở công viên, sân vận động... Vì họ sợ các cuộc biểu tình ở quy mô lớn khi trấn giữ các tụ điểm đông người, các ngã 5, ngã 6 trên trục giao thông huyết mạch trong thành phố sẽ dẫn đến ùn tắc giao thông. Từ đó sẽ dẫn đến các xáo trộn, đảo lộn các sinh hoạt bình thường hàng ngày của người dân là điều  sẽ khiến dư luận xã hội bức xúc và phẫn nộ, buộc chính quyền phải nhanh chóng giải quyết các đòi hỏi và các yêu sách mà người biểu. Đây là vấn đề mấu chốt của sự thành công mà các cuộc biểu tình cần phải đạt được.

Các cuộc biểu tình tiến hành với mục đích nhằm gây áp lực đối với chính quyền, thì việc xảy ra xung đột giữa lực lượng cảnh sát chống biểu tình và đám đông người biểu tình là điều khó có thể tránh khỏi và cũng là điều hết sức cần thiết. Nhờ đó sẽ khiến cuộc biểu tình sẽ diễn biến kịch tính hơn, để tạo ra các bước ngoặt với hướng có lợi cho phe biểu tình. Vì đổi lại, việc đàn áp của chính quyền càng khốc liệt bao nhiêu (có người tử vong thì càng tốt) thì phe biểu tình càng tỏ ra có chính nghĩa hơn và càng nhận được sự ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế. Vì thế những người tham gia biểu tình cần phải ý thức được điều này, để chuẩn bị tinh thần trước.

Biểu tình ở Việt nam.

Một cuộc biểu tình thành công là khi các yêu sách của người biểu tình được chính quyền chấp nhận toàn bộ, hoặc một phần và cam kết sẽ giải quyết. Vì thế các cuộc biểu tình muốn thành công cần phải được xem xét, tính toán một cách hết sức kỹ lưỡng để đạt được kết quả cao nhất, đồng thời tránh những thiệt hại không đáng có cho người tham gia biểu tình.

Ở Việt nam, các tổ chức hay cá nhân kêu gọi biểu đa phần là ẩn danh, do vậy bất kẻ ai cũng có thể ra lời kêu gọi xuống đường biểu tình trên mạng xã hội. Vì thế, các cuộc biểu tình khi bị trấn áp, người biểu tình bị thiệt hại về sức khỏe cũng như tiền bạc, thì không có cá nhân hay tổ chức nào chịu trách nhiệm và đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ. Có lẽ vì thế, nên các cuộc biểu tình do các tổ chức hay cá nhân phát động ở Việt nam nhận được sự ủng hộ rất ít từ người dân, chưa kể đến mục đích của các cuộc xuống đường chưa thực sự thiết thực, người tổ chức chưa đủ uy tín phải có. Các cuộc biểu tình, mang nặng tính hình thức, lặp đi lặp lại nhàm chán, với các khuôn mặt quen thuộc và diễn ra thường quá chóng vánh buổi sáng của ngày Chủ nhật. Vậy các cuộc biểu tình đã thu được kết quả gì là câu hỏi cần được trả lời nghiêm túc? Hay là vô tình cái đó đã trở thành vật trang trí cho chế độ độc tài ở Việt nam.

Việc chọn thời điểm tổ chức biểu tình vào ngày Chủ nhật với phương thức tuần hành là điều cực kỳ sai lầm. Vì họ mới chỉ nghĩ rằng việc tuần hành để phô diễn và có tác dụng lôi kéo. Đây là điều buộc phải có, nhưng chỉ nên coi là khúc dạo đầu cho một cuộc biểu tình ngồi (tọa kháng) tại các nút giao thông yết hầu, sẽ là địa điểm mà những người biểu tình sẽ tập hợp để biểu thị ý chí của mình. Cũng như việc buổi sáng ngày Chủ nhật là thời gian bất lợi nhất để tổ chức một cuộc biểu tình. Đây là một buổi vắng vẻ nhất trong tuần, khi mà mọi người đều còn trên giường ngủ vì thế thông điệp của người biểu tình sẽ đến được với công chúng ít hơn. Và đây là ngày nghỉ mọi người không đi làm, thì chính quyền có thể dễ dàng dựng rào thép gai, chặn đường, phá sóng điện thoại mà không sợ sự phản đối của người dân. Quan trọng hơn họ có thể sử dụng những hành vi bạo lực dễ dàng hơn vì sẽ có ít người chứng kiến, đặc biệt là giới báo chí.

Tóm lại các cuộc biểu tình ở Việt nam vừa qua, không đạt được mục đích cần phải có cho mỗi cuộc biểu tình phải là: phải tạo ra các xáo trộn, đảo lộn các sinh hoạt bình thường hàng ngày của người dân, có như thế mới tạo ra được sức ép lên nhà nước. Tiếc rằng các cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi cũng như người tham gia biểu tình chưa ý thức được điều này. Mà hiện nay, những người tham gia biểu tình chỉ nghĩ việc biểu tình để thể hiện chính kiến của mình. 

Vì thế việc biểu tình vừa qua không làm cho cho chính quyền phải lo ngại quá mức, cho dù chính quyền nào thì cũng rất sợ các cuộc biểu tình (đúng nghĩa). Việc chính quyền sử dụng lực lượng tham gia trấn áp các cuộc biểu tình chỉ là, nhân viên công ty TNXP hay dân quân tự vệ... sẽ thấy rằng họ chỉ muốn răn đe. Chỉ khi nào các cuộc biểu tình ở Việt nam đạt tới mức, chính quyền phải sử dụng tới lực lượng cảnh sát chống bạo loạn; quân đội với các thiết bị chống biểu tình, như xe chữa phun vòi rồng, thậm chí là xe thiết giáp. Có như thế mới dủ tầm cỡ và khiến cho nhà cầm quyền lo sợ. Đến khi ấy thì hãy hô hào một cuộc "Cách mạng Cá".

Cần làm gì để tạo áp lực mạnh đối với chính quyền?

Điều quan trọng nhất hiện nay là , việc biểu thị thái độ cũng như ý chí của người dân cần được tập hợp nhằm tạo áp lực cần thiết đối với chính quyền buộc họ phải khắc phục sự cố môi trường biển một cách nhanh nhất cũng như xử lý thủ phạm Formosa Hà tĩnh theo đúng luật pháp và cần thiết thì phải đóng cửa nhà máy này.

Chính vì thế, tổ chức các cuộc biểu tình dưới hình thức tọa kháng với số lượng người tham gia đông đảo, kéo dài nhiều ngày tọa kháng tại các nút giao thông quan trọng cần được diễn ra trên khắp các thành phố lớn trong cả nước. Vì thế tới đây, người dân ở các địa phương thì trấn giữ các nút giao thông huyết mạch và đầu mối, đặc biệt là trục quốc lộ 1A. Đây là điều hết sức quan trọng, cần phải tiến hành, kết hợp với việc bãi khóa, bãi thị trên toàn quốc. Đây là biện pháp duy nhất mà dân chúng có thể tham gia để có thể buộc nhà cầm quyền phải chấp nhận các yêu sách và đòi hỏi, để tiến tới xử lý nghiêm túc, đúng luật pháp Việt nam đối với Formosa Hà tĩnh.

Tuy nhiên, đây là một thách thức và có thể là quá sức đối với các tổ chức XHDS ở Việt nam hiện nay, khi mà họ chưa có các tổ chức đủ mạnh, các thành viên còn thiếu hiểu biết và kinh nghiệm trong việc đấu tranh bất bạo động. Và quan trọng là các cá nhân và tổ chức này chưa đủ uy tín và không được dân chúng ủng hộ. Điều này có lẽ phải trông chờ ở các tổ chức của Giáo hội Thiên Chúa giáo đang chiếm ưu thế tại 4 tỉnh miền Trung, đặc biệt là Giáo phận Vinh. Đã đến lúc các nhóm hay cá nhân các nhân sĩ trí thức có uy tín ở trong nước, cần nhận rõ trách nhiệm của mình để đứng ra đảm trách việc dẫn dắt người dân bằng nhiều hình thức, trong việc tạo áp lực mạnh mẽ đối với nhà nước, buộc họ phải giải quyết hậu quả thảm họa môi trường do Formosa Hà tĩnh gây ra theo đúng pháp luật, kể cả các quan chức có liên quan.

Nếu hiểu chính trị là những vấn đề xoay quanh việc giành và giữ quyền lực nhà nước giữa các nhóm cá nhân khác nhau, thì vấn đề giải quyết hậu quả thảm họa môi trường do Formosa Hà tĩnh không được chính trị hóa. Nghĩa là việc tạo áp lực buộc nhà nước giải quyết nghiêm túc vấn đề Formosa hoàn toàn không liên quan đến việc lật đổ chính quyền. Vì thế các tổ chức và cá nhân không nên lợi dụng vấn đề này để biến các cuộc biểu tình mang màu sắc của một cuộc "Cách mạng Cá". Vì hiện nay các yếu tố Thiên, Địa, Nhân chưa đầy đủ để họ có thể tiến hành những việc đó. Nói như vậy là vì, việc hô hào một cuộc "Cách mạng Cá" nếu không đúng thời điểm thích hợp, sẽ vô tình tạo điều kiện cho chính quyền lấy cớ thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa với những đòi hỏi mang tính xã hội cấp bách của dân chúng. 

Kết

Các chuyên gia đều thấy rằng, hệ thống pháp luật của Việt nam hiện nay có đủ điều kiện xử lý vụ án Formosa Hà tĩnh một cách nghiêm túc, tuy nhiên khả năng này không cao vì sự bao che từ phía chính quyền. Mà việc họ phải mất thời gian tới gần 3 tháng để mặc cả xong với Formosa Hà Tĩnh, cho đến lúc thì phía nhà nước mới dám chính thức công bố nguyên nhân và thủ phạm của sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung. Hơn nữa, lâu nay Đảng CSVN luôn luôn bảo thủ và không bao giờ thừa nhận các sai trái của họ, để có các biện pháp khắc phục hậu quả một cách nghiêm túc đúng pháp luật.

Chính vì thế, mỗi người dân Việt nam trong lúc này cần phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước, chứ không thể thờ ơ mãi để giao vận mệnh của mình, của con cháu mình cho một hệ thống quan chức gian, tham. Chỉ coi tiền bạc là trên hết, bất chấp sự tồn vong của dân tộc cũng như đất nước. Chỉ có các áp lực mạnh mẽ nhất của người dân mới có thể buộc chính quyền hiện nay thực thi luật pháp một cách nghiêm túc nhất, nếu không mọi vấn đề liên quan đến thảm họa môi trường lần này sẽ chìm xuống và Formosa Hà tĩnh sẽ trở lại hoạt động trong một ngày không xa.

Mỗi chúng ta hãy làm mọi thứ có thể để thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân đối với đất nước. Trong thảm họa về môi trường và bệnh ung thư không có sự lựa chọn, hay ưu ái cho những ai khôn ngoan. Dù có tiền thì bạn cũng khó có thể tránh khỏi. Khi mà tỷ lệ người bị nhiễm bệnh ung thư ở Việt nam hiện nay đang ở mức đầu bảng, sau thảm họa môi trường do Hormosa Hà tĩnh gây ra chắc chắn đất nước chúng ta sẽ giữ vị trí quán quân. Và nạn nhân sẽ là tất cả mỗi chúng ta

Thảm họa ô nhiêm biển nghiêm trọng chưa từng thấy xảy ra ở miền Trung lần này, cần được coi là bài học không chỉ đối với chính quyền cũng như người dân Việt nam, mà còn phải là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt nam, yêu cầu họ phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường và phải hiểu rằng Việt nam không phải bãi chứa rác thải của họ.

Ngày 08/07/2015

 © Kami

 * Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.





No comments:

Post a Comment