Monday, June 6, 2016

VẤN ĐỀ “HÒA GIẢI” GIỮA VIỆT NAM & MỸ QUA TRƯỜNG HỢP BOB KEREY (FB Trương Nhân Tuấn)






Vấn đề « hòa giải » giữa VN và Mỹ bắt đầu được bàn luận, qua trường hợp Bob Kerrey, nhưng chỉ mới đơn thuần trên vấn đề « đạo đức ». Mà thực ra vấn đề pháp lý mới đóng vai trò trung tâm.

Chiến tranh Việt Nam đến nay vẫn còn tranh cãi về « cái tên ». Tức là phương diện « pháp lý » (jus ad bellum – jus in bello) vẫn còn nhiều điều phức tạp, chưa ngả ngũ.

Đối với phía Hoa Kỳ, chiến tranh VN là một cuộc chiến « quốc tế ». Hai bên VNDCCH và VNCH là hai « quốc gia » đúng nghĩa. Trên tinh thần này, Hoa Kỳ sử dụng quyền « tự vệ tập thể chính đáng » của quốc gia VNCH. Bởi vì VNDCCH đã « xâm lăng » VNCH. Đồng thời, hiện nay ai cũng biết, thực thể MTGPMN chỉ là cách tay nối dài của miền Bắc. Toàn thể nhân sự lãnh đạo MTGPMN đều nằm trong đảng CSVN.

Trên tinh thần này Bob Kerrey là « thủ phạm » của vụ thảm sát Thạnh Phong (Bến Tre), nhưng Bob Kerrey chỉ chịu trách nhiệm hình sự trước pháp quyền của VNCH mà thôi. VNDCCH là « quốc gia khác », không có thẩm quyền đối với những người dân miền Nam (kể cả « quyền » về « đạo đức »).

Cuối cùng Hoa Kỳ rút quân, theo tinh thần của Hiệp định Paris 1973.

Theo Hiệp định này Hoa Kỳ nhìn nhận nội dung Hiệp định Genève 1954. Theo đó chỉ có « một nước VN duy nhứt, thống nhứt ba miền ». Tức là, theo quan điểm này thì Hoa Kỳ thua cuộc chiến tranh, phải nhìn nhận VN là một quốc gia duy nhứt.

Dầu vậy, đứng trên quan điểm này, các vụ thảm sát Mỹ Lai hay Thạnh Phong, phía có thẩm quyền về dân chúng và lãnh thổ vẫn là VNCH. Nước VN (duy nhứt đó) có hai thực thể chính trị : VNDCCH và VNCH, lần lượt là hai thực thể chính trị được sinh ra (quốc tế nhìn nhận) từ Hiệp định Genève 1954.

VN hôm nay đã được thống nhứt, nhưng nước CHXHCNVN vẫn chưa « kế thừa » các di sản của VNCH, vì vậy khó có thể lên tiếng đòi hỏi những vấn đề (pháp lý) liên quan đến VNCH trước kia.

Mặt khác, một điều ước của hiệp định 1973 qui định rằng dân tộc miền Nam giữ được quyền « dân tộc tự quyết » để quyết định chế độ chính trị.

Nhiều nhà luật học cho rằng tinh thần của điều ước này khẳng định VNCH là một « quốc gia ». Vì chỉ trong một « quốc gia » dân tộc mới có « quyền » về « tự quyết ».

Tức là, quan điểm luật học (jus ad bellum – jus in bello), Hoa Kỳ vẫn đúng (khi can thiệp vũ lực vào VN).

Vấn đề đặt ra là chúng ta có chấp nhận vai trò của Bob Kerry (một « tội phạm » trong chiến tranh), điều khiển trường Đại học Fulbright (FUV) hay không ?

Theo thiển ý của tôi, mặc dầu đây là một trường hợp « đạo đức » hết sức tế nhị, nhưng vai trò của Bob Kerrey chỉ « đóng khung » ở phương diện « kinh tài » cho trường, chớ không liên quan đến việc « giáo dục ». Mà ta thấy quá trình « hàn gắn vết thuơng chiến tranh » của ông này, bằng các phương tiện vật chất, hay với những nỗ lực thường xuyên của cá nhân ông này nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ. Theo tôi đó là lời xin lỗi chân thành và cụ thể nhứt.

Ta có thể đòi hỏi gì ở Bob Kerrey để VN có lợi hơn ? Vấn đề pháp lý (đã nói trên) sẽ rào bọc khiến VN khó có thể làm một cái gì đó đối với ông này.

Theo tôi, một người khác, không phải Bob Kerrey, lên nắm FUV, chưa chắc trường này có đủ tài chánh dồi dào để có thể mời những giáo sư danh tiếng, để có thể bảo đảm «chất lượng» cho những sinh viên đào tạo sau này.


--------------------

XEM THÊM :












No comments:

Post a Comment