Monday, June 6, 2016

TRƯỜNG FULBRIGHT VIỆT NAM & VẤN ĐỀ KÝ ỨC CHIẾN TRANH (Nguyễn Hưng Quốc)





06.06.2016

Sinh năm 1943, ông Bob Kerrey là một chính khách khá lớn của Mỹ. Ông từng là Thống đốc tiểu bang Nebraska (1983-1987), Thượng nghị sĩ (1989-2001) và là ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 1992. Lúc còn trẻ, đi lính, ông được điều sang Việt Nam. Vào đầu năm 1969, đơn vị của ông gây ra một vụ thảm sát đầy tai tiếng tại làng Thạnh Phong, Bến Tre.

Mấy ngày vừa qua, ở trong nước, trên báo chí chính thống cũng như trên các diễn đàn mạng, người ta bàn tán sôi nổi về việc ông Bob Kerrey được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Quản trị trường đại học quốc tế Fulbright Việt Nam mới được chính thức cấp giấy phép thành lập tại Sài Gòn.

Trường đại học Fulbright Việt Nam là trường đại học tự trị, phi lợi nhuận và theo mô bình giáo dục của Mỹ đầu tiên được thành lập tại Việt Nam.

Trong buổi nói chuyện tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào ngày 24 tháng 5 vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã xem sự xuất hiện của trường ấy như một dấu son trong tiến trình hoà giải và hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ. Nhiều trí thức Việt Nam chào đón sự ra đời của trường học ấy như một bước ngoặt trong nỗ lực hiện đại hoá ngành giáo dục đại học tại Việt Nam. Người ta hy vọng, với nó, một tầng lớp trí thức mới sẽ được đào tạo một cách bài bản để có thể giúp việc xây dựng đất nước.

Tuy nhiên, mừng thì mừng, nhiều người vẫn áy náy, thậm chí, giận dữ về việc ông Bob Kerrey được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Sinh năm 1943, ông Bob Kerrey là một chính khách khá lớn của Mỹ. Ông từng là Thống đốc tiểu bang Nebraska (1983-1987), Thượng nghị sĩ (1989-2001) và là ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 1992. Lúc còn trẻ, đi lính, ông được điều sang Việt Nam. Vào đầu năm 1969, đơn vị của ông gây ra một vụ thảm sát đầy tai tiếng tại làng Thạnh Phong, Bến Tre, ở đó, có 24 người, bao gồm 14 phụ nữ, trẻ em và người già, bị giết chết. Theo lời ông Kerrey, mặc dù ông không trực tiếp giết một ai, nhưng cuộc thảm sát do đơn vị của ông gây ra, cũng để lại trong lòng ông một vết thương và một mặc cảm tội lỗi không nguôi day dứt. Ông luôn luôn tìm mọi cách để chuộc lại lỗi lầm ấy. Trong nhiều vai trò khác nhau trong bộ máy chính trị của Mỹ, ông luôn luôn tìm cách thúc đẩy tiến trình hoà giải giữa hai dân tộc, luôn luôn tìm cách giúp đỡ Việt Nam, đặc biệt về phương diện giáo dục, trong đó có việc thành lập trường đại học quốc tế Fulbright Việt Nam.

Sự hối cải và nhiệt tình của Bob Kerrey vẫn không đủ làm cho một số người Việt Nam hài lòng. Họ vẫn nhớ đến bàn tay vấy máu của ông. Họ vẫn cho việc ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị đại học Fulbright Việt Nam là một tín hiệu không tốt: Nó gợi nhớ đến chiến tranh và những tội ác của chiến tranh cũng như nó chạm vào vết thương chưa lành hẳn của nhiều người.

Một số người khác cho cách nhìn ấy, tuy chính xác, nhưng nặng về cảm tính. Họ cho trong thời điểm hiện nay, điều Việt Nam cần làm là quên đi những vết thương của chiến tranh, cùng nhìn về tương lai để cùng nhau cộng tác xây dựng đất nước cũng như thúc đẩy tiến trình hội nhập của Việt Nam vào sân chơi lớn của thế giới.

Tôi đồng ý với quan niệm sau, của những người muốn quên thù hận. Nhưng tôi cũng đồng cảm với những người vẫn còn loay hoay với quá khứ. Tuy nhiên, trong bài này, tôi không muốn tham gia vào cuộc tranh luận ấy. Tôi muốn nhân cơ hội này bàn mốt chút về ý nghĩa của ký ức, đặc biệt về ký ức chiến tranh.

Để nhận diện đặc điểm nổi bật nhất của loài người, trước, thời Phục Hưng và Khai Sáng, người ta chú ý đến lý trí (kiểu “tôi tư duy vậy tôi hiện hữu” của Descartes hay “con người là cây sậy biết tư duy” của Pascal); đầu thế kỷ 20, với Phân tâm học, người ta chú ý đến tiềm thức và vô thức; từ vài thập niên trở lại đây, người ta chú ý đến vai trò của ký ức với câu nói nổi tiếng: “Chúng ta là những gì chúng ta nhớ”.

Chính ký ức tạo nên ý niệm về bản sắc của cá nhân cũng như của tập thể: Những gì chúng ta nhớ mang lại ý nghĩa cho những gì chúng ta làm, chúng ta thấy, chúng ta nghe, từ đó, góp phần trả lời câu hỏi ta là ai. Ký ức cũng nối liền từng người lại với nhau, tạo thành một cộng đồng, hay rộng hơn, một quốc gia: Đó là một tập thể những người chia sẻ với nhau một số những ký ức chung về nguồn cội cũng như về lịch sử, kể cả lịch sử đương đại.

Liên quan đến chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến đã kết thúc hơn 41 năm, ký ức vẫn tiếp tục tồn tại trong nhiều người, thuộc nhiều thế hệ và thuộc nhiều chỗ đứng khác nhau. Những người lưu vong, hiện sống ở hải ngoại, xa lắc Việt Nam, vẫn không nguôi trăn trở với những ký ức về chiến tranh, đặc biệt về trận Mậu Thân cũng như tháng 4, 1975 và những tháng ngày sau đó, với các trại cải tạo và những cuộc vượt biển đầy nguy hiểm. Những người ở miền Bắc vẫn không quên những chuyến vượt Trường Sơn và những trận mưa bom dữ dội của Mỹ ngay tại Hà Nội. Mọi người vẫn nhớ và những cái nhớ ấy vẫn tiếp tục chi phối cách suy nghĩ cũng như cách hành xử của họ.

Với những người ngoại quốc từng tham gia vào chiến tranh Việt Nam, ký ức ấy vẫn còn nóng hổi.

Tại trường Đại học Victoria, trong ngành Việt học, ngoài các lớp về ngôn ngữ, văn chương và văn hoá Việt Nam, tôi còn có một lớp về chiến tranh Việt Nam, tập trung chủ yếu vào khía cạnh văn hoá và ký ức chiến tranh (Many Vietnams: War Culture and Memory). Thường, mỗi năm, tôi mời một cựu chiến binh của Úc đến trình bày kỷ niệm và kinh nghiệm của họ. Nhớ nhất là cuộc nói chuyện của nhà văn Barry Heard. Ông vừa nói vừa khóc. Sinh viên của tôi vừa nghe vừa khóc. Cuối buổi học, mắt ai nấy đều đỏ hoe.

Barry Heard kể ông vào lính lúc mới vừa học xong trung học. Sau mấy tháng huấn luyện quân sự, ông được đưa đến Việt Nam. Sau mấy ngày nghỉ ngơi tại Vũng Tàu, đơn vị của ông được máy bay thả xuống một khu rừng rậm với một chỉ thị: Bắn bất cứ người nào họ gặp. Không bao lâu sau, họ gặp người thật. Họ được lệnh khai hoả. Khi tiếng súng ngưng, họ chạy đến xem. Thấy đó là một đoàn bộ đội, có cả phụ nữ.  Lần đầu tiên nhìn người chết, nhất là những người đó chết vì những viên đạn do mình bắn ra, cả đơn vị, gồm những thanh niên vừa mới lớn, oà lên khóc nức nở. Có người còn ói mửa liên tục. Nhưng rồi, họ cũng tiếp tục đi hành quân và tiếp tục bắn giết.

Khi trở lại Úc, Heard cứ bị ám ảnh mãi bởi những hình ảnh những xác chết trong rừng rậm ấy. Ông bị khủng hoảng tâm thần đến độ nhiều lần phải vào nhà thương điên. Sau, các bác sĩ khuyên ông hãy viết tất cả những gì ông từng trải nghiệm trong chiến tranh Việt Nam lên trang giấy. Nghe lời, ông viết cả mấy cuốn hồi ký. Tất cả đều bán chạy và từ đó, ông trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng nhất về đề tài chiến tranh Việt Nam tại Úc.

Cuối buổi học, tôi hỏi ông bây giờ đã thấy thanh thản hẳn chưa. Ông đáp: Chưa. Ông vẫn bị ám ảnh về những xác chết trong rừng rậm. Thỉnh thoảng ông vẫn bị những cơn trầm cảm. Ông vẫn phải uống thuốc an thần. Ông lấy một phần tiền từ nhuận bút các cuốn sách ông viết để thành lập một quỹ học bổng giúp các học sinh và sinh viên Việt Nam nhưng ông vẫn không dám về Việt Nam. Tôi hỏi tại sao. Ông đáp: Vì sợ. Ông sợ sẽ không chịu đựng nổi khi nhìn lại khung cảnh Việt Nam. Vừa nói ông vừa ứa nước mắt.

Tôi cũng có một người bạn vốn là hoạ sĩ tại Úc. Anh cũng từng tham chiến tại Việt Nam. Anh kể một lần đụng trận; anh nhắm mắt xả súng về phía trước. Khi trận chiến chấm dứt, anh thấy trước mắt mình xác một thanh niên còn trẻ măng. Trên cổ người thanh niên ấy có một sợi dây chuyền với hình Quan Thế Âm. Anh vừa khóc vừa gỡ sợi dây chuyền ấy. Bây giờ, gần nửa thế kỷ sau, anh vẫn còn đeo sợi dây chuyền ấy trên cổ. Một lần, kể lại câu chuyện ấy với chúng tôi, anh vẫn khóc. Những ký ức về cuộc chiến tranh xa xôi về cả không gian lẫn thời gian ấy vẫn còn sống mãi và vẫn còn khiến anh đau đớn.

Tôi nghĩ Bob Kerrey cũng là một người như thế. Cũng không thoát được những ký ức về chiến tranh Việt Nam. Và cũng muốn làm một điều gì đó cho Việt Nam.

-------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.






No comments:

Post a Comment