Wednesday, June 29, 2016

NẮN LƯNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
Tuesday, June 28, 2016 7:06:10 PM

Trong lúc ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc Vụ Viện của Cộng Sản Trung Quốc, tới Việt Nam, thì báo Nhân Dân ở Bắc Kinh cho độc giả coi một cảnh đánh đòn rất ngoạn mục. Những nạn nhân chịu đòn là nhân viên của Ngân Hàng Nông Thôn Thương Nghiệp thành phố Trường Trị (长治), một trung tâm thương mại thuộc tỉnh Sơn Tây. Người đứng ra đánh là một vị thanh tra từ trên xuống, đóng vai cố vấn cho ngân hàng. Ðoạn phim video chụp bằng máy điện thoại di động cho thấy cảnh ông thanh tra la mắng các nhân viên ngân hàng làm ăn không ra gì cả, ông quát tháo ra lệnh họ từ nay phải thành khẩn thay đổi, rồi ông cầm roi đánh, y như thầy giáo trừng phạt đám học trò lười và dốt!

Ðoạn video này có vẻ kỳ lạ. Tờ nhật báo chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã “vạch áo cho người xem lưng,” cho thiên hạ chứng kiến hệ thống tài chánh, ngân hàng một nước giàu hạng nhì thế giới vẫn làm việc theo theo lối... thời tiền sử!

Dân Hà Nội quen kể chuyện tiếu lâm đã đặt câu hỏi rằng, có phải ông Dương Khiết Trì muốn nhờ Nhân Dân Nhật Báo gửi một thông điệp răn đe cho ông Nguyễn Phú Trọng và các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam hay không? Ðấy chỉ là câu hỏi đang truyền ngoài đường phố Hà Nội. Gần đây các du khách đều công nhận đi taxi ở xứ Ngàn Năm Văn Vật được nghe các ông tài xế chửi đảng và nhà nước thả giàn; còn ở Sài Gòn thì chỉ được nghe các bác tài nói chuyện cá độ giải Euro rồi nghe họ than thở bị Uber cạnh tranh!

Ðọc bản tin chính thức của nhà nước Cộng Sản thì chúng ta không thấy Dương Khiết Trì đe dọa câu nào cả. Cuộc họp của ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc vẫn nói những lời sáo mép giống hệt như năm ngoái, năm kia: Quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển tích cực, mặc dù còn tồn tại một số vấn đề cần giải quyết; hai bên trao đổi những vấn đề quan trọng, hứa không hành động khiến tình hình phức tạp thêm; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế như DOC và COC, vân vân. Ngon lành!

Nếu chỉ cần lập lại những công thức cũ rích này thì tại sao ông Dương Khiết Trì phải quá bộ “du Giang Nam” một chuyến như vậy? Những chuyện lặt vặt như đem cho 129 triệu đô la Mỹ để xây Cung Văn Hóa Hữu Nghị Việt -Trung tại Hà Nội; việc mở Lãnh Sự Quán Trung Quốc tại Ðà Nẵng, cấp đại sứ cũng làm được rồi, đâu cần đến một ủy viên Quốc Vụ Viện?

Cho nên, chỉ trong hậu trường người ta mới biết lý do thực sự của chuyến đi Dương Khiết Trì. Trong hậu trường, Dương Khiết Trì phải nói đến vụ Tòa Trọng Tài Thường Trực quốc tế ở Den Haag (The Hague), nay mai sắp công bố bản phán quyết chắc chắn bất lợi cho Bắc Kinh. Tòa Trọng Tài Thường Trực xử vụ Philippines kiện Trung Cộng, chắc sẽ bác bỏ quyền của Trung Quốc làm chủ vùng Ðường Lưỡi Bò, còn gọi là vùng Chữ U. Từ cả năm nay, Bắc Kinh đã báo trước sẽ không công nhận thẩm quyền của Tòa Trọng Tài về vấn đề này, và họ tuyên bố đã có có ít nhất 47 quốc gia đã ủng hộ lập trường của họ.

Liệu ông Dương Khiết Trì có tới Hà Nội để yêu cầu Nguyễn Phú Trọng đưa tên Việt Nam vào làm nước thứ 48, sau nước Gambia ở Châu Phi, hay không?

Có thể thấy mục đích chuyến đi Dương Khiết Trì là để nắn lưng Nguyễn Phú Trọng coi cứng hay mềm! Cứng hơn, hay mềm hơn năm ngoái, khi còn đang đấm đá nội bộ chưa xong, cần thiên triều nâng đỡ!

Nhưng chắc Dương Khiết Trì không ngu dại đòi Nguyễn Phú Trọng phải trâng tráo ủng hộ lập trường của Bắc Kinh, là không công nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực. Ðòi như thế chẳng khác gì đòi người ta đào mả bố người ta lên.

Nhưng dân Hà Nội chắc đã đoán trúng mục đích chuyến thăm viếng của Dương Khiết Trì: Dọa!

Một điều mà Dương Khiết Trì có thể yêu cầu là sau khi có bản phán quyết, Cộng Sản Việt Nam cứ ngậm miệng không nói năng gì cả! Như vậy cũng đủ chứng tỏ lòng trung thành với đồng chí anh em 16 chữ vàng rồi! Trong bản tin chính thức của Cộng Sản Việt Nam, không thấy nhắc tới Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS). Mà đó là văn bản pháp lý được Tòa Trọng Tài sử dụng khi xét xử. Trung Cộng đã ký kết UNCLOS nhưng lại không chịu nghe lời tòa án trọng tài, một nghịch lý hiển nhiên. Ðể coi Nguyễn Phú Trọng có thấy như thế hay không.

Chúng ta sẽ biết cái xương sống của ông Nguyễn Phú Trọng nó mềm đến mức nào, có đủ mềm để khom lưng làm theo lệnh thiên triều hay không! Nguyễn Phú Trọng còn đang nghe ngóng, nhìn quanh chờ đợi! Nhìn qua Philippines, ông Trọng có thể thấy có thể khom lưng một chút cũng được!

Vai chính trong vụ kiện là Philippines; nhưng vị tổng thống mới đắc cử là ông Rodrigo Duterte, sẽ nhậm chức ngày 30 Tháng Sáu, lại đang ỡm ờ tỏ vẻ muốn hòa hoãn với Bắc Kinh. Ông Duterte mới cử một sứ giả đi Bắc Kinh, là Arthur Tugade, người sẽ làm bộ trưởng giao thông trong chính phủ ông sắp lập. Mục đích chuyến đi chắc là hỏi vay tiền với lãi suất ưu đãi! Ông Duterte muốn xây dựng một đường xe lửa trên đảo Mindanao là nơi dân chúng đã bỏ phiếu đưa ông lên ngôi tổng thống.

Thái độ hòa hoãn với Bắc Kinh của Duterte cũng là một đòn thách thức Mỹ. Ông Duterte từng nói thẳng: “Quý vị có trả giá ngang bằng chúng nó hay không? Nếu không, tôi sẽ chấp nhận thiện chí của Trung Quốc!” Ông Duterte còn tiết lộ rằng ông đã hỏi thẳng đại sứ Mỹ ở Manilla, “Các ông đứng về phía chúng tôi hay không?” Ông kể, Ðại Sứ Philip Goldberg trả lời: “Nếu các ông bị tấn công!” Ông Nguyễn Phú Trọng có thể nghe ngóng coi ông Duerte nói gì sau khi Tòa Trọng Tài phán quyết, để biết mà “nói theo,” vừa giữ thể diện, vừa không làm mất lòng thiên triều.

Cùng thời gian Dương Khiết Trì tới Hà Nội, một đoàn tàu Trung Cộng đang tham dự cuộc thao diễn hải quân với nhiều nước khác, trong đó có Mỹ và các nước đồng minh. Những nước Châu Á cũng có hải quân dự cuộc tập trận là Ấn Ðộ, Nam Hàn, Australia, New Zealand, Philippines, Brunei, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Ba nước Việt, Mên, Lèo không được mời, chắc vì hải quân chưa đủ tầm mức. Nhưng vương quốc Tonga, với 160 hòn đảo nằm giữa Thái Bình Dương, chỉ có hơn 100 ngàn dân, cũng có mặt.

Tất nhiên Ðài Loan không được mời tham dự cuộc thao diễn này vì có mặt Trung Cộng. Hơn nữa, Trung Cộng còn đang đe dọa Ðài Loan, đã cắt đứt mọi liên lạc, vì tân Tổng Thống Thái Anh Văn không chịu nói câu nào về “Nguyên tắc chỉ có một nước Trung Hoa.”

Nhưng xương sống lưng Bà Thái Anh Văn có vẻ còn cứng lắm; bà không tỏ ra sợ hãi. Chính phủ Ðài Bắc sắp đem bắn thử giàn phòng thủ chống hỏa tiễn PAC-3 đã mua của Mỹ từ năm 2008, năm đó Bắc Kinh đã la lối om sòm nhưng sau cùng cũng chẳng làm gì cả. Giàn phòng thủ này bảo vệ cả hòn đảo trong lúc Trung Cộng vẫn bày 1,500 hỏa tiễn trên bờ biển nhắm thẳng vào Ðài Loan. Cuộc bắn tập này sẽ diễn ra ở White Sands Missile Range, tiểu bang New Mexico, nước Mỹ, vào Tháng Bảy sắp tới. Quân đội Mỹ sẽ cung cấp mấy hỏa tiễn cũ để phóng lên, làm như tên lửa từ lục địa Trung Hoa tấn công. Ðiều đáng chú ý là hai chính phủ Mỹ và Ðài Loan không hề có quan hệ ngoại giao. Mỹ giúp Ðài Loan thử vũ khí chỉ là mối tương quan giữa người bán và kẻ mua, cũng như Mỹ vẫn cho Nhật Bản thử giàn phòng thủ PAC-3 trên đất Mỹ!

Liệu ông Nguyễn Phú Trọng có theo được cái lưng cứng rắn của bà Thái Anh Văn hay không?
Một người khác cũng có thể làm gương cho ông Nguyễn Phú Trọng là Bác Sĩ Mahathir Mohamad, cựu thủ tướng Malaysia. Ông già 90 tuổi này mới lên tiếng đả kích người kế vị, do chính ông nâng lên, là Thủ Tướng Najib Razak, về cái tội bán tài sản quốc gia cho Trung Cộng! Chính phủ Malaysia mới chấp nhận việc bán 1MDB, một công ty điện lực cho CGN, một công ty Trung Quốc, với giá hơn hai tỷ Mỹ kim. Chính phủ Najib đã cho CGN được miễn, mua nhiều hơn giới hạn 49% theo luật định. Ông Mahathir lên án: “Những nhà máy điện này là của nhân dân Malaysia! Ðem bán cho nước khác là sai!” Ông nói thay cho dân chúng: “Những người nông dân, những ngư dân nước mình chẳng ai hiểu những con số hàng chục tỷ đồng ringgit là cái gì cả!”

Ông Mahathir còn nói thẳng: “Ðây là một chính sách quốc gia sai lầm... Nước Malaysia chủ trương mở cửa, buôn bán với tất cả các nước, nhưng đối với Trung Quốc thì khác!... Chúng ta cởi mở và thân thiện, nhưng trước hết phải nghĩ đến nhu cầu của người dân!”

Vụ bán những nhà máy điện của 1MDB cũng không khác gì những vụ cho người Trung Quốc khai thác bô xít, vụ thuê rừng 50 năm, cho mở nhà máy Formosa với thời hạn 70 năm, vân vân. Ông Nguyễn Phú Trọng có thể học ông Mahathir la mắng ông Najib mà “nói thẳng” vào mặt... Nguyễn Tấn Dũng! Nhưng lên tiếng như vậy cũng đòi hỏi cái lưng của chính ông Nguyễn Phú Trọng còn đủ cứng!

Ðến ngày Tòa Trọng Tài Thường Trực ở Den Haag tuyên án bác bỏ quyền của Trung Cộng trên vùng biển họ vẽ chữ U, mới biết sống lưng ông Nguyễn Phú Trọng có đủ cứng để cùng người dân Việt hô lớn “NO U” hay không.



No comments:

Post a Comment