Xuân
Nguyên, thông tín viên RFA
2016-06-28
2016-06-28
.
Cựu bác sĩ Mỹ Sam Axelrad (phải) trao xương cánh tay
được bảo tồn của cựu chiến binh Nguyễn Quang Hùng (trái), tại nhà ông Hùng tại
thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai vào ngày 01 tháng 7 năm 2013. AFP photo
Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, những người
lính miền Bắc Việt Nam tưởng rằng sẽ được nghỉ ngơi, nhưng phải đợi đến hội nghị
Thành Đô 1990, cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung mới chấm dứt hoàn toàn.
Lúc này những người lính miền Bắc mới được buông súng và không còn phải xông
pha trên các chiến trường ác liệt.
Cuộc
sống hiện nay
Sau khi chiến tranh chấm dứt, người lính miền Bắc trở
về với mái ấm gia đình, trong đó có rất nhiều người lính đã trở thành thương
binh, vì đã bỏ lại một phần cơ thể trên các chiến trường. Khác với những thương
phế binh Việt Nam Cộng hòa, các thương binh miền Bắc nhận nhiều sự hỗ trợ
từ phía chính quyền.
Tùy thuộc vào mức độ thương tật mà các thương binh
được xếp hạng thương binh để nhận sự hỗ trợ theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, cũng có
rất nhiều thương binh vẫn gặp khó khăn khi trở về quê hương sinh sống.
Ông Trần Thiên Phụng, một thương binh quê ở Quảng Trị
– người tham gia trận chiến Gạc Ma năm 1988, sau đó bị quân đội Trung Quốc bắt
giam làm tù binh cho biết, cuộc sống hiện nay của ông còn gặp nhiều khó khăn về
kinh tế. Các khoản phụ cấp của chính quyền bao gồm phụ cấp thương tật, phụ cấp
tù đày, tổng số khoảng 1 triệu 600 ngàn đồng, khó có thể chu cấp được cuộc sống
hàng ngày của gia đình. Ông cho biết:
“Tiền tù đày thì tôi mới được nhận mấy tháng nay
thôi, còn phía đơn vị, chính quyền địa phương vẫn giúp đỡ tôi, vào những ngày
như thương binh 27/7 hàng năm, thì họ chỉ bỏ phong bì được vài trăm thôi, rồi
ngày tết cũng có vậy thôi. Số tiền tù đày mỗi tháng được 750 ngàn đồng, tổng số
tiền được hỗ trợ là 1 triệu 6 ngàn đồng.”
Từ Hà Tĩnh, ông Lê Hữu Thảo, một thương binh đã từng
tham dự trận Gạc Ma 1988 cho biết về cuộc sống hiện nay của những đồng đội của
mình:
“Chỉ có một số ít gia đình có cuộc sống đầy đủ, còn
hầu hết cuộc sống của anh em tôi hiện nay hết sức khó khăn. Về sức khỏe thì có
rất nhiều người bị bệnh tật, có một số đã chết, người còn sống thì một số mắc bệnh
hiểm nghèo và số còn lại thì sức khỏe cũng đã yếu. Gia đình các liệt sĩ thì bố
mẹ cũng đã rất già yếu, rất là thương.”
Ông Trần Duy Thọ, một thương binh thời chống Mỹ cho
biết, bây giờ cuộc sống của gia đình ông rất khó khăn, các chi phí sinh hoạt
như tiền điện, tiền nước cũng là một gánh nặng đối với ông khi trên người mang
thương tật tới 83% và phải ngồi xe lăn. Theo ông, một số anh em thương binh ở địa
phương đã đến Ủy ban huyện Nghĩa Hưng để đòi ruộng đất, thì đã được cấp ngay,
còn những người thương tật nặng như ông không thể đi đòi được, thì không được cấp
ruộng, riêng vợ con của ông thì được cấp mỗi người 626 m².
Trong một tâm trạng bức xúc, ông Trần Duy Thọ bày tỏ:
“Chúng tôi đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nhưng lại
không được chính quyền địa phương cấp ruộng. Đó là điều hết sức vô lý, phi lý
và bất công của chế độ cộng sản. Tôi lên án chúng nó, tất cả mọi người đều có
ruộng, riêng thương binh hạng 1 chúng tôi không có. Nó bảo rằng chúng tôi ăn
lương rồi thì không được chia ruộng.”
Còn
nhiều bất cập
Chúng tôi liên lạc với Sở Lao động Thương binh và Xã
hội tỉnh Quảng Bình để tìm hiểu về chính sách và việc thực hiện chính sách đối
với các thương binh hiện nay, một cán bộ yêu cầu dấu tên cho biết, muốn nâng
các khoản hỗ trợ là một việc khó, để đảm bảo được mức sống của tất cả các
thương binh trên cả nước thì ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng vào lúc này được.
Bà cho biết:
“Vướng mắc là trong quá trình áp dụng thực hiện văn
bản của nhà nước có những cái khập khiễng, không đồng bộ. Từ văn bản để áp dụng
thực tế vào địa phương bị vướng mắc. Muốn nâng phụ cấp lên là điều rất khó, cái
này phụ thuộc vào ngân sách chung của cả nước. Hiện tại có rất nhiều đối tượng
chưa thể mở rộng được, bởi vì xét về mặt tổng thể thì ngân sách không đủ để đảm
bảo.”
Nhận xét về chính sách đãi ngộ của chính quyền đối với
những thương binh hiện nay, ông Trần Duy Thọ thấy rằng, về mặt văn bản, chính
sách nhà nước cơ bản là đầy đủ, nhưng nó chỉ tốt ở trên văn bản, chứ trên thực
tế thì không phải như thế. Ông tiếp lời:
“Họ nói thì hay lắm, tốt lắm, đẹp lắm, thế giới ai
cũng phải khâm phục những lời nói của chính quyền cộng sản. Nhưng để trả lời bằng
thực tế thì mọi chế độ, chính sách ưu tiên, ưu đãi cho con em thương binh, gia
đình liệt sĩ, những người có công thì hoàn toàn khác. Tôi rất buồn cái chỗ đó.
Cho nên tôi rất tâm đắc câu nói của ông Tổng thống
Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu: Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy xem những
gì cộng sản làm.”
Nói về việc đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân và
cho các thương binh cùng hoàn cảnh, ông Thọ cho biết, thời còn chiến tranh thì
anh em chúng tôi còn được coi trọng, nhưng đến thời bình thì điều đó không còn.
Ông Trần Duy Thọ nói thêm:
“Đấu tranh mãi cũng mệt mỏi, anh em cũng chán trường.
Tuổi cao sức yếu rồi, tôi sinh năm 1949 đó anh, thương binh chống Mỹ năm nay thấp
nhất cũng 60 tuổi rồi.”
Hầu hết các thương binh miền Bắc mà chúng tôi có cơ
hội tiếp xúc đều thấy rằng, đa số các thương binh hiện nay đều nhận được sự hỗ
trợ từ phía chính quyền nhưng không đủ sống, trên thực tế còn có rất nhiều
thương binh luôn gặp nhiều khó khăn. Tất cả đều nói với chúng tôi rằng, những
người lính luôn luôn mang theo mình niềm tự hào vì từng một thời cầm súng chiến
đấu để bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, dù phải hy sinh một phần máu thịt của bản thân
mình vì lý tưởng thì họ luôn luôn sẵn sàng.
VIDEO
:
Chương trình trợ giúp
thương phế binh VNCH
No comments:
Post a Comment