Saturday, June 25, 2016

HƠN 2 TRIỆU NGƯỜI ANH "ĐÒI" TRƯNG CẦU DAN Ý LẦN HAI (VOA Tiếng Việt)





VOA Tiếng Việt
26.06.2016

Hơn 2 triệu người đã ký vào một bản kiến nghị, kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần hai về Liên hiệp châu Âu, sau kết quả bỏ phiếu gây rúng động thế giới.

Kiến nghị này thu hút được nhiều chữ kết hơn bất kỳ bản kêu gọi nào khác trên website của Quốc hội Anh, và như thế, đã vượt qua con số 100 nghìn chữ ký để cơ quan lập pháp này phải cân nhắc tiến hành thảo luận.
Anh bỏ phiếu rút khỏi EU với tỷ lệ ủng hộ và chống tương ứng là 52% và 48% trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức hôm 23/6.
Kiến nghị trên kêu gọi chính phủ thực thi một điều khoản, theo đó nói rằng, nếu bất kỳ bên nào [bỏ phiếu rời hoặc ở lại EU] giành được ít hơn 60% phiếu bầu với tổng tỷ lệ người đi bầu dưới 75% thì cần tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác.
Theo kết quả hôm thứ Năm, tỷ lệ người đi bầu là 72%, và phe ủng hộ việc rời EU giành được số phiếu là 52% so với 48% của phe hậu thuẫn ở lại.
Một phát ngôn viên của Hạ viện Anh nói rằng bản kiến nghị được lập hôm 24/5, và khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, mới chỉ có 22 chữ ký trên đó.
Trang web kiến nghị trên mạng của Hạ viện Anh đã gặp sự cố hôm 24/6 vì có quá nhiều người truy cập vào trang này.
Thủ tướng Anh mới từ chức, David Cameroon, từng tuyên bố sẽ không có một cuộc trưng cầu dân ý lần hai.

Tỉnh giấc sau cơn say

Một số người ở Anh so sánh tình hình nước họ sáng nay với một người thức dậy sau một cơn say, một ngày sau khi việc Anh quyết định rời Liên hiệp Âu châu làm bùng ra điều mà một số nhà phân tích gọi là một cơn động đất tài chánh và chính trị.
Vì các cuộc thăm dò ý kiến trước cuộc trưng cầu dân ý hôm thứ 5 cho thấy phe “ở lại” dẫn đầu, cho nên kết quả hôm thứ 6 làm cho nhiều người cảm thấy bất ngờ, kể cả những người bỏ phiếu tán thành việc rời khỏi liên hiệp gồm 28 nước.
Một số cơ quan truyền thông đã dùng một từ mới là “Regrexit” (hay hối tiếc) dựa trên từ cũ Brexit để nói tới việc Anh Quốc quyết định rời EU. Báo chí trích lời những người bỏ phiếu thuận nói rằng giờ đây họ hối hận về quyết định của mình sau khi nhìn thấy những tác động ngay tức thời.

Trong vòng 24 giờ đồng hồ sau khi kết quả được loan báo, các thị trường sụt giá mạnh, tỉ giá đồng bảng Anh giảm tới mức thấp nhất trong vòng 30 năm, thứ hạng tín dụng của nước này bị đánh thấp tới mức âm, và những mối đe dọa mới về sự giải thể của chính nước Anh đã xuất hiện.

Tại Scotland, Đệ nhất Thủ tướng Nicola Sturgeon triệu tập một phiên họp nội các để bàn về phản ứng của chính phủ bà đối với cuộc bỏ phiếu rời EU. Trước đây bà nói rằng Scotland bị buộc phải ở ngoài EU trong khi đa số cử tri Scotland chọn giải pháp ở lại là một việc “không thể chấp nhận được”. Bà nói thêm rằng một cuộc trưng cầu dân ý mới về vấn đề độc lập đang được xem xét.
Sau cuộc họp hôm nay, bà Sturgeon cho báo chí biết rằng các giới chức Scotland sẽ họp với các giới chức EU để thảo luận về những sự lựa chọn “để bảo vệ chỗ đứng của Scotland trong EU.”

Quyết định rời EU cũng khơi dậy tinh thần đòi ly khai ở Bắc Ireland, phần duy nhất của nước Anh có ranh giới trên bộ với Liên hiệp Âu châu.
Lãnh tụ Sinn Fein, ông Martin McGuiness, đã lập lại yêu cầu của ông đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để Bắc Ireland tách khỏi Anh Quốc và tái thống nhất với Cộng hoà Ireland, một nước thành viên của Liên hiệp Âu châu.

Theo Time, BBC, VOA

-----------
VOA Tiếng Việt
26.06.2016
.
Các Ngoại trưởng của 6 nước sáng lập EU (từ trái sang): Jean Asselborn (Luxemburg), Paolo Gentiloni (Ý), Frank-Walter Steinmeier (Đức), Didier Reynders (Bỉ), Jean-Marc Ayrault (Pháp) và Bert Koenders (Netherlands), có cuộc gặp gỡ ngắn với giới truyền thông sau cuộc họp về việc nước Anh rời khỏi EU tại Berlin, Đức, ngày 25 tháng 6 năm 2016.

Các nhà lãnh đạo của 6 nước sáng lập Liên hiệp Âu châu sáng nay tụ tập ở Berlin để dự một phiên họp bất thường nhằm thảo luận tương lai của Liên hiệp Âu châu, và kêu gọi nước Anh rời khỏi khối này càng sớm càng tốt.

Sau khi cử tri Anh bỏ phiếu hôm qua để rời EU, các vị bộ trưởng của Đức, Pháp, Ý, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg nói trong một thông cáo là họ trông đợi chính phủ Anh “cung cấp sự rõ ràng và mang lại hiệu lực cho quyết định này càng sớm càng tốt.”

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố “Chúng tôi cùng nhau nói rằng tiến trình này phải bắt đầu càng sớm càng tốt, ngõ hầu chúng tôi khỏi phải trải qua một thời kỳ bế tắc kéo dài mà thay vào đó chúng tôi có thể tập trung vào tương lai của Âu châu và những công việc hướng tới tương lai này.”

Ông Steinmeier nhấn mạnh cuộc họp này còn bàn tới nhiều vấn đề khác nữa, trong đó vụ khủng hoảng người tị nạn, vấn đề thất nghiệp và an ninh của Liên hiệp Âu châu.

Ông cũng kêu gọi các nước còn lại trong Liên hiệp Âu châu tuân thủ điều ông gọi là “tinh thần của những nước sáng lập” là tránh xung đột sau Thế chiến Thứ hai.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Postdam, bên ngoài Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói cuộc thương thuyết với Anh không nên có hình thức của một sự răn đe đối với những nước khác. Bà nói thêm rằng London không cần phải gấp rút khởi động tiến trình rời Liên hiệp Âu châu.

Lên tiếng tại Điện Elysee ở Paris hôm nay, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói ông cảm thấy tiếc về quyết định của dân Anh nhưng phải chấp nhận quyết định này vì “đó là dân chủ.” Ông nói thêm rằng Anh nên rời EU một cách có trật tự.



No comments:

Post a Comment