Sunday, June 26, 2016

CÀ PHÊ VỚI LÊ THỊ MINH HÀ (Rút từ facebook của Ngô Thị Kim Cúc)





25 THÁNG SÁU, 2016

Tôi biết đến cái tên Nguyễn Hữu Vinh sau khi đọc trang Ba Sàm, và biết đến Lê Thị Minh Hà sau khi Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bị bắt, thấy chị trong rất nhiều hình ảnh xuống đường trên các trang mạng. Hai cái tên riêng ấy đã hợp thành một gia đình tù nhân, với một người đang bị giam giữ còn một người đang đi thăm nuôi.

“Thăm nuôi” là hai từ rất phổ biến ở miền Nam sau tháng 4/1975, khi rất đông sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa bị tập trung đi “học tập cải tạo” ở cả miền nam lẫn miền bắc. Thời ấy, đang là phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam, tôi rất hăng hái đi khắp đất nước để viết bài. 

Phương tiện thông dụng nhứt là xe đò. Và trên những cái xe chật cứng nhồi nhét người như muối dưa ấy, tôi rất quen thuộc gương mặt và phong thái những phụ nữ là vợ của các sĩ quan Sài Gòn, đang trở thành những “con phe” bất đắc dĩ. Đầy vẻ nhẫn nhục và nhỏ nhẹ, họ chịu đựng sự quát nạt của các tài xế và lơ xe, để có thể nhờ đám này nhét giấu hàng hóa ở đâu đó, qua mắt được cánh quản lý thị trường và thuế vụ, kiếm năm ba đồng về nuôi đàn con trước đây sống nhờ cả vào lương của người cha. Cũng những đồng tiền thấm đầy nước mắt kẻ sa cơ đó sẽ giúp họ băng rừng lội suối đi thăm nuôi người chồng đang biền biệt trên những rừng xanh núi đỏ xa tít mù khơi…

Những tưởng cái từ “thăm nuôi” sẽ ít có cơ hội được dùng lại sau hơn bốn mươi năm đất nước thống nhất, vậy mà sau khi những họat động báo chí và dân sự nở rộ, nó bỗng quay lại rất thường xuyên. Bởi vì, lại có thêm những người bị bắt và thêm nhiều hơn những người đi thăm nuôi.

Chỉ có điều, cả người bị bắt và người đi “thăm nuôi” giờ đây không phải là công dân Việt Nam Cộng Hòa nữa, mà là công dân Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Trường hợp của Lê Thị Minh Hà, cả hai vợ chồng chị đều thuộc những gia đình cán bộ cao cấp (cha của Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh là đại sứ tại Liên Xô trong hai nhiệm kỳ, còn cha của Lê Thị Minh Hà là viện trưởng Viện Khoa học Công An), và họ đều là sĩ quan được đào tạo bài bản từ trường Đại Học An Ninh.

Bắt đầu từ việc thăm nuôi chồng, Lê Thị Minh Hà đã kết nối với những người ủng hộ công việc làm báo của chồng chị và khởi sự có mặt trong những cuộc xuống đường của người dân Hà Nội. Nhỏ nhắn, ôn tồn nhưng đầy vẻ kiên định, chị như là phần không thể thiếu của những gương mặt Hà Nội tiêu biểu trong thập niên 2010 đầy xáo động, trên đường phố…

Đang có mặt ở Sài Gòn vì những việc riêng, Minh Hà tranh thủ gặp mặt những người mà chị chỉ mới làm bạn qua mạng xã hội. Buổi sáng thứ năm 23 tháng Sáu, Đường Sách Nguyễn Văn Bình đang có một nhóm tới quay phim. Trời im mát, khách uống cà phê đều im lặng, lịch sự. Chỉ có tiếng của những người làm phim là âm thanh ồn ào duy nhứt.

Câu chuyện từ Lê Thị Minh Hà nghe vừa rất “bình thường” lại vừa giống như được rút ra từ một tác phẩm văn học thuộc một thời xa lắc xa lơ nào đó, chớ không phải ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này, nơi con người đã làm chủ những tiến bộ khoa học kỹ thuật mà trước đây nhân loại chưa bao giờ có thể hình dung. Internet, mạng xã hội là những thứ mà Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đã tận dụng để làm báo, như cách tiếp cận hợp lý, hiệu quả nhứt trong mục tiêu KHAI DÂN TRÍ.

Có bao nhiêu người đã từ những thông tin trên trang Ba Sàm mà bỗng Thức/Ngộ về ý nghĩa cuộc sống của chính mình, và về cái xã hội mà trong đó mình đã từng nổi trôi như một cánh bèo vô định hướng? Nhưng cũng chính vì những gì anh đã làm rất tốt mà Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đã phải ngồi tù, đánh mất tự do của chính mình cho tự do của rất nhiều người khác.

Trong mắt tôi, Lê Thị Minh Hà là hiện thân của một người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu. Người phụ nữ đó phải đảm đương rất nhiều gánh nặng trên đôi vai nhỏ gầy yếu của mình: chị phải vừa chu toàn vai trò con dâu trong một đại gia đình, vai người vợ nuôi chồng đang ở tù, vai người mẹ, người bà… chưa kể trách nhiệm công dân. Tôi nhớ nhứt câu chuyện chị kể về cháu nội. Bất cứ dịp lễ tết nào, đứa cháu trai bé bỏng đều mong ngóng ông nội, và người lớn phải tìm đủ lý do để giải thích sự vắng mặt của người ông. Nhưng càng về sau, đứa bé càng khó tin và càng thắc mắc về sự vắng mặt quá lâu của ông, nên cháu trở nên giận dỗi, buồn bực… Tôi tự hỏi, sau này khi lớn lên, biết rõ câu chuyện về ông của mình, không rõ trong đầu công dân trẻ này sẽ xuất hiện những nghĩ ngợi nào…

Lê Thị Minh Hà đã tặng tôi tập Anh Ba Sàm, quyển sách chị rất trân trọng, bởi đó là “hồ sơ” đầy đủ nhứt về vụ án Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, được thực hiện bởi những người yêu mến anh, bằng tất cả tâm huyết của họ. Tôi cảm thấy Lê Thị Minh Hà sẵn sàng làm bất cứ việc gì để “cứu” chồng, để luôn được ở bên anh, trong bất cứ hoàn cảnh và thời điểm nào.

Tôi cầu mong cho Lê Thị Minh Hà có đủ cả sức khỏe thể chất và tinh thần để tiếp tục hỗ trợ người chồng làm báo, bởi vì chính chị cũng không thật sự khỏe mạnh sau ca mổ não hãy còn chưa lâu.

Cầu mong cho những cặp vợ chồng tù nhân như vợ chồng chị sẽ mau chóng có ngày hội ngộ, khi họ còn đủ thời gian và năng lượng để dâng hiến tim óc mình cho nhân dân và tổ quốc, đúng như chọn lựa duy nhứt, lớn nhứt của đời họ.

Cà phê với Lê Thị Minh Hà




No comments:

Post a Comment