Friday, May 20, 2016

THƯ CHO NGƯỜI BẠN TRẺ (Tuấn Khanh)





20-5-2016

Tin nhắn từ một người không quen, bất ngờ hiện lên trong hộp thư facebook của tôi. Những dòng chữ không khách sáo của một người trẻ tuổi, có một nội dung thật xao xuyến “Chú ơi, tuần này cháu có nên tiếp tục xuống đường hay không?”. Xuống đường – tức bạn trẻ ấy ngụ ý về những cuộc tuần hành ôn hòa ngày Chủ nhật của hàng ngàn người dân Việt Nam, đòi minh bạch về nguyên do thảm họa môi trường, minh bạch về những kẻ có trách nhiệm luôn có những lời nói loanh quanh, vô nghĩa.

Suy nghĩ đó không phải từ một người, bởi tôi đã nhận được không ít câu hỏi băn khoăn và mạnh mẽ như vậy trong gần một tuần, bất chấp những thủ đoạn mà chính quyền áp dụng với con người trong suốt 3 tuần lễ: đánh đập, bắt cóc, gán tội, vu vạ… Rõ ràng, chọn cách dựng lên thành trì bằng bạo lực, chính quyền sẽ không bao giờ có thể ngủ yên nữa bởi các cơn sóng ngầm ngày càng dâng.

Tôi viết thư này như một cách trả lời chung cho các tin nhắn đó. Và đây chỉ là một tâm tình để suy gẫm và chọn lựa, bởi tôi không thể đưa một lời khuyên xác đáng nào trong một bối cảnh đang có quá nhiều dữ kiện dồn dập thay đổi, bao gồm cả sự nôn nao hành động – bất chấp của các bạn trẻ.

Khi tôi viết những dòng chữ này, trên các trang mạng đã có những lời kêu gọi xuống đường ngày 22/5/2016. Nội dung vẫn như 3 tuần trước với một khí thế rất cao, bởi được hưởng ứng từ nhiều thanh phần, kể cả những người đang căm giận vì trở thành nạn nhân của chính quyền, với nhiều kiểu. Một trong những lý do mà nhiều bạn trẻ nhắm đến cho cuộc tuần hành mới, có ý nhằm đánh động tình trạng của Việt Nam theo chiều ngoại giao, với sự có mặt của tổng thống Mỹ Barrack Obama tại Hà Nội và Sài Gòn.

Nhưng tôi nghĩ, tuần lễ này sẽ là một sự bất lợi cho bất kỳ khẩu hiệu nào đòi đối thoại giữa người dân và chính quyền. Nhân danh bảo vệ cho yếu nhân của một cường quốc đến thăm Việt Nam, mọi việc trấn áp sẽ được áp dụng mạnh tay hơn bao giờ hết. Thậm chí, việc trà trộn những kẻ bạo động để làm mất uy tín người biểu tình, tạo thế cho việc trấn áp có thể diễn ra.

Hãy dành tinh thần và sức lực, trí thông minh của các bạn cho việc chào đón một nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam, mà câu chuyện về nhân quyền sẽ là một trong những điều được ông ta đề cập. Bản thân của ông Barack Obama cũng không muốn đến nơi mà mọi lý do bất an được đưa ra từ chính quyền sở tại, để ông không có được cuộc tiếp xúc nào.

Tháng 11/2000, khi chuyến xe của TT Bill Clinton đến Sài Gòn, hàng ngàn người đã đứng hai bên đường để chào đón ông. Khi đoàn xe chạy qua ở đoạn đường Nam kỳ khởi nghĩa, các lực lượng canh giữ của chính phủ Việt Nam đã la lên “đừng vỗ tay, không được vỗ tay…” Thế nhưng ngược lại, tiếng vỗ tay lại vang lên rầm rộ đến mức ông bà Tổng thống phải hạ kiếng xe xuống để vẫy chào. Tôi muốn nhắc rằng tiếng vỗ tay đó cũng là một hình thức biểu tình.

Lần đến Việt Nam này, TT Barack Obama có thể sẽ mở ra một chiều thuận lợi với Việt Nam về việc bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương, tức đưa Việt Nam vào thế liên kết tốt hơn để bảo vệ Biển Đông, tách được một bước khỏi quốc gia Cộng sản tồi tệ Trung Quốc. Đây là cơ hội, là hy vọng của bất kỳ ai có lòng với tương lai đất nước mình. Vì vậy hãy chọn lựa cách làm đúng, và tư thế đúng cho thời khắc này.

Hãy để tiếng vỗ tay của mình được cường quốc về nhân quyền và tự do nghe thấy. Hãy để cho họ thấy khát vọng thật sự của người Việt Nam về vận mệnh tổ quốc mình. Hãy tiếp đón TT Barack như cách mà người dân Việt Nam đã tiếp đón Bill Clinton hay George Bush, đồng thời giảm thiểu được những hiểm nguy bất ngờ của chính bạn trước mọi âm mưu.

Sự thông minh của các bạn sẽ giúp đa dạng hóa các hình thái biểu tình, kể cả ngày giờ. Các poster, postcard, thông điệp kèm lời chào mừng gửi vào Tổng lãnh sự, Đại sứ quán, các thư ngỏ thu thập chữ ký, hình ảnh và sự kiện, các bản tuyên bố chung… vào lúc này đều có giá trị không khác gì các cuộc tuần hành. Số lượng các phóng viên, hãng tin quốc tế có mặt tại Việt Nam vào lúc này khao khát mọi sự diễn đạt từ dân chúng. Và đừng quên, không sức mạnh nào bằng sự diễn đạt ôn hòa.

Hãy tự mình chọn lựa, và hãy hy vọng vào tương lai tốt đẹp nhất của đất nước và dân tộc mình. Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng biết uyển chuyển trước thời cuộc và bất bạo động luôn là phương thức tốt nhất để những người cầm quyền phải nhận ra khát vọng cao cả của nhân dân, là con đường để thay đổi mọi thứ tốt nhất cho quê hương mình.

Tôi gửi niềm tin vào các bạn.



No comments:

Post a Comment