Sunday, May 22, 2016

CHÍNH DANH CẦM QUYỀN & QUAN HỆ VIỆT - MỸ (Vũ Đức Khanh & Võ Tấn Huân)





LS Vũ Đức Khanh & BS Võ Tấn Huân
Gửi cho BBC từ Canada
20 tháng 5 2016

Việt Nam cần xây dựng một chính quyền đáng tin cậy là trọng điểm để thúc đẩy mối quan hệ toàn diện Việt–Mỹ.

Ngày 22 tháng 5, Barack Obama sẽ là vị tổng thống đương nhiệm thứ ba đến thăm Việt Nam sau khi cuộc chiến kết thúc cách đây hơn bốn thập niên, trùng hợp với diễn biến này là cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp chiếu lệ tại Việt Nam.

Chuyến công du châu Á của Obama sẽ nêu bật lại sự “cam kết của Hoa Kỳ ở châu Á–Thái Bình Dương nhằm tăng cường ngoại giao, kinh tế và an ninh giữa Hoa Kỳ và các nước trong khu vực”.

Riêng tại Việt Nam, chuyến thăm sẽ “thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm từ kinh tế, an ninh, nhân quyền và các vấn đề toàn cầu khác”.

Trong bối cảnh hiện nay, phát triển mối quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực là chính sách đúng đắn và cần thiết.

Quan hệ toàn diện

Việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam tuy vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng về mặt chiến lược và lợi ích quốc gia, tiến triển này hẳn sẽ đúc kết thêm niềm tin trong mối quan hệ toàn diện. Điều này đồng thời gửi một thông điệp mạnh mẽ đến nước láng giềng Trung Quốc.

Tuy nhiên, dù chuyến đi của Obama có thể hâm nóng thêm tình hữu nghị giữa hai nước nhưng trong thực tế, các giá trị mang tính nguyên tắc và phẩm giá mà Hoa Kỳ lâu nay vững tin sẽ không mang nhiều ý nghĩa, nếu như đối tác mà Obama tìm kiếm tại Việt Nam không giúp người dân tạo ra sự thịnh vượng.

Nguyên tắc căn bản đầu tiên là xây dựng một chính quyền chính danh nhằm phục vụ nhân dân. Sau khi cuộc Cách mạng Mỹ kết thúc năm 1783, Hoa Kỳ đã từng bước thiết lập một chính quyền chính danh dựa trên quyền làm chủ của người dân.

Để chính danh, chính quyền cần được có sự đồng thuận trao quyền từ phía nhân dân. Chính quyền do dân bầu ra cần phải được kiểm soát, phân quyền và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Việc đảm bảo quyền cơ bản này không chỉ làm cho chính quyền mạnh hơn mà còn giúp ổn định xã hội phù hợp với nguyện vọng của đa số nhân dân.

Thực tế tại Việt Nam đến nay đã hơn 41 năm kể từ khi thống nhất đất nước nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một chính quyền chính danh. Người dân Việt Nam hơn bốn thập niên qua vẫn chưa lần nào được bỏ phiếu bầu chọn lãnh đạo hoặc các đại biểu quốc hội một cách công bằng.

Chế độ đảng cử dân bầu, như nhiều người vẫn thường gọi, trong cơ chế nhà nước một đảng không phản ánh bầu cử trung thực hay nguyện vọng chính đáng của người dân. Do đó, sự cầm quyền của Đảng Cộng sản tại Việt Nam lâu nay mang tính cưỡng ép và áp đặt. Điều này đã dẫn đến một chế độ chính trị không chính danh và chính quyền không hợp thức.

Đã hướng đến xã hội công bằng và thịnh vượng thì hành động và phương thức cũng không thể bất công bằng. Việc giành độc quyền chính trị cho một nhóm thiểu số đã nói lên nhiều điểm trái ngược với mục tiêu nhà nước của dân.

Lãnh đạo với tư duy độc quyền không thể thúc đẩy xã hội công bằng. Cơ chế độc quyền nhà nước không thể xây dựng một chính quyền chính danh và minh bạch.

Tư duy độc quyền chính trị, điều hành yếu kém cộng với nạn tham nhũng tràn lan là một số lý do vì sao chính quyền Việt Nam lâu nay không có được sự tôn trọng của người dân trong lẫn ngoài nước.

Bất cứ nhà nước nào cũng cần phải có uy tín đối với người dân trong lẫn ngoài nước và các đối tác nước ngoài, nên việc Việt Nam cần có một chính quyền chính danh, được bầu lên thông qua thủ tục bầu cử tự do, công bằng và minh bạch là vô cùng hệ trọng.

Một chính thể cầm quyền mà chưa bao giờ được trao quyền rõ ràng đã tước đoạt quyền cơ bản quan trọng này của người dân.

Người dân tham gia vào việc lựa chọn thể chế chính trị và lãnh đạo quốc gia là bước đầu tiên để xây dựng niềm tin, uy tín thay vì do một đảng độc quyền thao túng như lâu nay tại Việt Nam.

Gốc rễ này sẽ giúp Việt Nam thiết lập và xây dựng các mối quan hệ bền vững, cũng như tạo niềm tin vững mạnh đối với các đối tác chính trị nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ.

Tính chính danh

Mặc dù hai nền văn hóa và chính trị có nhiều điểm khác nhau nhưng đã là quyền cơ bản thì mỗi người dân được quyền lựa chọn lãnh đạo của đất nước mình tất không thể khác được.
Hóa giải tính chính danh cầm quyền sẽ hóa giải cả vấn đề mấu chốt nhân quyền, điều mà lâu nay được cho là chông gai nhất trong mối bang giao Việt–Mỹ. Từ quan điểm này, việc “tôn trọng chế độ chính trị, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau” sẽ không còn kêu gọi và nhấn mạnh trong các bài diễn văn khi lãnh đạo cộng sản công du nước ngoài.
Hoa Kỳ hay bất kỳ chính phủ nào khác không thể ban phát cho chính quyền Việt Nam tính chính danh, mà chỉ có người dân thông qua lá phiếu trung thực, bằng hiến pháp dân chủ mới tạo thế chính danh cho chính quyền. Đây đồng thời cũng là nền tảng của quyền lực quốc gia.

Trên tinh thần đó, việc thúc đẩy và xây dựng mối quan hệ Việt–Mỹ cũng cần soi rõ nền tảng cơ bản và phổ quát này để sự gắng kết có thêm gốc rễ vững chắc.

Hoa Kỳ nên đưa tay ra với những người dân Việt Nam mong muốn sống trong một xã hội nề nếp, pháp luật chuẩn mực, rõ ràng thay vì một nhóm thiểu số cầm quyền bất chấp và áp đặt luật lệ.

Vì sau cùng, chỉ có chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân mới có những quyết định đúng đắn nhất dựa trên quyền lợi, ý nguyện của toàn dân, và tạo ra sự thịnh vượng cho toàn xã hội.

----------------------------------
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của Bác sỹ Võ Tấn Huân (Hoa Kỳ) và Luật sư Vũ Đức Khanh (Canada).



No comments:

Post a Comment