Thursday, April 28, 2016

KHI TRUNG QUỐC NGƯỢC ĐÃI DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI (Ngọc Việt)






Ngọc Việt
26/04/16 05:59

(GDVN) - Hệ luỵ mà đầu tư nước ngoài mang lại cho nền kinh tế không phải là nhỏ và nhẹ. Trước hết là mất đi khá nhiều nguồn lực của đất nước bởi chế độ ưu đãi.


VOA ngày 16/4 đưa tin, theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Trung Quốc cho thấy, chính phủ nước này đã bảo vệ doanh nghiệp Trung Quốc bằng cách gây trở ngại cho những nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Trung Quốc. Tầm quan trọng của những công ty đa quốc gia đối với nền kinh tế Trung Quốc đã bị xem nhẹ.

Báo cáo kết quả một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho biết : "Lần đầu tiên trong năm năm, những doanh nghiệp Mỹ cho rằng cách diễn giải bất nhất và không rõ những quy định quản lý và luật lệ của cơ quan chức năng Trung Quốc là thách thức hàng đầu cho việc kinh doanh của họ".

VOA nhận định rằng, đây được xem là hệ quả của việc kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại trong những tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, với cá nhân người viết thì chính sách tái cơ cấu lại nền kinh tế của Bắc kinh mới là nguyên nhân chính của vấn đề này, khi đầu tư nước ngoài không còn là ưu tiên cho phát triển kinh tế như trước đây nữa. 

Mục đích của Trung Quốc khi ngược đãi đầu tư nước ngoài

Có thể thấy rằng, vốn của nhà đầu tư nước ngoài là một trong những yếu tố giúp cho kinh tế Trung Quốc nhanh chóng trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai trên thế giới. Đầu tư nước ngoài đã giúp Đặng Tiểu Bình giải quyết tốt nhất hậu quả bởi "Đại nhảy vọt" của Mao Trạch Đông gây ra cho kinh tế Trung Quốc.

Nó giúp hiện thực hoá chính sách đổi mới của họ Đặng trong việc kêu gọi đầu tư nước ngoài đổ vốn vào Trung Hoa lục địa. 

Tuy nhiên, đóng góp của đầu tư nước ngoài chỉ giúp cho nền kinh tế Trung Quốc có quy mô lớn nhưng không mạnh, còn lợi ích do nó mang lại cho kinh tế Trung Quốc không tỷ lệ thuận với quy mô ấy. Đặc biệt, chính phủ Trung Quốc đã nhận ra sự đóng góp của đầu tư nước ngoài không tương xứng với những ưu đãi mà nó nhận được từ chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh.

Khi Bắc Kinh thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế, hướng vào một nền kinh tế phải "mạnh chứ không chỉ lớn" thì doanh nghiệp trong nước đã trở thành thực thể kinh tế đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ ấy. Thế là từ chỗ được ưu ái của Bắc Kinh, nay đầu tư nước ngoài trở thành "những đứa con hạng hai" và bị ruồng rẫy, ngược đãi bởi những chính sách bảo vệ doanh nghiệp trong nước của Bắc Kinh.

"Tôi có thể nói đây là một số biến động mà bạn nhìn thấy ở hầu hết những nền kinh tế mới nổi. Nó không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đôi khi vì những cân nhắc chính trị mà có những thăng trầm. Nhưng tôi nói thẳng rằng không có lý do gì Trung Quốc đảo ngược quá trình cải cách của mình", ông Lưu Tiếu, Trợ lí Viện trưởng Học viện Quản lý Quang Hoa tại Đại học Bắc Kinh, phân tích quan điểm mới của chính phủ Trung Quốc với đầu tư nước ngoài.

Khi nhận diện được nguy cơ có thể gặp bất lợi với chính sách mới của Bắc Kinh thời hậu tái cơ cấu lại nền kinh tế, những nhà đầu tư nước ngoài cũng đã chuyển hướng đầu tư hay thay đổi phương thức kinh doanh, khai thác những gì có thể để làm lợi cho mình trong những "chuyến tàu vét cuối cùng".

Điều đó sẽ làm hại cho kinh tế nội địa và ảnh hưởng xấu đến chính sách kinh tế vĩ mô của Bắc Kinh.

"Phần lớn những công ty nước ngoài chú trọng vào nghiên cứu và phát triển công nghệ đã quyết định làm chậm kế hoạch đầu tư của họ ở Trung Quốc trong năm 2016. Hơn 80% những công ty giảm đầu tư bởi chính sách của chính phủ Trung Quốc gây bất lợi là những công ty nghiên cứu, phát triển về công nghệ và dịch vụ.
Điều này khiến cho Bắc Kinh có sự ngờ vực đó là chính sách về công nghệ của chính phủ nước ngoài nhằm gây hại đối với Trung Quốc", theo cáo bạch của AmCham ngày 15/4.

Trong khi đó, với việc tạo ra chính sách ngược đãi, gây khó khăn cho đầu tư nước ngoài, chính phủ Trung Quốc sẽ khiến cho doanh nghiệp nước ngoài hoặc là bỏ chạy khỏi đại lục, hoặc phải chấp nhận bắt tay với doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu liên doanh liên kết thì doanh nghiệp nước ngoài phải theo điều kiện mà doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra, nghĩa là phải chấp nhận luật chơi của doanh nghiệp Trung Quốc, mà đứng sau họ là chính phủ nước này.

Nếu doanh nghiệp nước ngoài phải "bỏ của chạy lấy người", qua việc "bán đổ bán tháo" những tài sản, máy móc của họ tại Trung Quốc thì đương nhiên chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ là những chủ sở hữu tiếp theo của những tài sản có giá trị rất lớn ấy. Thế là Bắc Kinh đã làm tăng tài sản quốc gia một cách nhanh nhất thông qua việc "cướp không" tài sản của doanh nghiệp nước ngoài bằng chính sách ngược đãi của mình.

"Những công ty lớn của Trung Quốc vẫn đang mua lại những tài sản công nghiệp và thương mại khắp thế giới. Thay vì phải lo về việc đầu tư ra ngoài Trung Quốc, gần 70% những công ty Mỹ đã "phải" xem hành động này của chính phủ trung Quốc như là việc tạo ra cho họ một cơ hội để mở rộng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Trung Quốc", theo VOA.

Tóm lại, mục đích chính sách ngược đãi đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh là hạn chế tối đa sự phụ thuộc của kinh tế Trung Quốc vào thực thể kinh tế ngoại lai này, chấm dứt những thiệt hại vì ưu đãi quá lớn cho đầu tư nước ngoài và cuối cùng là làm tăng sức mạnh nền kinh tế một cách nhanh nhất thông qua hợp nhất hay hợp tác giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.

Những hành động ngược đãi đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh

Trước hết là những chính sách kinh tế vĩ mô của Bắc Kinh không còn xem đầu tư nước ngoài là trụ cột chính của nền kinh tế, qua đó sẽ thể hiện sự thiên lệch trong đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Cắt giảm ưu đãi cho đầu tư nước ngoài cũng là trong tâm của chính sách ngược đãi mà chính phủ Trung Quốc thể hiện việc hắt hủi doanh nghiệp nước ngoài trong điều kiện tái cơ cấu lại nền kinh tế.

VOA đã nhận định rằng, đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc trong năm 2016 sẽ thấp hơn so với năm 2015 vì nền kinh tế chậm lại, chi phí lao động cao hơn và những rào cản đối với việc tiếp cận thị trường, báo cáo cho biết. Bên cạnh đó còn hai mối lo ngại khác là chính sách không rõ ràng của chính phù Trung Quốc và những khó khăn trong môi trường cạnh tranh với những công ty bản địa.

"Những thách thức nghiêm trọng và có hệ thống vẫn còn, đặc biệt là xung quanh những vấn đề chính yếu như tiếp cận thị trường và những rào cản đối với đầu tư, những quy định và những cách thức quản lý mù mờ, sự phát triển chung chung của nền pháp trị", Chủ tịch AmCham Trung Quốc James Zimmerman cho biết, sau khi công bố bạch thư ở Bắc Kinh ngày 15/4.

Đặc biệt, ông Scott Kennedy, phó Giám đốc của Ban Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Freeman ở Washington đã nhận xét :

"Bằng cách nào đó, vị thế hưởng đặc quyền của những công ty đa quốc gia ở Trung Quốc đã bị giảm so với trước đây. Những thách thức mà những công ty đa quốc gia phải đối mặt không chỉ đơn giản là việc thi hành luật lệ ở cấp địa phương mà còn phản ánh những chính sách của chính phủ trung ương nữa".

Tiếp theo là việc tổ chức thực thi chính sách ngược đãi ấy. "Để thực hiện nỗ lực của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong cơ cấu lại nền kinh tế, bộ máy hành chính bị xem là làm việc chồng chéo nhau, trong đó kinh tế công nghiệp không ưu tiên cải tiến và nâng cấp công nghệ.
Từ đó có rất ít nỗ lực để thu hút sự tham gia của những công ty nước ngoài mà lâu nay vẫn cung cấp công nghệ và chuyên môn quản lý cho ngành công nghiệp trong nước", cáo bạch của AmCham đã cho biết như vậy.

Và cuối cùng là kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách của chính phủ Trung Quốc. Khi đã muốn "vắt chanh bỏ vỏ" đối với đầu tư nước ngoài thì Bắc Kinh sẽ thực hiện việc kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài giống như việc điều tra vi phạm hoặc ngăn chặn vi phạm trong đầu tư kinh doanh, chứ không còn tâm lý làm sao tránh ảnh hưởng đến khuyến khích hay tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động như trước đây nữa. 

"Những quy định thực thi an ninh mới ban hành hồi gần đây như xuất hiện một nút thắt nghiêm trọng đối với những công ty nước ngoài. Những nhà đầu tư lúc này phải đối phó với những cơ quan chính phủ trong sự thiếu minh bạch và sự tùy tiện thái quá trong việc thi hành những quy định này mới này", theo AmCham.

Phía sau những ngược đãi của Bắc Kinh với đầu tư nước ngoài

Việc siết chặt quản lý, tạo ra sự mất bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ tạo ra tâm lý bất ổn, giảm niềm tin, khiến cho những nhà đầu tư nước ngoài có thể ồ ạt rút khỏi Trung Quốc, tạo ra lỗ hổng lớn cho kinh tế Trung Quốc mà doanh nghiệp trong nước chưa dễ dàng bù lấp được. Điều này xảy ra sẽ khiến cho kinh tế Trung Quốc rơi vào tình thế nguy hiểm.

Ngưới viết cho rằng, khi thực hiện chính sách ngược đãi đầu tư nước ngoài, chính phủ Trung Quốc chắc chắn đoán biết hậu quả nếu đầu tư nước ngoài ồ ạt rút khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Bắc Kinh thực thi quyết liệt việc này thì đã chứng tỏ, hoặc là những thiệt hại mà đầu tư nước ngoài gây ra cho kinh tế Trung Quốc rất lớn, hoặc là đầu tư nước ngoài không mang lại hiệu quả nên nếu mất nó cũng không gây hậu quả khủng khiếp cho kinh tế Trung Quốc.

Theo những nghiên cứu về phát triển kinh tế, khi ưu đãi đầu tư nước ngoài, chính phủ chủ yếu nhắm tới ba vấn đề chính mà doanh nghiệp trong nước chưa thể đáp ứng được.

Thứ nhất là nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế, qua đó giải quyết bài toán lao động và thu nhập xã hội. Thứ hai là tận dụng khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý của doanh nghiệp nước ngoài. Và thứ ba là tạo sức ép cho môi trường kinh doanh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, hệ lụy mà đầu tư nước ngoài mang lại cho nền kinh tế không phải là nhỏ và nhẹ. Trước hết là mất đi khá nhiều nguồn lực của đất nước bởi chế độ ưu đãi cho thành phần kinh tế này.

Cùng với đó là hiệu quả của đầu tư nước ngoài thường không phải là hiệu quả đầu tư của cả nền kinh tế. Nghĩa là đầu tư nước ngoài chỉ làm nền kinh tế lớn về quy mô nhưng tỷ suất lợi nhuận thì nền kinh tế bản địa không được hưởng tương ứng.

Khu công nghiệp Vũng Áng – một trong những đơn vị FDI được ưu đãi đặc biệt bởi chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài của Việt Nam – đang gây ra những hệ luỵ, cần phải được đánh giá, xem xét lại hiệu quả giữa ưu đãi và đóng góp của nó. Ảnh : en.nhandan.com.vn / VNA.

Bên cạnh đó, nhiều khi doanh nghiệp trong nước là bãi thải công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài chứ không hẳn là nâng cao khoa học công nghệ như mong muốn của chính phủ.
Còn việc tạo ra môi trường cạnh tranh nhưng không bình đẳng về chính sách và không ngang bằng về sức mạnh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đã khiến cho doanh nghiệp trong nước thua ngay trên sân nhà.

"Kỳ vọng rất lớn của Việt Nam là các doanh nghiệp FDI sẽ góp phần tích cực vào việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đồng thời phát triển nhanh chóng các ngành có công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, giúp đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên các kỳ vọng trên còn lâu mới đạt mục tiêu. Bởi lẽ, tỷ lệ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thời điểm 31/12/2013 chiếm 83% (còn lại 17% là DN liên doanh với nước ngoài)", theo báo cáo của Tổng cục thống kê ngày 7/7/2014.

Theo cá nhân người viết thì chính sách ngược đãi đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh chắc chắn là kết quả của việc đánh giá hiệu quả cũng như tác hại của đầu tư nước nước ngoài tại Trung Quốc trong thời kỳ cải cách.

Và việc ngược đãi đối với đầu tư nước ngoài của chính phủ Trung Quốc cũng là một kinh nghiệm cho chính phủ Việt Nam trong việc xem xét lại chính sách đối với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện nay, trong đó có cả doanh nghiệp của Trung Quốc. 

Tóm lại, từ việc chính phủ Trung Quốc ngược đãi đầu tư nước ngoài sẽ xảy ra rất nhiều hệ quả cho kinh tế Trung Quốc và qua đó sẽ có ảnh hưởng tới đối tác của Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi những hệ quả ấy chưa bộc lộc thì đánh giá và xem xét lại chính sách với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là một việc làm cần thiết, giúp cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam không mất đi những lợi ích, những lợi thế khi hội nhập vào kinh tế toàn cầu.

Ngọc Việt



No comments:

Post a Comment