Thursday, April 28, 2016

CHIẾN TRANH MẠNG (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
(VienDongDaily.Com - 27/04/2016)

Ba chữ “Chiến Tranh Mạng” dịch từ 2 chữ Cyber War, và từ căn bản đó, chữ Cyber Command là bộ Chỉ Huy Mạng, như bộ chỉ huy pháo binh, bộ chỉ huy truyền tin, và những bộ chỉ huy khác phụ trách điều hành các binh chủng trong quân đội.

Mặc dù được chính thức thành lập từ 6 năm nay, nhưng có thể bộ Chỉ Huy Mạng của quân đội Mỹ không đi đầu trong việc đặt nặng tầm quan trọng của Chiến Tranh Mạng, vì từ nhiều năm nay, quân đội Trung Cộng đã phụ trách công tác đánh cắp bí mật quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ bằng cách hacking -khoét ngạch giả, đào tường ảo- xâm nhập văn khố Ngũ Giác Đài và tủ sắt mật của các công ty kỹ nghệ- đánh cắp công thức quốc phòng và bí quyết kỹ nghệ đem về Bắc Kinh sử dụng.

Chỉ huy trưởng Chiến Tranh Mạng là đô đốc Michael S. Rogers, ông cũng còn là tổng giám đốc N.S.A. (National Security Agency -Tổng Nha An Ninh Quốc Gia).
http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2016/4/27-Apr-2016/ndt.jpg

Trong cuộc hội đàm với quốc trưởng các nước Tây Âu tại Hanover, Đức, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đề cập đến một cuộc “oanh tạc mạng”; được phóng viên truyền thông hỏi về việc này, phụ tá Quốc Phòng Robert O. Work nói, “Hoa Kỳ sẽ đánh bom mạng vào hệ thống IS; đây là lần đầu tiên chúng tôi sử dụng loại bom này.”

Đánh bom mạng? Đánh như thế nào? Và bom mạng là bom gì?

Cách dùng chữ của ông Work có thể không chính xác, vì thật ra bom mạng cũng chỉ là bom thường, được sử dụng phối hợp với những phương tiện mạng từ 2007 để tấn công Al Qaida, với kết quả rất khả quan.

Ngày 16 tháng 5, 2007, chính tổng thống George W. Bush đã chấp thuận cuộc đánh bom mạng đầu tiên, theo đề nghị của đại tướng David Petraeus, giết gần 4,000 quân IS.

Tướng Petraeus sử dụng 2 cơ quan JCOC và NSA (Joint Special Operations Command and the National Security Agency - bộ Chỉ Huy Hành Quân Đặc Biệt và Nha An Ninh Quốc Gia) để thảo kế hoạch cuộc “đánh bom” này.

Ông Petraeus gọi cuộc đánh bom là “chiến lược chống nổi dậy”; thật ra việc làm không mang tính chất chiến lược, và cũng không phải là một sáng kiến mới: Petraeus cho chuyên viên truyền tin theo dõi và ghi nhận những tin tức của địch, những mệnh lệnh của cấp chỉ huy truyền xuống cấp thừa hành. Khác biệt duy nhất là quân Al-Qaeda không dùng máy truyền tin như mọi quân đội khác, mà dùng computer.

Quân đội Mỹ lấy được mật khẩu, tìm được địa chỉ mạng của mọi cấp trong hệ thống mạng al-Qaeda, rồi giả danh cấp chỉ huy, ra lệnh cho mọi đơn vị tập họp về một điểm, để phát động một cuộc tấn công lớn.

Về đến địa điểm tập trung, các đơn vị Al Qaeda không nhận được chỉ thị phối hợp tấn công mà lại nhận bom Mỹ. Trong cuộc oanh tạc đó, và những cuộc oanh tạc kế tiếp do mạng phối hợp trong suốt năm 2007, Hoa Kỳ tiêu diệt gần 4,000 quân Al Qaeda.

Câu châm ngôn “biết mình, biết địch, trăm trận đánh, trăm trận thắng” cũ như chuyện Tam Quốc, nhưng vì khéo áp dụng 2 chữ “biết địch” Petraeus giết được một số lớn quân al-Qaeda mà không đổ một giọt máu nào của lính Mỹ.

Ngày đó ông William Perry giữ chức vụ trưởng khối “Khoa Học Gia” trong bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ; sau này trở thành tổng trưởng Quốc Phòng ông mệnh danh việc áp dụng khoa tin học vào chiến tranh là chiến lược “chống phá hệ thống chỉ huy chiến tranh”.

Vào thập niên 1990, đô đốc McConnell gọi việc sử dụng “mạng computer” trong chiến tranh là “chiến tranh tin tức” (information warfare); ông nói, “phe thắng trận không phải là phe có nhiều súng đạn, mà là phe kiểm soát được tin tức.

Điều này cũng đúng trong chiến tranh Việt Nam, qua việc lính Việt Cộng được lệnh xuống hầm tránh bom ngay khi B52 mới vừa cất cánh tại Guam, hoặc việc Hà Nội biết chi tiết về cuộc hành quân Lam Sơn 719 trước phút vận tải cơ đưa Sư Đoàn Nhẩy Dù đáp xuống phi trường Phú Bài.

Trở lại với chiến trường Trung Đông -từ nhiều năm trước, JSOC (Joint Special Operations Command -Bộ Chỉ Huy Phối Hợp Hành Quân Đặc Biệt) vẫn phụ trách việc theo dõi hệ thống truyền tin của địch; mỗi khi có những tin tức quan trọng JSOC chuyển tiếp tin về Fort Meade, Maryland, để các chuyên viên NSA phân tách tìm hiểu nội dung, và tìm biết mật khẩu địch, biết danh sách nhận email, và số điện thoại cell của những người nhận. Cuối cùng NSA thiết lập một số tiền trạm ngay tại Iraq, sử dụng đến 6,000 chuyên viên phân tách mật điện, trong số này 22 người tử trận vì mìn bẫy.

Công tác của những chuyên viên NSA không chỉ là nghe và đọc lén công điện của địch; họ còn sửa chữa để thay đổi nội dung công điện, bóp méo, và đôi khi tạo ra việc người thừa hành nhận công điện, hiểu lầm ý định của cấp chỉ huy.”

Cuối cùng hệ thống chỉ huy bằng công điện của IS bị xáo trộn; người nhận công điện không biết nội dung là thật hay đã bị ngụy tạo.

Obama nâng “Chiến Tranh Mạng” lên cấp binh chủng với một ngân khoản hàng năm $7 tỉ, một vị chỉ huy trưởng mang cấp tướng lãnh 4 sao; binh chủng này đang thu hút nhiều tân sĩ quan vừa mãn khóa, có trình độ kiến thức cao.

Bộ chỉ huy binh chủng Chiến Tranh Mạng đặt tại Fort Meade, và chi nhánh thống thuộc binh chủng được đặt tại mọi bộ chỉ huy quân sự Hoa Kỳ tại Trung Đông, Nam Á và Bắc Phi.

Đầu tháng Tư 2016, tổng trưởng Quốc Phòng Ashton Carter tuyên bố là ông vừa trao cho bộ chỉ huy Chiến Tranh Mạng một công tác tác chiến: đánh bom mạng trên lực lượng IS. Carter nói, “Chúng ta đã có những chiến dịch quân sự, thì chúng ta cũng có những chiến dịch mạng. Tôi đòi hỏi việc sử dụng toàn bộ khả năng 'mạng lưới' để góp sức chấm dứt chiến tranh."

Hiểu theo góc nhìn quân sự, ông Carter muốn nâng khả năng bộ Chỉ Huy Mạng lên cấp hành quân, như khả năng chủ động hành quân của hải, lục không quân.

Một trong những công tác bộ Chỉ Huy Mạng nỗ lực thực hiện là hóa giải ảnh hưởng của IS trong việc tuyển mộ và quyên góp, mà tổ chức khủng bố này đang thành công đáng kể trên nhiều quốc gia Tây Âu và Hoa Kỳ.

Nhiều người Ả Rập cư ngụ trong thế giới tự do, đang gửi tiền về giúp IS, nhiều người Ả Rập trẻ rời bỏ Âu, Mỹ tìm về Syria để gia nhập lực lượng IS.

IS thực hiện công tác “ngoại kiều vận” trên 15 mạng xã hội , trong đó những mạng lớn nhất như facebook, với 1,100,000,000 (1,100 triệu) độc giả, Twitter, với 310 triệu độc giả, LinkedIn với 255 triệu, ... .

Trong nỗ lực phản tuyên truyền, bộ Chỉ Huy Mạng đang bóp méo, làm mất nghĩa những tài liệu tuyên truyền của IS nhắm mục đích lạc quyên và tuyển mộ; trong nỗ lực quân sự, bộ CHM đang gài tín hiệu vào những điểm xuất phát tin điện của IS để giúp không quân mục tiêu oanh tạc.

Trong những cuộc tiếp xúc với các quốc gia đồng minh Tây Âu tại Đức, tổng thống Obama đang thuyết phục họ sử dụng chiến tranh mạng để làm IS yếu đi, mất khả năng khủng bố, như chúng đã khủng bố tấn công Pháp và Bỉ.

Nỗ lực tổ chức bộ CHM cũng không đến nỗi phức tạp hay quá tốn kém, tuy nhiên tổ chức đến tiêu chuẩn quy mô như Hoa Kỳ thì quả cũng không dễ.

Nguyễn đạt Thịnh

Các tin khác
• Một tài liệu 42 năm cũ (23-04-2016)
• Tiền tử tuất (20-04-2016)
• Thi gan (18-04-2016)
• Phản bội giai cấp (16-04-2016)
• Ác mộng ô nhiễm (13-04-2016)
• Lạm dụng tình dục (06-04-2016)
• Kiến thức và quan điểm (05-04-2016)






No comments:

Post a Comment