Wednesday, March 2, 2016

ĐỪNG VỘI KẾT ÁN TRUNG QUỐC ! (Hùng Tâm/Người Việt)





Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, March 2, 2016 5:03:06 PM 
 
Tập Cận Bình và mối nguy thất nghiệp

Suốt bảy tháng qua, tin tức kinh tế từ Trung Quốc làm các thị trường tài chánh quốc tế sụt giá và người ta phát giác một sự thật đã chình ình trước mắt ít ra từ hai ba năm trước: Nền kinh tế hạng nhì thế giới đang đi vào chu kỳ suy thoái sau nhiều thập niên cứ được ngợi ca là phép lạ! Nhưng từ bảy ngày giao dịch vừa qua, các thị trường tài chánh quốc tế, cổ phiếu và trái phiếu, lại gác một bên mọi tin tức từ Trung Quốc, dù tình hình xứ này còn tệ hơn trước: Thị trường đã thấm sự thật, thản nhiên ghi vào giá cả, rồi nhìn qua hướng khác.

Nói cho hấp dẫn, Bắc Kinh có tội bành trướng quân sự, nhưng hết là thủ phạm của dao động tài chánh toàn cầu, từ giá dầu đến ngũ cốc hay sắt thép linh tinh. Nền kinh tế vĩ đại ấy là... nạn nhân của chánh sách kinh tế Bắc Kinh. Hồ sơ Người Việt sẽ tìm hiểu nghịch lý này.

Nạn nhân và thủ phạm

Khi đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bắt đầu giảm, hết là 10% một năm như trong 30 năm kể từ 1980, chỉ còn là 8%, rồi 7% và có lẽ thấp hơn kể từ 2014, giới bình luận kinh tế Tây phương đồng thanh giải thích rằng mọi biến động thất thường của kinh tế thế giới đều xuất phát từ Trung Quốc. Thí dụ như nạn thương phẩm sụt giá làm cổ phiếu của các thị trường Á Châu, Âu Châu và Hoa Kỳ rơi rụng là vì kinh tế Trung Quốc tiêu thụ ít hơn, nhập cảng ít hơn và gây ra mất quân bình cung cầu.

Giới bình luận có hai biệt tài. Thứ nhất là mô tả và suy diễn sự thật, thứ hai là chọn một tựa đề bắt mắt để gợi trí tò mò của mọi người. Kết quả là thị trường chụp lấy bản tin, coi như sự thật và phản ứng theo sự thật đó. Với kết luận: Trung Quốc là thủ phạm.

Chẳng hạn như nếu số cung vẫn tăng mà số cầu lại giảm thì giá phải sụt, và giới sản xuất để xuất cảng bị thiệt hại nặng. Trung Quốc là thủ phạm vì nhập cảng đủ loại thương phẩm, như dầu thô, khí đốt, than đá, sắt, thép, ngũ cốc, v.v... và do tình trạng sản xuất thừa, bị ế ẩm, nên mua ít hơn và gây ra hiện tượng cung mạnh hơn cầu.

Thật ra, hiện tượng thương phẩm (commodities) sụt giá đã manh nha từ đầu năm 2008, hồi phục nhẹ trong các năm 2009-2011 rồi mới rớt mạnh từ năm 2011. Dầu thô thì chỉ tuột giá từ cuối năm 2014. Có nhiều yếu tổ khả dĩ giải thích chiều hướng giá cả ấy: quy luật cung cầu, hay trị giá ngoại tệ phổ biến nhất là đồng Mỹ kim, là phản ứng của giới buôn bán thương phẩm (commodity traders) khi đoán trước giá cả và mua vào hay bán ra để kiếm lời, v.v...

Một yếu tố quan trọng không kém là sự tính toán của các nước sản xuất thương phẩm, nguyên nhiên vật liệu, căn cứ trên dự đoán của họ về mức cung cầu sắp tới. Trong sự tính toán ấy, dĩ nhiên là có sức tiêu thụ của kinh tế Trung Quốc, nhưng không chỉ có vậy. Mà sức tiêu thụ đó lại là ẩn số khó đoán vì tính chất mơ hồ của thống kê Trung Quốc. Cho nên, nền kinh tế xứ này có liên hệ đến những biến động về giá cả, như một thủ phạm mà cũng là nạn nhân.

Ít ai loan tin theo kiểu rắc rối ấy, cho nên đề tựa của bản tin - và sự lười biếng của giới tiêu thụ tin tức - làm nốt phần vụ còn lại. Đó là kết luận rằng mọi sự đều do Trung Quốc gây ra.
Sau khi nức lời ca tụng, người ta đổi giọng thành ta thán. Từ Tháng Tám năm ngoái, khi Bắc Kinh hết che giấu nổi tình trạng nguy ngập của mình, như qua việc can thiệp vào thị trường cổ phiếu rồi hối đoái, các thị trường quốc tế đều té ngửa theo cùng một hướng. Bây giờ khi đã hoàn hồn, mọi người đều bảo nhau rằng hoạn nạn kinh tế của Trung Quốc là chuyện đã xưa.

Chưa hết đâu!

Tập Cận Bình thất nghiệp

Hãy nói về cái đầu trước.
Sau khi lên lãnh đạo từ Đại Hội Khóa 18 vào cuối năm 2012 với ấn tín tổng bí thư và cầm quyền từ đầu năm 2013 trong vai trò chủ tịch, Tập Cận Bình là người bận rộn nhất thế giới.
Ông phải tập trung quyền lực về bộ máy cầm quyền của trung ương và tiến vào vị trí trung tâm của trung ương đó để cải cách kinh tế và chuyển hướng phát triển. Muốn vậy, về chính trị, ông phải dẹp mọi chướng ngại bằng kế hoạch diệt trừ tham nhũng, tiến hành qua nhiều chiến dịch nhắm vào nhiều thành phần và cấp bộ cao thấp khác nhau, cả dân sự lẫn quân sự. Trong khi đó, ông phải thâu tóm quyền lực quản lý kinh tế và mặc nhiên đẩy người hữu trách qua một bên. Đó là Lý Khắc Cường, đứng thứ hai trong thường vụ Bộ Chính Trị và giữ vai tổng lý quốc vụ viện, tức là thủ tướng.

Tuy nhiên các khó khăn dồn dập về kinh tế lẫn chính trị đã vượt khỏi dự đoán của mọi người, kể cả người cầm đầu chế độ tập quyền nhất là Tập Cận Bình.

Khi ấy, giới quan sát chính trị mới hiểu ra một quy luật cung cầu khác: Muốn bán món hàng cải cách để củng cố quyền lực trước quá nhiều khó khăn kinh tế thì phải bày ra một thị trường mới cho giới tiêu thụ. Thị trường ái quốc. Tổng Thống Vladimir Putin của Liên Bang Nga hay Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc mà đưa quân vào Syria hay bành trướng ra Đông Hải là để tránh cho mình nạn thất nghiệp. Trong một chế độ tập quyền, kẻ cầm quyền độc đoán mà thất nghiệp thì khó được yên bình vui thú điền viên. Vì vậy, kết hợp an ninh với kinh tế thì ta thấy ra sự bất ổn của cả lục địa Âu-Á, trải dài từ Viễn Đông tới Trung Đông.

Nhưng giữa bối cảnh bấp bênh đó, chúng ta vẫn nên hiểu ra sự bất trắc của kinh tế Trung Quốc. Kỳ này, Hồ Sơ Người-Việt xin nói về nạn thất nghiệp.

Sa thải 2 triệu công nhân

Hôm 29 Tháng Hai vừa qua, bộ trưởng Bộ Nhân Lực, Tài Nguyên và Bảo vệ XÃ hội của Bắc Kinh là Doãn Úy Dân loan báo một quyết định rất lạ. Là sẽ sa thải một triệu 800 ngàn nhân công trong hai khu vực sản xuất than thép của Trung Quốc.

Quyết định ấy rất lạ vì nhiều lẽ: 1) sẽ sa thải trong thời hạn bao lâu? 2) vì sao chỉ trong hai lãnh vực sản xuất thương phẩm là than và thép? 3) quan trọng nhất, vì sao Bắc Kinh lại công khai nói ra chuyện ấy, với số liệu hẳn hoi, thay vì cứ lặng lặng thi hành như mọi khi?

Hôm sau, mùng một Tháng Ba, thông tấn xã Reuters đưa ra một tin còn lạ hơn: Theo lời tiết lộ của hai viên chức thân cận với giới lãnh đạo Bắc Kinh, nhưng xin giấu tên, thì trong hai ba năm tới, Trung Quốc sẽ sa thải năm sáu triệu công nhân viên trong khu vực nhà nước. Mục tiêu là để giải quyết nạn sản xuất thừa.

Trong hệ thống chính trị xứ này, ít ai dám tiết lộ cho báo chí, nhất là báo chí ngoại quốc - lại Tây phương nữa! - loại chi tiết nhạy cảm như vậy nếu không được phép. Tức là Bắc Kinh hết che giấu sự thật này nữa. Có gì đó còn lạ hơn nữa đang xảy ra tại Trung Quốc.

Sở dĩ chúng ta nên chú ý đến sự kiện và thời điểm vì mới chỉ đầu năm thôi, thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố trong một buổi họp của Quốc Vụ Viện (hội đồng chính phủ) rằng hai khu vực than thép phải nâng hiệu suất và giảm phí tổn. Chuyện ấy thì ai cũng biết sau khi Bắc Kinh bán rẻ thép dở ra thị trường và càng làm thị trường sắt thép cùng quặng sắt sụt giá thê thảm. Nhưng khi ấy, Lý Tổng lý không hề nói đến việc thải người. Trước đấy, cuối năm ngoái, nhiều giới chức cao cấp của đảng đã nói là nạn sản xuất dư dôi khiến nhiều người phải “đổi nghiệp,” là mỹ từ cộng sản dùng thay cho chữ thất nghiệp vì bị sa thải.

Thí dụ gần đây là một bản tin của Tân Hoa Xã ngày 22 Tháng Giêng, rằng một triệu tám công nhân sẽ được “bố trí vào việc khác” sau khi chính quyền trung ương chuẩn chi 15 tỷ (đô la) trong năm năm tới để giải quyết việc này trong ổn định. Thật ra, việc Bắc Kinh công khai hóa một quyết định kinh tế có hậu quả xã hội và chính trị nghiêm trọng như vậy không là điều nghiêm trọng nhất.

Vấn đề nó nằm ở chỗ khác (vì vậy, quý độc giả mới đọc trên “Hồ sơ Người Việt”!)
Đầu tiên, chế độ cộng sản Trung Quốc - viết gọn là Trung Cộng - có một chủ trương bất di bất dịch là bảo đảm việc làm cho mọi người, nhất là công nhân. “Định hướng xã hội chủ nghĩa” với màu sắc Trung Hoa của họ là nghèo đói có nhau, chứ không để ai thất nghiệp. Thực tế kinh tế của chủ thuyết chính trị ấy là ai cũng có việc, nhưng làm ít hay nhiều thì không đáng kể. Một cách cụ thể thì doanh nghiệp là trung tâm tuyển dụng nhân lực, bất kể lời lỗ.

Chỉ 15 năm sau khi cải cách kinh tế từ 1979, lãnh đạo đã bị thực tế kinh tế đẩy ra một bài toán nhân dụng: phải cải tổ hệ thống quốc doanh kém hiệu năng và trong bảy năm, từ 1995 đến 2002, họ sa thải 35 triệu công nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước. Kết quả của việc chấn chỉnh ấy là số nhân công trong khu vực nhà nước đã giảm từ 30% đến 60%. Nhưng khi ấy, kế hoạch chấn chỉnh do tổng lý Chu Dung Cơ tiến hành mang tính chất chủ động, góp phần nâng hiệu năng của doanh nghiệp nhà nước và được tư doanh tiếp nhận lượng người dư dôi đó. Khi ấy, phí tổn tài chánh của quyết định này được ước lượng là 11 tỷ đô la.

Ngày nay, Bắc Kinh dự trù 15 tỷ cho việc di dời việc làm của chưa tới hai triệu công nhân chỉ trong hai ngành than thép. Khi đọc lại, ta mới thấy một sự khác biệt rợn người:

Bắc Kinh hết khả năng chủ động như 20 năm trước, phải lật đật giải quyết một vấn đề tốn kém gấp bội về kinh tế lẫn xã hội. Chế độ đang gặp một thách đố chính trị nguy ngập tới bất ngờ nên mới ra lệnh cho doanh nghiệp nhà nước phải tuyển dụng bộ đội phục viên trong khi loay hoay với hai triệu công nhân than thép, sau khi đã sa thải một triệu rưỡi kể từ năm 2013!

Các thị trường tài chánh có thể thản nhiên với con số thất nghiệp ít ỏi đó so với lực lượng lao động Trung Quốc có hơn 800 triệu người. Bắc Kinh thì không thể thản nhiên, vì chế độ thành hình từ những kẻ khốn cùng đi chân đất - và chẳng còn gì để mất khi thiểu số lại phất phơ với bạc tỷ.

Kết luận ở đây là gì?

Ta dễ oán Bắc Kinh lấy xáng thổi cát ẩm - có khi của Việt Nam, dạ, vâng - để xây đảo nhân tạo trên các quần đảo họ cướp của thiên hạ. Nhưng hãy nhìn vào các doanh nghiệp ế ẩm và đoàn người ế việc ở bên trong.

Khi thủ phạm đang thành nạn nhân vì trò ma của họ, ta nên tin là kinh tế cũng biết công lý!






No comments:

Post a Comment