Wednesday, March 2, 2016

NARENDRA MODI MỆT HƠN TẬP CẬN BÌNH (Ngô Nhân Dụng)






Ngô Nhân Dụng
Tuesday, March 1, 2016 5:57:53 PM 

Hai nền kinh tế lớn nhất hoàn cầu trong nửa cuối thế kỷ 21, nếu không sớm hơn, sẽ là những quốc gia Châu Á, Ấn Ðộ và Trung Quốc. Hai quốc gia phát triển theo những con đường khác hẳn nhau từ khi thành lập chế độ chính trị hiện hành, lần lượt vào năm 1947 và 1949. Chúng ta thường chú ý đến Trung Quốc hơn, vì họ là láng giềng và đang xâm lấn biển, đảo Việt Nam. Trên mặt kinh tế, Cộng Sản Việt Nam theo Cộng Sản Trung Quốc từng bước một, thường chậm hơn mươi năm. Nhưng kinh tế Ấn Ðộ có thể đem lại nhiều bài học kinh nghiệm hơn nếu Việt Nam muốn phát triển theo cách kinh tế thị trường, đặc biệt trong thời kỳ sau chế độ Cộng Sản.

Trong bài trước, mục này đã kể những khó khăn của Ấn Ðộ từ khi thực sự thành lập quốc gia, hơn 22 thế kỷ sau khi nước Trung Hoa được thống nhất dưới đời Tần Thủy Hoàng. Riêng một di sản tín ngưỡng từ 5,000 năm là hệ thống đẳng cấp cha truyền con nối cũng là một chướng ngại lớn cho việc phát triển kinh tế; đặc biệt khi so sánh với Trung Quốc. Thí dụ, một người Trung Hoa trung bình có thể làm ruộng, hoặc đi học rồi làm quan, hoặc làm thợ, đi buôn, tùy hoàn cảnh mà hoạt động. Nhưng một người Ấn Ðộ sinh ra trong một gia đình thuộc đẳng cấp nào đó thì khó đổi nghề nghiệp, công việc. Có hàng ngàn đẳng cấp như vậy. Người ta chỉ nghe tên là biết gia đình anh là trí thức chuyên nghiệp, hoặc làm bánh ngọt, hay đi quét rác, hoặc đổ phân. Hiến Pháp Ấn Ðộ đã xóa bỏ đẳng cấp, tất cả mọi người bình đẳng, nhiều người thoát ra khỏi số phận cổ truyền, nhưng tâm lý người dân vẫn rất khó thay đổi.

Kinh tế Ấn Ðộ còn bị cản trở vì các chính khách thời lập quốc đã chọn xây dựng kinh tế theo lối xã hội chủ nghĩa. Họ tin rằng chính quyền, chứ không phải giới tư doanh, đóng vai trò quyết định cho kinh tế phát triển. Nhờ giới lãnh đạo Ấn Ðộ tôn trọng thể chế dân chủ tự do, không chấp nhận chính họ trở thành những bạo chúa độc tài, cho nên dân Ấn Ðộ không bị đem làm những con vật thí nghiệm cho những chính sách kinh tế và xã hội sai lầm như Mao Trạch Ðông đã làm chết mấy chục triệu người Trung Hoa. Ðường lối kinh tế sai lầm từ thời cố Thủ Tướng Jawaharlal Nehru cho đến Indira Gandhi và con bà đã kìm hãm kinh tế Ấn Ðộ trong tình trạng lạc hậu trong khi những quốc gia Ðông Á trở thành những con rồng trong các thập niên 1970-80.

Mãi đến thập niên 1990, sau khi chứng kiến Liên Xô sụp đổ, Ấn Ðộ mới bắt đầu “cải tổ,” đi sau Ðặng Tiểu Bình ở Trung Quốc hơn 10 năm. Thủ Tướng Narasimha Rao, đảng Quốc Ðại, sau năm 1991, đã sửa chữa những sai lầm của đảng mình. Rao giảm bớt vai trò của nhà nước bằng cách giản dị hóa hệ thống các thứ giấy phép trong nền hành chánh. Giới “quan lại hành chánh” là một trở ngại lớn nhất cho kinh tế Ấn Ðộ, cho tới bây giờ vẫn chưa xóa bỏ được. Ông giảm bớt hàng rào thuế khóa, xóa bỏ độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước, để cho tư nhân tự do hoạt động và phát triển. Chính phủ Rao chấp nhận cải tổ cơ cấu theo những đề nghị của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, cứu nền kinh tế suy sụp. Nhưng dân Ấn Ðộ đã nhận ra những sai lầm của đảng Quốc Ðại từ nửa thế kỷ trước, và họ bầu đảng Bharatiya Janata Party (BJP) lên cầm quyền.

Người kế vị ông Rao năm 1996 là Thủ Tướng Atal Bihari Vajpayee thuộc đảng BJP. Ông tiếp tục chính sách cải tổ của Rao, và con đường đó vẫn tiếp tục bởi Thủ Tướng Manmohan Singh, khi đảng Quốc Ðại trở lại cầm quyền năm 2004. Hai vị thủ tướng Rao và Vajpayee đều không hoàn toàn tin tưởng vào kinh tế tư bản, nhưng họ biết một điều là guồng máy chính quyền nặng nề là một chướng ngại lớn không cho tư doanh phát huy các sức mạnh của kinh tế thị trường. Họ “cởi trói” các luật lệ kinh tế với mục tiêu thúc đẩy cạnh tranh, trong các ngành viễn thông, hàng không, vân vân. Hàng chục ngành doanh nghiệp nhà nước được tư nhân hóa, từ nghề làm bánh, khách sạn, đến viễn thông, quặng mỏ và phân bón, mà trước đó đảng Quốc Ðại dành cho khu vực quốc doanh.

Công cuộc cải tổ ở Ấn Ðộ chưa kéo dài được 15 năm đã bị ngưng lại với đảng Quốc Ðại từ năm 2004. Chính phủ liên hiệp của Quốc Ðại cho rằng cải tổ đang đi nhanh quá, cần thắng bớt lại. Chương trình tư nhân hóa chấm dứt. Chính sách tín dụng theo tiêu chuẩn thị trường, người vay phải chứng minh mình có khả năng trả nợ, bị bỏ qua. Nhà nước chủ trương nâng đỡ một số người, cho phép nhiều loại con nợ được miễn trả nợ. Chủ trương hạn chế chi tiêu để cân bằng ngân sách bị gạt bỏ, để nhà nước dùng tiền “bảo vệ công bằng xã hội.” Một chương trình xã hội rộng lớn gọi là NREGA nêu mục đích nâng đỡ người nghèo, nhưng đã trở thành một định chế gây tai tiếng nhất thế giới về tham nhũng. NREGA dùng trợ cấp để giữ giá thực phẩm thấp, nhưng thay vì nhắm vào những gia đình thật sự “nghèo,” khoảng 20% dân số Ấn Ðộ, chương trình này giúp cho hai phần ba dân số được mua thức ăn rẻ. Mục tiêu rất đáng kính trọng, nhưng chính sách cụ thể vừa phí phạm công quỹ vừa giúp nhiều người không cần giúp, đáng lẽ có thể giúp chính những người nghèo nhất trên các nhu cầu khác.
Mười năm sau, dân Ấn Ðộ lại thất vọng về đảng Quốc Ðại, đảng bị dân lật đổ năm 2014. Ðảng BJP lại thắng cử, Thủ Tướng Modi hứa tiếp tục cải tổ kinh tế, sau 10 năm gián đoạn.
Ông Modi đứng trước nhiều khó khăn, không khác gì ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh. Cả hai đều muốn “cải tổ kinh tế.” Nỗi khó khăn của họ khác nhau, vì bản chất chính trị của hai nước khác nhau.

Ấn Ðộ đã bỏ lỡ cơ hội, người Việt nói là bị lỡ chuyến tàu ít nhất ba lần. Thập niên 1970 Ấn Ðộ không lên chuyến tàu phát triển của các con rồng Á Ðông. Năm 1980 Ấn Ðộ vẫn còn ngủ mơ chủ nghĩa xã hội trong khi Cộng sản Trung Quốc thay đổi, bắt đầu tư bản hóa. Ðảng Quốc Ðại lại ngưng chương trình cải tổ trong 10 năm, lỡ tầu lần thứ ba.

Ðúng là Ấn Ðộ đã lỡ chuyến tàu trong gần nửa thế kỷ đó. Bởi vì trong thời gian đó thế giới thay đổi. Hiện tượng “toàn cầu hóa” đã bắt đầu trong lúc Ấn Ðộ còn ngủ mơ. Những nước Á Ðông đã được hưởng lợi nhờ các nước Mỹ và Châu Âu mở cửa mua hàng, cơn sóng “toàn cầu hóa” bắt đầu từ thập niên 1970. Khi Cộng Sản Trung Quốc bắt đầu tư bản hóa thì “toàn cầu hóa” đã trở thành sự thật không ai chống lại được. Phải giảm bớt nếu không nói là nên bãi bỏ hết các hàng rào quan thuế. Những chính trị gia bảo thủ nhất trong thế giới tư bản cũng phải chấp nhận một quy luật kinh tế, là trong thị trường tự do tất cả các cuộc trao đổi diễn ra chỉ vì ai cũng được lợi.

Dân Trung Hoa đã nhập cuộc vào cơn sóng “toàn cầu hóa” đúng lúc, trở thành “cơ xưởng chế tạo” của cả thế giới, bởi vì tại các nước giầu có, tiên tiến, những ngành chế hóa đó không còn ai muốn làm, vì mức lời thấp quá so với các ngành công nghiệp mới. Công nghiệp mới “sạch hơn” vì không dùng đến than hay dầu lửa mà dùng trí óc con người. Mức lời cao hơn vì chưa bị cạnh tranh. Nhảy vô sóng “toàn cầu hóa” đó, kinh tế Trung Quốc gia tăng vượt bực.

Ðến khi Ấn Ðộ nhìn ra, bắt đầu thay đổi kinh tế, thì đã chậm chân vài chục năm. Ấy thế mà mới sửa đổi được 14 năm lại ngập ngừng, muốn ngừng chân. Bây giờ, ông Narendra Modi phải ra sức chạy nước rút.

Nhưng chạy như thế nào?

Trước hết, Ấn Ðộ phải công nghiệp hóa. Phải chuyển hàng trăm triệu nông dân và những người cùng khổ thuộc giai cấp “hạ tiện” lên thành phố, biến họ thành công nhân. Hiện có khoảng 120 triệu dân Ấn trong tuổi lao động cần việc làm. Họ không có một nghề tinh xảo nào, cần tạo việc làm tay chân cho họ trong tám năm tới. Trung Quốc đã bắt đầu làm việc này từ năm 1980. Hiện nay công nghiệp chế hóa chỉ cung cấp khoảng 20% vào tổng sản lượng nội địa Ấn Ðộ, trong khi ở Trung Quốc đã lên tới 40%. Ai cũng biết, khi nào tỷ lệ đó tăng lên thì cả nền kinh tế cùng tiến.

Vì vậy, với bản ngân sách đang đệ trình Quốc Hội, ông Modi đã tung ra kế hoạch công nghiệp hóa, khai trương rầm rộ ở Mumbai (tên mới của Bombay) ngày 14 Tháng Hai vừa qua, đặt tên là Made in India. Bước đầu coi có vẻ thuận lợi. Ðã có nhiều công ty quốc tế cam kết đầu tư 219 tỷ Mỹ kim, riêng trong năm nay sẽ có 60 tỷ. Công ty Ericson, Thụy Ðiển, đang sử dụng 22,000 công nhân bản xứ, sẽ mở thêm nhà máy mới, chuyển công việc hiện đang làm ở Trung Quốc qua Ấn Ðộ. Foxcom, một công ty Ðài Loan, sẽ mở thêm hơn 10 cơ xưởng làm điện thoại di động cho hãng Apple, sẽ sử dụng một triệu công nhân. General Motors sẽ đầu tư một tỷ Mỹ kim, mặc dầu sẽ phải cạnh tranh với kỹ nghệ xe hơi tiến bộ sẵn ở Ấn Ðộ. Nhiều công ty của Trung Quốc cũng đem công việc qua Ấn Ðộ làm vì lương thợ Trung Hoa bây giờ cũng cao quá!

Muốn kế hoạch Made in India thành công, phải vượt qua chướng ngại cố hữu là “guồng máy hành chánh rùa,” một di sản của thời theo chủ nghĩa xã hội của đảng Quốc Ðại. Trong hơn một năm qua, ông Modi đã tấn công vào thành trì kiên cố này.

Trường hợp công ty Mỹ Emerson là một thí dụ, họ đã đầu tư 25 tỷ Mỹ kim vào nước Ấn. Trước đây, 17 nhà máy của Emerson mỗi năm phải “xin cấp giấy phép lại” một lần, do bốn cơ quan nhà nước Ấn Ðộ duyệt xét. Ông Modi đã thay đổi. Từ nay, công ty Emerson chỉ phải xin tái duyệt xét các giấy phép ở một cơ quan mà thôi, chính sách gọi là “một cửa.” Hơn thế nữa, các giấy phép ba năm mới phải duyệt xét lại một lần! Quả nhiên, Emerson sẽ đầu tư mở thêm bốn nhà máy nữa, chuyên sản xuất các hệ thống điều khiển trong các cơ xưởng công nghiệp.

Những cố gắng của chính quyền Modi rất đáng kính trọng. Tuy nhiên, người ta vẫn lo nước Ấn Ðộ lại “lỡ tàu” một lần nữa. Vì kinh tế thế giới đang suy yếu. Khi kinh tế tất cả các nước đều chạy chậm lại thì nhu cầu mua hàng chế hóa của Ấn Ðộ sẽ không cao. Khác hẳn tình trạng trước đây hơn 30 năm khi Trung Cộng thay đổi vào lúc nhu cầu cả thế giới đang tăng.

Ông Tập Cận Bình đang lo thay đổi cơ cấu, biến kinh tế Trung Quốc từ chủ trương xuất cảng và đầu tư phí phạm qua một nền kinh tế tiêu thụ. Nỗi khó khăn của ông Tập một phần vì thị trường chưa được mở mang đúng mức và cả giới lãnh đạo Bắc Kinh chưa có kinh nghiệm, vẫn còn thói quen chỉ huy. Ngày hôm qua, Ngân Hàng Trung Ương ở Bắc Kinh mới giảm tỷ lệ dự trữ các ngân hàng, hậu quả là sẽ có thêm 100 tỷ Mỹ kim cho vay. Không ai biết những món nợ đó có ích lợi gì không và sau này có trả lại được không.

Còn ông Narendra Modi cũng phải tranh thủ với hàng ngũ thư lại kinh tế và tính chất bảo thủ trong truyền thống văn hóa Ấn Ðộ. So sánh hai nước thì thấy ở Ấn Ðộ các vấn đề tương đối rõ ràng, cách đối phó cũng hiển nhiên; trong khi ở Trung Quốc thì giới lãnh đạo còn loay hoay vừa làm vừa học để biết thị trường nó vận chuyển như thế nào; đồng thời cũng phải lo đối phó với những thế lực bảo thủ ngay trong đảng Cộng Sản không muốn thay đổi!


CÁC TIN KHÁC








No comments:

Post a Comment