Wednesday, March 23, 2016

NHIỀU TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM TUYỆT THỰC TRONG TRẠI TÙ XUYÊN MỘC (Việt Hùng/Người Việt)





Việt Hùng/Người Việt
Tuesday, March 22, 2016 6:29:52 PM

SÀI GÒN (NV) “Tính đến ngày 21 tháng 3 năm 2016, các tù nhân lương tâm (TNLT) đang bị giam ở trại tù Xuyên Mộc, tỉnh Ðồng Nai đã trải qua 10 ngày tuyệt thực tập thể để phản đối chính sách, làm việc một cách tùy tiện, vi phạm Hiến Pháp và pháp luật.” Ðó là thông tin từ gia đình tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức cho báo Người Việt biết.

(Từ trái) Ba và em trai của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, ông Trần Văn Huỳnh và Trần Huỳnh Duy Tân, đang kể lại chuyện tù nhân tuyệt thực. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Các tù nhân đang tuyệt thực tập thể gồm có Trần Huỳnh Duy Thức (hiện đang chịu mức án 16 năm tù giam), Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (9 năm tù giam, bị chung vụ với Ðỗ Thị Minh Hạnh), nhạc sỹ Trần Vũ Anh Bình (6 năm tù giam, bị chung vụ với nhạc sỹ Việt Khang), Ðinh Nguyên Kha (4 năm tù giam, chung vụ với sinh viên Nguyễn Phương Uyên) và Liêu Ny, người dân tộc Khmer (4 năm tù giam).

Nói chuyện với báo Người Việt vào sáng 21 tháng 3 năm 2016, ông Trần Văn Huỳnh, ba của TNLT Trần Huỳnh Duy Thức cho biết: “Vào ngày 13 tháng 3 năm 2016, theo lịch thăm nuôi hàng tháng, gia đình chúng tôi lên thăm Thức. Nhìn khuôn mặt thức khá mệt mỏi. Thức cho biết 5 anh em đã tuyệt thực đã hai ngày rồi.”

Lý do tuyệt thực được Thức cho biết là để phản đối chính sách quản lý tù nhân một cách tùy tiện, không tuân theo pháp luật, mà chỉ theo cơ chế xin cho. Các bộ trại giam cấm làm những việc cơ bản nhất của một tù nhân, mà không đưa ra được căn cứ điều nào của luật. Khi trả lời các đơn khiếu nại của các tù nhân thì chỉ trả lời bằng miệng và không có văn bản chính thức nào để làm cơ sở thực hiện.

Cụ thể trường hợp Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, gia đình gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ án cho anh, nhưng phía trại giam ngăn cấm không cho anh nhận.

Trường hợp Ðinh Nguyên Kha, họ ngăn cản Kha chia thức ăn cho anh Ðặng Xuân Diệu (đang thụ án 14 năm tù giam) cũng bị ngăn cấm, cán bộ trại giam bắt buộc phải làm đơn xin phép và họ kỷ luật Kha với hình thức “cảnh cáo.”

Gia đình Trần Huỳnh Duy Thức cùng mặc những chiếc áo in hình ảnh của anh. (Hình: Gia đình cung cấp)

Trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức, đơn khiếu nại việc không cho anh gửi thư 61A và D về gia đình bị ngăn cấm. Nội dung thư 61A, anh Thức viết về thư của thủ tướng nhân chuyến thăm Mỹ về việc ký kết TPP, anh kêu gọi người dân ủng hộ những chuyển động tích cực này của thủ tướng, nhất là trong tình hình khẩn cấp đất nước đang bị đe dọa mà cũng bị họ ngăn cấm.

Khi giải quyết, cán bộ trả lời là làm theo chỉ thị của lãnh đạo mà không giải thích lý do vì sao, vi phạm điều luật nào. Trường hợp anh Thức gọi điện về gia đình, bị ngắt máy khi nghe nhắc đến quyền con người.

Trường hợp của nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình và Quốc Hùng bị chuyển qua khu biệt giam K1 vì những hành động phản đối việc bị đặt camera trong phòng gây khó khăn cho sinh hoạt tối thiểu của các anh. Chỉ vì hành động phản đối chính đáng mà các anh bị biệt giam. Sau đó bị phân biệt đối xử với hình thức ngăn cản không cho anh Thức gửi nhạc do anh Bình phổ nhạc với lí do rất tùy tiện là nhạc của anh Bình không được phép gửi ra.

Trường hợp của Liêu Ny là một người dân tộc Khơ Me, quê ở Sóc Trăng vừa chuyển vào trại giam. Anh cũng bị những áp bức như vậy và đã cùng tuyệt thực với mọi người.

Trong số các TNLT trên, Liêu Ny (sinh năm 1986) là một người ít được biết tới nhất. Anh bị Tòa án tỉnh Sóc Trăng kết án vì tội “Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” vào ngày 27 tháng 9 năm 2013. Cùng bị chung vụ án này còn có Thạch Thươl 6 năm tù giam, Thạch Phum Rít 3 năm tù giam, Trà Quành Tha chịu mức án 2 năm tù giam. Tất cả đều là người Khmer.

Trả lời cho câu hỏi của Người Việt là ngoài các lý do trên, các TNLT này còn đấu tranh vì lý do nào nữa không? Anh Trần Huỳnh Duy Tân, em trai Trần Huỳnh Duy Thức cho biết: “Ðó là các lý do cụ thể, nhưng sâu xa hơn là các anh em TNLT đang đấu tranh cho một nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật. Chứ không phải là cách hành xử coi thường pháp luật như hiện nay.”

Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình (chung vụ án với Việt Khang) hiện đang bị biệt giam vì phản đối trại giam đặt camera trong phòng của anh. (Hình: Internet)

“Mới ngày 20 tháng 3 năm 2016, ba của TNLT Nguyễn Hoàng Quốc Hùng là ông Nguyễn Kim Hoàng sau khi đi thăm Hùng về cũng cho gia đình chúng tôi biết là hiện tại vẫn không có dấu hiệu gì là các TNLT đã ngưng tuyệt thực.”

“Khi ông Nguyễn Kim Hoàng đến thăm Hùng, thì họ chỉ cho gặp chưa được 5 phút (theo qui định là được 1 giờ thăm nuôi). Hùng rất ốm, da tái xanh. Khi anh Hùng đang muốn nói điều gì đó với gia đình thì lập tức cán bộ trại giam không cho nói và bắt đi vào lại trại. Dường như họ sợ anh Hùng sẽ thông báo những vấn đề vi phạm pháp luật của họ ra bên ngoài,” anh Tân cho biết thêm.

“Không ai lấy tính mạng mình ra để đánh đổi một cái gì hết? Nhưng khi ở trong tù, không còn cách nào khác, họ đành lấy tính mạng mình ra để nhằm đòi hỏi những quyền cơ bản nhất của con người.” Ông Trần Văn Huỳnh, cha của Trần Huỳnh Duy Thức, nói.

Vẫn theo ông Huỳnh, “Cái mà gia đình tôi không thể ngờ là mức độ coi thường pháp luật của cán bộ trại giam. Sắp tới gia đình tôi phải lên thăm Thức lại trước thời gian thăm nuôi định kỳ. Vì chúng tôi cần biết rõ tình trạng sức khỏe của Thực hiện nay thế nào?”

Liên quan đến sự việc này, Civil Right Defender, một tổ chức nhân quyền lâu năm và uy tín của Thụy Ðiển đã lên tiếng cho trường hợp tuyệt thực tập thể tại Xuyên Mộc. Ðồng thời tiếp tục lời kêu gọi lâu nay trả tự do vô điều kiện cho Trần Huỳnh Duy Thức.

Chắc chắn rằng đây không phải là tổ chức quốc tế cuối cùng lên tiếng chống lại những bất công, tước đoạt quyền con người, chà đạp lên Hiến Pháp của chính quyền CSVN.






No comments:

Post a Comment