Saturday, January 30, 2016

[NĂM THÂN NÓI] CHUYỆN KHỈ (Bùi Bảo Trúc)





Bùi Bảo Trúc
Saturday, January 30, 2016 1:36:56 PM 

Khỉ là anh em họ hàng rất gần với chúng ta. Ở một thời điểm mù mờ nào đó mà các nhà nhân chủng học vẫn chưa khẳng định được, chúng ta ở trên cây leo xuống đất, vĩnh viễn giã từ đời sống trên cây, đi bằng hai chân, và sau đó, vì hai bàn chân không còn được dùng để leo trèo nữa nên khả năng cầm, nắm cũng dần dần biến đi.

Khỉ và người xa nhau từ đó. Lối sống mới đưa tới rất nhiều thay đổi cho người trong khi khỉ không có được bao nhiêu đổi thay, tiến hóa. Khỉ cũng biết sử dụng các dụng cụ tìm thấy được ở chung quanh như dùng cành cây nhỏ chọc vào hang mối, khều những thứ ở xa và đánh nhau...  Trong khi đó, người thì luôn luôn không ngừng phát triển chế tạo thêm những dụng cụ khác, không chỉ dùng những thứ có sẵn trong thiên nhiên, mà còn sáng chế ra ngôn ngữ để thông tin với nhau và những ký hiệu càng ngày càng phức tạp, được hệ thống hóa thành văn phạm, nhiều cách ăn nói với nhau, để còn thơ phú, ví von, bóng gió, xỏ xiên, cãi nhau, chửi thề, văng tục... Khỉ không làm được như thế. Trong phòng thí nghiệm, con đười ươi Koko được dạy để có thể dùng dấu hiệu bằng tay nói chuyện với một chuyên gia về tâm lý loài vật bằng những mệnh lệnh giản dị. Nhưng tự loài khỉ thì không sáng chế ra được ngôn ngữ. Nó chỉ có thể học từ con người nhưng cũng không học được cách diễn tả những ý niệm trừu tượng như buồn vui , thất vọng, chán đời, ghen tuông, giận hờn, làm duyên hay điệu rơi điệu rụng...

Khi xuống đất, khỉ di chuyển bằng tất cả tứ chi, chỉ khi cần lắm như khi phải dùng tay cầm hay mang vật gì thì mới đi bằng hai chân nhưng leo trèo thì không động vật nào giỏi bằng khỉ.

Khỉ có mặt ở gần hết mọi nơi trên thế giới ngoại trừ Bắc Mỹ, Châu Đại Dương, Âu Châu, Bắc và Nam Cực. Có tất cả 260 giống khỉ khác nhau. Giống nhỏ nhất chỉ bằng nửa bàn tay. Giống lớn nhất có thể to và nặng đến 200 kilô.

Có ba giống đại hầu là đười ươi (gorilla), hắc tinh tinh (chimpanzee) sống tại Phi Châu, orang utang sống tại Borneo (Á Châu). Cả ba đều là những giống được bảo vệ rất kỹ, nếu không chúng có thể bị tuyệt giống vì môi trường sống của chúng đang ngày càng bị thu hẹp lại lấy chỗ cho người. Hai loài đại hầu ở Phi Châu còn bị săn để lấy thịt (bushmeat) và chính vì ăn thịt hắc tinh tinh mà siêu vi khuẩn gây bệnh Aids đã truyền sang người. Tất cả ba giống đại hầu này đều rất giống người và rất thông minh. Loài chimpanzee giống người nhất. Chúng sống thành từng bầy, có gia đình, đẳng cấp rõ ràng, biết kéo đi đánh nhau với những bầy khác, bắt tù binh, ăn thịt nhau, biết ăn một vài thứ lá khi ăn thịt sống hệt như chúng ta ăn rau thơm, khi đau bụng cũng biết tìm một thứ lá cây nhai. Như vậy chúng cũng biết dùng dược thảo vậy. Chỉ không đem quảng cáo bán trên truyền hình mà thôi. Chúng mắc một số bệnh như người như cảm cúm, lao, sưng phổi... Chúng cũng có những liên hệ đồng tính và có ý niệm rõ về cái chết. Chúng có trí nhớ và có thể học và hiểu, diễn tả được một số tiếng người bằng cách ra hiệu (sign language). Có những con bắt chước người hút thuốc lá và nghiện nặng như ở một vài sở thú. Thiếu thuốc chúng cũng bị vật và thấy người thì chạy tới, ra hiệu xin thuốc hút. Trong tiếng Việt, chúng được gọi chung là khỉ đột hay khỉ độc.

Những nghiên cứu về hai giống đại hầu đáng kể nhất là của Dian Fossey và Jane Goodall. Dian Fossey người Mỹ chuyên nghiên cứu về đười ươi đã bị bọn săn đười ươi bất hợp pháp giết năm 1985. Jane Goodall, người Anh, chuyên nghiên cứu về hắc tinh tinh trong suốt nửa thế kỷ.

Người ta thường phân biệt những con có đuôi là monkeys; những con không có đuôi là apes. Tất cả các giống khỉ đều giỏi bắt chước, thấy sao là bắt chước làm theo liền: “monkey see, monkey do” là câu tiếng Anh bồi để nói về cái tính hay bắt chước (mù quáng) đó. Động từ “to ape” cũng có nghĩa là bắt chước. Do khả năng bắt chước giỏi và tính thông minh, khỉ được dạy làm xiếc và giúp người trong nhiều việc. Chúng còn có thể được huấn luyện để giúp đỡ cho người tàn tật không dùng được tay chân làm các công việc như đóng cửa, mở cửa, lấy thuốc, lấy nước, xúc thức ăn... cho người. Đó là khỉ capuchin, một giống khỉ ở Nam Mỹ, tuy nhỏ chỉ như một con mèo nhưng được coi là giống thông minh nhất, có thể hiểu được nhiều mệnh lệnh của người.

Khỉ đã được cho bay lên thượng tầng khí quyển trước cả người. Chuyến bay của một hỏa tiễn V2 năm 1949 đã đưa khỉ Abert II lên không gian từ một căn cứ không quân của quân đội Mỹ. Khỉ cũng được dùng rất nhiều trong phòng thí nghiệm vì chúng rất giống người trong các phản ứng với các loại thuốc. Các tổ chức bảo vệ loài vật đã phản đối dữ dội nhưng không thành công mấy.

Khỉ là giống vật gần với người nhất. Vị trí của các bộ phận cơ thể đều được sắp xếp ở những vị trí tương tự như ở người, ngoại trừ một số có đuôi trong khi người thì không. Tại sao ông trời sinh ra khỉ giống người thì không ai biết được. Bàn tay của khỉ rất giống bàn tay người có cả chỉ tay, vân ngón tay. Khỉ có thể phối hợp ngón tay cái và 4 ngón kia nên chúng khéo tay hệt như người, vượt xa khỏi các sinh vật khác. Móng tay khỉ rất giống móng tay người và mặc dầu không phải đi làm nail ở tiệm, lúc nào móng tay khỉ cũng như vừa được cắt và mài giũa xong.

Khỉ cũng bị người săn bắt lấy thịt để ăn như ở Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ. Dưới triều nhà Thanh, các nhà ngoại giao Tây phương đã ít nhất một lần được mời ăn món óc khỉ. Những con khỉ còn sống la thét bị trói chặt, đầu được đẩy qua những chiếc lỗ trên mặt bàn ăn. Người ta dùng những chiếc búa làm bằng vàng đập vỡ đầu những con khỉ đang la thét đó rồi dùng muỗng múc óc những con khỉ đó lên để ăn. Đúng là cách ăn uống của mấy anh Tàu: Con gì ngọ nguậy là nấu lên đớp liền.

Trong văn chương ít thấy các nhà thơ nhắc tới khỉ. Có lẽ chỉ đôi ba lần như trong một bài Phan Văn Trị họa lại bài xướng của Tôn Thọ Tường là có nhắc tới khỉ: “Chớ mượn hơi hùm rung nhát khỉ / Lòng ta sắt đá há lung lay.” Nguyễn Du không nhắc tới khỉ một lần nào trong suốt mấy ngàn câu Kiều. Ông Tú Xương chỉ bóng gió nói về khỉ :“... Bồng bế nhau lên chúng ở non.” Nguyễn Nhược Pháp chỉ có một câu có hình bóng những con khỉ: “Sau núi Oản, Gà, Xôi / Bao nhiêu là khỉ ngồi...”

Trong tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân, con khỉ Tôn Ngộ Không được nhân cách hóa và là nhân vật chính trong Tây Du Ký.

Có một số khỉ đã bị các nhà sinh vật học bỏ quên nên hiện chưa có được những nghiên cứu nghiêm túc và chi tiết về chúng.

Thí dụ khỉ khô là giống khỉ không biết xuống nước để tắm, khác hẳn một giống khỉ ở Nhật trong mùa Đông cũng xuống các suối nước nóng để tắm. Giống khỉ này ít gặp nên hễ nhắc tới chúng thì bao giờ cũng là câu “Không có con khỉ khô nào cả” hay “Không ra cái khỉ khô gì hết.”

Khỉ mốc là giống cũng khó kiếm. Thỉnh thoảng chúng bị ướt, không biết lau cho khô nên hay bị mốc.

Khỉ Tầu là giống khỉ quê quán tại Hoa Lục, cùng quê hương với người vượn Bắc Kinh theo một số nhà nhân chủng học. Giống khỉ Tầu này rất khốn nạn và mất dậy. Chúng có thói quen ở bẩn, khạc nhổ phóng uế khắp nơi, chỗ nào lấn được là chúng lấn. Cả thế giới đều ghê tởm chúng.

Khỉ dòm nhà thường được người nuôi trong nhà như một giống thú cưng nhưng nhiều khi lại gây ra rắc rối cho gia chủ hệt như nuôi ong tay áo để lấy sữa ong chúa, sữa chẳng thấy đâu lại bị ong chích cho sưng vù lên thì có.

Nỡm cũng là một giống khỉ sống gần với người. Tườu là một loài khỉ mà ở Bắc Việt Nam gọi là tiều nhưng lại viết là tườu. Bà Huyện Thanh Quan có lần trông thấy tận mắt mấy con tiều này xuống bến sông đón thuyền đi chợ: “Lang thang dưới núi tiều vài chú / Lác đác bên sông chợ mấy nhà.” Tuy thế, gọi ai là khỉ tườu hay đồ con tườu thì đó là một lối lăng mạ khá nặng.

Bú dù là một giống khỉ mà người Pháp đem vào Việt Nam. Giống bú dù được lồng vào một câu để chào nhau hồi người Pháp còn ở Việt Nam: “Mẹc xà lù bú dù con khỉ!” Mẹc là do danh từ merde của tiếng Pháp có nghĩa là cứt. Xà lù là từ danh từ salaud nghĩa là đồ khốn nạn.
Khẹc là một giống khỉ khác. Đây có thể lá một tiếng tượng thanh bắt chước tiếng kêu của nó. Khi nói đồ con khẹc thì cũng hệt như gọi người đó là đồ khỉ vậy.

Khỉ gió rất dễ ghét. Khỉ gió đùng lăn ngã ngửa là cảnh nham nhở và sàm sỡ của loài khỉ này. Hiện chưa biết nguyên do vì sao chúng lại có cái tên kỳ lạ đó. Có thể là do hai chữ phong hầu (?) ra chăng.

Giống đười ươi có một thời sống tại Việt Nam và được cho cắp sách đến trường ăn học tử tế nhưng sau sinh tật lười biếng, cúp cua, trốn học bỏ váo rừng rồi không trở ra nữa. Ông Cao Bá Quát có lúc đã dạy học cho mấy con: “Nhà trống ba gian: Một thầy, một cô, một chó cái / Học trò dăm đứa: Nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.” Hồi ấy mấy em nữ sinh đười ươi đi học cũng diện lắm khiến một nhà thơ vô cùng đáng yêu của Việt Nam, ông Bùi Giáng cũng phải ngậm ngùi trong nhiều bài lục bát của ông: “Ta về giũ áo đười ươi / Trút tờ phong nhã cho người phụ nhau” rồi lại “Em về giũ áo mù sa / Tiền trình vạn lý anh là đười ươi.” Sự giao tiếp giữa người và đười ươi là có như trong một truyền thuyết nói là ông Mạc Đĩnh Chi, một danh sĩ thời Hậu Lê tương truyền là có máu đười ươi trong người vì thân mẫu của ông vào rừng bị đười ươi bắt và về nhà thì mang thai rồi sinh ra ông diện mạo rất xấu xa nhưng cực kỳ thông minh được cả Trung Hoa và Việt Nam coi là lưỡng quốc trạng nguyên. Theo báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà thì ở Cà Mâu cũng có một vụ tương tự. Xét về mặt khoa học thì những chuyện người và khỉ đều không thể xẩy ra. Con đười ươi King Kong chỉ là tưởng tượng để làm thành phim kiếm tiền. Phim được thực hiện hai lần đều để kiếm tiền.

Khỉ già thường sống thành từng cặp sau khi bọn khỉ con học hành xong, có nghề nghiệp bỏ nhà ra đi chỉ còn hai con khỉ già sống với nhau ít được các khỉ con ngó ngàng tới.

Khỉ cũng biết mặc quần áo chứ không phải lúc nào cũng một bộ lông quanh năm suốt tháng. Vì thế, áo maillot còn có tên là áo khỉ. Túi khỉ là cái túi may ở trước bụng của áo lót dùng để giữ an toàn cho cái bóp tầm phơi.

Tại một ngôi đền Thần Đạo ở Nikko, Nhật có tượng của ba con khỉ tên là Mizaru, Mikazaru và Mazaru. Con Mizaru lấy tay bưng mắt, Mikazaru bịt tai và Mazaru che miệng. Tượng của ba con khỉ này được tạc từ thế kỷ thứ 17 và được coi là tóm gọn được phần nào nguyên tắc sống của Khổng Tử: Không nhìn những chuyện xấu, không nghe những chuyện xấu và không nói ra những điều xấu. Một con thứ tư được thêm vào một cách không chính thức. Con này dùng tay ôm lấy bộ phận chiến lược của nó, ý nói không làm những chuyện xấu. Nhưng con thứ tư này không được tạc thêm vào những bức tượng ở đền Thần Đạo mà chỉ thấy bán ở những cửa tiệm bán đồ kỷ niệm. Cũng có thể điều khuyên của con này không được bao nhiêu người nghe và làm theo chăng.

Khỉ được thờ trong Ấn Độ Giáo từ 5 thế kỷ trước Công Nguyên. Khỉ tượng trưng cho thần Shiva, cho sự thông minh, trung thành, dũng cảm. Tại những ngôi đền thờ khỉ, bọn khỉ tự do đi lại như chốn không người, mặc tình cướp phá chợ búa, cửa hàng của dân chúng, cảnh sát cố gắng can thiệp cũng không ăn thua gì.

Nhưng qua tới Việt Nam, khỉ không có được bao nhiêu mỹ cảm. Những người ra đời trong năm khỉ thì than thở đứng ngồi:

Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi
Riêng tôi ngậm ngùi vì nỗi tuổi Thân
Tuổi Thân con khỉ ăn bần

Có một điều kỳ lạ là người Việt khi chửi nhau thì lại chỉ lôi cha của khỉ ra mà không bao giờ lôi mẹ của khỉ ra cả. Chúng ta nói “bố khỉ nhà nó” chứ có nói “mẹ khỉ” bao giờ đâu ? Trong một cách nói về một điều không mấy xứng ý, chúng ta cũng đem khỉ ra:“ Rõ khỉ !”

Nhưng khi gọi ai là “Anh khỉ này!” hay “Đồ nỡm!” hay “Đồ khỉ chửa nào!” thì chưa chắc người đó đã bị ghét mà có thể là rất đáng yêu là khác.

Trong tiếng Mỹ, monkey hay ape là những tiếng cực kỳ độc địa để gọi người da đen. Chính Tổng Thống Obama cũng đã bị một tờ báo đăng một bức hí họa vẽ ông là một con khỉ. Ông Bush con cũng bị dùng photoshop để biến ông thành một con hắc tinh tinh. Đùa ông Bush thì không sao nhưng tờ báo diễu ông Obama thì phải xin lỗi lia lịa.

Ngày Tết người Việt kiêng không nhắc đến khỉ vì sợ gặp phải những chuyện không may thế nên chuyện khỉ không nên đem ra nói quá rông dài.

Bởi thế xin chấm dứt ở đây.





No comments:

Post a Comment