Wednesday, September 30, 2015

Từ một người vừa nằm xuống, lan man nghĩ về một nền văn học đã qua… (Song Chi)





Wed, 09/30/2015 - 17:17 — songchi

Nghe tin nhà văn Võ Phiến vừa qua đời trên đất Mỹ. Một trong những nhà văn lớn nhất của văn học miền Nam 1954-1975 mà tôi, thuộc thế hệ sinh sau đẻ muộn, chỉ được biết đến qua một phần những tác phẩm của ông nhưng chưa bao giờ được gặp mặt.

Từ một con người vừa nằm xuống, bỗng dưng nhớ lại những kỷ niệm của riêng mình về một nền văn học đã bị tiêu hủy, bị đánh giá không đúng, bị bưng bít hoặc tảng lờ coi như không từng hiện hữu trong suốt mấy mươi năm qua-văn học miền Nam 1954-1975.

Hầu như ngay lập tức sau khi “giải phóng” Sài Gòn và miền Nam, một trong những việc làm đầu tiên của nhà cầm quyền mới là ra lệnh tịch thu, đốt, xé, thủ tiêu từ sách báo, băng đĩa nhạc… của chế độ cũ, mà họ gọi bằng đủ thứ từ ngữ miệt thị là “tàn dư độc hại, sản phẩm lai căng, đồi trụy” của chế độ tay sai bán nước. Thôi thì nhà nào cũng cố mà vơ vét mọi thứ ấn phẩm của VNCH đem nộp lên phường xã, hoặc đem xé, đốt cho bằng hết.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, âm nhạc miền Nam từ những chiếc băng cassette cũ kỹ đã trở thành “món quà hiếm” được người dân miền Bắc tò mò lùng nghe. Lạ lùng là rất nhiều bản nhạc bolero với một số giọng ca mà dân SG và miền Nam cho là “sến” lại được dân Bắc nghe khá nhiều. Có lẽ sau nhiều năm nghe hoài một thứ âm nhạc nếu không nặng tính tuyên truyền thì cũng mang đậm tính “hùng ca”, sùng sục một khí thế cách mạng với đa phần là những giọng hát nữ chói cao, người ta bỗng muốn đổi một món ăn “lạ miệng”, nghe những giọng ca trầm buồn, thủ thỉ những chuyện nhân tình thế thái, chuyện tình yêu đôi lứa…

Trong khi đó thì văn học miền Nam vẫn hoàn toàn là chủ đề cấm kỵ.

Vài năm sau biến cố 30. 4.1975 không nhớ rõ là năm nào, ở SG xuất hiện chợ sách cũ, mà tiêu biểu nhất là chợ sách Tạ Thu Thâu. Người mua sách có thể tìm thấy ở đây khá nhiều sách báo, ấn phẩm được xuất bản ở miền Nam, tất nhiên, không phải mọi tác giả, mọi đầu sách đều được phép mua bán, nhất là những tác giả bị liệt vào thành phần chống Cộng trong con mắt nhà cầm quyền. Sách ở đây chủ yếu là sách tiếng Anh tiếng Pháp tiếng Hoa, truyện dịch, một số loại báo, sách dạy nấu ăn, sách học làm người, Kinh Dịch… Nhưng như thế cũng đủ thỏa mãn một phần nào cơn thèm khát sách, nhung nhớ sách cũ của người đọc.

Có một số nhà văn nhà báo miền Bắc sau này tậm sự, cái làm họ choáng ngợp khi vào SG chưa hẳn đã là vì vẻ tráng lệ của thành phố, sự sung túc hơn hẳn của đời sống đa số người dân SG và miền Nam so với người dân Hà Nội và miền Bắc, nhưng là dân viết lách, họ choáng khi nhìn thấy khối lượng sách báo, văn hóa phẩm, âm nhạc… trong và ngoài nước, phong phú, ê hề, kể cả sách triết học (không loại trừ cả triết học Marx- Engels, sách viết về Stalin, Mao Trạch Đông)…được tự do xuất bản, lưu hành ở miền Nam. Trong đó ngoài những tác giả miền Nam, có những tác giả, tác phẩm nước ngoài họ chỉ từng được biết đến tên chứ chưa bao giờ được đọc, được nghe. Từ đó, niểm tin về tính ưu việt của chế độ XHCN ở miền Bắc, về “đời sống khốn khổ, bị kềm kẹp” của chế độ VHCN có lẽ đã bắt đầu lung lay trong họ.

Rồi chợ sách Tạ Thu Thâu không còn nữa, nhưng mãi nhiều năm sau này, những chợ sách cũ vẫn tồn tại nơi này nơi kia ở SG, ví dụ như trên đường Trần Quang Khải, P. Đa Kao, Q. 1, đường Trần Huy Liệu, Q. Phú Nhuận…Và đi lùng mua sách cũ là một trong những thú vui thanh tao của nhiều người, nhất là với những người ham đọc, giới viết lách. Đôi khi tìm được một quyển sách cũ có cả chữ ký, dòng đề tặng ai đó của nhà văn là một sự tưởng thưởng bất ngờ.

Là một đứa trẻ sinh ra ở miền Nam, dù khi SG đổi chủ tôi chỉ mới lên 9 lên 10 nhưng tuổi thơ của tôi đã kịp được nuôi dưỡng từ những cuốn truyên tranh Tintin, Lucky Luke, Xì Trum, Astérix và Obélix..., những cuốn tuần báo Thiếu Nhi của NXB Khai Trí, tạp chí Tuổi Hoa, bộ truyện Hoa Đỏ, Hoa Xanh, Hoa Tím với nhiều tác giả rất được tuổi trẻ bấy giờ yêu thích như nhà văn Kim Hài, Thụy An, Minh Quân…cho tới những cuốn sách dày hơn như “Tâm hồn cao thượng” (Grand Coeurs) của Edmondo De Amicis, “Vô gia đình” (Sans Famille), “Trong gia đình” (En Famille) của Hector Malot; Guy-Li-Ve du ký (Gulliver's Travels) của Jonathan Swift, "80 ngày vòng quanh thế giới" (Le Tour du monde en quatre-vingts jours) của Jules Verne… tất cả đều với bản dịch của Hà Mai Anh, và cả truyện chưởng, truyện kiếm hiệp Kim Dung… Phải nói sách văn học cho thiếu nhi, thiếu niên của miền Nam lúc ấy được “chăm sóc” rất kỹ, sách báo xuất bản được chọn lọc kỹ càng, vừa có tính giáo dục cao, rất nhân bản lại hấp dẫn từ nội dung đến hình thức và không hề có tính tuyên truyền chính trị.

Khi một phần sách báo của miền Nam được bày bán lại ở các chợ sách cũ, tôi tiếp tục được thỏa thói mê đọc sách của mình. Hồi ấy những năm sau 1975, thời bao cấp nhà nào cũng bị nghèo đi, gia đình họ hàng tôi cũng phải làm đủ cách để mưu sinh giữa thời buổi khó khăn và một trong những cách đó là có một dạo ở nhà bày một cái tủ bán đủ thứ từ văn phòng phẩm, truyện cho tới các món ăn vặt, cốc ổi ngâm dấm đường ớt… Cứ cuốn truyện nào mua về trước khi bán cho khách là tôi phải ngấu nghiến đọc cho bằng hết. Trong những năm tháng ấy và ở lứa tuổi ấy, cùng với truyện chưởng của Kim Dung vả nhiều tác giả khác, tôi cũng mê những cuốn tiểu thuyết của Quỳnh Dao như “Mùa thu lá bay”, “Hải Âu phi xứ”, “Song ngoại”, “Giòng sông ly biệt”… qua bản dịch của Liêu Quốc Nhĩ, tiểu thuyết của Từ Tốc, Y Đạt… bên cạnh những cuốn truyện của Duyên Anh, Nhật Tiến, Từ Kế Tường…

Tôi không nhớ chính xác là từ khi nào mình tiếp cận có hệ thống hơn với văn học và các tác giả của miền Nam, chỉ nhớ giai đoạn khi học đại học là được quyền vào Thư viện Khoa học Xã hội nằm trên đường Lý Tự Trọng, Q.1, xin mượn sách (chỉ được phép đọc tại chỗ) trong danh mục sách cấm. Trong đó là những tác giả, tác phẩm xuất bản ở miền Nam mà vì lý do này lý do khác bị chế độ cộng sản liệt vào danh mục sách cấm, không lưu hành phổ biến rộng rãi. Bên cạnh đó còn có những nguồn khác nữa như mượn từ người quen, gia đình của bạn bè…

Và những tác giả lớn của miền Nam đã lần lượt xuất hiện trước mắt tôi qua những tác phẩm của họ, phần lớn đã cũ, ố vàng theo thời gian thậm chí hôi mùi ẩm mốc. Nào thơ ca với Bùi Giáng, Nguyên Sa, Du Tử Lê, Trần Dạ Từ, Nguyễn Tất Nhiên, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Phạm Thiên Thư …, văn học với Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Lệ Hằng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị Ngh, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Đình Toàn, Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Mặc Đỗ, Cung Tích Biền, Nguyễn Thụy Long…Và tất nhiên, Võ Phiến, người vừa mới qua đời.

Nào những tác giả biên dịch, biên khảo, lý luận, phê bình như Giản Chi, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê, Kim Định, Vương Hồng Sển, Phạm Công Thiện, Đặng Tiến, Uyên Thao, Huỳnh Phan Anh…

Trong lúc âm nhạc miền Nam ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn qua những DVD ca nhạc hải ngoại, những chuyến trở về biểu diễn của các ca sĩ bên ngoài nước cho tới xu hướng hát nhạc cũ ở nhiều ca sĩ trong nước sau này, thì văn học vẫn bị hạn chế hơn rất nhiều. Sau thời kỳ mở cửa, nhà nước có cho in lại một số sách xuất bản ở miền Nam trước năm 1975, từ những thể loại vô hại như sách dạy nấu ăn, học làm người, bói toán cho tới những tác phẩm của các tác giả trong nhóm Tự lực Văn Đoàn như Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam… sách của Giản Chi, Nguyễn Duy Cần, Toan Ánh, Vương Hồng Sển, Bùi Giáng, Mường Mán, Dương Nghiễm Mậu…, chưa kể truyện dịch. Nhưng nói thật là vẫn chưa được bao nhiêu so với khối lượng khổng lồ sách báo đã được xuất bản tại miền Nam trước đây.

Nghĩ lại những hành động ngu muội đốt sách hồi đó chẳng khác nào Tần Thủy Hoàng đời xưa mà giận mà ngán ngẩm. Họ đã hủy diệt cả một kho tàng sách vở tư liệu phong phú, làm thiệt thòi cho người đọc sinh sau đẻ muộn, làm trì trệ thêm quá trình phát triển, hội nhập với thế giới của người dân Việt sau năm 1975.

Điều đáng buồn hơn nữa là thời đó, ở miền Nam hầu như bắt kịp với mọi xu hướng tư tưởng từ triết học, văn học, âm nhạc… trên thế giới, có thể nói sách gì, nhạc gì phương Tây và các nước có là VN có, nhưng sau khi “giải phóng” cả một thời gian dài nhà cầm quyền đã bắt người dân phải “đóng cửa” chối từ mọi sự hội nhập với văn hóa thế giới, chỉ tiếp nhận nguồn sách vở từ Liên Xô, Trung Quốc và khối XHCN anh em; và nếu có đề câp đến văn học, triết học, tư tưởng phương Tây thì thông qua những lăng kính “nhào nặn” tuyên truyền méo mó của những cây bút từ các nước này và trong nước. Mãi đến mấy chục năm sau, cùng với sự mở cửa, đổi mới, một số sách của miền Nam mới được in lại, một số sách triết học, văn học của thế giới được dịch, in, trong đó không loại trừ nhiều cuốn đã từng được dịch và giới thiệu ở miền Nam từ trước đây năm sáu chục năm! Đúng là cái tai hại khi có những kẻ cầm quyền ngu dốt, mông muội, cuồng tín thật không thể nào đo lường được.

Một dân tộc với hành trang văn hóa để lại từ thời tổ tiên vốn đã nghèo nàn, đã bị hủy hoại nhiều vì nạn ngoại xâm, vì chiến tranh liên miên, lại còn bị hủy diệt bởi chính những kẻ chiến thắng về mặt quân sự nhưng lại thua kém hẳn về mặt văn minh, văn hóa so với cái chế độ thua trận.

Nếu một chính quyền nào khác, có cái đầu hiểu biết hơn, có tầm nhìn xa và cách hành xử văn minh, biết dung nạp, đón nhận miền Nam từ kinh tế cho tới văn hóa, từ đó học hỏi những cái hay và cùng phát triển, có lẽ VN đã đỡ bỏ phí bao nhiêu năm về mọi mặt. Và những nhân tài văn chương của miền Nam trong đó có nhà văn Võ Phiến có thể làm tiếp công việc sáng tác, biên khảo…của mình trên quê hương và đóng góp rộng rãi hơn cho nền văn học nước nhà, thay vì phải lưu vong trên xứ người, viết lách, sáng tác trong hoàn cảnh bất lợi hơn rất nhiều. Nhưng tất nhiên, cái nếu ấy đã không bao giờ xảy ra, với chế độ cộng sản và với những thế hệ lãnh đạo dốt nát, mông muội và chậm thức tỉnh (ngay cả cho đến giờ phút này) như ở VN.








No comments:

Post a Comment