Wednesday, September 30, 2015

Trung Thu Việt Nam hay Trung Thu Trung Quốc ? (Nhóm phóng viên RFA)





Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-09-28

Múa thiên cẩu giờ chỉ còn trong ký ức người dân Hội An. Ảnh tư liệu của Trung tâm Bảo tồn di tích Hội An

Tết Trung Thu đối với trẻ em vốn dĩ là điều gì đó đẹp một cách huyền nhiệm, đâu đó giữa đất trời, giữa cái lạnh bàng bạc của mùa thu, giữa ánh trăng huyền hoặc, bóng dáng cổ tích hiện hữu với đầy đủ các màu sắc của trí tưởng tượng. Tuy nhiên, Tết Trung Thu hiện tại, có một điều gì đó không bình thường, sự lộn xộn của dịch vụ múa lân và những con lân chép nguyên hình lân sư tử của Trung Quốc cũng như điệu trống múa lân được sao chép nguyên bản lối đánh Trung Quốc đã cho thấy một Trung Thu Trung Quốc đang di chuyển khắp nẻo đường Việt Nam.

Lồng đèn và đồ chơi Trung Quốc

Một người mẹ tên Nguyệt, đang sống ở quận 1, thành phố Sài Gòn, chia sẻ: “Hồi đó Tết Trung Thu khác, bây giờ tết Trung Thu là cái dịp người lớn qua lại, phải trái với nhau. Trước đây người lớn dành thời gian làm một chiếc lồng đèn cho trẻ con, bây giờ nháo nhào lên, đâu có thời gian, ra chợ mua một phát là có cái lồng đèn, trở nên vô hồn… Bây giờ ăn cổ, uống trà cũng không có không gian để ngắm trăng. Muốn ngắm trăng thì phải tắt điện, phải chờ… Nói chung Trung Thu bây giờ khác xa ngày xưa, đánh mất hết truyền thống rồi”.

Theo bà Nguyệt, Trung Thu ở thành phố Sài Gòn hay nhiều thành phố khác mà với công việc của một nhân viên thị trường, bà đã đi nhiều tỉnh và cảm nhận được, hầu hết đều mang hơi hướm Trung Quốc. Bởi hầu hết thị trường phục vụ tết Trung Thu ở khắp mọi nơi đều là Trung Quốc.

Nói cách khác, từ lồng đèn điện tử nhập từ Trung Quốc cho đến lồng đèn bằng vải do người Việt Nam sản xuất đều thiết kế theo mẫu mã và màu sắc của lồng đèn Trung Quốc. Đồ chơi nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường chính ngạch và đường hàng lậu thì nhiều vô kể, có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào từ thôn quê ra thành thị.

Bánh Trung Thu của Trung Quốc nhập san Việt Nam đầy rẫy, và đáng sợ nhất là bánh Trung Thu của những hãng bánh nổi tiếng bấy lâu nay như Kinh Đô, Hữu Nghị hoặc Bibica, gần đây là bánh Yến Sào đều làm theo mẫu bánh na ná bánh Kinh Đô. Trong khi đó, bánh Trung Thu Kinh Đô làm theo mẫu bánh Trung Thu Trung Quốc, từ hương vị cho đến mẫu mã và màu sắc đều lấy mẫu từ bánh Trung Quốc. Điều này cũng dễ hiểu bởi chủ hãng bánh Kinh Đô là người Trung Quốc, hậu duệ của những người Minh Hương sang Việt Nam thời nhà Nguyễn.

Cùng chung nhận định với bà Nguyệt, một người nhà buôn tên Nhung cho rằng những chiếc bánh Trung Thu của người Minh Hương ở chợ Lớn hay bất kì nơi nào trên đất nước Việt Nam đều lấy mẫu từ bánh Trung Thu của Trung Quốc. Những chiếc bánh Trung Thu làm ra trong dịp Tết Trung Thu như một sự nhắc nhớ kỉ niệm và hồi tâm hướng về quê cũ của những người Minh Hương. Rất tiếc là cho đến bây giờ, bánh nướng bằng bột nếp, bánh chưng, bánh ú hình ông sao và bánh nhưn thịt, đậu theo phong cách của người Việt Nam đã hoàn toàn đi vào quên lãng. Thay vào đó là chiếc bánh Trung Thu mang đầy đủ hình hài và dáng dấp của Trung Quốc.

Đầu lân Trung quốc xuất hiện khắp nơi trong mùa Trung thu

Tiếp đến, múa sư tử, múa lân cũng là trò chơi sặc mùi Trung Quốc mà người Việt đã xem đó là bình thường, là trò chơi của Việt Nam. Trên thực tế, thời xa xưa, ông bà chúng ta đã cải biên nghệ thuật múa lân và múa sư tử của Trung Quốc thành nghệ thuật múa thiên cẩu (miền Nam còn gọi là con Nghê). Nghệ thuật này chỉ có ở Việt Nam. Đầu thiên cẩu được ông bà chúng ta thiết kế rất đẹp và không mang dáng dấp của đầu lân hay đầu sư tử của Trung Quốc.

Múa thiên cẩu tại có một thời gian dài phát triển mạnh và hầu như đã lấn át nghệ thuật múa lân và múa sư tử. Tuy nhiên, những năm 1980 trở về sau, đầu lân và đầu sư tử phát triển, phổ biến đến mức người ta quên mất đầu thiên cẩu, quên luôn nhịp trống cũng như kĩ thuật múa thiên cẩu, cuối cùng, như hiện tại, múa lân với kiểu nhảy lên giàn, leo lên cây đã phát triển đầy rẫy. Mỗi Tết Trung Thu đi qua, hình ảnh Trung Thu Trung Quốc lại thêm đậm trong tâm thức tuổi thơ Việt Nam.

Nghệ thuật múa thiên cẩu thành ký ức

Một người tên Hùng, sống ở quận 5, Sài Gòn, chia sẻ:“Rõ ràng là nò ảnh hưởng của người Tàu. Người Việt mình không chấp nhận con lân, chỉ chấp nhận con nghê, lúc còn bình dân con nghê là con chó đá, lúc hóa linh hóa hiện, nó trở thành con nghê được thờ trước các đình chùa. Còn bây giờ, long lân qui phụng là văn hóa, biểu tượng của Trung Quốc…”.

Theo ông Hùng, múa thiên cẩu hiện tại đã hoàn toàn mất dấu trong lễ Tết Trung Thu. Là một người có tuổi thơ gắn với chiếc đầu thiên cẩu, ông Hùng nhớ lại hồi đó, chiếc đầu thiên cẩu được thiết kế với vẻ mặt rất ngầu, mạnh mẽ nhưng không hung hãn. Nhìn vào chiếc đầu thiên cẩu, nếu là của một người có bề dày dán đầu thiên cẩu thì sẽ thấy ngay thần khí của đất Việt.

Nghĩa là chiếc đầu thiên cẩu không màu mè như đầu lân hay đầu sư tử, phần đuôi bằng vải một màu, có chấm lốm đốm giống như lông chó đốm hoặc chỉ toàn màu vàng, màu đen giống như lông chó vàng và chó đen. Phần đầu thì không nhiều lông lá, râu ria như đầu sư tử hay đầu lân, chiếc sừng ngắn hơn so với sừng lân và sừng sư tử. Nhưng bù vào đó là đôi mắt được điểm nhãn có thần thái mạnh mẽ, không dùng đèn chớp nháy bằng pin như đầu lân, đầu sư tử.

Về nghệ thuật múa thiên cẩu thì miễn bàn về tính hấp dẫn của nó. Thường người múa thiên cẩu phải có thể lực tốt và giữa người múa với người dũ đuôi phải ăn ý như một. Cách di chuyển và điệu trống múa thiên cẩu dựa trên nền trống trận Tây Sơn chứ không đánh theo nhịp của múa lân và múa sư tử. Giữa lúc thiên cẩu đang múa thì thổ địa sẽ dỗ cho thiên cẩu ngủ. Trong lúc thiên cẩu ngủ, sẽ có một đến hai cặp thần đồng ra đấu võ, nhào lộn.

Tùy vào khả năng nhào lộn và dẻo dai của từng cặp thần đồng mà động tác đấu võ phức tạp hay đơn giản. Và chính cặp thần đồng đấu võ này góp phần quyết định chủ nhà thưởng cho thiên cẩu nhiều hay ít. Trước đậy, múa thiên cẩu có tiết mục phun lửa. Chủ nhà thường yêu cầu thiên cẩu phải phun lửa để xua tà khí trong gia đình nếu có.

Rất tiếc, hiện tại không còn chiếc đầu thiên cẩu nào nữa và những người chuyên làm đầu thiên cẩu cũng đã qua đời. Trò múa lân và múa sư tử nở rộ cùng với động cơ kiếm tiền của các đội lân đã làm mất hết vẻ hồn nhiên và không khí đồng dao của tuổi thơ.

Kể về trò múa thiên cẩu, ông Hùng tỏ ra nuối tiếc một khoảng tuổi thơ đẹp và trong trẻo mà ông có được thời trước 1975. Thời đó, con nít múa lân chỉ lấy vui làm chính, kiếm vài cây kẹo, vài chiếc bánh ngọt, vài đồng xu ăn chè. Và đầu thiên cẩu hay đầu lân gì cũng dán từ giấy học trò cũ, giấy báo, sườn làm bằng tre chứ không phải sườn sắt thép và đầu tư vài ba chục triệu đồng, thuê xe tải để đi múa kiếm lãi, chạy đua tranh chỗ, thậm chí chém nhau giữa đường vì tranh khách như hiện tại.

Ông Hùng lắc đầu chua chát rằng mùa thu trong trẻo, huyền nhiệm của tuổi thơ dần xa ngái. Những mùa thu đỏ rực màu sắc của máu lửa dần làm cho Tết Trung Thu mất dần vẻ ý vị, đến nỗi người lớn hay con nít cũng chẳng mong đến Trung Thu làm gì, mọi sự dần trở nên hờ hững và lạnh lùng.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.







No comments:

Post a Comment