ĐIỂM
BÁO PHÁP :
Thụy My - RFI
Đăng ngày 31-08-2015 18:00
Le
Figaro hôm nay có bài phân tích « Mô hình Trung Quốc đang gặp khủng hoảng
? ». Thảm kịch Thiên Tân, chứng khoán sụp đổ…mùa hè này như một thùng
thuốc súng đối với Bắc Kinh, đang phải trải qua một thời kỳ chuyển đổi khó
khăn.
Một mùa hè tan tác với khủng hoảng chứng khoán, đồng
nhân dân tệ bất ngờ phá giá, viễn cảnh kinh tế u ám và thảm họa Thiên Tân đã
làm nhạt nhòa hình ảnh một cường quốc mới nổi đắc thắng. Một số người đã dự báo
sự sụp đổ sắp tới của nước Trung Hoa đỏ.
Tuy nhiên theo Le Figaro, những khó khăn trên đây
như một hồi còi cảnh báo, minh họa cho một mô hình tăng trưởng đang kiệt sức,
và sự khẩn trương cần có đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, phải tìm ra những
phương thuốc mới, nếu không muốn bị mất đi tính chính danh trước thế hệ trẻ có
học vấn và đòi hỏi cao.
Chứng
khoán sụp đổ có làm kinh tế Trung Quốc trật đường rầy ?
Đó là câu hỏi đầu tiên. Cổ phiếu không ngớt nhảy múa
từ cuối tháng Sáu đã thổi luồng gió sợ hãi qua tất cả các thị trường chứng khoán
thế giới. Thượng Hải mất 41% giá trị trong vòng hai tháng, dù Bộ Chính trị đã
tung ra những biện pháp khẩn cấp cứu nguy, khiến một số cổ đông nợ nần nhiều đã
phải tự tử.
Đây là một cái tát cho chế độ, vì cơn sốt chứng
khoán là do báo chí nhà nước cổ vũ, thu hút đông đảo người không kinh nghiệm
lao vào chơi cổ phiếu trước món lợi quá lớn, khi chỉ trong vòng một năm giá trị
đã tăng khủng khiếp, đến 150%.
Chính quyền muốn trao tặng « giấc mơ Trung
Hoa » của Tập Cận Bình với việc mở ra biên giới mới cho chứng khoán,
trong lúc thị trường địa ốc suy sụp và tăng trưởng chậm lại. Đó là lý do khiến
Bắc Kinh vội v ã phản ứng khi quả bóng đầu cơ bị vỡ, tung ra 144 tỉ đô la mua
vào hàng loạt cổ phiếu.
« Tính chính danh của họ đang bị lung lay » - chuyên gia Arthur Kroeber của Brookings-Tsinghua Center ở Bắc
Kinh nhận xét. Nhưng thủ thuật này tỏ ra phản tác dụng. Cú « bazooka
tài chính » tốn kém này hơi quá tay, thay vì để thị trường tự điều chỉnh
bình thường.
Bởi vì nguy cơ lây lan được các nhà phân tích cho là
thấp, vì tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán trông giống như một casino lớn,
tương đối tách rời nền kinh tế thực nếu so với phương Tây. Chỉ có 7% hộ gia
đình thành thị sở hữu cổ phiếu, còn tại Hoa Kỳ là hơn phân nửa ; và các công ty
Trung Quốc chỉ tìm được 5% vốn từ thị trường này.
Nhưng tác động tâm lý của vụ sụp đổ chứng khoán là
khôn lường, làm xói mòn lòng tin dành cho những « Người cầm lái » ở
Bắc Kinh trong suốt hai thập kỷ quản lý ổn thỏa vừa qua. Nó tạo ra một mớ bòng
bong ngờ vực, mà cội rễ nằm trong sự yếu kém của cơ cấu.
Vì
sao kinh tế Trung Quốc chựng lại ?
Sau 30 năm cất cánh ngoạn mục, Trung Quốc đang trải
qua thời kỳ quá độ khó khăn. Mô hình tăng trưởng cũ dựa trên xuất khẩu hàng ít
giá trị gia tăng và trên đầu tư, đang hụt hơi, dẫn đến tăng trưởng xuống đến mức
thấp nhất từ 25 năm qua. Tháng Bảy, xuất khẩu sụt 8,3% còn qua châu Âu sụt 12%,
do lương tăng làm giảm tính cạnh tranh trước Đông Nam Á và châu Phi. «
Nền kinh tế mới » từ các tập đoàn internet, Alibaba, Tencent, điện thoại
di động Xiaomi…cố gắng thay chân, cũng như lãnh vực dịch vụ, nhưng quá chậm.
Mắt xích còn thiếu là tiêu thụ nội địa, rất cần thiết
để giảm lệ thuộc vào các thị trường xuất khẩu. Dân số Trung Quốc bị lão hóa
nhanh hơn dự báo thích tiết kiệm hơn chi xài, trước một Nhà nước bất ổn về phúc
lợi và một chế độ đã làm kiệt quệ nhiều thế hệ trong thế kỷ 20. Nhất là khi
giai cấp trung lưu trỗi dậy, họ chọn lựa các nhãn hiệu ngoại quốc – thành công
của xe hơi Đức và iPhone 6 chứng tỏ điều đó. Giới tinh hoa không tin vào
hàng « made in China », bằng mọi cách chuyển tiền ra nước ngoài và
xin được hộ chiếu ngoại quốc.
Dù vậy, cỗ máy Trung Quốc năm nay nhắm vào mức tăng
trưởng 7%, năng động nhất thế giới. Theo các chuyên gia, thực tế chỉ từ 4 đến
6%. Nhưng theo Tim Cook, ông chủ Apple, tăng trưởng của giới trung lưu «
sẽ rất lớn trong những năm tới », với các nhu cầu ngày càng tinh tế. Bên cạnh
lãnh vực quốc doanh vô hiệu quả và tham nhũng, khu vực tư nhân tỏ ra rất sáng tạo.
Thảm
kịch Thiên Tân : Dấu hiệu cảnh báo cho chế độ ?
Hai vụ nổ xảy ra tại cảng Thiên Tân hôm 12/8 không
chỉ giết hại 139 nạn nhân và làm bị thương 700 người. Nó còn phơi bày ra ánh
sáng một sự tập trung những bất cập, làm băng hoại mô hình Trung Quốc từ bên
trong.
Trước hết là sự thiếu trách nhiệm, cái thắng chính
làm nền kinh tế không thể nâng cấp, vốn rất cần thiết để được đứng vào hàng ngũ
các nước phát triển. Những tai nạn công nghiệp chết người là chuyện cơm bữa,
như vụ nổ nhà máy Côn Sơn (Kunshan) làm 146 người chết năm 2014. Trong khu vực
Bắc Kinh, 70% cơ sở hóa chất không tôn trọng các tiêu chuẩn an toàn – một quả
bom nổ chậm ! Tiếp đến là thiếu năng lực : hàng mấy chục lính cứu hỏa đã chết
vì không được đào tạo tối thiểu.
Hệ quả của thiếu trách nhiệm là nạn dịch tham nhũng
và lạm dụng chức quyền : muốn làm ăn phải có quan hệ (guanxi). Một trong những
chủ nhân của kho hàng Thụy Hải (Ruihai) chính là con trai của cựu giám đốc công
an Thiên Tân, 700 tấn cyanure đã được trữ gần khu dân cư, cao gấp 40 lần cho
phép.
Thông tin này ban đầu bị kiểm duyệt - 300 tài khoản
và 50 trang web bị khóa ngay - sau đó trung ương sử dụng để đổ lên đầu chính
quyền địa phương. Tập Cận Bình đòi « minh bạch »và trừng phạt một số
quan chức, trong khi cư dân mạng nổi giận. Một người viểt trên Vi Bác :« Hãy
chấm dứt tình trạng là người khổng lồ về diễn văn và một chú lùn trong hành động
».
Sau nạn ô nhiễm, xì-căng-đan thực phẩm bẩn, Thiên
Tân minh họa cho các thử thách gay gắt của đảng, trước lớp dân thành thị đòi hỏi
chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Khó
khăn có làm lung lay đế chế Tập Cận Bình ?
Hồi tháng Ba, một trong những nhà Trung Quốc học uy
tín nhất ở Mỹ đã gây rúng động khi loan báo sự cáo chung sắp tới của một chế độ
đang kiệt lực, trên Wall Street Journal. Tuy vậy ông William Shambaugh không
nói gì về uy tín của Tập Cận Bình, có được nhờ chiến dịch chống tham nhũng ầm ĩ
và các phương pháp mị dân bắt chước Vladimir Putin, tái hiện nạn sùng bái cá
nhân. Ông ta nhấn mạnh ý thức hệ để cứu vãn một hệ thống bị tham nhũng tàn phá,
đàn áp đối lập và đề cao lòng tự hào dân tộc.
Nhưng những khó khăn kinh tế đã làm xáo trộn lịch
trình của ông Tập – cho đến nay dành ưu tiên cho đối nội, và muốn coi Hoa Kỳ
như người đồng đẳng. Những người đối lập được chắp thêm cánh, nhất là trong
quân đội, với nguy cơ kìm hãm các cải cách cần thiết, trong đó có việc « chiếu
tướng » các tập đoàn quốc doanh. Thủ tướng Lý Khắc Cường chưa chi đã tỏ ra lúng
túng.
Trong khi đó « đây là lúc để tăng tốc cải
cách, nếu không muốn đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự sắp tới » -
Kroeber cảnh báo. Chủ yếu là tương lai của « hợp đồng với quỷ sứ » - giữa đảng
và nhân dân - từ thập niên 80 : chấp nhận độc tài để đổi lấy tăng trưởng.
Brazil
lại rơi vào suy thoái
« Đồng hội đồng thuyền » là hoàn cảnh của Brazil : nền
kinh tế thứ bảy thế giới lại bước vào suy thoái khi tổng sản phẩm nội địa trong
quý II tiếp tục âm 1,9%. Tất cả các chỉ số đều báo động đỏ : đầu tư sụt mất
8,1%, lần đầu tiên sụt 8 quý liên tục. Tiêu dùng giảm 2,1%, thất nghiệp cao nhất
từ 5 năm qua, xung đột xã hội ngày càng nhiều…
Chưa hết, lại còn nạn lạm phát : giá cả tăng 9,56%,
lãi suất chỉ đạo lên 14,25% cao nhất từ 9 năm qua, và đồng real mất giá 25% kể
từ đầu năm. Giá dầu lửa, đường, đậu nành, những mặt hàng là thế mạnh của Brazil
lao dốc mạnh, cung nhiều hơn cầu do Trung Quốc giảm tiêu thụ khiến giá càng giảm.
Cộng vào đó, tỉ lệ tín nhiệm của Tổng thống Dilma Rousseff xuống dưới mức 10%.
Chỉ mới cách đây 5 năm, Brazil vẫn còn là con cưng của
các nhà đầu tư, được giới thiệu như hình mẫu cho các nước đang phát triển. Năm
2010, tăng trưởng của Brazil là 7,5%, nhưng từ đó bắt đầu đi xuống. Cho đến nỗi
một số nhà kinh tế không ngần ngại nói về « hồi kết của một mô hình », suy
sụp do tham nhũng, vay nợ dễ dãi, công nghiệp yếu kém nên phải cầu viện đến
hàng nhập khẩu, cơ sở hạ tầng thiếu thốn nhất là giao thông.
Trang
web ngoại tình bị hack : Khách hàng chủ yếu là đàn ông
Trên lãnh vực xã hội, Le Monde khi đề cập đến việc «
Tổng giám đốc Ashley Madison từ chức »đã cho biết, trang web chuyên môi giới
ngoại tình là nạn nhân bị tin tặc trộm dữ liệu hàng loạt. Nhiều thông tin mật của
khách hàng bị công bố, và lộ ra cả cung cách làm ăn cẩu thả của trang này.
Ông Noel Biderman, tổng giám đốc tập đoàn Avid Life
Media của Canada, sở hữu chủ của trang mạng ngoại tình Ashley Madison đã phải từ
chức hôm 28/8. Danh sách toàn bộ 37 triệu địa chỉ email bị tung lên mạng, nhưng
gần phân nửa là lý lịch giả. Nhiều cuộc điều tra đang được tiến hành : ở Mỹ,
nơi quân đội chú ý đến vài ngàn tài khoản thành lập bằng email của quân nhân,
và ở Canada, nơi đã có hai vụ tự sát khi danh sách người sử dụng bị tiết lộ.
Avid Life Media treo thưởng 360.000 euro cho những ai cung cấp thông tin giúp bắt
được hacker.
Phân tích cơ sở dữ liệu cho thấy những người sử dụng
trang web ngoại tình này chủ yếu là đàn ông, chỉ có vài ngàn tài khoản của phụ
nữ. Và trong số 5 triệu tài khoản nữ, chỉ có 1.500 người xem các tin nhắn
riêng, so với con số 20 triệu về phía nam giới. Trang mạng này đã từng bị tố
cáo là đăng các khuôn mặt nữ giả hiệu để thu hút khách hàng nam đóng tiền sử dụng
dịch vụ.
Các tin tặc cũng lên án Ashley Madison không xóa
toàn bộ các thông tin của những khách hàng đã trả tiền để được xóa dữ liệu (địa
chỉ email, tài khoản ngân hàng…) ; trong khi dịch vụ xóa này đem lại cho công
ty đến một triệu đô la trong năm 2014.
Thôi
miên giảm đau trong y học
Về y tế, phụ trang của Le Figaro trong bài «
Bí mật của thôi miên y học » cho biết việc dùng phương pháp thôi miên
để xoa dịu cơn đau từ nay được phép áp dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện Pháp.
Hai từ thôi miên gợi ra một cái gì bí mật, mang tính
ma thuật. Nhưng trong môi trường bệnh viện, thôi miên y học bây giờ được đề cập
đến thường hơn ; đặc biệt tại Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ. Phương pháp này được dùng để
chống những cơn đau bất chợt hoặc thường xuyên, stress, rối loạn chức năng tiêu
hóa hay để tăng sức chịu đựng liệu pháp hóa trị…
Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi giáo sư
Faymonville đề xuất dùng thôi miên để giảm đau trong bệnh viện. Phải đợi đến
khi các nghiên cứu điện não đồ trong thập niên 70 chứng minh rằng thôi miên rõ
ràng có tác động lên não bộ, giới khoa học mới chấp nhận.
Khi làm dịu đi cảm xúc của một người đang đau đớn,
phương pháp thôi miên đã biến đổi cách cảm nhận cơn đau. Bác sĩ Tatjana Hilker,
bệnh viện Necker, Paris nói : « Thôi miên không phải là phương thuốc
dùng chung cho mọi người, nhưng đó là một công cụ quan trọng và hiệu quả trong
tay các chuyên viên gây mê ». Dù không thành công 100%, nhưng giáo sư
Faymonville cho biết đã tiến hành 8.000 cuộc phẫu thuật nhờ thôi miên, trong đó
chỉ phải chuyển sang gây mê toàn phần không đầy 20 trường hợp.
No comments:
Post a Comment