Lê Diễn Đức
Monday, August 31, 2015 3:18:51 PM
Dư
luận vừa qua lại dấy lên chủ đề về mại dâm khi ông Lê Minh Quý, phó Chi Cục
Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội thành phố Sài Gòn, nói rằng, nên thí điểm gom các cơ
sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vào một khu vực để dễ quản lý hơn.
Những cô gái bán dâm đón khách trên vỉa hè Sài Gòn.
(Hình: Zingnews)
Việc thí điểm sẽ tổ chức ở một số địa phương trọng
điểm như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng...
“Thành phố sẽ lập khu vực quy hoạch, sau đó có
cơ chế khuyến khích như giảm thuế, tạo điều kiện kinh doanh hợp pháp để mời gọi
các cơ sở dịch vụ nhạy cảm vào. Tất nhiên, lực lượng chức năng vẫn sẽ giám sát
và xử lý mạnh tay nếu xảy ra sai phạm,” ông Quý nói.
Đây không phải lần dầu tiên, một quan chức của chế độ
có đề nghị như vậy. Trong năm 2011, tờ Lao Động ngày 29 tháng 6 đăng bài “Đã đến
lúc không coi mại dâm là tệ nạn” cho biết, “ngày 28 tháng 6, tại hội nghị triển
khai trương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 ở Quảng Ninh,
Bộ Trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chính thức đưa
ra quan điểm tiếp cận để phòng, chống mại dâm trong thời gian tới là không nên
coi đây là tệ nạn xã hội nữa.”
Đầu năm 2013, thành phố Sài Gòn cũng đưa rà lời đề
nghị tương tự với chính phủ.
Chủ đề hợp thức hóa mại dâm không mới và luôn là vấn
đề gây tranh cãi không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới.
Đứng về góc độ nhân bản và quyền con người, mại dâm,
một trong những nghề lâu nhất của loài người, theo tôi nghĩ, nên được luật pháp
quan tâm bảo vệ.
Những người phụ nữ hành nghề lâu nhất này cần phải
được chăm sóc sức khỏe, không bị xếp vào hạng tận cùng trong xã hội, bởi vì
cũng như phần còn lại, họ là những con người với đầy đủ mọi đức tính tốt, xấu.
Trong văn học nghệ thuật người ta đã xây dựng hình ảnh
những cô gái lầu xanh tuyệt đẹp với duyên kiếp bất hạnh, tủi nhục, nhưng cao
thượng. Đó là nàng Kiều trong “Truyện Kiều” bất hủ của thi hào Nguyễn Du, nàng
Marguerite Gautier trong “Trà hoa nữ” của nhà văn Pháp Alexandre Dumas (con),
hay nàng geisha Chiyo của Nhật trong phim “Memoirs of a Geisha” của Steven
Spielberg.
Mại dâm trên thế giới
Ở Hà Lan nghề mại dâm hợp pháp gần 200 năm nay. Biểu tượng mại dâm tự do là tượng đài cô gái điếm làm bằng đồng với khuôn mặt của Astrid, một người chuyển đổi giới tính nổi tiếng của Amsterdam, do nghệ sĩ Hà Lan nổi tiếng Els Ruiers thiết kế và đặt ở khu mại dâm “Red Light Distric” của thủ đô Amsterdam.
Đức, Pháp, Hà Lan, Thái Lan... cũng là số ít khác những
quốc gia hợp pháp hóa mại dâm. Dịch vụ mại dâm phục vụ khách một cách chuyên
nghiệp, sang trọng, vệ sinh và tận tình. Các cô gái hành nghề có công đoàn
riêng để bảo vệ quyền lợi, họ đóng thuế thu nhập, bảo hiểm và được hưởng chế độ
hưu trí.
Ở Hungary chính quyền đã có lúc muốn tái lập hệ thống
nhà thổ công khai, nhưng vì Công Ước New York ngăn cản, nên đành chấp nhận các
hiện tượng lách luật, cho phép mở những “tiệm mát-xa” (mà ai cũng biết là lầu
xanh trá hình) hoạt động hợp pháp, có đăng ký theo diện “xoa bóp y tế.” Từ năm
1999 nghề mại dâm ở Hungary được chính thức thừa nhận, có nghiệp đoàn bảo vệ
quyền lợi và vài năm sau khi Hungary gia nhập Liên Hiệp Âu Châu thì những đại
diện “sáng giá” trong nghề còn được tham dự một số chương trình đào tạo để trở
thành “doanh nhân cá thể.”
Tại Ba Lan, hơn 90% dù dân số theo đạo Công Giáo và
Hiến Pháp cấm sử dụng thân thể phụ nữ để kinh doanh, nhưng nếu người phụ nữ tự
nguyện thì không phạm luật. Vì thế thành phố nào cũng có các dịch vụ “giao lưu
bạn hữu.” Cảnh sát thường bất lực, bởi vì nếu có bắt quả tang trai trên gái dưới
mà cô gái phủ nhận chuyện tiền bạc thì cũng không làm gì được, thậm chí đương sự
có thể kiện cảnh sát ra tòa nếu bị xúc phạm.
Tuy nhiên nghề mại dâm, dưới các quan điểm đạo đức
xã hội, tôn giáo, vẫn bị xem là bất hợp pháp ở hầu hết các quốc gia, không phụ
thuộc vào sự phát triển kinh tế hay mức sống.
“Tàn dư Mỹ-Ngụy” phát triển
Nhà nước Cộng Sản Việt Nam thường nói các tệ nạn xã hội như xì ke, ma túy hay mại dâm là “tàn dư của Mỹ-Ngụy.” Thế nhưng hơn 40 năm qua, khi cả nước làm theo gương đạo đức của Hồ Chí Minh, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, tàn dư này chẳng những không mất đi và còn phát triển vượt bậc.
Nạn mại dâm ở Việt Nam hiện nay có quy mô rộng khắp,
từ thành thị tới nông thôn, diễn biến phức tạp và đa dạng.
Có những “thánh địa” của gái mại dâm như đường Phạm
Văn Đồng, gần công viên Hòa Bình, ở Hà Nội hay khu vực đường Nguyễn Chí Thanh
giáp ranh giữa quận 10 và quận 5, ở Sài Gòn. Trong nội thành nơi mồi chài khách
chủ yếu ở các quán cà phê máy lạnh, vũ trường, quán bar, còn ở ngoại thành là ở
những quán cà phê sân vườn, bia ôm chòi lá. Ngoài ra còn có các đường dây gái gọi
cao cấp, được tổ chức quy mô, bài bản với sự tham gia của các người mẫu, diễn
viên.
Tình trạng mại dâm trong những năm gần đấy còn có xu
hướng “xuất khẩu” ra nước ngoài.
Tờ Đất Việt ngày 15 tháng 8, 2015 cho biết, chiều
ngày 14 tháng 8, Ông Jeremey Douglas, trưởng Đại Diện Khu Vực Đông Nam Á-Thái
Bình Dương của Cơ Quan Phòng Chống Ma Túy và Tội Phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC)
nói rằng, mỗi năm có 18,000 gái Việt ra nước ngoài hành nghề mại dâm. Tiền thu
được từ dịch vụ phi pháp này có thể dùng để mua bất động sản, các công ty và
gây tham nhũng ở bất cứ đâu.
Dọc theo đại lộ Klang Lama của Kualar Lumpur
(Malaysia), hay khu Geylang (Singapore) là những khu đèn đỏ mà gái mại dâm Việt
Nam sôi động hành nghề. Dịch vụ phát triển, tai tiếng đến mức hàng trăm cô gái
Việt vừa qua bị Singapore từ chối cho nhập cảnh.
Kết
luận
Tôi đã từng làm một cuộc thăm dò nhỏ trên trang
Faceebok của mình, có rất nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có những ý kiến phản
đối.
Có bạn cho rằng, trong các cách định nghĩa “Xã Hội
Chủ Nghĩa” về phương diện kinh tế, sản xuất, cung cầu, phân phối tài nguyên,
không thấy chúng loại trừ dịch vụ tình dục. Nói cách khác, dịch vụ tình dục và
hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn có thể tồn tại song song. Là một nghề
nghiệp liên quan nhiều đến sức khỏe thân thể, nó rất cần một chế tài bảo vệ quyền
lợi người lao động, như khái niệm “công đoàn hóa,” ngoài việc hợp pháp hóa nó.
Không nên mỉa mai đề xuất này bằng các lý lẽ chính trị mà nên giải quyết nó
theo góc độ an sinh, nhân quyền...
Mại dâm bị xem là một thứ tệ nạn chính vì luật pháp
và quan niệm xã hội coi nó là phi pháp, là xấu. Nhưng nếu không coi mại dâm là
“tệ nạn” (không cố triệt phá nó mà đối mặt chấp nhận thực tế và lành mạnh hóa
nó), thì sẽ bớt đi được một số hệ lụy đáng kể, ít ra là nạn bảo kê, tú bà bóc lột
thân xác họ, hay những bệnh tật liên quan.
Một quan điểm khác cho rằng, không nên hợp thức hóa
nghề mại dâm ở Việt Nam vì ba lý do chính, đơn giản, là:
- Nhà nuớc Cộng Sản Việt Nam có hệ thống quản lý xã
hội và an sinh xã hội kém, khó bảo đảm cho những phụ nữ hành nghề này tiếp cận
với dịch vụ y tế, khám bệnh, ngừa bệnh thường xuyên, chưa nói đến quyền lợi hưu
trí...
- Việt Nam vẫn là nước nghèo, trình độ dân trí chưa
cao, thành phần bán dâm đại đa số là thất học, hợp thức hóa bán dâm sẽ bị hiểu
sai và trở thành một “excuse” cho giới trẻ sa ngã, sa đọa hơn thêm. Giới trẻ
chưa được nhìn thấy một sự việc qua nhiều góc cạnh. Không thể gọi nghề bán dâm
là một sự lựa chọn khi không có tới cái chọn thứ hai, thứ ba để mà... lựa!
- Khi hợp thức hóa nghề này, có nghĩa là ngoài sự kiềm
tỏa của các đàn anh ma cô, gái mại dâm họ lại phải đóng thuế và chịu sự kiểm
soát của nhà nước trong bối cảnh nạn hối lộ tràn làn trong Ngành Công An.
Do đó, với cái nhìn tổng thể về chế độ chính trị, xã
hội, tập quán văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam việc hợp pháp hóa nghề mại
dâm ở Việt Nam rất khó khả thi.
Sẽ chỉ là những đề nghị nằm trên bàn, cho vui! Dù
sao đi nữa thì thực tế tại thành Hồ vẫn tồn tại các khu đèn đỏ nhộn nhịp, “thời
trang” và đậm đà “bản sắc dân tộc!”
No comments:
Post a Comment