Monday, August 31, 2015

Dự luật về tín ngưỡng, tôn giáo và lập hội: VN có thay đổi não trạng? (Phạm Chí Dũng)





Phạm Chí Dũng
Friday, August 28, 2015 5:30:07 PM 

“Bản Dự thảo 4 đi ngược lại với quyền tự do về tín ngưỡng và tôn giáo, gây lo ngại nhiều hơn là đem lại sự bình an cho mọi người” - Ðức cha Cosma Hoàng Văn Ðạt, tổng thư ký, thay mặt Ban Thường Vụ Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam nói thẳng thừng về dự luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo được đạo diễn bởi các nhân vật quen thuộc trên sân khấu “tự do tôn giáo trong luồng.”

Tháng 5, 2015, trong một động tác gấp rút như thể cố tình, Bộ Nội Vụ và Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã “chuyển gấp” dự luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo lần thứ tư đến các tôn giáo trong nước “để xem và góp ý,” nhưng chỉ được góp ý trong một thời gian rất ngắn. Ngay lập tức sau đó, một số tổ chức tôn giáo như Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và hai Tòa Giám Mục Bắc Ninh cùng Kontum chính thức có phản hồi với người chịu trách nhiệm tối cao về luật ở VN - Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng và Ban Tôn Giáo Chính Phủ được phụ trách bởi một viên tướng công an “biệt phái” - về dự thảo luật đó.

Lịch sử lặp lại

Vào năm 2015, một lần nữa khung luật pháp về tín ngưỡng và tôn giáo lại được nhà nước VN mang ra “cải thiện.” Ðến tháng 5, 2015, dự luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo đã được dự thảo đến lần thứ tư. Thời điểm này lại trùng với khoảng thời gian mà Bộ Ngoại Giao và Bộ Công An VN “đang chuẩn bị tích cực cho chuyến đi Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng.”

Chính quyền VN đã chứng tỏ họ là người vẫn có thể uốn nắn lịch sử, nếu quả tình lịch sử không diễn biến đúng với ý họ.

Tám năm trước, vào năm 2007, VN cũng chấp chới “điều chỉnh” một số nội dung liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo, trùng với khoảng thời gian mà chính thể này được tham dự vào bàn tiệc WTO, được người Mỹ bóc tách khỏi Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo và nhân quyền (CPC), và lần đầu tiên Nguyễn Minh Triết - chủ tịch nước với triết lý sống mãi “Việt Nam và Cuba thay nhau thức canh cho hòa bình thế giới” - đặt chân lên đất nước cựu thù để tương đạo với Tổng Thống Mỹ George Bush.

Hiển nhiên và cứ như một quy luật, cứ mỗi lần “VN có nhu cầu đối ngoại,” chính thể này lại bắt đầu xem xét nhằm cởi nới đôi chút những nội dung nhân quyền và tôn giáo mà thường bị Hoa Kỳ và phương Tây đặc biệt lên án.

Tuy nhiên vào năm nay, mọi sự đã biến đổi hẳn so với năm 2007 về mức độ phản đối và phản kháng của phong trào dân chủ. Nếu năm 2007 chưa thể xem là có được hoạt động xã hội dân sự rộng rãi ở VN, thì từ năm 2013 đến nay đã chứng kiến nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập ra đời, trong đó có một số tổ chức tôn giáo độc lập của Phật Giáo Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy, Cao Ðài Nhơn Sanh, và được đẩy lên cao hơn mang tính mạng lưới kết nối như Hội Ðồng Liên Tôn VN với sự phát triển hơn về số lượng và phản biện.
Thậm chí ngay cả khối tôn giáo còn nằm trong vòng kiềm tỏa của chính quyền cũng không giữ nỗi thái độ bình thản trước quá nhiều từ “xin-cho” cứ liên tục biến hiện trong dự luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo.

Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã phản ứng dự luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo với ba kiến nghị. Thứ nhất “Không đồng ý Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.” Thứ hai “Ðề nghị soạn lại một bản Dự thảo khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ.” Và thứ ba “Bản dự thảo mới phải được tham khảo ý kiến từ các tổ chức tôn giáo; đặc biệt các tổ chức tôn giáo phải được công nhận tư cách pháp nhân và được pháp luật bảo vệ.”
Còn nhận định của Tòa Giám Mục Bắc Ninh do Linh Mục Tổng Ðại Diện Giuse Nguyễn Ðức Hiểu ký tên thay mặt giáo phận thì không giấu vẻ mỉa mai: “Theo nhiều nước tiên tiến trên thế giới, những văn bản quy phạm pháp luật sinh ra nhằm ngăn chặn những người thực thi pháp luật lạm dụng quyền đối với người dân; nhưng nhìn nhận cách khách quan, những điều nêu trong Dự thảo 4 muốn tái lập cơ chế Xin-Cho trong các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Cơ chế Xin-Cho biến quyền tự do của con người thành những thứ quyền Nhà nước nắm trong tay và ban lại cho người dân qua những thủ tục cấp phép.”

Mới đây, Khối Nhơn Sanh Cao Ðài còn tổ chức một cuộc hội thảo với yêu cầu hủy bỏ dự thảo lần thứ 4 của dự luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo. Vào cuối tháng 8, 2015, một phái đoàn của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ (USCIRF) đã đến Sài Gòn và đã có cuộc tiếp xúc với những giáo chức thuộc Khối Nhơn Sanh Cao Ðài để tìm hiểu về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam từ năm 2007 đến nay và tình hình hoạt động của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

Kết quả đầu tiên

Sau một thời gian đấu tranh không mệt mỏi, các tôn giáo ở VN có vẻ đã đạt được kết quả đáng khích lệ đầu tiên. Tại phiên họp vào giữa tháng 8, 2015 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, một số quan chức có trách nhiệm đã phải nêu ra những “chuyển đổi” đáng chú ý về dự luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo:

“Việc quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn nặng nề; còn nhiều quy định, trình tự, thủ tục can thiệp sâu vào hoạt động nội bộ của các tổ chức tôn giáo” - Chủ nhiệm Ðào Trọng Thi.

“Kết cấu của dự thảo luật cho thấy hơi nghiêng nhiều về quản lý Nhà nước. Rất nhiều điều, khoản nhắc đến các thuật ngữ như điều kiện, cho phép, chấp nhận...” - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc Hội Trương Thị Mai.

“Thường trực Ủy ban cho rằng, cần chuyển đổi phương thức quản lý Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo từ kiểm soát sang giám sát và hướng dẫn; từ cơ chế xin phép - cấp phép hoặc đăng ký - chấp thuận sang cơ chế đăng ký - thẩm định theo các điều kiện được quy định cụ thể, rõ ràng, tăng cường hình thức thông báo trước một thời hạn nhất định.”

Dường như Quốc Hội VN đang dần phải thay đổi quan điểm và “cách làm” cho phù hợp hơn với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước VN đã ký kết từ năm 1982, sau một số lần dự thảo nhưng bị giới chức sắc trong tôn giáo, đặc biệt là Công Giáo, phản ứng mạnh mẽ về quan điểm tiếp tục bó trói và cơ chế xin-cho.

Tín hiệu song trùng

Song trùng với dự luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo, chỉ đến gần đây mới le lói một vài tín hiệu cho thấy các cơ quan chuyên trách của VN bắt đầu cởi nới hơn đôi chút đối với những nội dung siết đóng trong dự luật về hội.

Hội Ðồng Tư Vấn các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp 2013 - một cơ quan then chốt về soạn thảo luật - vào giữa tháng 8, 2015 đã có một số đề nghị với chính phủ về dự thảo luật về hội mà Bộ Nội Vụ đang xây dựng.

Theo cơ quan này, dự luật về hội nên ghi nhận quyền lập hội của công dân theo tinh thần bảo đảm quyền tự quyết, tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hội, thay vì quá tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước với hội.

Cũng theo Hội Ðồng Tư Vấn, Nhà nước không nên can thiệp vào công tác nhân sự của các hội bằng cơ chế công nhận và bãi nhiệm chức danh người đứng đầu. Thay vào đó, Nhà nước nên tôn trọng kết quả bầu cử ban lãnh đạo do chính thành viên tổ chức xã hội quyết định. Hội chỉ cần báo cáo kết quả bầu cử cho cơ quan nhà nước để các cơ quan này có thông tin thực hiện quản lý nhà nước.

Về việc hình thành các hội, nhóm tự phát, hoạt động mang tính nội bộ thời gian qua là vận động tự nhiên của xã hội. Theo Hội Ðồng Tư Vấn, loại hội tự phát này khá nhiều, đa dạng, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Dự luật về hội không nên đặt vấn đề quản lý nhà nước đối với việc hình thành loại hội này nhưng nên có quy định mang tính nguyên tắc để tạo khuôn khổ các hội tự phát hoạt động theo pháp luật. Nhà nước chỉ can thiệp khi có vi phạm pháp luật.

Hội Ðồng Tư Vấn cũng đề nghị giảm bớt thủ tục, điều kiện lập hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân thực hiện quyền hiến định. Nhà nước không can thiệp vào hoạt động mang tính nội bộ của hội mà chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật...

Thay đổi luật pháp mới là sự đổi thay căn bản để cải thiện nhân quyền. Vào cuối năm 2014, trợ lý ngoại trưởng phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động Tom Malinowski đến Hà Nội và bực tức lên án “Việt Nam không thể cứ thả một chục người này rồi lại bắt thêm một chục người khác.” Kể từ đó, người Mỹ đã chuyển hướng rõ rệt sang việc đòi hỏi chính quyền VN phải cải tổ mạnh mẽ các khung luật liên quan đến nhân quyền như Bộ Luật Hình Sự, Luật Lập Hội, Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo, Luật Tiếp Cận Thông Tin...




No comments:

Post a Comment