Monday, August 3, 2015

Dừng ngay những dự án tượng đài tham nhũng (Phạm Đình Trọng)





Tháng Tám 3, 2015 at 9:41 chiều

Nhà văn Phạm Đình Trọng.

Chính quyền với những cá nhân từ cấp thấp đến cấp cao dấm dúi tham nhũng, không ai bảo được ai, không ai trị được ai. Đến nay chính quyền tham nhũng đó đã tiến tới tập thể công khai tham nhũng bằng việc ném hàng trăm, hàng ngàn tỉ tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân vào những công trình không những vô bổ mà còn phản văn hóa nhân loại, phản đạo lí dân tộc, phản cả sự trung thực của lịch sử đất nước. Tiền đầu tư công trình càng lớn thì tiền lại quả để những người có chức, có quyền chia nhau càng lớn. 

Tỉnh khó Quảng Nam thu không đủ chi. Đất nghèo, dân đói, giáp hạt nhiều năm tỉnh phải xin nhà nước mỗi năm cả ngàn tấn thóc cứu đói nhưng tỉnh cũng cố bòn rút 141 tỉ tiền ngân sách xây tượng đài Mẹ Việt Nam.

Tỉnh trung du bán sơn địa Vĩnh Phúc, kinh tế ăn đong, ăn bữa sáng lo bữa tối cũng cố sống cố chết đổ ra 300 tỉ đồng xây Văn Miếu thờ ông Khổng Khâu bên Tàu, thờ người đã xây dựng lên hệ thống giáo huấn trói buộc lương dân, khinh rẻ phụ nữ, bảo vệ trật tự phong kiến cổ hủ, trì trệ, ngưng đọng, thối nát, phản tự nhiên, phản tiến bộ.

Chính quyền tỉnh này nhìn tỉnh kia, tỉnh này học tỉnh kia tham nhũng bóp nặn dân, bòn rút ngân sách. Quảng Nam dựng tượng bà mẹ dù là mẹ anh hùng cũng chỉ là bà mẹ dân đen còn tốn tới 141 tỉ đồng. Vĩnh Phúc xây miếu thờ thứ lễ nghĩa vay mượn, văn hóa quì lạy lỗi thời, cũng 300 tỉ đồng. Tỉnh miền núi heo hút, xơ xác Sơn La quanh năm khoai sắn ít có dự án, công trình để ăn chia thì phải có công trình ngàn tỉ mới bõ bèn chia nhau. Muốn có công trình ngàn tỉ thì phải xây tượng thờ người khai sinh ra đảng cầm quyền, khai sinh ra nhà nước đương quyền và Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La đã thông qua tắp lự dự án dựng tượng ông Hồ 1400 tỉ đồng, lớn nhất nước, lớn nhất thế giới giữa trập trùng núi non khuất nẻo.

Chính quyền tham nhũng đã và đang đổ hết trăm, ngàn tỉ này đến trăm, ngàn tỉ khác tiền mồ hôi nước mắt của dân để xây lên những chùa Bà Đanh, văn miếu Bà Đanh, tượng đài Bà Đanh trên khắp đất nước. Tượng đài 141 tỉ ở Quảng Nam đã nuốt trôi. Miếu thờ ở Vĩnh Phúc đã xây xong. Tiền nhà thầu lại quả đã nằm gọn trong túi quan chức hàng tỉnh Vĩnh Phúc. 1400 tỉ đồng dựng tượng ông Hồ ở Sơn La đã được duyệt mau lẹ. Một trào lưu, một phương cách tham nhũng tập thể, công khai đang là những cơn bão, những trận mưa lũ tàn phá đất nước như những trận mưa lũ đang tàn phá vùng than giàu có Quang Ninh.

Các tổ chức Xã hội dân sự cần lên tiếng mạnh mẽ về những dự án vô cảm với những cảnh đời nghèo đói của người dân. Vô cảm trước bé gái nhà nghèo nhịn đói đi học rồi chết lả bên đường. Vô cảm trước người chưa đến tuổi già ốm đau không có tiền vào bệnh viện, không có tiền mua thuốc đành nằm nhà chịu cơn đau bệnh hành và chờ chết non. Vô cảm với đám trẻ con ôm nhau đu dây lăng mình qua sông đi học vì chính quyền không có tiền làm cầu. Vô cảm với những lớp học tranh tre rách nát, xiêu vẹo. Trong lớp, những chiếc bàn ghế gỗ tạp, chân gãy, mặt bàn nứt toác, vênh váo cùng những học trò thiếu dinh dưỡng gày guộc quắt queo, quần manh, áo đơn rách hở vai, hở ngực giữa mùa đông tê tái. Vô cảm với những bệnh viện như là nơi đày đọa, xỉ nhục con người, ba bốn người bệnh chồng chất trên một giường bệnh và người khỏe đi nuôi người bệnh chui rúc ăn ngủ dưới gầm giường.

Đất nước xác xơ, người dân nghèo khổ như vậy mà chính quyền cứ mê mải đổ hàng trăm, hàng ngàn tỉ tiền mồ hôi nước mắt của dân xây hết tượng đài này đến tượng đài khác. Tham nhũng đã làm cho cả một chính quyền trở thành bất lương.


----------------------
Đó là câu thơ hay của Tố Hữu viết vào năm 1969, khóc CT. HCM qua đời. Chúng ta biết rằng hiện nay VN đang nóng lên với cơn sốt tượng đài. Tôi mới "phát hiện" một qui luật rất thú vị: những địa phương nào nghèo nhất cũng chính là những địa phương có tượng đài nhiều nhất, đặc biệt là tượng đài về CT Hồ Chí Minh. Ngạc nhiên?
Có thể nói rằng VN đang có một trào lưu xây tượng đài và di tích. Nơi nơi xây tượng. Từ nay đến 2030 sẽ xây thêm 58 tượng đài Chủ tịch HCM (1). Ngoài tượng đài HCM, người ta còn xây văn miếu và đài tưởng niệm khác.
Hãy thử liệt kê một số địa phương nổi cộm xuất hiện trên báo chí:
• Sơn La: dự án xây dựng tượng đài HCM, tốn 1400 tỉ đồng.
• Lai Châu: Tượng đài HCM về thăm Lai Châu (2009), chi phí 41.5 tỉ.
• Tuyên Quang: Tượng đài HCM với các dân tộc Tuyên Quang (2015), chi phí 200 tỉ.
• Hà Giang: Tượng đài Thanh niên xung phong, tốn 46 tỉ đồng.
• Điện Biên: Tượng đài Điện Biên Phủ, chi phí 51 tỉ (rút ruột 30%).
• Lào Cai: Tượng đài biểu tượng văn hóa, chi phí?
• Hà Tĩnh: Xây Văn Miếu, 80 tỉ đồng.
• Nghệ An: Khu di tích HTLoan (chi phí ?), đền thờ NSSắc (tốn 73 tỉ đồng) và chị em CT HCM (không thấy nói tốn bao nhiêu).
• Quảng Nam: Tượng mẹ VNAH, tốn 411 tỉ đồng.
• Vĩnh Phúc: Xây Văn Miếu, tốn 300 tỉ đồng.
• Quảng Ninh: Xây tượng đài biểu tượng văn hoá, tốn 25 tỉ đồng (mới bị sét đánh).
• Sài Gòn: Tượng Chủ tịch HCM, tốn 7 tỉ đồng.
Nhìn qua danh sách trên, chúng ta thấy sốc nhất và nổi nhất vẫn là Sơn La đòi xây tượng đài với cái giá 1400 tỉ đồng. Nhưng thấy gì qua các địa danh có những tượng đài và khu di tích trên? Ngoại trừ Sài Gòn, đó là những tỉnh nghèo nhất nước.
Xin minh chứng: số liệu của Ngân hàng Thế giới mới công bố cho thấy tỉ lệ dân nghèo như sau (2):
Sơn La: tỉ lệ nghèo 64%
Lai Châu: 76%
Tuyên Quang: 40%
Hà Giang: 71%
Điện Biên: 71%
Lào Cai: 57%
Hà Tĩnh: 22%
Nghệ An: 27%
Quảng Nam: 23%
Vĩnh Phúc: 12%
Quảng Ninh: 12%
Sài Gòn: 3%
Những số liệu trên đây cho thấy hai qui luật chung là tỉnh càng nghèo thì càng xây nhiều tượng đài hoặc khu di tích, và chi phí thuộc vào hàng đắt nhất. Chỉ có một ngoại lệ trong danh sách trên là Sài Gòn xây tượng chỉ tốn 7 tỉ đồng. (Thật ra, tôi dùng chữ "chỉ" là đáng bị ném đá). Còn một qui luật phụ nữa là các tỉnh có vẻ thích xây những tượng đài gì có liên quan đến CT HCM, có nơi như Nghệ An xây khu di tích thờ luôn cả chị em của ông! Qui luật hai này cho thấy ông cụ tuy qua đời đã lâu nhưng uy danh của ông vẫn có thể giúp các tỉnh nghèo có dịp kiếm chác. Chợt nhớ đến những vần thơ bất hủ của Tố Hữu khi thi sĩ Khóc HCM (3):
[...]
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
[...]
Bác đã lên đường theo tổ tiên
Mác - Lênin, thế giới Người hiền
Ánh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!
Tôi nghĩ các địa phương xây tượng CT HCM nên khắc những vần thơ này dưới chân tượng hay một nơi nào đó uy nghiêm nhất.
====





No comments:

Post a Comment