Sunday, July 26, 2015

Trung Quốc đang quay trở lại chế độ quyền lực trong tay một người? (Kerry Brown, The Diplomat)





Kerry BrownThe Diplomat
Phạm Nguyên Trường dịch
Posted on Jul 25, 2015

Richard J. Evans, nhà sử học ở Cambridge, trong tác phẩm viết về lịch sử của Đế Chế III (Đức quốc xã – ND) trích lời của Bộ trưởng tuyên truyền và giáo dục của chế độ, Joseph Goebbels. “Làm cho dân chúng hòa giải, không ít thì nhiều, với chế độ ta; đưa họ vào vị trí trung lập đối với chúng là chưa đủ”, kẻ mị dân này đã nói như thế vào năm 1933. “Chúng ta muốn cải tạo người dân cho đến khi họ trở thành nghiện chúng ta”.

Phải nói to và rõ ràng trước rằng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản không phải là Đế chế III. Nhưng hoạt động tuyên truyền, thuyết phục, và quyền lực thường là đặc điểm chung, xuyên suốt của các hệ thống, dù những hoạt động này có khác nhau đến mức nào. Làm cho người dân đi từ thái độ trung lập đến nghiện vẫn luôn được các cán bộ tuyên truyền ở Bắc Kinh ghi nhớ. Và nó đặt ra một số câu hỏi khó chịu về các cách hành xử với quyền lực mà chúng ta đang thấy ở những nhà lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc.

Nói rộng ra, có thể khẳng định rằng khế ước xã hội trong giai đoạn cuối thời Giang [Trạch Dân] và trong suốt giai đoạn Hồ [Cẩm Đào] ở Trung Quốc cho phép người dân giữ thái độ trung lập đối với Đảng và Nhà nước, chỉ cần họ không tích cực chống lại nó là được. Tôi nhớ, năm 1995, một đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Nội Mông (hồi đó tôi sống ở đấy) nói với tôi rằng không đồng ý và bất đồng với chế độ cầm quyền thì được, chỉ đừng làm gì hết. Kiếm sống, kiếm tiền, kinh doanh – trong quá trình cải cách tất cả không gian hoạt động mới đã được mở cửa. Tìm chọn lựa và làm kinh tế, tránh xa chính trị là được.

Nhưng từ đầu những năm 2000 thái độ hoài nghi và căng thẳng đã gia tăng đáng kể. Những sự cố có đông người tham gia và bất mãn xã hội nói chung gia tăng. Năm 2013, ngân sách chi cho an ninh nội bộ là một con số khổng lồ: 111 tỷ USD, hơn ngân sách quốc phòng tới 5 tỷ USD. Hoài nghi và thiếu vắng các giá trị – được nhà văn Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình nói tới – đã dẫn đến xã hội mà học giả Yu Jianrong mô tả là xã hội thống trị bởi “cơn thịnh nộ bị dồn nén”. Nhân dân có thể không phải là những người chống đối chế độ một cách quyết liệt, nhưng cũng không còn là trung lập nữa. Trung Quốc đã trở thành cái mà cuốn sách xuất bản năm 2009 mô tả là một nơi “không hạnh phúc”, mặc dù đã giàu có về mặt vật chất.

Với tất cả các lý do đó, xử lý những người dân không yêu Đảng và chính phủ sẽ là phần thưởng to lớn cho một nhà lãnh đạo mới, như Tập Cận Bình. Chỉ cần nhận được thêm một ít sự ủng hộ về mặt tình cảm của “nhân dân” là chế độ và các nhà lãnh đạo của nó đã an toàn hơn, và dễ sống hơn rồi. Giảm bớt ngân sách chi cho an ninh nội bộ là một trong những tác dụng có thể đo đếm được, nhưng còn nhiều tác dụng khác. Đây chắc chắn là một phần tư tưởng đằng sau các chiến dịch chống tham nhũng, trong khi chiến dịch này trở thành nỗi sợ hãi và kinh hoàng cho nhiều cán bộ, thì lại vẫn được dân chúng ủng hộ. Chống đối quyết liệt các nước láng giềng, như Nhật Bản và Việt Nam, thì cũng thế. Trong khi về mặt ngoại giao, các lân bang sẽ đáp trả, nhưng lại được người dân Trung Quốc ủng hộ. Người Trung Quốc, theo tôi biết, chưa bao giờ phản đối các nhà lãnh đạo vì thái độ cứng rắn đối với Nhật Bản – thực tế là hoàn toàn ngược lại.

Tập đã lợi dụng khá tốt tâm lý quần chúng. Việc ông có làm cho ai đó “nghiện” Đảng hay không lại là vấn đề khác, nhưng ông ta đã thuyết phục khá đông người có tình cảm nống ấm hơn đối với Đảng và với chức năng và nhiệm vụ của Đảng hơn là thời Hồ [Cẩm Đào]. Có lẽ đơn giản là Tập không có lựa chọn nào khác. Thái độ hoài nghi và phó mặc trong giai đoạn cuối thời Hồ [Cẩm Đào] có nguy cơ đưa Trung Quốc đến trì trệ và tha hóa ngang với thời Brezhnev ở Liên Xô. Đơn giản là không thể bền vững.

Nhưng đối với Đảng và đối với thế giới bên ngoài Trung Quốc, quả thực là có một nguy cơ. Bất chấp những lời lẽ đao to búa lớn hồi đầu những năm 2000 rằng Đảng đang lập lại trật tự trong bộ máy quản lý và thiết lập các thiết chế mạnh hơn trong nội bộ Đảng (được gọi dân chủ nội bộ), thậm chí ba năm sau khi Tập thể hiện phong cách dân túy, đường lối chính trị được lòng dân vẫn có sức cuốn hút rất lớn, và khả năng của Đảng trong việc xử lý nhà lãnh đạo đầy quyền lực và ngày càng tập quyền hơn tỏ ra là yếu đến mức đáng lo ngại.

Đây là kịch bản hoàn toàn khả thi. Trong năm năm, tới năm 2021, Tập đứng đầu một đất nước giàu hơn, mạnh hơn, nhiều cải cách mà ông đưa ra đã thành công. Chế độ pháp trị được áp dụng, Đảng trong sạch thêm, tăng trưởng ổn định, quyền sở hữu của tầng lớp trung lưu thành thị ổn định, môi trường tự nhiên tốt và cuộc sống đầy màu hồng. Tập là nhà lãnh đạo đầy sức mạnh, được lòng dân và có liên hệ trực tiếp với quần chúng. Mặc dù có những hạn chế trong hiến pháp, trong kịch bản giả định của chúng tôi, không có lý do chính trị nào để Tập không “lobby” dân chúng để ông ta tiếp tục nắm quyền. Nói cho cùng, cũng như trong các chế độ dân chủ, tại sao lại không thử thay đổi khi mọi sự đang tốt, và mọi người đều biết rằng có thể viết lại hiến pháp – hãy xem Putin của nước Nga! Nếu tuyệt đại đa số người dân liên kết những điều tốt đẹp với Tập chứ không phải với đảng của ông ta, thì khả năng “về hưu” của ông ta trong 2022-2023 sẽ không hợp lòng dân. Chính khách đầy sức mạnh (Tập đã thể hiện tất cả các dấu hiệu của một chính khách như thế) nào có thể thực sự cưỡng lại cám dỗ tiếp tục nắm quyền trong hoàn cảnh như thế?

Lúc này có lẽ Tập tự coi mình và cũng được mọi người coi là người đầy tớ chân thành và trung thành của Đảng. Nhưng quyền lực làm người ta thay đổi. Và trong năm năm nữa, ông ta cũng có thể trở thành một người hoàn toàn khác. Vì vậy, đây là câu hỏi cực kỳ đơn giản. Mặc cho tất cả sự đau khổ mà người ta phải chịu đựng dưới thời Mao và những bài học kinh nghiệm về hệ thống tập trung trong tay một người duy nhất, năm 2015 Đảng Cộng sản Trung Quốc thực sự đã có cơ cấu và thiết chế nhằm chống lại phong cách lãnh đạo của Tập, không để ông ta tiếp tục nắm quyền sau  năm 2022 và trở thành quyền lực tuyệt đối mới hay chưa? Đáng lo là câu trả lời cho câu hỏi này cũng có thể là “không” – và đó là tin xấu không chỉ cho người dân Trung Quốc, mà cho cả thế giới.
______
Kerry Brown là trưởng nhóm nghiên cứu Trung Quốc của châu Âu, do Cộng đồng châu Âu thành lập và là cộng tác viên của Chatham House ở London. Ông là tác giả cuốn The New Emperors (I.B. Tauris, 2014), viết về lãnh đạo của nước Trung Quốc hiện đại.







No comments:

Post a Comment