Friday, July 3, 2015

Nhật Bản nghênh tiếp lãnh đạo 5 nước vùng Mêkông (Trọng Nghĩa - RFI)





Trọng Nghĩa  -  RFI
Đăng ngày 03-07-2015 

Thủ tướng Nhật Bản và lãnh đạo 5 nước vùng Mêkông tại Thượng đỉnh Nhật Bản-Mêkông lần 7, ngày 03/07/2015.  REUTERS/Toru Hanai

Lãnh đạo năm nước vùng Mêkông đã tề tựu về Tokyo, chuẩn bị tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản-Mêkông lần thứ bảy mở ra vào ngày mai, 04/07/2015. Hãng tin Pháp AFP đã lồng hội nghị này vào trong bối cảnh Tokyo đang ra sức tăng cường sự hiện diện của mình trong một khu vực ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.

Như thông lệ, bên cạnh hội nghị toàn thể của lãnh đạo 6 nước Nhật Bản, Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan và Miến Điện, sẽ có một loạt những cuộc họp song phương. Nước chủ nhà đã không che giấu ý định thúc đẩy việc phát triển các quan hệ đối tác với các quốc gia Mêkông trong lãnh vực xây dựng « hạ tầng cơ sở chất lượng cao », như lời công nhận của ông Yoshihide Suga, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản.

Nói cách khác, Nhật Bản muốn gia tăng khối lượng đường cao tốc, hệ thống xe lửa và nhà máy điện bán qua các nước vùng Mêkông. Từ ngữ « chất lượng cao » được cho là nhằm đối lập với các sản phẩm Trung Quốc đang tràn ngập vùng Mêkông, thường bị coi là rẻ nhưng chất lượng kém. Quan hệ chặt chẽ giữa Nhật Bản với các nước khu vực sông Mêkông không phải là điều mới lạ. Theo ông Yoshinobu Yamamoto, giáo sư tại Đại học Tỉnh Niigata, « Tokyo vẫn có truyền thống duy trì quan hệ hữu hảo với các nước Mêkông, nơi vẫn là điểm đến quan trọng cho đầu tư Nhật Bản ».

Tuy nhiên, Tokyo đang lo ngại bị mất ảnh hưởng về tay Trung Quốc trong một khu vực mà Bắc Kinh ngày càng tăng cường sức mạnh tài chánh, cũng như ngoại giao để đánh bật Nhật Bản. Trong tình hình đó, theo giáo sư Yamamoto : « Hội nghị thượng đỉnh lần này nằm trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm duy trì các mối quan hệ quan trọng vào lúc Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực ».

Việc đẩy mạnh hợp tác với vùng Mêkông cũng nằm trong chính sách Đông Nam Á mới của Nhật Bản, theo đó Tokyo rất muốn được xem là một người khổng lồ hiền từ trong khu vực, và đang cố gắng xây dựng uy tín của một quốc gia đủ mạnh dạn để kháng lại Trung Quốc trong các tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền. Chính trong chủ trương đó mà Tokyo ngày càng lên tiếng mạnh mẽ hơn trong việc bênh vực các nước Đông Nam Á bị Bắc Kinh lấn lướt tại Biển Đông. Trong số năm quốc gia Đông Nam Á là thành viên cơ chế Thượng đỉnh Nhật Bản-Mêkông, Việt Nam là nước có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông.

----------------------

(RFI   21-04-2012)





 

No comments:

Post a Comment