25.7.2015
Chuyến đi thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã diễn ra và sau đó được bình luận khá sôi nổi ở trong nước
cũng như ngoài nước.
Ý kiến khen ngợi, vui mừng, đánh giá cao «chuyến đi
lịch sử» này không hiếm.
Ở trong nước, ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối
ngoại Trung ương đảng đánh giá «cuộc đi thăm chính thức đã thành công», «lòng
tin được xác lập», «với thịnh tình và chân tình». ông Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng
Viện nghiên cứu Bộ Ngoại giao còn «hãnh diện về chuyến thăm lịch sử», «vượt qua
mọi hy vọng, với 14 văn kiện được ký kết, mở ra triển vọng trong quan hệ giữa 2
nước trên các mặt thương mại, đầu tư, ngân hàng, giáo dục, hàng hải, an ninh».
(trên báo Đời sống và Pháp luật ngày16/7)
Bộ máy tuyên huấn của đảng tất nhiên cố tình thổi phồng
kết quả của chuyến đi thăm này, theo tập quán «tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại»,
dùng ngoa ngôn, xảo ngôn quen thuộc để thổi phồng kết quả, trong khi cuộc khủng
hoảng niềm tin của quần chúng vẫn có xu hướng gia tăng, cuộc sống dân thường đầy
khó khăn, nợ quốc gia tăng cao, giáo dục trì trệ, nền y tế xã hội tụt hậu, xã hội
mất an ninh, giao thông không an toàn, bất công xã hội mở rộng, nạn tham nhũng,
tệ hối lộ dai dẳng, mua quan bán tước công khai, trắng trợn. Bức tranh xã hội
khi Đảng CS chuẩn bị Đại hội XII vẫn một màu xám đậm, khi Báo cáo chính trị và
các văn kiện sẽ trình Đại hội vẫn một mực cưỡng bách toàn đảng và toàn dân
«kiên trì chủ nghĩa Mác- Lênin, kiên trì chủ nghĩa Xã hội và chủ nghĩa Cộng sản,
kiên trì chế độ độc đảng, kiên thì lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo» - 4 cái
gông tệ hại đã tròng vào cổ dân ta suốt 70 năm nay và là nguồn gốc chính của
muôn vàn đau khổ, tụt hậu, tàn phá và bất công.
Lúc này, toàn dân ta, nhất là các chiến sỹ đang đấu
tranh cho nhân quyền, dân chủ và tự do trong và ngoài nước cần hết sức tỉnh
táo, đánh giá đúng tình hình các sự kiện, không tô hồng, cũng không bôi đen,
đánh giá đúng tình hình thật sự, rút ra những kết luận thiết thực cho hành động
trước mắt để giành cho nhân dân ta những bước tiến mới của phong trào.
Quả thật mối quan hệ giữa «Hoa Kỳ - Dân chủ» với «Việt
Nam - Độc đoán» đã có một bước cải thiện đáng kể so với trước. Nhưng đó là những
bước tiến bộ khó khăn, còn rất hạn chế, chậm chạp, đầy trắc trở, rất xa dưới tiềm
năng, càng còn rất xa so với nguyện vọng của đông đảo người dân bình thường, của
giới trí thức dân tộc, của tuổi trẻ tinh hoa của đất nước, nhất là của lực lượng
dấn thân cho dân chủ.
Cần nhận rõ Tổng thống Barack Obama đã có một số
nhân nhượng chiến thuật đối với nhà lãnh đạo độc đảng toàn trị ở nước ta. Cần
nhận rõ quan hệ giữa một thể chế dân chủ và một thể chế độc đoán là mối quan hệ
đối lập, đối kháng về bản chất, không bao giờ thay đổi. Bạn bè có trăm loại bạn
bè - từ bạn bè thân thiết, chí cốt, liên minh chiến lược toàn diện gắn bó lâu bền
cho đến bạn bè chiến thuật tùy lúc, tùy vấn đề, cò kè mặc cả, cân nhắc lợi hại,
nhân nhượng qua lại với nhiều trắc trở khó khăn.
Tuy giữ một số nguyên tắc như không treo cờ 2 nước,
không bắn 21 phát đại bác, không duyệt đội quân danh dự, không thết quốc yến,
không ôm hôn thân thiết, cũng không mời nói chuyện trước Quốc hội Hoa Kỳ, Tổng
thống Mỹ đã nhân nhượng tiếp ông Trọng trong Tòa Bạch Ốc tuy ông Trọng không cầm
quyền từ lá phiếu cử tri. Lý do nhân nhượng là vì Hoa Kỳ đang có mối lo chiến
lược rất lớn là ngăn chặn sự nổi lên của đế quốc mới Cộng sản, bành trướng
Trung Hoa, thực hiện «chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương», nhằm
bảo vệ hòa bình, an ninh, tư do của nhân dân Hoa Kỳ và toàn thế giới. Hoa Kỳ lại
đang phải gánh vác trách nhiệm chống Nhà nước Hồi giáo IS ở Trung Đông, chống bọn
khủng bố quốc tế, đồng thời bảo vệ ổn định, hòa bình, an ninh hàng hải ở khu vực
Đông Nam Á.
Lẽ ra lãnh đạo đảng CSVN có thể tỏ ra thức thời, nắm
vững thời cơ, tận dụng chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ, thoả mãn những yêu cầu
hợp lý của Hoa Kỳ, như mạnh dạn từ bỏ lập trường phụ thuộc Trung Quốc từ sau sự
kiện Thành Đô năm 1990, trả tự do cho các nhà dân chủ đang bị cầm tù, tôn trọng
quyền lập công đoàn tự do của người lao động, sửa chữa những điều khoản trong bộ
Luật hình sự rất phi lý về cái gọi là «lợi dụng quyền tự do dân chủ», từ bỏ việc
coi kinh tế quốc doanh là chủ đạo để khuyến khích tư do cạnh tranh của các nhà
kinh doanh nhỏ, vừa và các nhà đầu tư quốc tế. Về cơ bản lãnh đạo VN chỉ khôn ngoan dùng từ ngữ mềm dẻo
dễ nghe để che giấu đường lối kiên trì thân Trung Quốc, Bắc thuộc và chế độ đảng
trị chống tự do dân chủ cố hữu.
Chính do sự nhu nhược ươn hèn, không dám thoát sự khống
chế dai dẳng của Bắc Kinh mà ông Trọng đã phải sang bái yết thiên triều trước
cuộc Mỹ du, và sau khi đi Mỹ về lại phải tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương
Cao Lê để tường trình.
Cũng do đó mà nhà báo Shawn W. Crispin (trên báo The
New York Times ngày 17/7) cho rằng thành tựu chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng là “chưa đáng kể, mới chỉ mang tính biểu tượng mà thiếu thực chất”,
việc bán vũ khí sát thương cho VN còn rất hạn chế, khả năng cung cấp thiết bị
công nghiệp quốc phòng chưa được rõ ràng, việc chung sức hoạt động quân sự chưa
được đặt ra. Tổng thống Obama vẫn nhắc đến vấn đề tôn trọng nhân quyền, thực
thi quyền dân chủ và pháp quyền là những vấn đề còn tồn tại để có thể đi xa hơn
nữa trong mối quan hệ giữa 2 nước. Vấn đề then chốt về kinh tế là công nhận VN
đã có “nền kinh tế thị trường” vẫn còn treo lơ lửng.
Tuy đã có 14 văn kiện được ký kết về các mặt giáo dục,
thương mại, ngân hàng, dầu khí, điện lực, thuế quan nhưng xem ra các công ty
kinh doanh Hoa Kỳ không mấy hứng khởi, vồ vập. Vẫn theo The New York Times (số
nói trên), khi tự do kinh doanh còn bị kinh tế chỉ huy khống chế, vấn đề thuế
khóa chưa minh bạch, luật pháp chưa nghiêm minh, tham nhũng, hối lộ còn nặng nề,
thì các nhà kinh doanh Hoa Kỳ khó có thể coi VN là mảnh đất thuận lợi, còn lâu
Hoa Kỳ mới có thể từ bỏ vị trí thấp, đứng thứ 7 trong các đối tác làm ăn với Việt
Nam, trong khi Trung Quốc vẫn nắm rất chặt nền chính trị, kinh tế, thương mại
và các khoản đầu tư lớn nhất về xây dưng cơ khí, hoá chất, thủy điện và nhiệt
điện, giao thông, trồng rừng, khai thác khoáng sản như bauxite trên khắp cả nước.
Vì những lẽ trên, kết luận rút ra qua chuyến đi của
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân dân ta cần rất tỉnh táo, không bị mê hoặc
bởi tuyên truyền ngoa ngôn của bộ máy tuyên huấn của Đảng CS, cần tạo nên sức
ép mạnh mẽ về nhu cầu cấp cấp bách Thoát Trung. Các nhà báo độc lập, các
blogger tự do, các tổ chức xã hội dân sự ngày càng lớn mạnh hãy tự tin kết hợp
chung sức đấu tranh kiên trì đòi tự do báo chí, tự do tôn giáo, trả tự do cho
các anh chị em còn trong tù, kiên trì đòi thay đổi hẳn hệ thống chính trị từ độc
đoán sang dân chủ, thay đổi hẳn đường lối đối ngoại từ phụ thuộc bành trướng
sang xoay kết bạn thân thiết toàn diện với Hoa Kỳ và các nước dân chủ toàn thế
giới. Đó là con đường sống, con đường phát triển trong độc lập, tự do, bình đẳng,
hạnh phúc và văn minh.
Không có một con đường nào khác. Hơn lúc nào hết, đất
nước ta cần một sức ép xã hội mạnh mẽ của công luận. Đây mới là yếu tố quyết định.
* Blog của Nhà báo
Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của
Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
---------------------------
Tin
liên hệ
No comments:
Post a Comment