Wednesday, July 29, 2015

Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ VIII Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ (Ỷ Lan - RFA)





Ỷ Lan, thông tín viên RFA
2015-07-2

Bộ trưởng Ngoại giao San Salvador trao lá cờ của Cộng Đồng các Quốc gia Dân chủ cho Ông Tom Malinowski, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ VIII của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ họp tại thủ đô San Salvador từ ngày 21 tới ngày 24 tháng 7.   RFA PHOTO/Ỷ Lan

Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ VIII của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ họp tại thủ đô San Salvador từ ngày 21 tới ngày 24 tháng 7 vừa qua. Chủ đề của Hội nghị là Dân chủ và Phát triển.

Tám trăm người về phó hội, bao gồm 75 Phái đoàn các chính phủ cấp Bộ trưởng và đại diện các Xã hội dân sự của 60 quốc gia.

Chiến tranh làm ngăn cản tiến trình dân chủ

Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ ra đời năm 2000 do sáng kiến của hai vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Ba Lan bà Madeleine Albright và ông Bronislav Geremeik. Từ đó trở về sau, mỗi hai năm Hội nghị họp một lần để đánh giá tiến trình dân chủ cũng như vạch kế hoạch thăng tiến dân chủ trong toàn thế giới. Các hội nghị trước đây đã được tổ chức tại những quốc gia vừa bước sang con đường dân chủ, như Nam Hàn, Mông Cổ ở Á châu, Chili ở Nam Mỹ, Mali ở Phi châu, Lithuania, Ba Lan ở Châu Âu, và kỳ này tại San Salvador, Trung Mỹ.

Bản tuyên bố chung của các xã hội dân sự tại lễ bế mạc đã được Cộng đồng các quốc gia dân chủ triệt để hậu thuẫn, cho thấy các phái đoàn chính phủ đặc biệt quan tâm xem xã hội dân sự như lực lượng chủ yếu trong tiến trình dân chủ hóa toàn cầu.

Tình hình thế giới hiện nay xấu đi vì những tranh chấp, chiến tranh, nạn khủng bố, làm ngăn cản tiến trình dân chủ. Nên đặc biệt ở Hội nghị kỳ này đã có sự lên tiếng của các nhân vật trọng yếu như ông Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki Moon hay Tổng thống Hoa Kỳ Obama.

Trong băng video gửi tới Hội nghị Ông Ban Ki Moon nhận xét rằng:

“Nói chung, dân chủ đang bừng lên. Nhưng trong một số các quốc gia trong thế giới, quá trình dân chủ đang bị thụt lùi. Các thiết chế dân chủ bị xói mòn. Quyền độc lập tư pháp và tự do báo chí bị tấn công. Không gian dành cho xã hội dân sự bị thu hẹp, có nguy cơ bị biến mất. Cộng đồng các quốc gia dân chủ và LHQ đang cùng đứng chung và đối diện với những thách thức như thế.”

Tổng thống Obama kêu gọi qua băng video:

“Chúng ta hãy cùng nhau đẩy lùi và chống lại những ai siết bóp tiếng nói ôn hòa của người công dân và xã hội dân sự. Chúng ta kiện toàn các thiết chế dân chủ. Chúng ta mở rộng vòng tay liên minh cho bất cứ ai hoạt động cho hòa bình, phát triển, nhân quyền và dân chủ. Đây là điều mà Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đang nỗ lực trong sự đối tác với tất cả các bạn hội họp hôm nay. Đây cũng là điều mà Hoa Kỳ hân hạnh đảm đương làm Chủ tịch cho nhiệm kỳ Cộng đồng các quốc gia dân chủ hai năm tới đây.”

Bà Maria Lessner, cựu Đại sứ Thụy Điển về Dân chủ, đương kim Tổng thư ký Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ cho biết cảm tưởng của bà:

“Tôi rất vui mừng, đặc biệt là sự tham gia sống động của xã hội dân sự. Điều này chứng minh cho sự cam kết của tất cả các quốc gia mở cánh cửa cho những người đại diện các xã hội dân sự trong toàn thế giới, bất kể họ đến từ đâu. Bởi vì căn nhà dân chủ mà chúng ta gầy dựng, với mọi cánh cửa được mở toang, đón tiếp đón mọi người hoạt động cho dân chủ, và cũng bởi vì tất cả chúng ta đều cùng chia sẻ chung các giá trị dân chủ.”

Trong cuộc tiếp xúc riêng với Đài Á châu Tự do, ông Tom Malinowski, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, cho biết tầm quan trọng của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ đối với Hoa Kỳ:

“Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ cho chúng ta thấy là tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do chọn lựa người lãnh đạo những giá trị mà nhân dân, các quốc gia và các chính phủ trong thế giới ôm ấp. Tại hội nghị này có sự hiện diện các chính phủ đến từ Châu Phi, Châu Á, Châu Âu, Bắc và Nam Mỹ. Tất cả họ cam kết làm việc chung tại LHQ cũng như mọi chính sách đối ngoại thể hiện những giá trị dân chủ.”

*

Ỷ Lan: Kể từ lễ bế mạc tối nay, Hoa Kỳ sẽ đảm trách chức Chủ tịch Cộng đồng các quốc gia Dân chủ cho nhiệm kỳ hai năm tới. Hoa Kỳ sẽ tập trung vào mục tiêu nào, và sẽ củng cố hay hoàn tất điều gì trong nhiệm kỳ này?

Tom Malinowski: “Điều thứ nhất, chúng tôi khuyến thỉnh các quốc gia dân chủ cùng có tiếng nói chung để bảo vệ các giá trị mà chúng tôi cùng chia sẻ. Chúng tôi mong muốn cùng với Cộng đồng các quốc gia dân chủ tiến tới việc bảo vệ các nhà hoạt động cho dân chủ, các xã hội dân sự trong các quốc gia đang muốn vươn tới viễn tượng dân chủ. Và chúng tôi khuyến khích thêm các quốc gia khác gia nhập Cộng đồng các quốc gia dân chủ. Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó Việt Nam sẽ trở nên thành viên của Cộng đồng này, khi mà quần chúng ở Việt Nam được toàn quyền đóng vai trò quyết định cho tương lai của xứ sở họ.”

Tham gia Hội nghị với tư cách Ủy viên Ban Thường vụ Quốc tế các Xã hội dân sự thuộc Cộng đồng Ủy viên Ban Thường vụ Quốc tế các xã hội dân sự thuộc Cộng đồng Quốc tế các quốc gia dân chủ, các quốc gia dân chủ, đồng thời cũng là đại biểu Cơ sở Quê Mẹ: Hành động cho Dân chủ Việt Nam, ông Võ Văn Ái cho biết cảm tưởng:

“Tôi rất phấn khởi với hội nghị này, nhất là điều thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của các phái đoàn chính phủ đối với xã hội dân sự. Sự hậu thuẫn này là tin vui cho các xã hội dân sự đang phải đương đầu với những khó khăn, áp bức và khủng bố tại các quốc gia còn độc tài toàn trị như Việt Nam. Tôi tin trong thời gian không xa, LHQ sẽ có quyết nghị hậu thuẫn bản Tuyên bố chung của các Xã hội dân sự đưa ra tại lễ bế mạc Hội nghị.”
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do, tường trình từ San Salvador.







No comments:

Post a Comment