Thụy My - RFI
Đăng ngày 27-06-2015
Luật
sư Lê Quốc Quân, một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi bật tại Việt Nam
cho AFP biết tiếp tục các hoạt động chống Trung Quốc xâm lược, khi ra khỏi trại
giam hôm nay 27/06/2015 sau hai năm rưỡi ngồi tù vì tội danh trốn thuế.
Ông Lê Quốc Quân, một blogger Công giáo và là luật
sư, đã ra khỏi nhà tù ở Quảng Nam sáng nay và gặp gỡ các thành viên gia đình
lâu nay vẫn đấu tranh đòi trả tự do cho ông. Trả lời hãng tin Pháp AFP bằng tiếng
Anh, ông nói : « Tôi rất vui mừng » và cho biết sẽ đến thẳng một
bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.
Người luật sư 43 tuổi đã năm lần tuyệt thực trong
tù, lần gần đây nhất kéo dài 14 ngày và chấm dứt vào ngày 24/6.
Luật sư Quân hứa hẹn tiếp tục các hoạt động chống
Trung Quốc đã khiến chính quyền bực tức. Về hành động bồi đắp, xây các đảo nhân
tạo tại Biển Đông của Bắc Kinh, ông cho biết :« Tôi hết sức quan ngại trước
việc Trung Quốc xâm lấn biển đảo của Việt Nam. Mỗi ngày tôi đều cầu nguyện cho
chủ quyền nước Việt không bị xâm phạm » và nói thêm, ông nóng lòng được
đọc các tin tức sau thời gian dài bị cắt đứt với thế giới bên ngoài.
Với tư cách blogger, ông Lê Quốc Quân viết về nhiều
đề tài nhạy cảm như các quyền dân sự, đa đảng và tự do tín ngưỡng, đã bị giam cầm
từ tháng 12/2012. Bản án vì tội trốn thuế dành cho ông hồi tháng 10/2013 đã bị
Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ, và các tổ chức bảo vệ nhân quyền tố cáo là mang động cơ
chính trị. Nhà hoạt động này cũng tích cực tham gia loạt biểu tình chống Trung
Quốc năm 2011 trước các hành động xâm lăng của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Việt Nam đã phải vất vả tìm cách giữ thăng bằng giữa
những chỉ trích dữ dội trong nước trước thái độ quyết đoán của Trung Quốc trong
khu vực, và quan hệ chặt chẽ lâu nay với các lãnh đạo Bắc Kinh. Các cuộc biểu
tình chống Trung Quốc tại Hà Nội đôi khi được làm ngơ, mà theo các nhà phân
tích, như một thông điệp gởi đến Bắc Kinh. Nhưng chính quyền cũng thường trấn
áp thô bạo, bắt giữ những người biểu tình.
AFP nhận xét, một tấm ảnh của luật sư Lê Quốc Quân
được em trai ông là Lê Quốc Quyết đăng trên Facebook hôm nay cho thấy ông Quân
tuy ốm hơn nhưng có vẻ khỏe khoắn, đang tươi cười ôm lấy người thân, chỉ sau
hai tiếng đồng hồ đã thu hút được 1.500 like. Ông nói với hãng tin Pháp, việc bỏ
tù ông là một « thất bại của tư pháp », và ông muốn giúp đỡ những
người có tình cảnh tương tự vẫn đang phải chịu đựng trong tù. Blogger này luôn
bác bỏ các cáo buộc đối với mình.
Việt Nam thường bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền và
các chính phủ phương Tây tố cáo thái độ cứng rắn đối với các nhà ly khai, vi phạm
tự do tôn giáo. Nhưng Hà Nội đang tìm cách siết chặt quan hệ ngoại giao và
thương mại với cựu thù Mỹ, để làm đối trọng trước sức ép ngày càng lớn của Bắc
Kinh tại Biển Đông, nên có vẻ hòa dịu hơn trước những tiếng nói chỉ trích trong
nước.
Năm ngoái, sau khi Bắc Kinh ngang nhiên đưa giàn
khoan Hải Dương Thạch Du 981 đến vùng biển Hoàng Sa, các cuộc biểu tình chống
Trung Quốc đã nhanh chóng biến thành bạo động. Một số nhà máy ngoại quốc bị
phóng hỏa, ít nhất hai công nhân Trung Quốc thiệt mạng.
Việt Nam còn là đối tác đang tham gia đàm phán Hiệp
định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm thành lập khu
vực tự do mậu dịch khổng lồ, vốn là dự án ưu tiên của Hoa Kỳ. Tổng bí thư Đảng
Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ lên đường công du Mỹ tháng tới. Đây là
chuyến viếng thăm Hoa Kỳ đầu tiên của một lãnh đạo đảng.
Một dấu hiệu khác cho sự thay đổi trong quan hệ :
Washington mới đây đã ca ngợi những « tiến bộ » về nhân quyền
tại Việt Nam, nói rằng số tù nhân lương tâm từ 160 trong năm 2013 nay chỉ còn
khoảng 100 người, và « về mặt chính thức », «hầu như không có ai » bị
truy tố về các hoạt động hay phát biểu mang tính chính trị trong năm nay.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của
Human Rights Watch cho biết không nghĩ rằng việc phóng thích luật sư Lê Quốc
Quân có quan hệ với đàm phán TPP, vì ông Quân đã phải chấp hành toàn bộ bản án.
Ông Robertson nói : « Nhưng sẽ là điều tốt nếu chính phủ Mỹ dùng ảnh hưởng
của mình để yêu cầu Việt Nam từ nay chấm dứt sách nhiễu ông Quân, để cho ông được
thực hiện các quyền của mình mà không có sự ngăn trở hay trả thù nào ».
No comments:
Post a Comment