02:53:am 30/05/15
http://www.danchimviet.info/archives/96112/mot-dat-nuoc-khac-trong-dau-cua-gioi-tre-viet-nam/2015/05
Chính thức là một nước độc đảng theo xã hội chủ
nghĩa, nhưng thật ra là một xã hội hỗn loạn chạy theo đồng tiền – 40 năm sau
ngày chiến tranh chấm dứt, Việt Nam đã trải qua bao thăng trầm. Ðất nước này
phát triển theo hướng nào sẽ còn tùy vào sự chuyển đổi thế hệ sắp tới.
Vào những ngày xuân ở Hà Nội hơi ẩm lạnh thấm vào quần
áo đến nỗi mọi người cảm thấy co ro. Một cảm giác không diễn tả được, lưng chừng
đâu đó giữa ấm và lạnh, giống như trong thành phố này, đất nước này, nói tóm lại
tất cả đều không có gì nhất định cả.
25 năm trước đây, lúc tôi rời nơi chôn nhau cắt rốn,
Việt Nam vẫn còn là một nước thời hậu chiến. Kể từ đó, cứ mỗi lần trở về quê
hương, tôi có cảm tưởng như đến một đất nước khác, thấy phố phường lạ, những
toà nhà mới, nếp suy nghĩ của mọi người cũng khác đi. Ðiều duy nhất còn lại là
sự thay đổi không ngừng và sự hoài nghi thường trực.
Đường
xá chừng như bị xuất huyết
Mùa xuân năm nay tôi chứng kiến một sự thay đổi như
thế. Chạy xuyên qua thành phố, tôi đã thấy những con đường với hàng cây đã bị đốn
ngã. Ngổn ngang trên đường xá là những thân cây mầu đỏ xậm, thoạt trông tưởng
chừng như huyết mạch đang tuôn chảy. Tôi hỏi bác tôi, ông nói người ta đã quyết
định đốn 6700 cây trong số 29600 cây của thành phố. Phía chính quyền nói rằng
có nhiều cây đã già và hư mọt, cây nhiều loại khác nhau làm xấu thành phố, cần
phải thay bằng những cây mới thuần nhất.
Nhưng nơi nào cây bị đốn, nơi đó để lại hình ảnh
không khác gì như một bãi hoang và từ lâu rồi người dân ở nước này không còn
tin các nhà chính trị nũa. Tướng Võ Nguyên Giáp, viên tướng đã chiến thắng quân
Pháp và qua đời 2 năm trước đây là người cuối cùng còn có được sự tin tưởng của
nhân dân. Chính ông đã chỉ trích sự sa sút giá trị trong xã hội lúc còn sinh thời.
Người dân Hà Nội nghi ngờ rằng các quan chức tham nhũng đứng phía sau, lần nầy
muốn bán phi pháp số gỗ quý từ các hàng cây đã có hằng trăm năm nay, hoặc dọn
chỗ trống cho các dự án xây cất. Họ tỏ ra vô cùng phẩn nộ, đã vận động phản đối
trên Facebook cũng như tổ chức các vụ biểu tình phản kháng trên đường phố, một
điều hiếm xảy ra trong một nước xã hội chủ nghĩa.
Một
xã hội của đồng tiền đầy hỗn loạn
Tôi hỏi bác tôi có phải đó là dấu hiệu của xã hội
dân sự đang dấn thân mạnh lên và có sự thay đổi nào đó về chính trị phải không.
Nhưng bác tôi khuơ tay. Chống lại mấy người chính trị không làm gì được đâu, họ
muốn làm gì thì họ cứ tự tiện làm. Và mọi người ở đây từ nhiều năm qua không
thèm đếm xỉa gì đến chính trị nữa. Không phải là họ không tha thiết đến chính
trị, nhưng sự bất lực đã làm tê liệt ý chí hành động và phản ứng ít khi bộc
phát. Về mặt chính thức Việt Nam là một nước độc đảng theo xã hội chủ nghĩa,
nhưng trong thực tế, đất nước này có một xã hội hỗn độn chỉ biết chạy theo đồng
tiền.
Tình trạng mất trật tự, nạn tham nhũng lan tràn, sự
kiểm soát của nhà cầm quyền, một thời kỳ Pháp thuộc và cả ngàn năm dưới sự đô hộ
của Trung quốc, tất cả đã để lại dấu tích trong sự suy nghĩ chính trị và cách
hành xử của con người. Người Việt Nam đang tìm đường né tránh nhà cầm quyền. 40
năm sau khi chiến tranh chấm dứt, Việt Nam nay đã trở thành một đất nước khác.
Ðiều này người ta thấy rõ nhất ở thành phố HCM mà ai
cũng gọi là Sài Gòn. Nơi đây, có vẻ như quá xa giai cấp quyền lực nên nếp sống
của thành phố gần như ở Tây phương. Sự thật không hoàn toàn như vậy nếu ngẩng mặt
nhìn lên. Các hàng cây treo đầy dẫy những chuỗi đèn trang trí lòe loẹt với cờ
Việt Nam và cờ Việt Cộng đóng khung bởi vòng hoa đào và chim hoà bình, chuẩn bị
cho lễ hội ăn mừng kỷ niệm chiến tranh chấm dứt. Tôi hỏi ông lái taxi có phải tất
cả mọi chuyện này đều hơi lố bịch hay không. Không trả lời câu hỏi của tôi,
nhưng ông ta cho tôi cảm nhận sự khinh bỉ của ông trong suốt chuyến đi xuyên
qua các con đường mang tên những vị anh hùng, anh thư của Việt Nam chẳng khác
nào miền Bắc như Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi hoặc Hai Bà Trưng, những nhân vật mà ở
Việt Nam ngày nay không một ai buồn để ý đến.
Hình
ảnh chiến tranh vẫn còn trong tâm khảm
Ở Tây phương từ lâu không còn ai biết đến nước Việt
Nam nữa. Nó đồng nghĩa với sự phát động một cuộc chiến với nhiều sai lầm và
hình ảnh chiến tranh tiêu biểu cho sự khốn khổ. Hình ảnh nhà tu tự thiêu của
Malcolm Browne, hình đứa bé gái bị cháy bỏng vì bom Napalm của Nick Ut, hình chụp
một cảnh sát miền Nam xử tử một người Việt cộng hoặc cảnh thảm sát Mỹ Lai của
Ronald Haeberle. Những hình ảnh tiêu biểu cho đất nước tôi qua nhiều thập niên.
Chính những ống kính này đã bắn tan nát chính nghĩa của cường quốc Hoa Kỳ.
Ở Ðức khi tôi bắt đầu kể về Việt Nam thì bố mẹ các bạn
tôi thường nói về những hoạt động phản chiến trong thời thanh niên của họ, bị
kích động từ những hình ảnh đó. Và hành động chính trị trong tuổi thanh niên của
chính tôi, cũng còn nhớ về phong trào phản chiến ngày xưa, dẫn đến thái độ chống
Mỹ cũng như phản đối cuộc chiến ở A Phú Hãn và Iraq của tôi. Ðiều mà họ không
nói ra là sau đó Việt Nam chỉ còn là hình bóng của một cuộc chiến trong tâm tưởng
của họ.
Trong
câu chuyện của cha mẹ tiếng bom đạn của thời thơ ấu vẫn còn vang vọng
40 năm trước, sau khi Sài Gòn thất thủ và tiếp theo
là sự thống nhất của 2 miền Nam Bắc, Việt Nam biến mất khỏi tầm mắt của dư luận
thế giới. Quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam để lại một đất nước bị bom đạn tàn phá,
đầy bãi mìn và bị tác hại bởi chất khai quang. Họ để lại một đất nước mà các đế
quốc đã khơi dậy cuộc nội chiến Bắc-Nam, giữa những người có quyền lực mới và
và giới tiểu tư sản cũ, trong những dòng họ, hậu quả là những người khác chính
kiến tiếp tục bị đàn áp. Cuộc chiến kế tiếp với Trung quốc năm 1979, sự cô lập
với thế giới do chính sách cấm vận của Mỹ cũng như việc mất viện trợ từ Liên Xô
đã làm cho Việt Nam hoàn toàn xuất huyết.
Mãi đến khi chính sách đổi mới đưa ra năm 1986, mở cửa
kinh tế thị trường và Hoa Kỳ hủy bỏ cấm vận năm 1994, Việt Nam mới bắt đầu phát
triển. Lúc tôi rời Việt Nam, dấu vết của cuộc chiến vẫn còn thấy ở khắp nơi.
Cũng như phần lớn dân chúng Việt Nam tôi đã không phải sống qua thời chiến.
Nhưng vào thập niên 90 cái gì cũng thiếu thốn không khác gì thời hậu chiến,
trong thành phố cũng như thôn quê vẫn còn những khu vực đầy dẫy mìn, trong các
câu chuyện mà cha mẹ tôi kể lại vẫn còn vang vọng tiếng bom đạn của thời thơ ấu.
Giữa
quá khứ và tương lai
Cho dù tàn tích của chiến tranh có phai nhạt đi
nhưng vẫn chưa mất hẳn sau 40 năm. Qua hình dáng tật nguyền của anh bà con của
tôi do hậu quả chất khai quang bỏ xuống vùng mà cha của các anh làm việc ngày
xưa, tôi thấy tàn tích chiến tranh vẫn còn đó cho đến ngày nay, và có lẽ mỗi
gia đình Việt Nam vẫn thấy như vậy. Trên các phố phường vẫn còn đầy dẫy loa
tuyên truyền của nhà nước mà không còn ai nghe, guồng máy vận hành của chính
quyền không hiệu quả càng tạo thêm nhiều bấp bênh trong đời sống.
Ðất nước nơi tôi sinh ra đang đứng lơ lửng ở đâu đó
giữa hôm qua và ngày mai. Các thành phố là cả một sự hỗn loạn, cách làm ăn kinh
tế tư bản lan tràn khắp nơi trên một đất nước gọi là xã hội chủ nghĩa, biển quảng
cáo nhiều đến độ người ta không còn thấy nhà cửa đâu nữa. Sự phát triển ở đây
giống hệt như các thành phố mở mang vô trật tự, như những đường phố tràn ngập
xe gắn máy. Một cuộc cách mạng sẽ không xảy ra bởi vì chính quyền chỉ nhượng bộ
vừa đủ để dân chúng không nổi dậy. Và mặc dù các tướng lãnh già vẫn còn chễm chệ
giữ những chức vị quan trọng trong bộ máy nhà nước, nhưng trong đầu óc của thế
hệ trẻ từ lâu đã có một đất nước khác.
Thế hệ trẻ là những người đã lớn lên trong hoàn cảnh
tương đối khá giả. Nhiều người trong số này được huấn luyện ở nước ngoài, một số
khác là Việt kiều hồi hương. Chính những nhân sự vừa kể sẽ tạo dấu ấn lên đất
nước này nhiều hơn là các thành phần lãnh đạo cũ. Và Việt Nam có thay đổi ra
sao, câu hỏi này tùy thuộc sự chuyển đổi thế hệ sẽ diễn ra trong những năm sắp
tới.
Nguyên bản tiếng Đức trên Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ), một tờ báo hàng đầu của CHLB Đức:
Quynh
Tran. Vietnam – In den Köpfen der Jungen ein
anderes Land, FAZ 30.04.2015
Trần
Huê dịch
Bản tiếng Việt do Diễn
Đàn VN 21 gửi đăng
No comments:
Post a Comment